Nuôi dưỡng tâm hồn - khơi nguồn tri thức

Góp Ý

Ký ức giáng sinh - Trích trong quyển Bữa sáng ở Tiffany
Cập nhật ngày: 23/12/2011

Hãy hình dung một buổi sáng vào cuối tháng Mười một. Một sáng chớm đông hơn hai mươi năm trước. Hãy ngắm căn bếp một ngôi nhà cũ rộng rãi ở tỉnh lỵ. Nổi bật nhất là cái bếp lò to tướng, đen bóng, nhưng cũng có cả một chiếc bàn tròn lớn và một lò sưởi với hai chiếc ghế xích đu đặt phía trước. Hôm nay là ngày đầu tiên cái lò sưởi bắt đầu réo lên khúc mùa đông của nó.

Một người đàn bà với mái tóc bạc xén gọn đang đứng cạnh cửa sổ bếp. Bà đi một đôi giày tennis và mặc cái áo len lụng thụng màu xám trùm ra ngoài chiếc váy hoa sặc sỡ mùa hè. Bà nhỏ người nhưng hoạt bát, giống như một con gà mái ri[1], nhưng vì một trận ốm kéo dài hồi trẻ, hai vai bà khom lại một cách tội nghiệp. Gương mặt bà rất đặc biệt, hơi xương xẩu giống mặt Lincoln, sạm màu nắng gió, nhưng nó cũng rất thanh tú, có nét, mắt bà nâu vàng màu rượu sherry và bẽn lẽn. “Ôi chao,” bà thốt lên, hơi thở phà khói lên kính cửa sổ, “Trời này làm bánh trái cây được rồi đây!”

Bà đang nói với tôi. Tôi bảy tuổi, bà khoảng sáu mươi. Chúng tôi là chị em họ rất xa, nhưng sống cùng nhau – lâu như tôi có thể nhớ được. Chủ nhà là những người họ hàng khác, và dù họ có quyền đối với chúng tôi, thường xuyên làm chúng tôi phải khóc, nhưng chúng tôi không phải lúc nào cũng quan tâm đến họ. Chúng tôi là bạn thân nhất của nhau. Bà gọi tôi là Buddy, để tưởng nhớ người bạn thân nhất của mình trước kia. Ông Buddy đó chết khoảng năm 1880, khi bà vẫn còn là một đứa trẻ. Và bà vẫn là đứa trẻ.

“Chị biết ngay trước khi ra khỏi giường cơ,” bà nói, quay ra khỏi cửa sổ với vẻ phấn chấn đầy chủ ý trong mắt. “Cái chuông tòa án tiếng nghe rất lạnh và rõ. Chim chóc không hót nữa, chúng nó bay hết đến xứ ấm rồi, và quả nhiên vậy. Ồ, Buddy, đừng có nhồi nhét bánh bích quy nữa và kiếm cái xe đẩy của mình đi. Giúp chị tìm cái mũ. Mình phải nướng ba mươi cái bánh đấy.”

Năm nào cũng thế, vào một buổi sáng tháng Mười một, như thể chính thức mở màn mùa Giáng sinh trong năm, cái mùa náo nức khuấy động trí tưởng tượng và thổi bùng ngọn lửa trong tim, bà chị tôi lại cao giọng gọi “Trời này làm bánh trái cây được rồi! Kiếm cái xe đẩy của mình đi. Giúp chị tìm cái mũ.”

Đã tìm thấy mũ, một cái mũ rơm to như bánh xe cài những đóa hoa hồng bằng nhung đã bạc vì mưa nắng: trước kia nó là của một người họ hàng ăn diện hơn. Chúng tôi cùng mang xe, một cái xe nôi trẻ con sứt càng gãy gọng, ra ngoài vườn và đi vào khóm cây hồ đào. Cái xe nôi là của tôi; tức là nó được mua cho tôi lúc tôi mới đẻ. Nó được uốn bằng cây liễu gai, khá là xơ xác và các bánh xe loạng choạng như chân gã say sượu. Nhưng nó là một vật trung thành, mùa xuân, chúng tôi đẩy nó vào trong rừng và chất đầy lên đó nào hoa, thảo dược, dương xỉ dại để trồng vào những chậu cây trên hiên, mùa hè, chúng tôi chở một xe đồ đi picnic, những cần câu cá bằng mía và kéo xuống bờ sông, mùa đông nó cũng được việc: biến thành xe kéo củi đốt từ sân vào trong bếp, làm cái giường ấm áp cho Queenie, con chó săn chuột nhỏ xíu, dũng cảm, lông trắng pha vàng của chúng tôi, nó đã sống sót qua trận sốt ho virus và hai lần bị rắn chuông cắn. Giờ thì Queenie đang chạy lon ton bên cạnh xe.

