Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Du ký trên tạp chí Nam Phong(*)
Update Date: 05/11/2007

 
62 bài du ký, trong đó có những du ký đã sớm được in thành sách ngay sau khi xuất hiện trên báo, nhưng hội lại trong một bộ sưu tập để có gương mặt chung về du ký Việt Nam trên Nam Phong, hoặc rộng ra là du ký trong hai thập niên trước 1930, thì đến bây giờ mới làm được. Do nhu cầu tìm hiểu về du ký, tôi muốn tìm một cách tiếp cận thích hợp với đặc trưng và mục tiêu của du ký, qua các câu hỏi chung quanh việc Đi.

(...) Đi, do một nhu cầu thư giãn hay đi vì một công vụ gì đó, thì việc ghi chép những điều suy ngẫm và mắt thấy tai nghe vẫn thuộc về tư chất và thói quen của nhà Nho hoặc trí thức Tây học còn đậm chất Nho. Nếu Đông Hồ viết Thăm đảo Phú Quốc nhân một “việc quan sai” nho nhỏ thì Phạm Quỳnh đi Pháp, rồi ghi Pháp du hành trình nhật ký lại do một trách nhiệm lớn: “được quan Thống sứ Bắc Kỳ cử sang Đại Pháp thay mặt cho Hội Khai Trí Tiến Đức để dự cuộc Đấu xảo Marseille; lại được quan Toàn quyền đặc phái sang diễn thuyết tại mấy trường lớn ở Paris, ngày 9.3.1922”.
      Trở lại tư cách của người viết qua mấy chục du ký - mà ở đây chỉ dẫn 2 trường hợp là Đông Hồ và Phạm Quỳnh, để thấy phẩm chất của trí thức thuộc cả hai phái Cựu học và Tân học, cùng với tư cách xã hội đã quy định chặt chẽ nội dung và cách viết của họ. Là học giả, là trí thức, lại vừa là hoặc từng là công chức của nhà nước nên mỗi du ký bao giờ cũng là sự hội đủ các tri thức về địa dư và lịch sử, cùng những cảm khái và suy ngẫm về thời thế. Mỗi du ký, xen với việc kể, tả thế nào cũng có những suy nghĩ về xưanay, về ngườita, qua đó gửi gắm khát vọng thay đổi đất nước.
      Cũng do tư cách và mục đích của người viết như thế nên giá trị văn chương của các du ký thường xen lẫn với nhiều giá trị khác - những giá trị mang tính học thuật, như giá trị sử học, xã hội học, dân tộc học, phong tục học, văn hóa học, địa phương học... Xem cách Phạm Quỳnh thuật chuyện về Paris hoặc du ký về Paris thì thấy rất rõ điều này. Đây không hẳn là một áng văn chương về Paris, mà là một miêu tả và khảo sát về Paris, trên rất nhiều phương diện. Chẳng hạn như khi tả Tháp Eiffel: “cao những 300 thước (...) khởi dựng ngày 28 tháng Giêng năm 1887, đến ngày 31.3.1889 mới thành công, nặng cả thảy là 7 trăm vạn cân tây, trong có một vạn hai nghìn mảnh sắt nối lại với nhau bằng 250 vạn cái đanh sắt nặng cả thảy là 45 vạn cân. Dưới chân có bốn cái bệ bằng đá...”. Cách khảo tả tỷ mỉ như thế, cùng với cách suy ngẫm về người và ta ở rất nhiều trang cho thấy đặc trưng nội dung du ký của một thời mà xem ra ông chủ Nam Phong là người có đủ tư cách đại diện nhất.
      Nhân chuyện sang Tây dự đấu xảo Marseille của các ông Vĩnh, Quỳnh, cùng lúc với chuyến sang Paris của Khải Định, cũng nên nhớ đến sự hiện diện của một người Việt Nam khác từ vài năm trước đó, ở Paris là Nguyễn ái Quốc. Trong một thân phận khác, Nguyễn đã viết du ký Paris ghi tại chỗ chính cái xóm chung quanh con hẻm mình ở, cho diễn vở kịch Con rồng tre và viết truyện ngắn Vi hành để công kích Khải Định. Lại cũng là một so sánh vui: nhân vật Khải Định cũng hiện diện trong du ký và thuật chuyện ở Paris của Phạm Quỳnh. Choáng ngợp trước các đại lộ lớn với các cửa hiệu to, tràn ngập hàng hóa, tác giả viết: “Vào đến đây chỉ tiếc mình không phải là một đại phú ông nào để mua đồ cho thỏa chí. Những kẻ hàn sỹ lấy tiền đâu mà sắm sửa được như người. Nghe đâu có đức Hoàng đế ta chuyến ngự du Âu châu này, sắm được nhiều đồ vật quý lạ lắm, và thứ nhất là các “trang sức phẩm” ở Paris. Có ông Tây đã nói với tôi rằng: “Vua anh giàu thật”. Tôi nghĩ bụng: “Rõ ông này lại khen phò mã tốt áo”.
      Cùng một thời điểm, trên cùng một sự kiện, từ những điểm nhìn và vị thế khác nhau, và với khoảng lùi thời gian, ta càng có thêm các dữ kiện mới để quan chiêm và soi sáng lịch sử.
