Sandy Shortt, từ khi còn nhỏ, luôn bị ám ảnh về việc đi tìm những món đồ thất lạc. Lớn lên, cô mở một công ty tìm kiếm những người mất tích bởi cô tin rằng chỉ có một điều tồi tệ hơn việc không thể tìm ra người thất lạc, là không được tìm ra. Sandy hiểu điều đó và không ngừng tìm kiếm, kể cả những khi không có bất kỳ dấu vết nào. Một ngày, chính cô trở thành “người mất tích”.
Tiếp nối thành công của “Cảm ơn ký ức”, “Món quà bí ẩn”…, Cecelia Ahern đã cho ra mắt tiểu thuyết thứ sáu của mình “Có một nơi gọi là Chốn Này”. Cuốn sách như một bộ phim với những cảnh quay ngắn và liên tục kể về cuộc hành trình đi tìm những người mất tích của Sandy Shortt.
Này là cảnh khu rừng và con đường mòn nơi Sandy đi lạc, này là góc máy cận cảnh cô trò chuyện cùng Helena ở Chốn Này, kia là toàn cảnh ngôi làng cô đến, có những con người, những đồ vật bị thất lạc mà người ta chưa bao giờ tìm thấy. Góc quay nọ là trí nhớ của Sandy khi cô gặp lại Gregory. Quá khứ xen lẫn hiện tại, những cơn mơ thực hơn đời thực, một chút phép màu gài vào cuộc sống. Mọi thứ vẽ nên một câu chuyện huyền ảo về những con người mất tích và niềm tin được tìm thấy. Một lần nữa, Cecelia Ahern cuốn người đọc vào thế giới lãng mạn với những điều kỳ diệu nho nhỏ của cô.
Tại Chốn Này, những món đồ mất tích, những con người mất tích, tưởng chừng như chẳng bao giờ tìm thấy được, lại xuất hiện trước mắt cô, tất cả. Chúng gần và rõ ràng như chưa từng biến mất. Niềm tin của cô đã được trả lời. Vậy Chốn Này là ở đâu? Không ai có thể trả lời câu hỏi đó. Người ta chỉ có thể đi lạc đến đó, và trở ra cũng bằng cách đi lạc.
Trong thế giới của những sự vật mất tích không phải đã hoàn toàn tuyệt vọng. Đâu đó vẫn có những niềm tin. Sandy luôn tin rằng mình sẽ tìm được đồ thất lạc, tìm được những người mất tích. Và cô đã tìm được. Những người ở Chốn Này luôn tin rằng mình có thể sống tiếp dù không thể trở về nhà. Và họ đã sống. Không có thứ gì thật sự bị lãng quên. Chúng luôn tồn tại theo một cách nào đó, ở một nơi nào đó, dù cho con người có nhớ hay không.
“Có một nơi gọi là Chốn Này” không chỉ là bài học về niềm tin, về những cố gắng, nỗ lực, không tuyệt vọng ngay cả khi không còn hy vọng. Cuốn sách còn chỉ ra một thực tế: có đôi khi cần phải học cách chấp nhận việc ta đánh mất đi một điều gì đó. Dù sao đi nữa, cho dù cậu canh chừng đồ đạc của mình kỹ càng, thường xuyên và sát sao như thế nào, cậu không bao giờ kiểm soát được chúng. Đôi khi có những đồ vật và những người tự ra đi. Đừng làm khổ bản thân mình khi cố tìm ra những thứ ấy ở đâu.
Đọc “Có một nơi gọi là Chốn Này” để đi tìm những ý nghĩa nằm sau những sự biến mất, những chuyến đi tìm. Mất tích không phải là một kết thúc. Bạn có một lý do nào đó để mất tích, cũng như bạn luôn có một lý do nào đó để đi tìm người mất tích. Tất cả chúng ta đều đi lạc một lần trong đời, đôi khi là do chúng ta muốn vậy, đôi khi vì những lý do ngoài tầm kiểm soát. Và khi chúng ta học được điều mà tâm hồn cần có, con đường lại cứ thế mở ra.
Ánh Nga