Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt (NXB Trẻ) là tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp được tuyển chọn theo vấn đề về những sự kiện, nhân vật lịch sử quen thuộc. Tuy nhiên, do tác giả tiếp cận dưới góc nhìn mới khiến người đọc thích thú bởi giọng văn điềm nhiên, dửng dưng vốn có. Ngoài truyện ngắn cùng tựa, còn là các truyện như Chút thoáng Xuân Hương; Trương Chi; Mưa Nhã Nam; Thương cả cho đời bạc... Cách viết của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đọc lại ta vẫn thấy lạ. Mở đầu Mưa Nhã Nam, ông viết:
“Ở Nhã Nam, tháng Tư có mưa.
Tôi sẽ kể chuyện này cho anh, vì anh, anh bạn bởi đến năm mươi tuổi anh sẽ thành ông lão.
Tôi sẽ kể chuyện này cho chị, vì chị, chị bạn ạ, bởi đến bốn mươi tuổi chị sẽ trở thành bà lão.
Tôi sẽ kể chuyện này cho cậu, cậu câm miệng , cậu còn trẻ quá, cậu là thằng ngốc.
Tôi sẽ kể chuyện này cho cô, vì cô sẽ đi lấy chồng. Lúc ấy chỉ toàn những nhọc nhằn thôi, không ai kể chuyện cho cô nghe cả.
Ờ Nhã Nam, tháng Tư có mưa. Chuyện thế này...Một câu chuyện nhỏ về Hoàng Hoa Thám”.
Thỉnh thoảng, ông lại đưa ra những “định nghĩa” ngộ nghĩnh mà thâm trầm, chẳng hạn: “Thi sĩ là người thế nào? Tiếc thay một số ít lại là những vị thánh bị bôi bẩn trong đám đông phàm phu tục tử mạnh mẽ lịch sử, nhiều tri thức và đầy kiều hãnh. Chúng tôi bán tín bán nghi về những cuộc đời bê bối, vớ vẩn và thê thảm của đôi người nhưng những cái gì thiếu mập mờ và khẳng định được đâu có phải thơ? Je ne peux plus vous faire d’autres cadeaux que ceux de cette lumière sombre… (Tôi chẳng thể hiến tặng gì ngoài ánh hào quang tăm tối ấy… (Louis Aragon)”.
Hoặc trongThương nhớ đồng quê, thỉnh thoảng chen vào những câu thơ như: “Tôi đạp xe ra ga. Từ làng tôi đến ga tám chín cây số. Lâu lắm tôi mới đi xa thế này.
Con đường đất men theo rìa làng, qua đình làng, qua đầm sen rồi theo bờ mương ngược về huyện ly. Tôi nghĩ. Những ý nghĩ của tôi mông lung.
Tôi nghĩ
Tôi nghĩ về sự đơn giản của ngôn từ
Sự bất lực của hình thức biểu đạt
Mà nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất
Sự vô nghĩa trắng trợn đầy mặt đất
Những số phận hiu hắt đầy mặt đất
Bao tháng ngày trôi đi
Bao kiếp người trôi đi…”
Với truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp nhận xét: “Tạo nên những lịch sử giả, khi thì hướng về đời sống thị thành qua các "huyền thoại phố phường", khi thì tìm về "đồng quê" để tìm hiểu các bài học nhưng đúng ra, Nguyễn Huy Thiệp đang nói đến thì hiện tại, đến hôm nay. Ngay cả khi trở lại các truyền thuyết xa xưa, nhà văn vẫn đang nói về thời mình, triết lý về thời mình, từ đó mở rộng đến những giá trị vĩnh hằng bằng cái nhìn không né tránh hiện thực dù đó là thứ hiện thực cay đắng nhất”.
Có thể những truyện ngắn này nhiều người đã đọc, nhưng lần tái bản này được chọn lọc theo chủ đề và in trên giấy đẹp, trình bày trang nhã thì cũng là cái thú của người ham đọc sách.
H.C
(Nguồn: Phụ Nữ Tp.HCM)