      Văn chương trong gắn nối với các mục tiêu học thuật là mục tiêu của Nam Phong và đó cũng là giá trị toát ra từ các du ký, vốn là một thể trong văn xuôi. Sự xen cài, giao thoa này là đặc trưng của thời kỳ đầu hiện đại hóa, khi văn chương chưa thoát ra khỏi mục tiêu giáo huấn, và khi người viết là đứng ở nhiều tư cách, trong đó gồm cả, hoặc chủ yếu là tư cách học giả (érudit) mà chưa thật sự là nhà văn, theo nghĩa chuyên nghiệp (écrivain). Chính bởi đặc trưng và mục tiêu đó - vốn là sản phẩm của một thời, nên Nam Phong tạp chí nói chung (gồm cả du ký) đã thỏa mãn được nhu cầu học tập, đào luyện của một thế hệ trí thức mới như Thiếu Sơn, Đào Duy Anh... Thiếu Sơn viết năm 1933: “Gần hai chục năm nay không biết Tạp chí Nam Phong có giúp được chút gì cho sự giữ gìn đạo đức trong dân gian không thì tôi không được biết. Chứ thực tình nó đã giúp được sự mở mang tri thức trong quốc dân nhiều lắm”. Và Đào Duy Anh, viết năm 1973: “Tôi tự học văn học Việt Nam và biết viết Quốc văn phải nói thực một phần không ít là nhờ chuyên đọc Tạp chí Nam Phong. Trong khi dạy học ở Đồng Hới, đồng thời với việc học thêm chữ Pháp theo một chương trình nhất định, tôi không bỏ việc nghiên cứu Quốc văn và Hán văn, vẫn lấy Tạp chí Nam Phong làm công cụ chính”...
      Và cũng gần như là thế, ở tư cách một bạn đọc bây giờ, sau 80 năm tôi vẫn rất hứng thú với khối tri thức được đem lại bởi Nam Phong. Ngay cả trong các du ký tôi cũng tiếp nhận được rất nhiều điều mới mà thời gian vẫn không làm cho cũ đi, hoặc chính cái “cũ” đó lại là cái “mới” đối với các thế hệ sau. Chẳng hạn một cảnh Bờ Hồ ban đêm trong Đêm tháng Sáu chơi Hồ Hoàn Gươm cách đây hơn 80 năm mà tôi đoán chắc, ai là công dân Hà Nội, kể cả những nhà Hà Nội học bây giờ cũng ngạc nhiên thích thú khi đọc; Về Chùa Hương, với hành trình 2 ngày rưỡi, 3 đêm; Về Hội Lim với cuộc đi chơi 5 tầng núi; Về sự du lịch đất Hải Ninh, với cái bẩn thỉu khó đâu sánh bằng ở Đông Hưng - bên kia Móng Cáy, và tục mua - bán vợ của người dân ở đây, để thấy chuyện buôn bán phụ nữ qua biên giới là có một lịch sử dài như thế nào... Những du ký này rất cần thiết cho sự phát triển ngành du lịch ở xứ ta vào đầu thế kỷ mới này. Và chẳng riêng du lịch. Nó cũng rất cần cho các hoạt động bảo tàng danh nhân và lịch sử, cho kiến trúc và điện ảnh...
      Còn với người nghiên cứu văn học, đây là minh chứng cho một giai đoạn quan trọng của lịch sử văn học dân tộc - giai đoạn bản lề, giao thời trên tất cả các phương diện của ngôn ngữ và thể loại, của tác giả và công chúng, của nội dung học thuật và tư duy nghệ thuật... Sau thời giao chuyển được phản ánh và kết đọng rất rõ qua Tạp chí Nam Phong, mà 62 du ký là một bộ phận, đến thời kỳ hoàn thiện diện mạo hiện đại của nó, từ 1930-1945. Nếu truyện ngắn và tiểu thuyết, cùng phóng sự, tùy bút, hồi ký có một bước phát triển mới thì du ký lại có phần chững lại, khi văn chương tách khỏi học thuật, trở thành một khu vực chuyên, với giá trị văn chương là chủ yếu, chứ không còn xen cài với các giá trị khảo cứu về văn hóa, phong tục hoặc lịch sử. Người viết, viết với tư cách nhà văn mà không có một tư cách nào khác, nên việc đi để tìm cảm giác lạ, đi để thay đổi thực đơn cho dạ dày và giác quan, rồi phô cái Tôi của mình trên mặt giấy để cho những ai yêu mình và yêu văn của mình cùng thưởng lãm, dường như chỉ riêng Nguyễn Tuân mới có chuyên tâm thực hiện. Nhưng hẳn khó có chuyến đi nào làm vơi được cơn khát thèm đi của Nguyễn, bởi túi tiền thì rỗng và khi chính quyền kiểm tra giấy tờ tùy thân, hoặc cần một sự khai báo thì ở mục nghề nghiệp, thay vì ghi là: Nhà văn hoặc Nghề viết văn, Nguyễn lại ghi là Sans profession (Vô nghề nghiệp). Còn chuyến đi được viết trong chính tên sách Một chuyến đi (1938) đưa ông sang Hong Kong làm phim Cánh đồng ma lại là một cuộc đi khốn khổ... Một chuyến vào Sài Gòn của Nam Cao với hậu quả là một trận ốm thập tử nhất sinh, hất trả ông trở về quê nhà, chỉ để lại chút ít dấu ấn trong Sống mòn (1944). Còn Tô Hoài thì phải mượn Dế mèn để làm một cuộc phiêu lưu trong tưởng tượng.
      Du ký từ sau 1930 đã có một gương mặt khác.
      _________________
      (*) 3 Tập, mỗi tập dày hơn 600 trang; Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm- giới thiệu; NXB Trẻ 2007

Phong Lê
(Theo nguoidaibieu.com.vn, 1/4/2007)
Other News