Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Đọc “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” -
Update Date: 09/10/2006

Thống soái miền biên viễn
 
 
“Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” đã được cố học giả Nguyễn Văn Hầu sưu tầm tư liệu trong vòng 20 năm – từ 1952 đến 1971. Nhà nghiên cứu này đã đi khắp vùng châu thổ sông Cửu Long tìm nhân chứng và những vết tích còn sót lại trên các lăng mộ, đền thờ, bia tượng, sắc phong... liên quan đến Thoại Ngọc Hầu – vị quan triều Nguyễn đã có công mở đất, đào kinh đem lại sự trù phú cho vùng An Giang, Hà Tiên ngày nay. Được in lần thứ nhất năm 1972, NXB Trẻ vừa tái bản quyển sách không thể thiếu trong tủ sách của những người yêu đất và người ĐBSCL này vào cuối tháng 8-2006.

“Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” cho người đọc thấy rõ ĐBSCL ngày xưa không phải là vùng đất bằng phẳng, phù sa trù phú màu mỡ, cây cối xanh tươi, giao thương thuận lợi với cảnh trên bến dưới thuyền, cư dân sống an lành như ngày nay. Trái lại, vào thời khẩn hoang, đây là vùng đất khắc nghiệt với đầm lầy, rừng rậm, sông sâu, thú dữ, đồng nước hoang vu nhiễm phèn - ngập mặn nặng nề, cuộc sống bất an do cộng đồng người Việt – Khmer – Hoa – Chăm còn nhiều mâu thuẫn chưa hòa hợp. Bối cảnh đó làm bật lên công lao của Thoại Ngọc Hầu qua những làng xóm được lập tại Vĩnh Long, Châu Đốc, dùng sức người đào kinh Thoại Hà, Vĩnh Tế, Đông Xuyên. Đây là những công trình có vai trò to lớn trong phát triển kinh tế, giao thông, thủy lợi, góp phần quan trọng trong việc an dân mở mang bờ cõi vùng châu thổ. Sự dày công tìm tòi tư liệu và bút pháp đơn giản nhưng đầy tình cảm của học giả Nguyễn Văn Hầu tái hiện cả một giai đoạn lịch sử khẩn hoang miền Hậu Giang đầy mồ hôi, nước mắt, xương máu nhưng bàng bạc khí phách hào sảng của tiền nhân dưới sự dẫn dắt của Thoại Ngọc Hầu.

Giữa bức tranh chung đó, chân dung Thoại Ngọc Hầu hiện lên như một thống soái “cương cường, bỉnh trực, nóng nảy, gặp việc gì là giải quyết ngay. Tục truyền sau này khi ông làm quan Bảo hộ kiêm quản Châu Đốc – Hà Tiên, trộm cướp không còn hó hé, tham nhũng bay hồn. Ông nói đâu thì làm đó, hăng hái, quả quyết, thưởng phạt rất nghiêm” (trang 47). Thoại Ngọc Hầu qua những sử liệu mà học giả Nguyễn Văn Hầu sưu tầm không chỉ có tài thao lược trong mở đất, lập làng, đào kinh, mà còn là một người lãng mạn với những xúc cảm tràn ngập tình yêu quê hương mỗi khi một vùng đất mới mở ra. Trên bia “Vĩnh Tế sơn”, Thoại Ngọc Hầu đã kể như thế này về vùng biên cương Châu Đốc sau khi kinh Vĩnh Tế hoàn thành: “Từ ngày dọn cỏ, dẹp gai trở đi, rành rành chân núi trắng phau, trọi trọi ngọn tre xanh ngắt. Ngắm dòng nước biếc bên bờ cao, ruộng vườn bao quanh chân núi, hơi lam tuôn cuốn lẫn khói cơm chiều, chùa chiền trên chót hương tỏa mây lồng, thật không kém gì phong cảnh trung châu vậy” (trang 192). Trong đối nhân xử thế, Thoại Ngọc Hầu luôn hành xử dựa theo nguyên tắc và coi trọng đồng sự - dù chỉ là người dân thường. Đây là phẩm chất giúp ông đạt được nhiều thành công trong công cuộc khai hoang mở đất giữa lúc lòng người còn chưa ổn định, vùng Châu Đốc – Hà Tiên luôn bị giặc Xiêm rình rập. Ông đã cho di dời hài cốt của mấy trăm người đã ngã xuống khi đào kinh Vĩnh Tế về cùng chung phần đất mà ông dành sẵn cho bản thân ở chân núi Sam khi nằm xuống. Tấm lòng thương tiếc của ông trong bài Tế Nghĩa Trủng Văn: “Mắt chạm thấy lòng càng tưởng nhớ. Dầu đưa tay vớt đỡ được đâu. Tỏ lòng ghi nhớ ơn sâu. Điếu người thiên cổ mấy câu ca rằng: Đỉnh núi Sam gió xuân thổi ngót, triền núi Sam móc ngọt đượm thuần. Hợp nơi mồ vắng reo mừng. Hồn ơi, hồn hỡi, mựa đừng luyến xa...” (trang 160).

“Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” là một bức tranh khiến người đọc ghi khắc mãi trong lòng hình ảnh những con người thời mở đất mà tiêu biểu là chân dung Thoại Ngọc Hầu. Cuộc đời, sự nghiệp và cá tính của ông khiến người đọc cảm phục, ngưỡng mộ vị quan có tài thao lược, thanh liêm, cương trực, mà cũng rất đỗi lãng mạn, hào hoa. Chính điều đó khiến vị quan tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), quê gốc Quảng Nam lại trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử đất chín rồng. Bởi mỗi công trạng và việc làm của ông đều cho thấy tình yêu đối với đất và người miền sông nước, nơi ông đã bôn ba suốt 52 năm.

Xuân Viên
(Theo báo Cần Thơ, 5/9/2006)
Other News