'Vẻ đẹp của văn hóa, lịch sử mãi mãi là những giá trị mà người trẻ hôm nay cần học cách trân trọng. Viết văn với tôi chính là bắc một cây cầu để những giá trị ấy được giữ gìn, lan tỏa' - Đặng Hằng nói.
Không giành giải cao nhất , nhưng Nhân gian nằm nghiêng của Đặng Hằng lại là một trong những tác phẩm ấn tượng, được đông đảo bạn đọc say mê, yêu mến. Cây bút sinh năm 1995 này dự báo sẽ còn tiến xa hơn nữa với văn chương, đặc biệt là với đề tài lịch sử.
Cây bút trẻ Đặng Hằng (thứ 3 từ phải sang) trong ngày nhận giải khuyến khích Cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI. Ảnh: NXB Trẻ |
"Nếu không phải lịch sử sẽ không viết gì"
Rất ít người viết trẻ có thể nổi tiếng ngay từ tác phẩm đầu tay. Người trẻ viết đề tài lịch sử được người trong giới khen ngợi lại càng hiếm hoi hơn. Vậy nhưng Đặng Hằng lại làm được điều đó. Nhân gian nằm nghiêng(NXB Trẻ) thật sự gây ngạc nhiên với nhiều người.
“Đặng Hằng có lối viết đẹp, văn phong trang nhã vừa tạo được không khí của dòng văn học sử, vừa điểm xuyết chất hiện đại một cách hài hòa. Nội tâm nhân vật được khắc họa tinh tế, hợp lý, các chi tiết hư cấu đan xen vừa phải tạo nên sức thuyết phục đến bất ngờ” – biên tập viên Kim Tuyến, NXB Trẻ, người tiếp nhận bản thảo nhận xét.
Lịch sử là đề tài thử thách lớn với cả những nhà văn có tên tuổi. Nhà văn Bùi Anh Tấn từng nói, muốn viết hay, người viết phải đọc rất nhiều tư liệu, đủ kiến thức và cả niềm đam mê, nhẫn nại. Yếu tố quan trọng cuối cùng là bút pháp của mỗi người. Có người không thành công, bị phê bình sai sử liệu hoặc hư cấu không thuyết phục. Nhưng Đặng Hằng lại vượt qua tất cả những rào cản ấy để có được một tiểu thuyết gần 500 trang sách.
Nương theo Đại Việt sử ký toàn thư và ước vọng được viết về triều Trần – triều đại “bão táp” mà cũng thật hào hùng, để rồi thông qua hai nhân vật hư cấu của thời hiện đại – Huỳnh và Bùi Phóng – cuộc hành trình xuyên không trở về bối cảnh cách đây hơn 700 năm. Vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, những danh tướng thời Trần… và cả dòng chảy lịch sử của một triều đại hiển hiện dưới ngòi bút của Đặng Hằng đầy sức dẫn dụ.
Tác giả đã biết cách tận dụng những khoảng trống của sử liệu để đan lồng câu chuyện của các nhân vật thời hiện đại. Mọi thứ được sắp xếp gần như hoàn hảo trong mọi tính toán nhuần nhuyễn của người viết.
“Tôi nghĩ rằng điểm khiến Nhân gian nằm nghiêng được đón nhận nhiều nhất có lẽ là những yếu tố văn hóa trong truyện. Đó cũng là điều khiến tôi thấy hứng thú khi tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Khai thác các nét đẹp văn hóa dân tộc là điều tôi luôn muốn hướng đến” – Đặng Hằng tâm sự.
Có lòng với giá trị cũ, có đam mê với văn chương và đủ tâm tư, tình yêu và khát vọng của một người trẻ dành cho lịch sử, Đặng Hằng đã dành sáu tháng ngồi với bản thảo Nhân gian nằm nghiêng. Kết quả giải khuyến khích dành cho tác phẩm đầu tay này cô xem như là quả ngọt cho nấc thang đầu tiên, rồi sẽ còn bước tiếp đường dài.
Đặng Hằng là ngòi bút 9X hiếm hoi nổi lên từ tác phẩm đầu tay
“Nếu không viết về lịch sử, có lẽ tôi không viết gì! Bạn bè xung quanh luôn nói tôi có một cuộc đời ổn an và nhiều may mắn. Tôi không phải trải qua quá nhiều thử thách, không mang quá nhiều trăn trở, cô đơn như những người cùng trang lứa. Nên cũng sẽ không viết theo cách của nhiều tác phẩm về nỗi hoang mang của người trẻ như thường thấy. Chỉ biết rằng, Nhân gian nằm nghiêng ra mắt, tôi biết mình có được một tuổi trẻ không hoài phí” – Đặng Hằng tâm sự.