Ba tiếng sau, chúng tôi trở lại bếp để bóc vỏ một xe đầy hồ đào rụng vì gió. Lưng chúng tôi ê ẩm vì nhặt hồ đào: chủ vườn đã rung cây thu hoạch và bán hết vụ, những quả còn sót lại thật khó kiếm, nằm lẫn trong đám lá che phủ và đám cỏ băng giá đến nản lòng. K-rắc! Âm thanh răng rắc vui tai như những mảnh vụn của một tiếng sét bé xíu khi lớp vỏ vỡ ra, nhón lấy cái hạt trắng ngà, béo ngậy, ngọt ngào và thả mẩu vàng ròng ấy vào bát thủy tinh đựng sữa. Queenie thèm thuồng liếm mép, thỉnh thoảng, bà chị lại lén quẳng cho nó một mẩu trong khi cứ khăng khăng là chúng ta không được phép ăn. “Mình thì không được, Buddy. Nếu mình bắt đầu thì không dừng được đâu. Và khiếp chưa. Những ba mươi cái bánh.” Gian bếp tối dần. Hoàng hôn biến cái cửa sổ thành một tấm gương: bóng hai chị em lẫn với vầng trăng đang nhô lên khi chúng tôi làm việc bên bếp lò trong ánh lửa. Cuối cùng, khi trăng lên khá cao, chúng tôi ném những cái vỏ cuối cùng vào lửa và thở phào sung sướng, nhìn nó bắt lửa bùng lên. Cái xe đẩy trống không, còn bát thì đầy ắp.

Chúng tôi ăn bữa tối (bánh quy lạnh, thịt lợn muối, mứt dâu) và bàn bạc chương trình ngày mai. Hôm sau bắt đầu công việc mà tôi khoái nhất: mua bán. Anh đào và chanh, gừng, vani và dứa hộp Hawaii, vỏ cây, nho khô, hạt dẻ và rượu whisky và ồ... cơ man nào là bột, bơ, trứng, gia vị và hương liệu các loại, đến mức chúng tôi phải thuê cả một con ngựa con kéo cái xe đẩy về nhà.

Nhưng trước khi mua bán thì phải có tiền. Cả hai chúng tôi chẳng ai có xu nào. Trừ vài khoản bủn xỉn mà mấy người ở nhà này xì ra cho (mười xu đã là ghê gớm lắm rồi), hoặc chúng tôi tự kiếm được nhờ làm mấy thứ như phụ bán hàng gây quỹ từ thiện, bán những giỏ dâu tự hái, những lọ mứt, mứt táo và đào nhà làm, kết vòng hoa cho đám ma và đám cưới. Một lần trong cuộc thi tìm hiểu về bóng đá toàn quốc, chúng tôi đoạt giải thứ bảy mươi chín, được năm đô la. Chẳng phải vì chúng tôi biết quái gì về bóng đá cả. Đơn giản là hai chị em cứ xông vào bất kỳ cuộc thi nào mà mình nghe nói đến: hiện giờ thì hi vọng của chúng tôi đặt hết cả vào Giải thưởng Lớn năm mươi ngàn đô để đặt tên cho một nhãn hiệu cà phê mới. (chúng tôi đề nghị là “Sáng”, và sau một lúc ngần ngừ, vì bà chị tôi nghĩ có lẽ nó hơi báng bổ, sửa thành khẩu hiệu “Sáng! Sáng danh Chúa!”). Thật ra mà nói, thương vụ thực sự hời nhất của chúng tôi là làm hướng dẫn cho Bảo tàng Ngộ và Quái trong cái lều chứa củi ở sân sau mùa hè hai năm trước. Ngộ là cái máy chiếu hình phóng đại những tấm ảnh Washington và New York mà một người họ hàng cho chúng tôi mượn (bà ta giận điên lên khi phát hiện ra vì sao chúng tôi mượn nó); Quái là con gà mái ba chân do gà nhà chúng tôi ấp nở ra. Ở đây ai cũng muốn xem con gà mái đó: chúng tôi lấy người lớn năm xu, trẻ con hai xu. Và chúng tôi kiếm được những hai mươi đô trước khi bảo tàng đóng cửa vì không còn người xem nữa.

Nhưng bằng cách này hay cách khác, hàng năm chúng tôi đều gom góp những khoản tiết kiệm Giáng sinh để gây Quỹ Bánh Trái Cây. Số tiền này chúng tôi giấu trong cái ví xưa cũ kết bằng hạt để dưới tấm ván sàn bị long dưới cái bô ở gầm giường bà chị tôi. Cái ví hiếm khi được lôi ra khỏi vị trí an toàn của nó trừ khi để bỏ tiền vào, hoặc vào mỗi thứ Bảy để rút tiền ra, vì thứ Bảy tôi được phép lấy mười xu đi xem phim. Bà chị tôi chẳng bao giờ đi đến đó, mà cũng không định đi: “Nghe em kể lại thích hơn, Buddy ạ. Như thế chị có thể tưởng tượng ra nhiều hơn. Hơn nữa, ở tuổi của chị chẳng nên phí mắt làm gì. Để khi Chúa đến, chị còn nhìn Người cho rõ.” Ngoài việc không bao giờ đi xem phim, bà còn không bao giờ: đi ăn nhà hàng, đi đâu cách nhà quá năm dặm, nhận hay gửi điện tín, đọc bất kỳ cái gì trừ mấy tờ báo hài hước và Kinh Thánh, trang điểm, nguyền rủa, muốn hại ai đó, cố tình nói dối, đuổi chó đói đi không cho ăn. Cũng có những thứ bà đã làm là: dùng cuốc giết chết một con rắn chuông lớn nhất từng thấy ở hạt này (có mười sáu con), hít thuốc lá (bí mật), quyến rũ chim ruồi (cố thử) đến khi nó đậu trên ngón tay, kể chuyện ma (hai chúng tôi đều tin ở ma) sợ đến lạnh người dù đang trong tháng Bảy, nói chuyện một mình, đi dạo trong mưa, trồng những cây hoa trà đẹp nhất thị trấn, biết công thức tất cả các bài thuốc cổ xưa của người da đỏ, kể cả cách xóa mụn cơm đầy ma thuật.

