Tuổi thơ của thế hệ 8x nói chung và bản thân tôi nói riêng xem Nguyễn Nhật Ánh như là một thần tượng lớn. Lý do là vì hồi đó sách báo giành cho lứa tuổi học trò như chúng tôi không nhiều, quay qua quay lại chỉ có báo Nhi Đồng, Rùa Vàng, lớn hơn một chút thì làm bạn với Khăn Quàng Đỏ, còn truyện tranh đã có Nhật Bản “làm mưa làm gió”.
Cho đến khi bộ truyện “Kính vạn hoa” ra đời năm 1995, có thể
nói đó là một “sự kiện” tôi không thể nào quên. Cầm trên tay quyển truyện, tôi
còn nhớ là nó hình chữ nhật, vừa tay, bìa màu tím, đọc ngấu nghiến từng câu từng
chữ và mặc sức thả trí tưởng tượng: nhỏ Hạnh đeo kính dày cỡ nào, Quý ròm làm ảo
thuật ra làm sao, Tiểu Long nói câu “ngồi xuống ăn miếng bánh uống miếng nước,
có gì thì từ từ nói” với kiểu biểu cảm gì… Thích lắm.
Năm 11 tuổi,
tôi luôn mang trong mình một ước mơ, đó là gặp được chú Ánh bằng xương bằng thịt,
chỉ để tỏ lòng ngưỡng mộ của mình, nếu may mắn thì có được một chữ ký. Nhưng phải gần 15 năm sau tôi mới thực
hiện được ước mơ này: một chữ ký hoành tráng chễm chệ nằm ở trang đầu của quyển
“Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ.”
Tôi nghĩ
chú phải tìm hiểu kỹ càng và thân thiết lắm với lứa tuổi ẩm ương này, mới viết
nên được những câu chuyện gần gũi đến như thế.
Có thể nói,
Nguyễn Nhật Ánh và các tác phẩm của chú đã theo suốt cuộc sống của tôi, tính đến
thời điểm này. Cấp 1, cấp 2 làm bạn với “Kính vạn hoa”. Lên cấp 3, lớn hơn một
chút, biết suy ngẫm, biết tương tư, yêu đương thì thích thú với bộ ba Xuyến, Thục,
Cúc Hương. Cũng là những rung động đầu đời của tuổi học trò, có kẻ đón người
đưa, hoặc mạnh dạn theo đuổi người khác. Rồi cả thầy Gia, anh Vân, nhà thơ Tóc
Mây, Phán “củi”… mỗi nhân vật trong truyện của chú, dù là chính hay phụ, xuất
hiện nhiều hay ít, vẫn để lại trong tôi những ấn tượng riêng.
Nhắc tới
Xuyến, Thục, Cúc Hương nghịch như “quỷ sứ”
kia thì phải nhắc kèm bộ truyện ba tập “Nữ sinh”, “Bồ câu không đưa thư” và “Buổi
chiều Windows”. Tuổi học trò chỉ có một thời, nhưng để nhớ thì phải cả một đời!
Những suy
nghĩ ngây ngốc như thế rồi cũng qua. Bước vào cái tuổi già đời hơn thì những
câu chuyện khác của chú lại tiếp tục ám ảnh tôi, thật sự là ám ảnh. Bạn thử tưởng
tượng xem, đang vui vẻ, rảnh rỗi, không có gì làm, cầm quyển truyện của chú lên
đọc. Đọc xong lại buồn man mác, buồn theo chú, buồn theo câu chuyện của chú.
Trong các truyện dài được gắn mác “best – seller”, “Mắt biếc” là tác phẩm tôi ấn
tượng nhất. Nó hay, hay từ cốt truyện cho đến cả tên nhân vật: Ngạn, Hà Lan, bé
Trà Long. Không có bất cứ lời giải thích tại sao, vì lý do gì tôi lại để ý đến
những cái tên ấy, chỉ đơn giản là khi đọc vào thấy có cái gì đó giản dị, nhẹ
nhàng và cả chút yên bình trong một câu chuyện buồn hiu hắt.
