Khó lòng đọc hết cuốn sách này trong một lúc. Vì mỗi truyện là một dạng thức hư cấu ngắn về một thứ hiện thực hoàn toàn dị biệt. Ở đó, người đọc không đóng vai trò tiêu thụ trí tưởng tượng của người sáng tạo, mà chính là kẻ có thể chủ động mở rất nhiều cánh cửa khác nhau để bước vào trung tâm câu chuyện, làm chủ hư cấu.
Tobias Wolff (sinh năm 1945, tên đầy đủ là Tobias Jonathan Ansell Wolff) được biết đến như một bậc thầy kể chuyện trong văn học Mỹ đương đại. Năm 1989, cuốn hồi ký This boy’s life (tạm dịch: Đời thằng bé này) đã được dựng thành phim gây tiếng vang.
Trước đó, Tobias đã được biết đến với một số tập truyện ngắn và tiểu thuyết. Năm 1994, cuốn hồi ký trải nghiệm chiến tranh Việt Nam có tựa In Pharaoh’s Army: Memories of the Lost War, tạm dịch: Trong quân đội Pharaoh: những hồi ức chiến bại tiếp tục được giới phê bình đánh giá cao (Ông có nói rõ bối cảnh viết cuốn này trong lời giới thiệu Chuyện chúng ta bắt đầu gửi tới bạn đọc Việt Nam: “Tôi có một lịch sử cá nhân với Việt Nam: tôi từng học tiếng Việt trong một năm, rồi tới đồng bằng sông Mê-kông, vùng gần Mỹ Tho, vào năm 1967 – 1968 như một người lính”).
Nhưng có lẽ điều làm cho độc giả đắm đuối và đón đợi những sáng tác của Tobias Wolff, ngoài những hồi ký, là các tuyển tập truyện ngắn được ông cho ra đời cứ sau mỗi mười năm. Our Story Begins: New and Selected Stories (Chuyện chúng ta bắt đầu – truyện mới và chọn lọc) ra mắt năm 2008 được tờ Los Angeles Times Book Review đánh giá là cuốn sách “nên có” trên giá sách, bên cạnh những tác phẩm của Hemingway, Raymond Carver, Salinger…
Trở lại với việc Tobias Wolff giao phó cho người đọc quyền năng hư cấu. Với một số người viết, đó là sự đánh mất cá tính của nhà văn. Nghĩa là, nhà văn cứ luôn là một kẻ độc tài, vừa kể chuyện vừa hăm he chi phối cảm nhận, vừa lái câu chuyện đi theo sự sắp đặt chủ quan của mình. Tobias, trong tuyển tập truyện ngắn thứ tư của mình – Chuyện chúng ta bắt đầu – tiếp tục một quan điểm, hơn thế, một triết lý viết (mà chúng ta có thể đã gặp ở truyện ngắn của E. Hemingway hay Raymond Carver) chủ trương xoá hết mọi dấu vết sắp đặt, trả lại cho những truyện kể sự tinh khôi và ngẫu nhiên của hiện thực, tôn trọng sự dẫn dắt của cái phi lý. Hay nói cách khác ông tiết chế cảm xúc người viết, đồng thời, phó mặc câu chuyện cho chính sự vận động của nó, cho trí tưởng tượng của người đọc tuỳ nghi dẫn dắt.