Giờ đây, sau khi ăn xong bữa tối, chúng tôi nghỉ ngơi trong căn phòng ở một phần rất xa của ngôi nhà, nơi bà chị tôi ngủ trên một chiếc giường sắt sơn màu hồng, màu bà yêu thích nhất, phủ tấm trải khâu bằng vải vụn. Khẽ khàng, đắm mình trong một âm mưu đầy hân hoan, chúng tôi lôi cái ví ra khỏi chỗ bí mật của nó và đổ các thứ bên trong ra tấm chăn phủ giường. Những tờ đô la quấn tròn lại và xanh ngắt như chồi cây tháng Năm. Những đồng năm mươi xu thẫm màu, đủ nặng để bỏ lên hốc mắt người chết. Sinh động nhất là những đồng mười xu đáng yêu, chúng thực sự kêu lanh canh. Đồng năm xu và hai nhăm xu mòn nhẵn như đá cuội trong lòng suối. Nhưng phần lớn là một đống đáng ghét những đồng một xu đượm mùi cay đắng. Mùa hè năm ngoái, những người khác sống trong nhà thỏa thuận trả một xu cho chúng tôi mỗi lần giết được hai mươi nhăm con ruồi muỗi. Ôi, tháng Tám mùa tàn sát: những con ruồi muỗi bay lên thiên đường! Đấy không phải là công việc mà chúng tôi lấy làm tự hào. Và khi ngồi đếm những đồng một xu, cứ như thể chúng tôi đang trở lại với bảng thống kê xác ruồi muỗi. Cả hai không ai biết tính; chúng tôi đếm rất chậm, quên mất, rồi tính lại từ đầu. Theo tính toán của bà thì chúng tôi có 12,73 đô. Theo tôi thì vừa tròn 13 đô. “Chị mong là em tính sai, Buddy ạ. Mình không thể ẩu với số 13 được đâu. Bánh sẽ bị rơi. Hoặc ai đó bị chết. Tại sao à, thậm chí chị sẽ chẳng mơ bước chân ra khỏi giường vào ngày thứ mười ba đâu.” Đúng thế thật: ngày mười ba bà luôn nằm tịt trong giường. Vì thế, để được an toàn, chúng tôi rút ra một penny và ném nó qua cửa sổ.

Trong số các nguyên liệu để làm bánh trái cây thì whisky là đắt nhất, mà cũng khó kiếm nhất: luật của bang cấm bán nó. Nhưng ai cũng biết có thể mua một chai ở chỗ ông Haha Jones. Và hôm sau, xong việc mua sắm những thứ bình thường hơn, chúng tôi tìm đến địa chỉ bán hàng của ông Haha, một quán “tội lỗi” (theo ý kiến quần chúng) bán cá rán, cà phê kiêm nhảy nhót ở hạ lưu sông. Chúng tôi đã từng đến đấy, với cùng một mục đích, nhưng những năm trước, chúng tôi mua bán với vợ của Haha, một bà người da đỏ đen sẫm như iốt với mái tóc nhuộm ôxy già màu đồng thau và tính khí thất thường mệt cả người. Thực ra chúng tôi chẳng bao giờ để mắt đến ông chồng, mặc dù nghe đồn là ông ta cũng người da đỏ. Một vết sẹo khổng lồ, cắt bằng dao cạo, chạy ngang mặt ông ra. Người ta gọi ông ta là Haha vì ông ta lúc nào cũng rầu rĩ, chẳng bao giờ cười. Chân chúng tôi bước chậm lại khi đến gần quán cà phê của ông ta (một cabin bằng gỗ rộng, từ trong ra ngoài kết hàng dây những bóng đèn trần trụi, màu sặc sỡ vui mắt, nó đứng bên mép sông đầy bùn, dưới bóng cây cành lá đầy rêu như bọc trong sương mù xám). Ngay cả Queenie cũng thôi nhảy dựng lên và đứng nép bên cạnh. Đã từng có người bị giết trong quán cà phê của Haha. Cắt thành nhiều mảnh. Tháng sau có một vụ được đưa ra tòa xử. Tất nhiên sự việc diễn ra vào đêm, khi ánh sáng màu hắt ra những hình thù điên rồ và cái máy hát Victrola rền rĩ. Còn ban ngày thì quán của Haha trông tồi tàn, quạnh quẽ. Tôi gõ cửa, Queenie sủa, còn bà chị thì gọi: “Bà Haha, bà ơi? Ai có nhà không?”

Tiếng bước chân. Cửa mở ra. Tim chúng tôi lộn ngược. Chính là ông Haha. Và ông ta là một gã khổng lồ, có sẹo, và không cười. Ôi không, ông ta nhìn chúng tôi trừng trừng bằng cặp mắt xếch của Satăng và vặn hỏi: “Các người muốn gì ở Haha?”

Trong khoảng khắc, chúng tôi tê liệt không nói nên lời. Mãi bà chị tôi mới lấy lại được nửa hơi, gắng sức thì thào: “Ông làm ơn, ông Haha, chúng tôi muốn mua một lít rượu whisky hảo hạng nhất của ông ạ.”

