Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

“Truyện ngắn trải nghiệm” của Phạm Ngọc Tiến
Cập nhật ngày: 31/10/2013

Bìa sách ghi rõ là tập truyện ngắn, nhưng nhà văn Phạm Ngọc Tiến khẳng định trong phần tự bạch rằng Người cha buôn hàng chuyến (Nhà xuất bản Trẻ) của ông không phải tác phẩm hư cấu. Không hư cấu, vậy là thật, mà chuyện thật của nhà văn thì thường gây tò mò.

3 truyện ngắn như 23 phóng sự, ghi chép, hoặc như kịch bản văn học của 23 bộ phim ngắn. Chúng thật tự nhiên, thật đời, như tái dựng cuộc sống của tác giả với những biến cố, sự kiện, con người từ năm tháng chiến tranh sang thời hòa bình, từ lúc đói khổ đến khi no đủ… Đọng lại trong các câu chuyện của Phạm Ngọc Tiến là những nhân vật thật cá tính. Đó là bác Gấm, người vẫn chửi luôn mồm vì mất đất nhưng cuối đời bỏ qua hết, thanh thản ra đi, trong Về thôi nguyên quán; là người con gái không quen nấp chung hầm trú bom cá nhân chật chội cùng những đụng chạm “măng tơ tuổi 17”, để lại cho tác giả “một mối tình lớn” mãi về sau trong Tiếng của thời gian; là người cha say khướt nhưng dạy người con trai bài học về tài sản lớn chính là hai bàn tay trắng, trong truyện ngắn được lấy làm tên cuốn sách…

Tác giả mải miết kể, như chỉ sắp xếp bố cục để chuyện đời trở thành truyện ngắn. Cũng chẳng có kỹ thuật gì được sử dụng, như tác giả tự nhận, đó là những trang viết không màu mè tô vẽ, thậm chí không cả chữ nghĩa văn chương: “Tôi chọn cách viết như thuở đầu tập tọe đến với văn chương. Viết bằng những nỗi niềm mình trải nghiệm, viết bằng những gì mình biết, mình hiểu, mình cảm, mình sống”. Nhà văn cho biết: “Người cha buôn hàng chuyến không hư cấu, nhưng nó không phải là tự truyện. Nó đích thực là những truyện ngắn có cấu tứ, có đầu cuối, có nghệ thuật. Tôi không biết gọi nó là gì đành tạm coi đó là những truyện ngắn trải nghiệm. Có thể đúng có thể sai, có thể hay có thể dở, nhưng những gì trong tập sách hoàn toàn là cuộc đời tôi, một nhà văn đã đi gần hết phần đời thực của mình bằng chính những gì mình có”.

Theo  Mai Liên - Báo Phụ Nữ

Các Tin Tức Khác