Những truyện ngắn thường được bắt đầu với một câu, đoạn ngắn có tính thông báo, thường thì rất gấp, gây tò mò. Động thái ấy như một sự mời gọi người đọc bước vào các cảnh huống đời sống đang đợi sẵn. “Tub đã chờ suốt một giờ đồng hồ dưới tuyết rơi” (Thợ săn trên tuyết), “Tôi tỉnh dậy, sợ hãi. Vợ tôi đang ngồi ở mép giường, lay tôi. “Bọn họ lại bắt đầu rồi”, vợ tôi nói” (Nhà bên)…
Và chuyện bắt đầu. Người đọc bước vào một thế giới triền miên bất định. Sự nghiệp của một nữ giảng viên, nhà sử học mắc bệnh điếc tai và có đời sống khá đơn điệu đã bị định đoạt bằng những chuyện không đâu. Cuối cùng, cô đến phỏng vấn và giảng thử tại ngôi trường mới với biết bao hứng thú, hy vọng bỗng nhiên lại bị ném vào tình thế trật chìa quái đản – buổi giảng “phiêu” (không giáo án) của cô đã trở thành một màn bị coi là gây bối rối, nhập đồng, mất kiểm soát khi kể về việc dân Iroquois giết chết hai linh mục tên Jean de Brébeuf và Gabriel Lallement đầy man rợ (Trong khu vườn của những chiến binh Bắc Mỹ).
Người đọc khó lòng biết được điều gì đang diễn ra phía trước, khi mà những chi tiết được ném ra thường thiếu tính dự báo, nằm ngoài mọi kinh nghiệm tâm lý. Khó lòng đoán định được rốt cuộc câu chuyện lại dẫn về một “bộ phim” đang diễn ra trong đầu người chồng, một “bộ phim” có màu sắc thoát ly – trong khi anh ta đang nằm xem phim với vợ và chuyện phim có môtíp nhàm chán trên màn ảnh đang cùng diễn tiến với sự đốp chát to tiếng của vợ chồng nhà hàng xóm (Nhà bên). Nhân vật trong bản tin cáo phó bỗng dưng xuất hiện ở toà báo và tra vấn người đưa tin xem ai đã thông báo về cái chết của ông ta. Chuyện tưởng thật trầm trọng nhưng lại kết thúc quái đản và hài hước: chính người viết tin quay lại tra vấn “khổ chủ” về những mối quan hệ bất ổn với tha nhân để lần tìm manh mối kẻ đưa ra thông tin mang tính “nguyền rủa” (Bất tử)...
Lẫn trong các truyện, có những cuộc đối thoại thảng hoặc, tưởng lướt qua, nhưng lại tạo ra những giai điệu buồn, những nỗi day dứt thật khó quên. Bởi qua đó, tác giả trình hiện một tâm thế sống bất định của con người trong thời hiện đại – cô đơn, nhìn thấy sự mòn ruỗng, hài hước và vô nghĩa của đời sống. Truyện Cá voi lớn được bắt đầu bằng một bữa tiệc sinh nhật cô gái tuổi 30. Bữa tiệc có bốn người. Họ thay nhau đốt hết 3 gam hàng trắng, chập chờn giữa mơ và tỉnh, với những chuyện vụn vặt, quẩn quanh. Người đọc rùng mình khi xen giữa những đối thoại ẩn giấu sự điên loạn và bỏ mặc, giữa dịu dàng và khốc liệt là câu hỏi: “Thế nào? Cảm thấy ba mươi tuổi thế nào?” rất bình thường, lạnh lùng nhưng cũng đầy day dứt.
Những chuyện bình thường như vốn dĩ đã bắt đầu. Ai có thể biết điều gì đang đón đợi phía trước? Không một ai. Ngay cả những nhân vật cũng vậy, họ không đoán định nổi những bước ngoặt, khúc quanh đầy phi lý xảy ra với mình. Họ không ngừng viết lại bằng trí tưởng tượng, hồi ức và cả dự cảm. Còn tác giả, ông ta đã từ chối vai trò báo hiệu và dẫn dắt những câu chuyện, như Đấng sáng tạo đã trả lại cuộc đời cho chính con người.
Còn lại đó, những thế giới cho bạn đọc và những tương lai không nằm trong đón đợi.
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN (CHỌN)
(Nguồn: SGTT)
(Chuyện chúng ta bắt đầu, truyện ngắn Tobias Wolff, Phan Việt dịch, NXB Trẻ, 2011, giá 120.000 đồng)