Mắt ông ta càng xếch ngược lên. Có thể tin nổi không? Haha đang cười. Cười phá lên nữa! “Ai ở đây là người uống đấy?”

“Là để làm bánh trái cây thưa ông Haha. Để nấu ạ.”

Điều này làm ông ta tỉnh trí lại. Ông ta cau có. “Không được phép phí phạm whisky ngon.” Dù sao, ông ta cũng rút vào bóng tối của quán càphê và vài giây sau quay lại, mang theo một chai rượu không nhãn mác, màu vàng hoa cúc. Ông ta chỉ vào những cái tăm của nó sủi lên trong ánh nắng rồi bảo: “Hai đô la.”

Chúng tôi trả ông ta bằng những đồng năm xu, mười xu và một xu. Đột nhiên, để những đồng xu lanh canh trong tay như một nắm xúc xắc, gương mặt ông ta dịu xuống: “Tôi bảo này,” ông ta đề nghị, trút lại số tiền vào trong cái ví kết bằng hạt của chúng tôi, “chỉ cần mang cho tôi một cái bánh trái cây là được.”

“Chà,” bà chị tôi nhận xét trên đường về nhà “ông ấy thật dễ mến quá. Mình sẽ cho thêm một cốc nho khô vào cái bánh của ông ấy.”

Cái bếp lò đen bóng đun củi và than rực rỡ như một quả bí ngô được thắp sáng. Cái đánh trứng quay như gió, thìa đánh tít mù trong bát bột và đường, mùi vani thơm ngào ngạt không trung, gừng cay cay, những mùi thơm điếc mũi thấm đẫm gian bếp, lan tỏa khắp nhà, cuốn theo khói lò sưởi tràn ra thế giới. Sau bốn ngày chúng tôi xong việc. ba mươi mốt cái bánh, tẩm whisky, phơi trên bệ cửa sổ và đầy các giá.

Chúng để cho ai?

Bạn bè. Không nhất thiết là bạn hàng xóm: quả thật phần lớn là để cho những người chúng tôi gặp có lẽ chỉ một lần, hay có khi chưa bao giờ gặp. Như tổng thống Roosevelt. Như Đức Cha và bà J.C. Lucey, những nhà truyền giáo Baptis[2] tới Borneo[3] mùa đông năm ngoái đã giảng đạo ở đây. Hay người thợ mài dao nhỏ nhắn một năm hai lần đi xuyên qua thị trấn. Hay Abner Packer, người lái xe bus chuyến sáu giờ từ Mobile, ngày nào cũng vẫy tay với chúng tôi khi lướt qua trong đám mây bụi phun mù mịt. Hay là cô cậu Wiston, cặp vợ chồng trẻ ở California, một buổi chiều bị hỏng xe trước nhà, đã tán chuyện một giờ đồng hồ với chúng tôi ngoài hiên (cậu Wiston đã chụp ảnh cho chúng tôi, bức ảnh duy nhất mà chúng tôi có). Có phải vì chị tôi ngượng ngùng với tất cả mọi người, chỉ trừ người lạ và những người xa lạ chỉ gặp một đôi lần này có vẻ là bạn thật sự của chúng tôi? Tôi nghĩ chắc thế. Và những cuốn sổ tay chúng tôi giữ thư cảm ơn được gửi từ tủ giấy tờ Nhà Trắng, đôi khi có thư từ California và Borneo, hay những tấm thiếp giá một xu của người thợ mài dao, khiến chúng tôi cảm thấy gắn bó với thế giới đầy ắp sự kiện bên ngoài căn bếp, với tầm nhìn xa đến tận chân trời.

Có một cành vả tháng Mười hai trần trụi đang cọ vào cửa sổ. Căn bếp rỗng không, bánh đã cho đi hết, hôm qua chúng tôi đã chở cái cuối cùng đến bưu điện và tiền tem làm ví chúng tôi cạn sạch. Chúng tôi nhẵn túi. Điều đó làm tôi thất vọng, nhưng bà chị khăng khăng phải ăn mừng – với chỗ rượu còn lại trong chai của Haha chừng hai đốt ngón tay. Queenie được một thìa đầy trong bát uống cà phê (nó thích cà phê đặc, có vị rễ rau diếp xoăn). Phần còn lại chúng tôi chia vào hai cái cốc đựng thạch. Chúng tôi đều sợ uống whisky không pha. Uống vào đâm biểu cảm lung tung và rùng mình muốn ói. Nhưng dần dần chúng tôi bắt đầu hát, hai chị em hát hò những bài hát khác nhau cùng một lúc. Tôi chẳng biết lời, cứ quanh quẩn: Đến đây nào, đến đây nào, trong thị trấn tối om, tiệc khiêu vũ kiêu sa đón chào. Nhưng tôi biết nhảy, bóng tôi nhảy nhót điên đảo trên tường, giọng chúng tôi làm những đồ sứ rung rinh, chúng tôi cười khúc khích, như thể bị những bàn tay vô hình cù. Queenie nằm lăn phơi bụng ra, móng quào lên không khí, cặp môi đen bóng của nó toét ra như cười. Tôi cảm thấy ấm áp trong người, bốc cháy như củi vụn, phóng túng như gió hú qua lò sưởi. Bà chị tôi nhảy valse quanh bếp lò, gấu cái váy hoa tồi tàn của bà kẹp giữa những ngón tay như thể nó là một chiếc đầm dạ hội: Chỉ cho em lối về nhà, bà hát, đôi giày tennis của bà cọt kẹt trên sàn. Chỉ cho em lối về nhà.

