Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

SỐ PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG TIẾNG HÚ TRÊN ĐỈNH PÙ CẢI
Update Date: 08/14/2017

Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải là tập truyện ngắn của tác giả dân tộc Tày. Tác phẩm chủ yếu nói về những mảnh đời khốn khổ, bất hạnh bởi cái nghèo, cái lạc hậu đâu đó vẫn tồn tại ở một số tỉnh miền núi nước ta.

 

Tập truyện Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải là một tác phẩm của nhà văn Trẻ Nông Quang Khiêm, được gửi dự thi Văn học tuổi 20 lần VI. Có lẽ vì là văn học của tác giả người dân tộc, nên đọc sách, ta vẫn thấy được nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng. Nhưng đằng sau nó, là những số phận người phụ nữ, bất hạnh, khốn khó chính bởi sự lạc hậu, nghèo khổ nơi đây.

Cuốn sách gồm 11 truyện ngắn, tất cả là những câu chuyện, những mảnh đời của con người vùng núi cao. Những câu chuyện tình trong sáng phải tan vỡ vì gia đình ngăn cấm, những cuộc hôn nhân gượng ép không hạnh phúc, hay kể cả vợ chồng khi đã lấy nhau rồi, vẫn vì gánh nặng cơm áo mà chia tay. Sau tất cả những điều ấy, là người đàn bà cam chịu, lầm lũi, thu hết tổn thương và chỉ biết câm lặng trong những nỗi khốn cùng.

Đó là Sa, một cô gái con nhà “tào” danh giá, xinh đẹp nhất vùng, bị cha ngăn cản đến với người mình yêu vì gia cảnh không tương xứng, phải chịu lấy người mình không yêu. Để rồi, cô gái ấy “phờ phạc và xanh xao” đi khi phải lấy một người chồng vũ phu, rượu chè.

Đó là cô Nải, nhà nghèo chỉ có hai mẹ con nương tựa nhau, dù đã có một mối tình trong sáng, đã nhận cả vòng bạc của người ta. Nhưng “Nải bị đồng tiền làm mờ mắt rồi! Tiền mạnh hơn tình yêu của tôi với Nải!”, để thoát nghèo, thoát khổ mà đi kiếm việc làm và mắc bẫy, bị lừa bán sang biên giới khi “bụng đã lùm xùm sau áo”.

Và còn cả những người phụ nữ khác, mỗi cuộc đời họ đều là một câu chuyện riêng. Nhưng chung quy cũng chỉ vì cái nghèo, cái khổ, các thiếu hiểu biết và lạc hậu mà dẫn đến sự bất hạnh ấy.

Để rồi, tập sách khép lại khi Xao, nhân vật nữ chính trong truyện ngắn Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải chết, một cái chết mang tính biểu tượng bi thảm, chết ngồi như “bức tượng bằng đá đông cứng lại” ở ngọn núi cao.

Từ trước đến nay trong văn học Việt, đề tài người phụ nữ vẫn luôn được khai thác và đào sâu, từ vẻ đẹp, ý chí kiên cường của họ trong chiến tranh hay đời sống thường ngày. Nhưng với Tiếng hú trên đỉnh Pù Cải, ta biết rằng ở đâu đó trên mảnh đất này, vẫn còn có rất nhiều những người phụ nữ bất hạnh, chỉ biết lặng câm cam chịu, những mảnh đời khốn khổ đến cùng cực.

Anh Như

 

TIẾNG HÚ TRÊN ĐỈNH PÙ CẢI
Other News