Thác Niagara rất đẹp. Nó giống như một phiên bản phóng to của tấm biển xưa trên phố Bond ở quảng trường Times. Tôi rất mừng là đã thấy nó, vì kể từ nay nếu có ai hỏi tôi đã thấy thác Niagara chưa, tôi có thể nói là rồi, và chí ít cũng có một lần tôi nói thật.
Khi tôi nói với các “quân sư” của tôi rằng tôi sẽ đi Erie, Pensylvania, tôi không hề nghĩ mình sẽ đi đến đó, nhưng hóa ra tôi đi thật. Dự định của tôi là trườn qua chiếc cổ của Ontario, đánh vòng qua không chỉ Erie mà cả Cleveland và Toledo.
Từ kinh nghiệm lâu năm, tôi phát hiện rằng mình ngưỡng mộ tất cả các dân tộc và căm ghét tất cả các chính phủ, và không nơi đâu mà tính vô chính phủ từ trong bản chất của tôi lại dâng cao như tại các biên giới quốc gia, nơi những nô bộc kiên trì và hiệu quả của công chúng làm các nhiệm vụ di trú và hải quan của họ. Trong đời tôi chưa bao giờ chuyển đồ lậu. Thế thì cớ sao tôi lại có cái cảm giác phạm lỗi khi đến gần các trạm hải quan? Tôi băng qua một chiếc cầu cao có thu tiền, vượt qua khu phi quân sự, rồi đi đến một nơi mà Sao Sọc[1] đứng vai kề vai với Union Jack[2]. Dân Canada rất lành. Họ hỏi tôi đi đâu, đi trong bao lâu, liếc nhanh Rocinante bằng ánh mắt dò xét, và cuối cùng tập trung vào Charley.
“Ông có giấy chứng nhận con chó đã được chủng dại không?”
“Không, tôi không có. Ông thấy đó, nó già rồi. Nó được chủng dại lâu lắm rồi”.
Một viên chức khác bước ra. “Thế thì chúng tôi khuyên ông không nên mang nó qua biên giới”.
“Nhưng tôi chỉ đi tắt qua một phần nhỏ lãnh thổ Canada rồi trở vào Mỹ ngay ấy mà”.
“Chúng tôi hiểu”, họ ôn tồn nói. “Ông có thể mang nó vào Canada, nhưng chỉ sợ là phía Mỹ không cho nó vào ấy chứ”.
“Nhưng chính xác thì tôi vẫn đang ở Mỹ và có ai nói năng gì đâu?”
“Nhưng lúc ông vượt biên giới trở về thì họ sẽ nói đấy”.
“Thôi được, tôi đưa nó đi đâu để tiêm chủng đây?”
Họ không biết. Tôi sẽ phải đi ngược lại con đường cũ chừng ba mươi hai cây số, tìm một bác sĩ thú y, chủng dại cho Charley rồi quay trở lại. Tôi đi tắt vốn là để tiết kiệm chút ít thời gian, thế mà thời gian tiết kiệm đó sắp tiêu tùng, thậm chí còn tốn kém nhiều hơn nữa ấy chứ.
“Làm ơn hiểu cho chúng tôi, đó là do phía chính phủ của ông chứ không phải chính phủ chúng tôi. Chúng tôi chỉ khuyên ông thôi. Luật nó là như thế”.
Tôi nghĩ đó là lý do vì sao tôi căm ghét các chính phủ, tất cả các chính phủ. Lúc nào cũng luật lệ, lúc nào cũng là những chữ lí nhí do những người lí nhí đảm đương. Chẳng có gì để đấu tranh, chẳng có bức tường nào để đấm vào bằng nắm tay giận dữ. Tôi cực kỳ tán thành việc tiêm chủng, cảm thấy nó nên là bắt buộc. Bệnh dại là thứ đáng sợ. Nhưng tôi vẫn thấy mình căm ghét các luật lệ và tất cả các chính phủ đã tạo ra những luật lệ đó. Không phải cú tiêm mà tờ chứng nhận mới là quan trọng. Với các chính phủ thì thường xuyên là như vậy, không phải thực tế mà là một tấm giấy nhỏ. Những người đàn ông đó thì thật là tốt, thân thiện và nhiệt tình. Quãng thời gian ở biên giới đúng là thư giãn. Họ mời tôi một tách trà và cho Charley cả đống bánh. Và họ có vẻ thành thật hối tiếc về việc tôi phải đi đến Erie, Pensylvania, vì thiếu giấy tờ. Và thế là tôi vòng xe lại, đi về hướng Sao Sọc, về hướng một chính phủ khác. Khi ra thì người ta không yêu cầu dừng lại, nhưng giờ đây thì lại có cái thanh chắn đang hạ xuống.
“Ông là công dân Mỹ?”
“Vâng thưa ông, hộ chiếu của tôi đây”.
“Ông có gì khai báo không?”
“Tôi đã đi đâu đâu mà khai báo”.
“Ông có giấy chứng nhận chủng dại cho con chó không?”
“Cả nó cũng đã đi đâu đâu”.
“Nhưng ông đang trở về từ Canada”.
“Tôi chưa sang Canada mà”.
Tôi thấy có ánh thép trong đôi mắt hắn. Cặp lông mày hắn hạ thấp xuống đến mức bộc lộ mối nghi hoặc. Thay vì tiết kiệm thời gian, có vẻ như tôi sẽ mất thời gian còn nhiều hơn nữa cho dù có đi Erie, Pennsylvania.
