Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Thả một con thuyền sang với Nguyễn Bích Lan
Cập nhật ngày: 12/07/2011

Lần đầu tôi biết Nguyễn Bích Lan là qua truyện Vườn Chuối. Bị hấp dẫn, đọc một mạch liền, và ghi nhớ. Một phụ nữ tật nguyền dành hết trắc ẩn của mình cho một gã tự cai nghiện bằng cách nhai chuối bẹ. Đặt hai bi kịch ấy cạnh nhau, thêm một cái kết không tươi sáng mà vẫn khiến cho người đọc tin yêu con người. Tác giả hẳn là một cô gái trẻ, học vấn vững, và rất có nghề. Trong viết văn, nói một người viết trẻ có nghề là khen tặng và nể trọng. Như xem một diễn viên mới, cách anh ta xuất hiện, những ngón diễn và cả kiểu anh ta cúi chào, sẽ biết anh ta là nghệ sĩ tiến xa hay không.

Nguyễn Bích Lan là phát hiện của báo Tuổi Trẻ và Con gái là truyện đầu tiên in từ tháng 3 năm 2009. Là truyện đầu tay nhưng Con gái không xoàng. Nhân vật trong truyện là “thần đồng lúc 6 tuổi - thần đồng chăm em”. Đáo để lắm. Truyện không chỉ mô tả một thân phận “hy sinh đời chị, chuẩn bị cho đời em” mà còn bạo dạn đề nghị phụ nữ nói chung hãy “xét lại phép tính hy sinh” của mình. Tiếng nói của thế hệ trẻ có khác. Qua từng truyện ngắn, chân dung tác giả rõ dần: dữ dội, từ tốn, chua xót. Và Không gục ngã - như tựa bài báo đã viết về cô trước đó.
Sống trong chờ đợi nhiều dấu ấn tự truyện, chắc chắn đã khiến độc giả thú vị lẫn tò mò. Tôi bắt đầu thấy khâm phục, cảm giác từng có với Phan Thị Vàng Anh và Nguyễn Ngọc Tư. Tất nhiên Nguyễn Bích Lan có một cuộc đời rất khác. Nguyễn Bích Lan dịch giả có 23 đầu sách đã in. Nguyễn Bích Lan bị bệnh nan y từ năm 13 tuổi, từng không bưng nổi chén cơm cho mình. Có cần đặt vào tình cảm người đọc sự thương cảm hay động viên không? Không, như vậy là không công bằng với một tài năng - cho dù tài năng đó đang sống trong một cơ thể chỉ còn nặng có 28 kg! Phần thưởng được in tháng 6 cùng năm 2009 đó và nó đúng là một phần thưởng với tôi. Truyện mô tả một khoảnh khắc của hai thầy trò trong một cuộc thi, điển hình. Trò mua thầy, chuyện ấy nhan nhản, nhưng người đọc đã bị tác giả cuốn vào một cuộc đua. Không đau đớn thế nhân, không dựng nổi câu chuyện này và không cao tay, không khí truyện sẽ không nghẹt thở như vậy. Có gì đâu, bóng tối và ánh sáng, lương tri và bất lương. Nhưng mà vẫn tuyệt vời ám ảnh.

Nguyễn Bích Lan tiếp tục cho ra Người trong bão, Láng giềng, Sông vắng. Cho thấy giác quan thứ bảy, giác quan trời cho ở những nhà văn từ đau khổ mà ra, rất rõ, rất trầm. Một cảnh hộ đê trong đêm tối, một con người xả thân trong lúc cận kề chết và những phận người “chán đến giận cả sông lẫn cát”... Miền sáng tác là nông thôn đồng trũng và những phận người gian truân. Cũng đã thấy một Nguyễn Bích Lan đáng gờm với những truyện ngắn ngắn để thay đổi thủ pháp. Hy vọng và Kẻ đạo thơ là hai đơn cử. Hiện đại và ẩn dụ, như hai vệt sáng vút lên. Riêng Người cha điếc thì tác giả thực sự đã “lên chiếu trên”, cách mà văn giới xếp loại để chỉ những tác giả có thương hiệu và đang được trông chờ. Không dưng mà truyện được chọn gửi đi tham dự Diễn đàn phát triển văn học, văn hóa và hòa bình ở Israel. Một thiên truyện xuất sắc về chiến tranh.

In xen trong 13 truyện ngắn là những bài thơ được chia theo từng mảng. Mảng quê, mảng mùa, mảng ký ức, mảng tâm tình, mảng thế sự... Nguyễn Bích Lan có làm thơ ư? Thêm một ngạc nhiên nữa cho độc giả đấy. Nhưng mà, một người như vậy, một người “khi buồn tôi nghĩ đến người khác còn đang phải buồn hơn mình” thì phải có thơ mới hết những ngày dài như vô tận của mình. Rất nhiều bài sẽ được thích, nhất là mảng quê và mảng mùa, lấp lánh vui lấp lánh hình ảnh như muôn đời nông thôn và tình người đã vậy. Lại có những bài về tình yêu mà một trái tim ốm yếu sẽ không cất nổi những ngôn từ reo vui đến thế. Và dĩ nhiên, rất nhiều những câu thơ sâu nặng về nỗi buồn. Buồn thầm sợ nắng buồn lây/ sợ mây đổ bóng gió gầy đứt cơn/ nụ cười như mảnh áo sờn/ rưng rưng che đậy nỗi buồn thịt da!/ buồn thầm buồn của mình ta/ tìm ai chia sẻ sợ là buồn chung /nhện buồn thì nhện giăng mùng/ ta buồn ta gửi tơ chùng vào thơ/ biết còn buồn được bây giờ/ mai kia dẫu chút buồn hờ cũng không!

Thế hệ trẻ của Nguyễn Bích Lan, không ít người xem đổi mới thủ pháp là lẽ tồn tại, một số người khác có mọi thứ, tài năng, lợi thế và may mắn. Với Nguyễn Bích Lan, tiếng Anh như một thứ ánh sáng tinh thần và Internet đã giúp cô bước ra, hai thứ như đôi nạng của một cuộc đời. Chưa tìm tòi cao xa, chưa có những bài thơ gây sửng sốt nhưng vị trí truyện ngắn của cô đã có. Hãy hào hứng đón nhận một nữ nhà văn trẻ vừa cổ điển vừa tân kỳ, một con người phi thường với ý nghĩa đẹp nhất của từ này xét về hoàn cảnh, nghị lực và sự cống hiến.
Vớt lên trăm sự đã rồi
Chỉ mong vớt được chính tôi một lần

Nguyễn Bích Lan sợ chưa vớt được chính mình lên khỏi cái hố bi kịch cá nhân. Thực ra nhà văn đã vớt lên được rất nhiều điều, cho tôi, cho bạn, và cho độc giả trong thời buổi viết được một truyện hay hoặc làm được một bài thơ đáng đọc thật khó, phải, không hiểu sao bây giờ những người viết lâu năm lại thấy khó viết hơn bất cứ giai đoạn nào. May mà có những tác giả xa khuất, miệt mài như Nguyễn Bích Lan.
DẠ  NGÂN
Các Tin Tức Khác