Với 9 cuốn 'Truyện và kịch bản phim kinh điển', độc giả có thể tìm hiểu những tác phẩm đã đi vào lịch sử nghệ thuật thứ bẩy như ‘Casablanca’, ‘Forrest Gump’.
Đây đều là những tác phẩm quen thuộc với những ai yêu thích điện ảnh. Tuy nhiên, không nhiều người biết được những câu chuyện phía sau hậu trường, quá trình sản xuất hay việc lựa chọn các diễn viên ra sao mà đa phần là xem trên màn ảnh. Trong cuốnKỳ nghỉ hè ở Roma- bộ phim kinh điển có sự tham gia của huyền thoại màn bạc Audrey Hepburn, người đọc được gặp lại cô công chúa châu Âu kiêu kỳ và chàng nhà báo người Mỹ ở thành Roma nhưng là qua những câu chữ đầy gợi hình và mang chất lãng mạn rất rõ nét.
Trên cơ sở nội dung của bộ phim được coi là “lãng mạn số một của điện ảnh thế giới”, cuốn tiểu thuyết của tác giả Odette Ferry tái hiện quãng thời gian hạnh phúc của nàng công chúa Ann khi du lịch tới thành Roma của Italy và nảy nở tình cảm với Joe Bradley, chàng nhà báo điển trai người Mỹ. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là những hình ảnh đen trắng đầy cổ điển, nên thơ trong bộ phim với hai diễn viên chính là Gregory Peck và Audrey Hepburn. Lối tả đầy mơ mộng của Odette Ferry còn đưa người đọc du lịch tới những ngả đường cổ kính đầy mê hoặc thành Roma vào năm 1953.
Cuốn sách thứ hai cũng đưa khán giả đến với một câu chuyện tình nổi tiếng khác, nhưng mang màu sắc bi kịch hơn và có bối cảnh tại thành phố huyền thoại ở Bắc Phi - Casablanca. Đó cũng chính là tên bộ phim nằm trong số tác phẩm được xem nhiều nhất của nhân loại. Trong cuốn này, người đọc sẽ được tìm hiểu về quá trình làm phim, các bài bình luận, phân tích giá trị củaCasablancavà kịch bản xuất sắc với những câu thoại đắt giá như “We’ll always have Paris” hay “Play it, Sam. Play ‘As time goes by’”…
Trong hơn 250 trang,Casablanca - Bộ phim huyền thoạiđưa khán giả đến với thành phố biển xinh đẹp của đất nước Ma-rốc để chứng kiến câu chuyện tình tay ba trong thời chiến với những biến động phức tạp của tâm lý con người, từ sự lãng mạn tới mức ủy mị của tình yêu đến sự giễu nhại về giá trị nhân phẩm. Không gian, bối cảnh, những nụ hôn, những câu nói đi vào lịch sử của các nhân vật được thể hiện qua chất văn chương mỹ lệ tạo nên sức hút lớn đối với những ai từng yêu thích Casablanca trên màn ảnh.
Cuốn thứ ba -Bức thư của người đàn bà không quen- lại là hai câu chuyện, bao gồm Bức thư của người đàn bà không quen và 24 giờ trong đời một người đàn bà đều từng được dựng thành phim. Mô tả sự lãng mạn đặt trong thế giới đầy bi kịch, cuốn sách này mang tới những dư vị ngọt - đắng về tình yêu, về mối tình đơn phương, khắc khoải của những người phụ nữ mà không được đáp lại. Ngoài hai câu chuyện trên, cuốn sách còn giới thiệu về nhà văn Stefa Zweig và bộ phim chuyển thể từ Bức thư của người đàn bà không quen.
Ngọt ngào, tinh tế và lãng mạn nhất trong số những cuốn đã phát hành có lẽ làKhi Harry gặp Sally. Bộ phim này đã gắn liền với tên tuổi của minh tinh Meg Ryan và là một cho những tác phẩm chuẩn mực cho thể loại Rom-Com (tình cảm hài) sau này ở Hollywood cũng như trở thành một hình mẫu cho những thủ pháp hài hước, giễu nhại trong điện ảnh. Hai bộ phim được nhiều khán giả trẻ yêu thích trong năm qua làNo Strings AttachedvàFriends With Benefitscũng chịu ảnh hưởng rất nhiều từ ý tưởng củaKhi Harry gặp Sally.
Ngoài kịch bản phim với những câu thoại hài hước, dí dỏm đặc trưng trong phim tình cảm hài Hollywood,Khi Harry gặp Sally còn giới thiệu về quá trình thực hiện phim, bao gồm cả việc ban đầu Meg Ryan không được chọn đóng vai Sally và cô phải đã thuyết phục nhà sản xuất ra sao với khả năng diễn hài của mình. Khi đọc kịch bản, độc giả sẽ hiểu vì saoKhi Harry gặp Sallycó thể trở thành một tác phẩm “kinh điển”. Với những ai yêu thích dòng phim hài, lãng mạn thì đây là một cuốn sách thú vị và rất đáng để đọc.
Có màu sắc nặng nề và tăm tối nhất là cuốn Chuyến tàu mang tên dục vọng của Tennesse Williams. Bộ phim với sự tham gia của hai huyền thoại Marlon Brandon và Vivien Leigh đã trở thành tác phẩm của những biểu tượng nhục cảm Hollywood. Chuyến tàu điện trong phim cũng trở thành một biểu tượng về tham vọng, khao khát của con người ở một thời đại bị đồng tiền chế ngự. Cuốn sách mang một cái nhìn tổng thể nhất về bộ phim này, thông qua kịch bản, phần tự sự của tác giả Tennesse Williams và những cột mốc quan trọng nhất củaChuyến tàu mang tên dục vọng.
Cuốn thứ sáu trong bộ sách này là Bữa sáng ở Tiffany’s xuất bản dịp Giáng sinh vừa qua. Đây là bộ phim đã biến minh tinh Audrey Hepburn trở thành một biểu tượng thời trang bất tử trên màn bạc với phong cách đầy quý phái, quyến rũ nhưng vẫn mang nét nghịch ngợm, thơ ngây.Bữa sáng ở Tiffany’sgiành hai giải Oscar vào năm 1962 dành cho Nhạc phim và Bài hát trong phim hay nhất (Moon River). Cuốn sách này đặc biệt dành cho những ai theo trường phái văn học lãng mạn cổ điển.
Sách về điện ảnh ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều và khán giả đôi khi chỉ có thể “xem” một bộ phim chứ không có dịp được “đọc” nó qua những câu chuyện hậu trường, nguồn gốc ý tưởng hay kịch bản thế nào. Nhà văn Nguyễn Trương Quý cho biết các cuốn sách trong bộ Truyện và kịch bản phim nổi tiếng thế giới đều ưu tiên thể loại Rom-Com bởi đây là dòng phim dễ tiếp cận với độc giả hơn cả. Trong tương lai, anh và NXB Trẻ cũng dự định xuất bản những cuốn sách về điện ảnh được thực hiện song ngữ để độc giả có thể so sánh.
Trong quý I năm nay, NXB Trẻ xuất bản ba cuốn sách tiếp theo trong bộ này, bao gồm Truyện và kịch bản của các phimVà Chúa đã tạo ra đàn bà, Dạo bước trên mâyvàForrest Gump.Đại lộ hoàng hôndự kiến là cuốn thứ 10 trong bộ sách này.
Nguyên Minh
(Nguồn: evan.vnexpress.net)