“Mời ông bước vào văn phòng”.
Lời mời này tác dụng lên tôi tương tự như cú gõ cửa của một tên Gestapo[3]. Nó làm cho tôi vừa hoảng, vừa tức, vừa cảm thấy có tội, dù chẳng biết tôi có làm điều gì sai quấy hay không. Giọng của tôi chuyển sang tông gay gắt do cảm giác bị xúc phạm, và điều này tự động làm tăng sự hoài nghi.
“Làm ơn bước vào văn phòng”.
“Tôi đã nói rằng tôi chưa sang đến Canada mà. Nếu chịu quan sát một chút, ông đã thấy tôi mới quay trở về”.
“Mời ông theo hướng này”.
Rồi, qua điện thoại: “Bảng xe New York, đại loại thế. Vâng. Xe pick-up có ca-bin trên thùng xe. Vâng, một con chó”. Rồi, nói với tôi: “Loại chó gì vậy nhỉ?”
“Chó xù”.
“Chó xù. Phải, chó xù. Màu nâu nhạt”.
“Màu xanh”, tôi chữa lại.
“Nâu nhạt. Vâng. Xin cảm ơn”.
Ước gì tôi không cảm thấy một thoáng buồn vì sự vô tội của tôi trong giọng nói của hắn.
“Họ nói ông chưa qua biên giới”.
“Thì tôi đã nói với ông vậy rồi mà”.
“Ông cho tôi xem hộ chiếu”.
“Tại sao? Tôi chưa ra khỏi nước mà. Tôi cũng không định ra khỏi nước nữa”. Nhưng cũng vậy thôi, tôi vẫn phải chìa hộ chiếu cho hắn. Hắn lật xem, dừng lại ở các con dấu nhập-xuất cảnh trong các cuộc hành trình khác. Hắn kiểm tra ảnh của tôi, mở tờ giấy chứng nhận đã chủng đậu màu vàng bấm vào bìa sau hộ chiếu. Ở bên dưới trang cuối hắn thấy có những chữ và số viết bằng bút chì lờ mờ. “Cái gì đây?”
“Tôi không biết. Để coi xem. Ồ, cái này ấy à? Có gì đâu, chắc là số điện thoại ấy mà”.
“Tại sao lại viết lên hộ chiếu?”
“Thì chắc là tôi tìm không ra mẩu giấy nhỏ nào. Thậm chí tôi không nhớ đó là số gì nữa kìa”.
Giờ thì hắn đã bắt nọn được tôi, và hắn biết điều đó. “Ông có biết ghi sửa trên hộ chiếu là vi phạm pháp luật không?”
“Tôi sẽ bôi nó đi”.
“Ông không được viết gì trên hộ chiếu. Đó là luật đấy!”
“Tôi sẽ không làm như vậy nữa, tôi hứa đấy”. Và tôi cũng muốn hứa luôn với hắn rằng tôi sẽ không nói dối hoặc trộm cắp, hoặc liên kết với những kẻ vô đạo đức, hoặc thèm khát vợ của hàng xóm và tùm lum thứ. Hắn đóng tờ hộ chiếu của tôi một cách quả quyết rồi đưa trả cho tôi. Tôi biết tỏng là hắn cảm thấy dễ chịu hơn sau khi tìm ra cái số điện thoại. Có thể đoán rằng sau tất cả những khó khăn, cuối cùng hắn đã tìm ra được tôi mắc lỗi gì đó, trong một ngày rảnh rỗi như thế này.
“Cảm ơn ông”, tôi nói. “Tôi đi được chưa?”
Hắn khoát tay, vẻ tử tế. “Ông đi đi”, hắn nói.
Và đó là lý do vì sao tôi đi về phía Erie, Pennsylvania. Lỗi là do Charley. Tôi băng qua cây cầu sắt cao vút và dừng lại ở trạm thu phí. Người đàn ông thò đầu ra khỏi cửa sổ. “Tới luôn đi”, ông ta nói, “Về nhà thôi”.
“Ý ông là sao?”
“Tôi đã thấy ông đi qua ban nãy. Tôi có thấy con chó. Tôi biết thế nào ông cũng quay đầu về”.
“Sao ông không nói tôi biết sớm?”
“Chả ai tin cả. Tới luôn đi. Ông được miễn chuyến về”.
Bạn thấy đó, ông ta không phải là chính phủ. Chính phủ có thể làm bạn tự cảm thấy mình nhỏ bé, thấp kém, để chính phủ còn lấy đó mà xây lên cái cảm giác uy phong của mình chứ. Tối đó, Charlet và tôi ngụ tại một sân đậu xe hơi hoành tráng nhất, nơi mà chỉ có người giàu mới dám bén mảng. Một mái vòm với đủ các thứ xa hoa và quan trọng hơn nữa là nó nằm gần nhà hàng và dịch vụ cho thuê phòng. Tôi gọi đá và soda, pha chế một ly scotch-soda rồi pha tiếp ly nữa. Rồi tôi gọi phục vụ vào, yêu cầu một món súp, một khoanh thịt nướng, nửa ký hamburger bằm cho Charley, và hào phóng boa cho anh ta. Trước khi ngủ, tôi ôn lại mọi thứ và ước ao có thể nói với cái gã di trú kia và một số người kiểu như hắn một vài câu cực kỳ thông minh và sắc sảo.