Hai người họ hàng xông vào. Rất giận dữ. Hằm hằm mắt nguyền rủa và lưỡi chì chiết. Phải nghe họ nói, từ ngữ cuốn vào nhau thành một thanh âm cuồng nộ: “Đứa trẻ bảy tuổi! Mồm đầy mùi whisky! Chị loạn óc rồi à? Cho một đứa bảy tuổi uống! Đúng là rồ dại! Xuống dốc không phanh! Có nhớ chị Kate không? Chú Charlie? Anh rể của chú Charlie nữa? Xấu hổ! Xì căng đan! Nhục nhã! Quỳ xuống, tụng kinh, cầu Chúa đi!”

Queenie len lén giấu mình dưới cái bếp lò. Bà chị tôi cắm mắt xuống đôi giày, cằm run lên, bà nâng chiếc váy, xỉ mũi và chạy bổ về phòng mình. Rất lâu sau khi thị trấn đã chìm trong rất ngủ, ngôi nhà yên tĩnh chỉ còn tiếng đồng hồ tích tắc và tiếng xèo xèo của đám lửa lụi dần, bà vẫn còn thổn thức trong chiếc gối giờ đã ướt đẫm như khăn tay góa phụ.

“Nín đi chị,” tôi nói, ngồi ở chân giường bà và rùng mình trong chiếc áo ngủ vải flannel vẫn còn mùi của sirô ho mùa đông năm ngoái, “nín đi nào,” tôi năn nỉ, nghịch ngón chân, cù bàn chân bà, “chị lớn rồi kia mà.”

“Là vì,” bà nấc lên, “Chị già quá rồi. Già và buồn cười.”

“Không buồn cười đâu. Vui chứ. Vui hơn tất cả mọi người. Nghe này, nếu chị không nín khóc thì ngày mai chị sẽ mệt đến nỗi chị em mình không đi đốn cây được.”

Bà ngồi thẳng người lên. Queenie nhảy tót lên giường (nơi nó bị cấm) để liếm má bà. “Chị biết chỗ mình có thể kiếm được những cái cây thật là đẹp, Buddy à. Và cây nhựa ruồi nữa. Cả những trái hồng dại to bằng mắt em ấy. Nó xa tít trong rừng. Mình chưa bao giờ đi xa đến thế đâu. Bố chị thường mang cây Nô-en từ đó về đấy: vác chúng trên vai nhé. Hồi đấy là năm mươi năm trước rồi. Chà, giờ thì chị không thể đợi nổi đến sáng mai.”

Buổi sáng. Sương muối đọng long lanh trên cỏ, mặt trời tròn như trái cam và chín vàng như trăng những ngày trời nóng nực, lơ lửng ở chân trời, làm sáng cả rừng cây mùa đông trắng bạc. Tiếng gà tây hoang dã gáy. Một con lợn lang thang ủn ỉn trong lùm cây lúp xúp. Chẳng bao lâu, chúng tôi phải bỏ lại cái xe đẩy bên bờ suối nước nông đến đầu gối nhưng chảy xiết. Queenie lội qua suối trước, vừa khỏa nước vừa sủa phàn nàn dòng nước xiết làm cho nó lạnh. Chúng tôi theo sau, cầm giày và các thứ dụng cụ (một cái rìu nhỏ, một cái túi vải bố) giơ cao trên đầu. Thêm một dặm nữa, tả tơi vì gai nhọn, các quả gai và cây tầm xuân bám đầy quần áo, phát cáu lên với những cái kim lá thông nổi lên giữa đám nấm sặc sỡ và lông chim rụng. Đây đó xẹt ngang qua, hay có tiếng đập cánh, một cơn hưng phấn đến rùng mình nhắc chúng tôi rằng không phải tất cả lũ chim đã bay về phương nam. Rồi cũng đến con đường mòn trải dài qua những đầm nước in bóng mặt trời màu vỏ chanh và những đường hầm chằng chịt dây leo. Lại băng qua một con suối nữa, một hạm đội cá hồi lốm đốm làm mặt nước sủi tăm xung quanh chúng tôi, và những con ếch to bằng cái đĩa tập nhảy bụng tòm tõm, mấy bác công nhân râu xồm đang xây đập. Ở bờ xa, Queenie lắc lắc người, run rẩy. Bà chị tôi cũng rùng mình, nhưng không phải vì lạnh mà vì phấn khích. Một bông hồng rách trên mũ bà thả cánh xuống khi bà nhấc mũ ra khỏi đầu để hít không khí sực nức mùi thông. “Mình gần đến nơi rồi, em có thể ngửi thấy nó không, Buddy?” bà nói, như thể chúng tôi sắp đến một đại dương.

