Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Không gì thay thế sự sáng tạo của cá nhân
Update Date: 02/19/2008

Có thể khẳng định rằng trong hơn một năm qua chưa một cuốn sách dịch nào được đón nhận và mong chờ nhiều như Suối nguồn, mặc dù đây là một cuốn sách dày (1.200 trang) và giá khá cao so với mặt bằng chung (165.000đ). Có 1.200 trang nhưng mỗi trang đều chứa đựng rất nhiều tư tưởng và thậm chí một phát biểu giá trị trong cuốn sách có thể thay đổi cả tư tưởng, hành động và cách sống của nhiều người.

Suối nguồn được viết từ năm 1943 nhưng giá trị của nó là vượt thời gian như quan điểm sáng tác của tác giả: “Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi... Tôi không sống, nghĩ, hoặc viết chỉ cho một thời điểm... Tiểu thuyết ngày nay rơi vào bi kịch trên, chúng được viết và xuất bản như tạp chí, để rơi vào lãng quên cũng nhanh như một bản tạp chí...”.

Suối nguồn là câu chuyện về chàng kiến trúc sư Howard Roark. Roark có thành tích “bất hảo” ngay từ trường đại học: bị đuổi học. Trong khi những người bạn của Roark đã thành danh và có tên tuổi trong làng kiến trúc thì Roark lại quyết định đến gõ cửa xin học nghề và làm việc cho một kiến trúc sư thất bại, nghèo kiết xác và bị cả xã hội phỉ báng vì theo họ, những công trình kiến trúc này là rất tệ hại, thậm chí phi nhân tính. Roark làm việc không ngừng và không quan tâm đến điều gì khác ngoài sự sáng tạo của bản thân. Anh kiên quyết không lặp lại bất kỳ thiết kế nào trong lịch sử, anh không sáng tạo theo một môtíp, một tiêu chuẩn có sẵn mà chỉ sáng tạo theo tiêu chuẩn của bản thân “công trình kiến trúc phải phục vụ tiện ích cho con người”. Anh căm ghét những mặt tiền nhà phô trương và do đó sẵn sàng từ chối rất nhiều hợp đồng béo bở chỉ vì họ yêu cầu anh thiết kế một mặt tiền giống kiểu gothic. Anh không chấp nhận thoả hiệp mặc dù hằng ngày, người thầy thất bại của anh vẫn khuyên anh “Chẳng có ích gì khi phí phạm những cái cậu có cho một lý tưởng mà cậu không bao giờ đạt được và họ sẽ không bao giờ cho cậu đạt được.”

Một cá nhân sáng tạo chống lại tất cả mọi quy tắc, guồng máy, con người của xã hội - cá nhân ấy chắc chắn sẽ bị đào thải. Suối nguồn là câu chuyện Roark đã vươn lên, chống lại sự đào thải đó. Song hành cùng anh là rất nhiều nhân vật hấp dẫn như Dominique, người yêu của Roark -một người yêu kỳ dị. Vì quá yêu và tôn trọng tài năng của Roark, cô quyết định làm mọi cách để Roark không có được một hợp đồng nào chỉ vì cô không muốn tài năng của anh lại đi phục vụ cho những con người không xứng đáng, những công trình của anh không có người cảm nhận. Dominique còn có rất nhiều hành động kỳ lạ khi cưới một chàng kiến trúc sư hèn hạ, bất tài mà mình căm ghét và đem về nhiều hợp đồng giá trị cho người này. Sự trả thù không phải lúc nào cũng là những hành động thù địch mà có thể là những cách đối xử bề ngoài rất ngọt ngào.

Những nhân vật là các ông trùm báo chí, ông trùm bất động sản, các cây bút phê bình có thể hướng cả xã hội theo mình đều hiện lên dưới ngòi bút của Ayn Rand rất sống động và hấp dẫn. Ông trùm làng báo Gail Wynand có thể xoay chuyển rất nhiều số phận con người, công ty, tập đoàn, có thể biến một tài năng ngạo mạn trở thành con chuột chũi; tàn ác và lạnh lùng khi đưa ra mọi quyết định, đam mê quyền lực và muốn chứng kiến quyền lực của mình có thể xoay chuyển thế giới, cuối cùng lại trở thành một con người khác khi “ngộ” được tài năng, tư tưởng của Howard Roark.

Những lời nói của Roark trong phiên toà cuối truyện có thể được xem là những tư tưởng đề cao sự sáng tạo và chủ nghĩa cá nhân của Suối nguồn: “Họ đến đây để chứng kiến một phiên toà  giật gân, để gặp những người nổi tiếng... để giết thời gian. Rồi họ sẽ quay về với những nỗi đau không dám thừa nhận, những hy vọng đã bị giết chết, những khát vọng bị bỏ rơi lặng lẽ... Họ sẽ quay lại với những ngày tháng nỗ lực không phải để nghĩ, để nói, mà để quên, để nhượng bộ và bỏ cuộc”.

“Không ai có thể sống vì người khác. Một người không thể chia sẻ linh hồn anh ta... Nhưng những kẻ thứ sinh đã sử dụng chủ nghĩa vị nhân sinh như một vũ khí để lợi dụng và đảo ngược những nguyên tắc đạo đức cơ bản của loài người... Một người cố gắng sống vì người khác là một người luôn lệ thuộc. Anh ta là một kẻ ăn bám và biến những người mà anh phục vụ thành kẻ ăn bám. Mối quan hệ này chẳng tạo ra cái gì khác ngoài sự suy đồi cho cả hai bên...”.

Suối nguồn được bán ra hơn 6 triệu bản trong hơn 60 năm qua, được xem là cuốn sách ảnh hưởng đến tư tưởng và tâm lý xã hội của rất nhiều người Mỹ.                                                    
 Trâm Anh
(Theo SGTT, 19/1/2008)
Other News