Văn chương là đường dài
Ngày Nhân gian nằm nghiêng ra mắt, Đặng Hằng chỉ là sinh viên năm ba, trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Bây giờ cô đã đi làm – công việc bận rộn đến thời gian nghe điện thoại cũng khá khó khăn.
“Phải thừa nhận rằng khi đã đi làm, thời gian viết của tôi bị co hẹp đáng kể. Bằng chứng là tôi viết Nhân gian nằm nghiêng chỉ trong sáu tháng, trong khi phải mất một năm mới có thể hoàn thành tác phẩm thứ hai” – cô bày tỏ. Có nghĩa rằng trong gần hai năm qua, Hằng vẫn cần mẫn viết. Lại tiếp tục một câu chuyện khác về triều Lê Mạt.
Người viết văn, thật ra phải đánh đổi thời gian trống của mình cho con chữ. Là cặm cụi gõ phím một mình những khi trời sáng những lúc canh thâu, cũng có thể là bỏ qua cả những vui chơi hò hẹn. Người trẻ chọn viết văn, có nghĩa rằng họ cũng đang chọn cho mình một khung trời khác, cô đơn hơn, yên tĩnh hơn và cũng suy ngẫm nhiều hơn.
Rất nhiều người viết trẻ mất hút sau giải thưởng, với Đặng Hằng con đường văn nghiệp chỉ mới bắt đầu...
“Đối với tôi, văn chương không bao giờ là điểm dừng tạm bợ, dù trong năm tháng nào. Viết lách là một sở thích, tôi có thể ngồi xuống viết bất cứ lúc nào khi rảnh rỗi” – đây là câu trả lời của Hằng cho những lo ngại rằng những người viết trẻ có thể “mất hút” bất cứ lúc nào trên đường văn nghiệp.
“Trong đầu tôi vẫn còn rất nhiều những ý tưởng, quan điểm muốn thể hiện qua các tác phẩm của mình nên tôi nghĩ mình sẽ còn có một cái duyên rất dài với văn chương. Tôi cũng muốn thử sức ở thể loại truyện ngắn. Mong rằng sẽ có nhiều hơn nữa những người trẻ có cái nhìn cởi mở với lịch sử-văn hóa dân tộc” – Hằng nói thêm.
Nguồn cảm hứng với đề tài lịch sử đã thấm đẫm vào máu trong những năm tháng cô gái nhỏ này say mê đọc sách sử. Bây giờ ngồi vào bàn viết là viết thôi, như cách của một tâm hồn trẻ trôi mải mê theo dòng sông thời gian, ngược về quá khứ. Viết bằng một tình cảm nồng ấm chân thật với giá trị văn hóa dân gian, bằng tư tưởng của một người trẻ thời hiện đại.
Tiểu thuyết lịch sử thứ hai, có tựa đề Thần khúc dự kiến ra mắt trong năm 2019. Đặng Hằng tiết lộ: hai tác phẩm giống nhau ở việc thể hiện quan điểm cá nhân trong sáng tác, nhưng có màu sắc hoàn toàn đối lập nhau. “Tôi vẫn viết về những phần rất người, rất đời bên trong các anh hùng hay nhân vật lịch sử, tưởng như họ có thể vô cảm hoặc bị lãng quên trong dòng chảy thời gian. Mỗi giai đoạn lịch sử đều có một nét đặc trưng riêng, tôi muốn viết nhiều hơn nữa về tất cả các triều đại và bí mật ẩn sau những nhân vật lịch sử chịu oan khuất” – Hằng tâm sự.
Khó khăn duy nhất với cây bút 9X này chỉ là “đôi lúc trong việc tìm kiếm tư liệu”. Còn lại, luôn có thể “được những người đi trước giúp đỡ, làm mới và phát triển nguồn sử liệu một cách hoàn hảo nhất”.
Khoảnh khắc đời thường giản dị của Hằng |
Nghe Hằng chia sẻ, nhìn thấy được niềm đam mê của cô, người đối diện hoàn toàn tin rằng chỉ cần Hằng ngồi xuống và viết, những trang sách sẽ mở ra đẹp đẽ, hào hùng và thấm đẫm những giá trị.
Như cách Hằng đã nói: “Vẻ đẹp của văn hóa, lịch sử mãi mãi là những giá trị mà người trẻ hôm nay cần học cách trân trọng. Viết văn với tôi chính là việc bắc một cây cầu để những giá trị ấy được giữ gìn và lan tỏa”.
Bùi Tiểu Quyên - báo Phụ nữ