Và, quả thực, nó cũng là một đại dương. Bạt ngàn hàng mẫu thơm nức những cây nhựa ruồi lá đầy gai. Trái hồng dại đỏ, sáng bóng như những quả chuông Trung Quốc. Quạ đen sà xuống mổ, kêu quàng quạc. Đã ních đầy cái túi vải bố đủ hoa lá xanh đỏ để kết vòng hoa cho cả tá cửa sổ, chúng tôi quyết định chọn cây. “Nó phải,” chị tôi trầm ngâm “cao gấp đôi một cậu bé. Để cậu bé không thể hái trộm sao được.” Cái cây chúng tôi chọn cao gấp đôi người tôi. Một con quái vật đẹp đẽ và dũng cảm đã chịu đựng ba mươi nhát rìu trước khi gục xuống trong tiếng than ken két đau đớn. Kéo lê chiến lợi phẩm, chúng tôi bắt đầu chuyến đi vất vả. Cứ vài mét chúng tôi lại bỏ đấy, ngồi xuống và thở hổn hển. Nhưng chúng tôi có sức mạnh của những người thợ săn trúng lớn, cộng thêm với mùi hương thông băng giá mạnh mẽ làm hồi sức, giục chúng tôi đi tiếp. Trở về lúc hoàng hôn, dọc con đường đất đỏ vào thị trấn, chúng tôi nhận được vô số lời khen, nhưng chị tôi ranh mãnh không chịu tiết lộ khi những người qua đường ca ngợi những thứ quý giá chất trên chiếc xe đẩy của chúng tôi: bà kiếm đâu ra cái cây đẹp quá? “Trên đường ấy mà,” bà lẩm bẩm một cách mơ hồ. Một lần một cái xe hơi dừng lại và bà vợ lười nhác của ông chủ nhà máy xay thò đầu ra léo nhéo: “Bán cái cây cỗi kia hai nhăm xu nhé.” Bình thường bà chị tôi rất sợ nói không, nhưng lần này bà dõng dạc lắc đầu: “Một đô chúng tôi cũng không bán.” Vợ ông chủ nhà máy xay vẫn nì nèo: “Một đô la, đắt như quỉ ấy! Năm mươi xu. Giá cuối cùng đấy. Trời đất, bà này, bà có thể kiếm cây khác mà.” Bà chị tôi nhẹ nhàng đáp lại: “Tôi không nghĩ thế đâu. Chẳng bao giờ có hai cái gì y hệt nhau.”

Về đến nhà: Queenie lăn ra cạnh đống lửa và ngủ đến tận ngày hôm sau, ngáy ầm ĩ như người.

Cái rương ở buồng kho chứa: một cái hộp giày đựng lông đuôi chồn (rời ra từ cái áo choàng của một quý bà lạ lùng đã từng thuê phòng trong ngôi nhà này), hàng cuộn dây kim tuyến tả tơi, lớp vàng đã tróc hết vì thời gian, một ngôi sao bạc, một chuỗi ngăn ngắn những bóng đèn trông như kẹo, rõ ràng là nguy hiểm vì đã hư nát. Những vật trang trí tuyệt hảo đến thế, nhưng vẫn chưa đủ, chị tôi muốn cái cây của chúng tôi phải tỏa sáng “như cửa sổ nhà Người Rửa Tội”, rủ xuống những đồ trang hoàng nặng trĩu tuyết. Nhưng chúng tôi chẳng đào đâu ra tiền để có các thứ lộng lẫy nhập từ Nhật Bản ở cửa hàng Năm và Mười xu. Vì thế, chúng tôi làm như mọi khi, ngồi cả ngày ở cái bàn bếp với kéo, bút chì màu và một đống giấy màu. Tôi vẽ còn bà chị thì cắt chúng ra: rất nhiều mèo, cá nữa (vì chúng dễ vẽ), mấy quả táo, dưa hấu, vài thiên thần có cánh chế ra từ những tấm giấy thiếc của thanh sôcôla Hershey mà chúng tôi dành dụm được. Chúng tôi dùng kim băng đính những tác phẩm đó lên cây; và cuối cùng, chúng tôi rắc lên các cành cây những chùm bông xé tơi (được nhặt từ tháng Tám để dùng vào việc này). Bà chị tôi, ngắm nghía kết quả, vỗ hai tay vào nhau: “Giờ thật lòng mà nói, Buddy. Trông nó có đẹp đến mức muốn ăn không?” Queenie thử chén một thiên thần.

Sau khi kết và thắt nơ cho những tràng hoa nhựa ruồi treo khắp các cửa sổ phía trước, công trình tiếp theo của chúng tôi là tạo kiểu cho các món quà gia đình. Khăn nhuộm màu cho phụ nữ, cho đàn ông thì là nước chanh có ga nhà làm và siro cam thảo trộn aspirin để uống “Khi có triệu chứng cảm lạnh đầu tiên và sau khi Đi Săn”. Nhưng đến khi làm quà cho nhau thì tôi và bà chị bí mật làm riêng. Tôi muốn mua tặng bà cái dao găm khảm ngọc trai, một cái radio, cả nửa cân anh đào bọc sôcôla (một lần chúng tôi được nếm vài quả, và bà luôn miệng thề: “Chị có thể sống bằng nó, Buddy ạ, Chúa ơi, chị có thể - và chị không gọi tên Người một cách vô ích đâu.” Thay vào đó, tôi làm cho bà một cái diều. Bà muốn tặng tôi cái xe đạp (Bà nói thế cả vài triệu lần: “Nếu mà chị có thể, Buddy ạ. Thật tồi tệ phải sống mà không có cái mình muốn, nhưng chết tiệt, thật trêu ngươi là chị không thể tặng ai đó cái mà chị muốn họ có. Ước gì một ngày kia chị sẽ, Buddy à, tặng em cái xe đạp. Đừng hỏi làm thế nào. Ăn trộm nó, có thể thế.”) Thay vào đó, tôi gần như chắc chắn là bà sẽ làm cho tôi một cái diều – y như năm ngoái và năm kia: năm trước đó thì chúng tôi tặng lẫn nhau súng cao su. Tất cả những thứ đó tôi đều thích. Vì chúng tôi là vô địch thả diều, biết đoán gió như thủy thủ; bà chị còn thiện nghệ hơn tôi, có thể khiến một con diều lên cao ngay khi không đủ gió để nâng một áng mây.

