Như nhiều người Việt Nam, tôi từng giữ rất lâu ấn tượng về một Nhật Bản u buồn trong văn chương của Yasunari Kawabata. Một Nhật Bản dường như đã ngưng lại trong dòng lịch sử, tuyệt đối cô đơn bởi chính vẻ đẹp của nó. Từ Yasunari Kawabata đến Haruki Murakami, một Nhật Bản cá biệt đến một Nhật Bản toàn cầu hóa. Tôi cũng đọc vài nhà văn khác, tưởng như trường Murakami đã phủ lên một thế hệ văn chương Nhật Bản.
Nhưng với Masatsugu Ono tôi hoàn toàn bất ngờ. Con người của thế giới toàn cầu, nhà văn-dịch giả-giảng viên đại học, dùng ngôn ngữ toàn cầu, sống và học tập ở phương Tây, làm việc khắp nơi trên thế giới, lại lựa chọn một góc riêng biệt của văn hóa. Cảm giác lạ lùng vô cùng khi đọc Trôi trên VỊnh hay TiẾng hát ngưỜi cá. Một Nhật Bản tiền hiện đại, khác biệt, lạ lẫm, nhưng không hề tách khỏi những vấn đề của thời đại.
Cả Trôi trên VỊnh và TiẾng hát ngưỜi cá đều lấy bối cảnh một làng chài hẻo lánh, kiểu như vùng sâu vùng xa của Nhật Bản. Trong vùng đất biệt lập bị bao bọc bởi biển và núi, những con người cũng biệt lập với thế giới, sống quẩn quanh với vô số câu chuyện ngồi lê đôi mách, không đầu không cuối. Những câu chuyện không đầu không cuối được kể bởi nhiều cửa miệng, như những mảnh ghép trong trò chơi ghép hình, cần kỹ thuật lắp ghép để tạo nên bức tranh hoàn chỉnh không chỉ về lịch sử các nhân vật mà về lịch sử một xứ sở, một dân tộc. Thoạt đầu, tôi cũng bị đánh lừa bởi tính “ngồi lê đôi mách” của câu chuyện. Thế nhưng càng lúc tôi càng bị cuốn vào trò chơi ghép hình, dần dần khám phá ra vô số câu chuyện về thân phận con người và về lịch sử. Tôi gọi kỹ thuật của Ono là kỹ thuật ghép hình, những con người sống gần nhau về mặt không gian nhưng hoàn toàn xa lạ, những sự kiện tách rời trong những khoảng thời gian khác nhau, những chuyện kể chẳng liên quan gì nhau…, chỉ khi hoàn thành trò chơi người ta mới sửng sốt bởi mối liên hệ chằng chịt phức tạp, các số phận quyện chặt trong lịch sử bi thảm của họ. Xuyên suốt các mảnh ghép, Ono luôn có những hình ảnh mang tính biểu tượng, trong Trôi trên VỊnh là con tàu Midori bị viết sai thành Midorỉ bỗng dưng xuất hiện như một chiếc tàu ma, trong Tiếng hát ngưỜi cá là tiếng hát nàng tiên cá đã mất đi… Những biểu tượng ám ảnh, như quá khứ chưa bao giờ được quên đi, dù có những thế hệ khác đã lớn lên, trong vũng, trong làng, trên đất nước Nhật Bản. Đối với Ono, có một Nhật Bản truyền thống đang mất đi, một Nhật Bản đã bị hủy hoại bởi cuộc chiến tranh trong quá khứ, giờ đây mang gương mặt sứt sẹo không thể nào lành lại được.
Khi kể về một Nhật Bản khác như vậy, Masatsugu Ono cũng trở nên hấp dẫn bởi một thứ ngôn ngữ đặc biệt bản địa (đặc biệt là ngôn ngữ đối thoại), hài hước; những câu văn giàu hình ảnh, đa dạng về cấu trúc. Điều này, hẳn nhiên là một cản trở trong trường hợp chuyển sang các ngôn ngữ khác. Chính vì vậy, việc chuyển ngữ sang tiếng Việt là hoàn toàn không dễ dàng với dịch giả, thật khó để tìm một cấu trúc ngôn ngữ tương đồng hoặc những biểu cảm cá biệt của từ ngữ, dù bản dịch, theo tôi biết, đã là một nỗ lực để chuyển tải sự đặc sắc của ngôn ngữ gốc.
Điều này, cùng với những vấn đề anh quan tâm (vấn đề dân thiểu số, vấn đề chủ nghĩa thực dân, sự hủy hoại văn hóa truyền thống…), làm dấy lên trong tôi một câu hỏi, tại sao Masatsugu Ono, sinh năm 1970, thuộc lớp nhà văn trẻ ở Nhật Bản, lại có xu hướng đi ra khỏi tính chất toàn cầu hóa trong văn học Nhật Bản? Có phải, vì toàn cầu hóa là một cơ hội cho nhà văn tâm thế rõ ràng hơn để nhìn một cách sâu sắc về đất nước mình? Nói cách khác như Ono, từ Vũng đến Vườn mộc lan, để hiểu rõ hơn nơi chốn của mình.
Tháng 1-2012
Trần Thanh Hà