Quyển này tập
trung đủ mọi tầng cảm xúc, cười đó rồi cảm thấy xót xa. “Những ngày cháu đi học xa, chú nhớ cháu biết
bao . Chú mong ngóng cháu từng giờ từng phút. Hơn mười năm về làng dạy học, chú
đã chứng kiến bao nhiêu người con gái rủ nhau rời bỏ làng. Họ đi ngang qua mắt
chú, lũ lượt và lầm lũi . Làng quên dần dà chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Chỉ có
cháu là người duy nhất ở lại . Cháu yêu làng, cũng như chú. Cháu yêu làng vì ở
đó có tuổi thơ và kỷ niệm. Vì ở đó có những người thân. Và vì ở đó, có chú. Những
năm tháng đi xa, cháu đã mỏi mòn chờ ngày về lại . Cháu đã đếm từng ngày, từng
tháng, từng mùa phượng nở. Làm sao chú có thể quên hôm mới về làng, cháu đã reo
lên hớn hở: "Chú ơi, cháu về đây nè! Lần này cháu về luôn!". Ánh mắt
cháu hôm đó vui mừng biết mấy . Vậy mà, ngày cháu về, chú lại ra đi .”
Quyển thứ hai sau “Mắt
biếc” ấn tượng với tôi là “Còn chút gì để nhớ”. Dường như, tôi thích những gì
buồn bã, dằn vặt cảm xúc. Đọc để thấy được tình cảm của tuổi học trò, nó đơn sơ
nhưng không kém phần đẹp đẽ. Và vì quá đẹp nên khi gặp phải một cú sốc, mối
tình ấy không thể tiếp tục, vì thời cuộc, vì chiến tranh, nó khiến nhân vật
chính bị dày vò, ám ảnh suốt một thời gian dài, phải bỏ cả thành phố, bỏ cả bạn
bè người thân để lẩn trốn, để quên đi.
Điểm đặc biệt trong các
tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, là sự chân thành, giản di. Câu văn của chú không
cần phải hoa mỹ, sang trọng mà vẫn có cảm giác miên man, giống như đạp xe trên
con đường dài tít tắp. "Giọng Kim Dung bỗng nhiên dịu dàng kỳ la, khác hẳn thường ngày. Tôi
lặng lẽ nhìn ra đường. Buổi trưa, nắng chói chang trên những tàng cây điệp, in
xuống mặt đất những bóng đen im sững. Thỉnh thoảng, một cơn gió nhẹ lướt qua,
mơn man những nhánh cây làm rơi xuống những chiếc lá phản chiếu ánh sáng, nom
như những giọt nắng vàng lượn lờ trong khoảng không ngái ngủ. Tôi dõi theo những
chiếc lá, lòng bồi hồi không biết Kim Dung có còn giận tôi nữa không".
Chú Ánh làm tôi ngày
càng khó tinh trong việc chọn sách để đọc, từ lúc biết đến các tác phẩm của
chú. Đọc cái gì văn vẻ quá cũng thấy không thật, lại tìm về với chú. Có thể cũng
là người sinh ra ở miền Trung như chú, nên tôi cảm nhận được sự mộc mạc của con
người qua ngòi bút của chú. Hình ảnh về quê nhà, những đứa trẻ tắm sông, cùng
nhau chơi đánh trận, cưỡi trâu, con đường làng có những bụi hoa cỏ may ven đường…
gần gũi biết bao, đọc để nhớ về những ngày tháng đã cũ.
Nhà văn Phong Điệp đã viết
như thế này trên báo Thể Thao & Văn Hóa: “Tôi nghĩ, là giờ Nguyễn Nhật Ánh có viết gì thì độc giả vẫn sẽ đọc, vì
anh đã tạo dựng được một thương hiệu riêng, trở thành thần tượng của nhiều độc
giả.”. Điều này quá đúng, ít nhất là với tôi. Từ trước đến nay tôi hoàn
toàn không có hứng thú với tản văn hay tạp văn, và tôi chưa từng đọc một quyển
nào cả. Vậy mà lúc chú phát hành tập “Sương khói quê nhà”, tôi không ngần ngại
mua về, lại đọc, nghiền ngẫm và thốt lên rằng: “Tạp văn thú vị như thế này
sao?”.
Không dám nhận mình là
người am hiểu, đọc hết tất cả tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, tôi chỉ muốn nói rằng:
“Tôi muốn cảm ơn chú, vì gần 15 năm qua,
mỗi tập truyện của chú là một tấm vé cho tôi trở về với tuổi thơ, đọc mà nhiều
lúc chẳng muốn dứt ra để quay về hiện tại. Chú là người tôi luôn ngưỡng mộ và
trân trọng”.
HUỲNH THANH NHÃ
(TPHCM)