Chiều hôm Giáng sinh chúng tôi cùng vét được năm xu và đi đến hàng thịt để mua món quà truyền thống cho Queenie, một khúc xương bò thật ngon để gặm. Cái xương được bọc trong giấy gói ngộ nghĩnh, đặt cao tít trên cây gần ngôi sao bạc. Queenie biết quà ở đó. Nó ngồi chồm hỗm dưới gốc cây ngước lên thèm muốn đắm đuối: đến giờ đi ngủ nó vẫn không chịu nhúc nhích. Tôi cũng háo hức y như nó. Tôi đá chăn, lật gối như thể đang giữa đêm hè nóng như thiêu. Đâu đó có tiếng gà gáy: nhầm rồi, vì mặt trời vẫn còn ở phía bên kia quả đất.

“Buddy, em còn thức à?” Đấy là bà chị tôi, gọi từ phòng mình, ngay cạnh phòng tôi, và một lát sau, bà ngồi trên giường tôi, tay cầm ngọn nến. “Chà, chị không thể chợp mắt được,” bà tuyên bố. “Ý nghĩ chị cứ nhảy nhót như con thỏ bị săn ấy. Buddy, em có nghĩ là bà Roosevelt sẽ dọn bánh của mình ra trong bữa tối không?” Chúng tôi nằm rúc vào nhau trên giường, và bà bóp tay tôi Chị–yêu–em. “Hình như hồi trước tay em nhỏ hơn nhiều. Chị chắc là chị ghét nhìn em lớn lên. Khi nào em lớn, mình vẫn là bạn được chứ?” Tôi đáp mãi mãi chứ. “Nhưng chị buồn quá, Buddy ạ. Chị muốn tặng em chiếc xe đạp kinh khủng. Chị đã thử bán món đồ trang sức chạm đá mà bố cho chị. Buddy–” bà ngập ngừng, như xấu hổ. “Chị đã làm cho em một cái diều nữa.” Rồi tôi thú nhận là tôi cũng làm cho bà một cái, và chúng tôi cười phá lên. Cây nến đã cháy ngắn đến mức không cầm nổi nữa. Rồi nó tắt, những ánh sao trời sáng lên, những ngôi sao nhấp nhánh ngoài cửa sổ như tiếng ríu rít bằng mắt, chầm chậm, chầm chậm hé ra ngày mới trong im lặng. Hình như chúng tôi lơ mơ ngủ, nhưng những tia sáng bình minh đầu tiên tạt vào chúng tôi như nước lạnh, hai chị em choàng tỉnh, mắt mở to, đi thơ thẩn trong khi chờ những người khác thức dậy. Bà chị tôi gần như cố ý thả cái ấm xuống sàn bếp. Còn tôi nhảy điệu clacket trước những cánh cửa đóng kín. Từng người chủ nhà ló ra, trông như muốn giết cả hai chúng tôi, nhưng đang là Giáng sinh, vì thế họ không thể. Đầu tiên là một bữa sáng linh đình: mọi thứ mà ta có thể tưởng tượng ra – từ bánh rán và sóc quay đến cháo yến mạch ngô và mật ong còn nguyên tảng. Nó làm mọi người vui vẻ chỉ trừ hai chị em tôi. Nói thật là chúng tôi quá nôn nóng chờ lúc tặng quà đến nỗi không thể ăn nổi một miếng ra hồn.

Chà, tôi đã thất vọng. Ai mà không chứ? Với tất, áo mặc đi học ngày Chủ Nhật, vài cái khăn mùi xoa, một cái áo len trông chán chết và một năm báo của nhà thờ dành cho trẻ con. Em bé chăn cừu. Nó làm tôi cáu điên lên. Đúng là như thế.

Chị tôi vớ được một mẻ khá hơn. Một túi quất Nhật không hạt là món quà quý nhất của bà. Bà tự hào nhất với tấm khăn choàng bằng len trắng mà cô em gái đã lấy chồng đan cho. Nhưng bà nói món quà bà thích nhất là cái diều tôi làm cho bà. Và nó rất đẹp, dù không đẹp bằng cái bà làm cho tôi, màu xanh da trời có điểm những ngôi sao Hạnh kiểm Tốt vàng và xanh lá, lại còn có cả tên tôi sơn trên đó, “Buddy.”

“Buddy, gió đang thổi đấy.”

