Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Chìa một bàn tay
Cập nhật ngày: 20/10/2011

Trên một bãi biển vắng người ở Nigeria, cuộc đời của một phụ nữ da trắng châu Âu và một cô gái da màu châu Phi đã va vào nhau đầy định mệnh, và một trong hai người đã buộc phải ra một quyết định khốc liệt.

Đó là nơi bắt đầu câu chuyện Bàn tay cứu mạng (*), một tiểu thuyết được viết ra với mong muốn “nhân đạo hóa” vấn đề gây nhức nhối ở xã hội châu Âu: người tị nạn.

Những cuộc sống ở thì bị động

Bàn tay cứu mạng được kể bằng giọng của hai người phụ nữ, Sarah – chủ biên tạp chí người Anh có cuộc sống đáng mơ ước, và Ong Nhỏ - cô gái châu Phi chứng kiến gia đình và bộ tộc của mình bị truy sát trong cuộc chiến tranh giành dầu mỏ. Khi những diễn biến về cuộc gặp gỡ của Sarah và Ong Nhỏ lần lượt hé mở, cũng là lúc sự thật trần trụi và khủng khiếp về thân phận người tị nạn từ vùng xung đột được phơi bày.

Ong Nhỏ đã nói ở đầu truyện: “Tin tôi đi, sẹo không hình thành trên kẻ sắp chết. Một vết sẹo có nghĩa là “tôi đã sống sót”. Mỗi nhân vật trong Bàn tay cứu mạng đều có một vết sẹo. Mười sáu tuổi, Ong Nhỏ đã sống sót với một quá khứ mất mát và một tâm hồn chằng chịt sẹo.

Thấp thoáng trong truyện là những nhân vật với số phận bi đát tương tự. Đó là Yvette, cô gái đến từ Jamaica, nơi mà chọn sai phe chính trị đồng nghĩa với việc sống không bằng chết. Đó là cô gái không tên kể về cái chết của gia đình mình bằng tập tài liệu được xác nhận. Đó là cô mặc sari vàng với “một vết sẹo ngang cổ, thắt nút và ngoằn ngoèo quanh khí quản cô, như thể không chịu rời đi. Như thể nó nghĩ rằng vẫn còn cơ hội kết liễu cô”.

Những người phụ nữ tị nạn như Ong Nhỏ đều có cuộc sống ở thì bị động. Ở quê nhà, họ là nạn nhân của những cuộc xung đột bất kể phần thắng thuộc về ai. Trên đất khách quê người, họ sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ, không biết mình sẽ bị trục xuất lúc nào. Họ sống sót nhưng sống sót đầy bất an.

Và những kẻ quan sát chẳng liên can...

Ở thế giới đối lập với họ là Sarah, người làm chủ cuộc đời mình với một công việc thời thượng trong một tạp chí thời trang, một gia đình hạnh phúc với cậu con trai 3 tuổi đáng yêu. Sarah có tất cả nhưng cô cũng là một người tị nạn. Xét ở một khía cạnh nào đó Sarah đáng thương hơn cả Ong Nhỏ, vì kẻ cô cần chạy trốn không phải là toán người cầm súng mà là phần xấu xa, ích kỷ trong chính con người cô, khi phải lựa chọn giữa làm một người tốt hay thủ thân trước cái ác.

Cleave thừa nhận ở điểm này, Sarah là hình mẫu tiêu biểu cho những người như ông. “Tôi từng đặt mình vào vị trí kẻ quan sát phẫn nộ - và chẳng liên can, nhưng rồi nhận ra những người như tôi thường là một phần của vấn đề. Tôi bắt đầu nghĩ đến cuộc sống của mình, nó khá dễ dàng, và vì thế cũng khá dễ dàng để phớt lờ những đau khổ của người khác”.

Chris Cleave là người phụ trách chuyên mục bình luận trên báo The Guardian. Đọc Bàn tay cứu mạng, có thể nhận thấy rõ sự chỉ trích của ông đối với hệ thống nhà tù giam người tị nạn của Anh, nơi mà Ong Nhỏ mô tả là “lạnh cắt da cắt thịt. Những năm tháng lạnh lẽo ấy đã đóng băng trong lòng tôi. Cô bé châu Phi bị họ nhốt ở trại giam người nhập cư, cô bé tội nghiệp, nó chưa bao giờ thực sự trốn thoát. Trong tâm hồn tôi nó vẫn bị nhốt ở đó, vĩnh viễn, dưới ánh đèn huỳnh quang”.

Quyển sách còn đánh động thái độ bàng quan của xã hội Anh dành cho người tị nạn. Bàn tay cứu mạng bắt đầu bằng trích dẫn từ một báo cáo của Bộ Nội vụ Anh nhan đề “Vương quốc Anh: Hành trình đến quyền công dân”.

Đoạn trích viết: “Nước Anh tự hào về truyền thống cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những người trốn chạy khỏi cảnh khủng bố và xung đột”. Điều đáng nói là trong bản gốc, chữ “trốn chạy” bị viết sai chính tả (fleeting thay vì fleeing). “Nếu một chính phủ không thể phát hiện nổi một lỗi chính tả trong văn bản quan trọng như thế, thì làm sao chúng ta có thể tin là chính phủ đó nghiêm túc trong việc giải quyết thủ tục tị nạn?”.

Cleave chọn kể chuyện bằng hai nhân vật, vì “đây là câu chuyện của hai thế giới: thế giới phát triển và thế giới đang phát triển”. Ông đã chỉ ra rằng để nối liền hai thế giới đó, đôi khi tất cả những gì ta cần làm là chìa một bàn tay.

Bàn tay cứu mạng đã được đề cử giải Costa Book Awards 2008 và giải thưởng Nhà văn Khối thịnh vượng chung năm 2009. Câu chuyện đang được chuyển thể thành phim, với vai Sarah do diễn viên Nicole Kidman thể hiện.

LA AN

(Nguồn: Tuổi Trẻ Cuối tuần)

__________

(*): Nguyên bản: The other hand; tác giả: Chris Cleave, Thi Trúc dịch, NXB Trẻ ấn hành tháng 9-2011.

Các Tin Tức Khác