Gió đang thổi và chẳng có gì xảy ra đến khi chúng tôi chạy ra cánh đồng phía dưới ngôi nhà nơi Queenie đang lỉnh ra để chôn khúc xương của nó (nơi mà mùa đông năm sau Queenie cũng bị chôn). Ở đó, lao qua đám cỏ xanh tốt cao ngang thắt lưng, chúng tôi tháo cái diều, cảm thấy chúng giật giật trên dây như cá trời bơi theo gió. Mãn nguyện, ấm áp trong nắng, chúng tôi nằm ườn ra trong cỏ, bóc vỏ quất Nhật và ngắm những cánh diều của mình vẫy vùng hân hoan. Chẳng bao lâu, tôi quên biến đi đôi tất, cái áo len đáng chán. Tôi sung sướng như thể chúng tôi vừa trúng Giải thưởng Lớn năm mươi nghìn đô trong cuộc thi đặt tên hiệu cho cà phê đó.

“Ôi trời, chị thật ngu quá!” chị tôi kêu lên, đột nhiên hoảng hốt như một bà nhớ ra quá trễ rằng mình đã bỏ bánh qui trong lò. “Em có biết chị luôn luôn nghĩ thế nào không?” bà hỏi bằng một giọng đầy khám phá, và không cười với tôi mà với một điểm tít trên cao. “Chị luôn nghĩ là người thì phải ốm và chết dần trước khi nhìn thấy Chúa. Và chị cứ tưởng tượng rằng khi Người đến thì sẽ giống như nhìn qua cửa sổ nhà Người Rửa Tội: đẹp đẽ như kính màu được nắng chiếu qua, rực sáng đến nỗi mình không biết là trời đang tối đi. Và nó rất dễ chịu khi nghĩ rằng ánh sáng đó xua đi mọi cảm giác ma quỉ. Nhưng chị cá là chuyện đó không bao giờ xảy ra. Chị cá là vào lúc lâm chung người ta nhận ra là Chúa đã hiện. Những thứ như thế kia–” tay bà chỉ một vòng bao quát hết cả những đám mây, cánh diều, cỏ và Queenie đang cào đất phủ lên khúc xương, “những thứ mà họ thường xuyên nhìn thấy, chính là nhìn thấy Người. Chị thì chị có thể rời khỏi thế giới này với ngày hôm nay trong mắt chị.”

Đấy là Giáng sinh cuối cùng chúng tôi bên nhau.

Cuộc sống đã chia rẽ chúng tôi. Những Người Thông Thái quyết định là tôi phải vào trường quân đội. Và tiếp đó là một chuỗi những nhà tù với tiếng kèn hiệu lệnh, những trại hè đầy mệnh lệnh tàn ác. Tôi cũng có một cái nhà mới. Nhưng nó không tính. Nhà là nơi chị tôi ở, và tôi không bao giờ rời khỏi nó.

Và bà còn ở đó, lăng xăng trong bếp. Một mình với Queenie. Rồi đơn độc. (“Buddy thương yêu,” bà viết với nét chữ xiêu vẹo khó đọc, “hôm qua con ngựa của Jim Marcy đã đá Queenie rất ác. Nhờ trời nó không còn cảm thấy đau nữa. Chị đã bọc nó trong tấm khăn trải giường vải lanh đẹp nhất và đưa nó đi trong chiếc xe đẩy xuống cánh đồng nhà Simpson nơi nó có thể ở cùng với tất cả những khúc xương của nó...”). Vài tháng Mười một sau, bà vẫn tiếp tục nướng bánh trái cây một mình, không nhiều như trước, nhưng cũng vài cái: và tất nhiên, bà luôn gửi cho tôi “cái bánh ngon nhất mẻ.” Trong mỗi lá thư, bà còn thêm vào một đồng mười xu chèn trong giấy vệ sinh: “Đi xem phim và viết thư kể chuyện cho chị nhé.” Nhưng dần dần, những bức thư sau hình như bà cứ nhầm tôi với người bạn khác của bà là Buddy đã chết năm 1880; ngày càng nhiều những hôm không phải ngày mười ba mà bà vẫn nằm trong giường: rồi đến một buổi sáng tháng Mười một, buổi sáng mùa đông trụi lá, không chim chóc, bà không thể tự dậy để kêu lên: “Ôi chao, trời này làm bánh trái cây được rồi!”

Và khi chuyện đó xảy ra, tôi biết. Một bức thư xác nhận ngắn gọn mẩu tin mà lòng tôi đã thầm biết, cắt rời đi một phần không thể thay thế trong tôi, để nó mất đi như một cánh diều đứt dây. Đấy là lí do khi bước ngang qua sân trường trong buổi sáng tháng Mười hai đặc biệt này, tôi cứ tìm kiếm mãi trên bầu trời. Như thể tôi mong được thấy, hơi giống hình trái tim, một đôi diều lạc hối hả bay về hướng thiên đường.



[1]. Nguyên văn: gà mái Bantam, một giống gà từ Bantam, Indonesia, nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn, can trường, có khi được nuôi làm cảnh trong nhà.

 

[2]. Baptist: Người theo giáo phái Baptis chuyên rửa tội cho người lớn.

 

[3]. Borneo: Còn gọi là đảo Kilimantan, hòn đảo lớn thứ ba trên thế giới ở Đông Nam Á.

 

(Trích trong quyển Bữa sáng ở Tiffany's - Tác giả: Truman Capote 
- Phạm Hải Anh dịch)
Các Tin Tức Khác