Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Đọc “Thế giới phẳng” của Thomas Friedman. (Phần 1)
Update Date: 09/12/2006

 
Phần I : Bạn có ngạc nhiên không : Thế giới bây giờ là phẳng !

 

Cách đây nhiều ngàn năm , thế giới này của chúng ta được loài người nhận thức như là phẳng . Một thế giới phẳng rộng lớn mà con người không bao giờ đi đến được chân trời giới hạn của nó. Người Trung quốc nói đến khái niệm trời tròn đất vuông và nhà toán học vĩ đại Euclide của Hy Lạp vào thế kỷ thứ tư trước Công nguyên đã đưa ra năm định đề xây dựng nên một nền hình học phẳng mà ngày nay chúng ta vẫn còn học. Nhưng đến thế kỷ 16 , Copernic và Galileo đã chứng minh quả đất có hình cầu và chuyển động quanh trục của nó cũng như xoay quanh mặt trời . Nhận thức con người về một thế giới phẳng đã chấm dứt .Hình học phẳng chỉ có thể áp dụng cho không gian Euclide , mà một không gian chỉ có thể được xem là phẳng khi nó ở cấp độ cực nhỏ . Bây giờ , nền vật lý hiện đại đang nói tới khái niệm không gian đa chiều . Một thế giới phẳng là không tồn tại.

Nhưng vào đầu thế kỷ 21 này, Thomas Friedman, một nhà báo và là một nhà kinh tế học người Mỹ , bằng những chứng minh thực tiễn và đầy sinh động, đã thuyết phục chúng ta  tin vào sự tồn tại của một thế giới phẳng mới , một thế giới phẳng về mặt kinh tế, hay đúng ra,  đang được san phẳng vì đang được biến thành siêu nhỏ . Ong phát biểu sự “ đại ngộ “của mình trước hết bằng lời thì thầm với vợ qua điện thoại “ Anh nghỉ thế giới này là phẳng “ ( khác với Archimède vừa chạy vừa la“ Eureka “ trên phố khi tìm ra lời giải cho một phép cân hóc búa ), Phát hiện này của Friedman xảy ra sau khi ông gặp gỡ Nandan Nilekani , một người An , chủ tịch tập đoàn công nghệ Infosys nổi tiếng và nghe ông này nói : “Sân chơi đang trở nên công bằng “. Một sân chơi đang trở nên công bằng, Friedman chợt nghỉ, chính là một sân chơi đang được san phẳng . Và nếu sân chơi đó là thế giới , thế giới đó đang được làm phẳng . Một thế giới nếu đang được làm phẳng bởi nhiều nhân tố do con người liên tục tạo ra, kết quả cuối cùng đạt được chắc chắn sẽ là một thế giới phẳng ! Friedman nhận định rằng hệ thống thế giới phẳng là sản phẩm của sự hội tụ  giữa máy tính cá nhân (cho phép các cá nhân trở thành tác giả của sản phẩm số ) với cáp quang ( cho phép các cá nhân tiếp cận với các sản phẩm số trên thế giới gần như miễn phí ) và phần mềm xử lý công việc( cho phép các cá nhân trên khắp thế giới công tác trên cùng cơ sở dữ liệu số , bất kể từ nơi đâu với khoảng cách như thế nào ).  Sự hội tụ đó , theo ông , chỉ mới vừa diễn ra, vào khoảng năm 2000.
 
 Friedman cho rằng có đến mười nhân tố làm phẳng thế giới . Nhưng thật ra chỉ có ba nhân tố ông phân tích đầu tiên mới thực sự là các nhân tố cơ bản, các nhân tố khác chỉ là những tác nhân nối tiếp tiến trình làm phẳng thế giới đã được khởi động bởi ba nhân tố đầu tiên . Thứ nhất là điều mà Friedman cho là một  kỷ nguyên sáng tạo mới , bắt đầu với sự sụp đổ  các bức tường chính trị của thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sự xuất hiện mang tính chất toàn cầu của  phần mềm Windows của Microsoft . Nhân tố này làm cho các xã hội trở nên phẳng hơn, và Friedman xác định :” Sân chơi sẽ không công bằng nếu chỉ thu hút và trao đặc quyền cho một nhóm gồm những người sáng tạo, nhưng nó hoàn toàn công bằng vì đang thu hút và trao đặc  quyền cho cả những người đàn ông và đàn bà giận dữ, căm phẫn và bị làm nhục “.
 

Nhân tố thứ hai dẫn đến sự làm phẳng thế giới được Friedman gọi là  “kỷ nguyên kết nối mới  “xuất hiện với sự phổ cập rộng rãi không kém của mạng toàn cầu (world wide web ) và sự ra đời vĩ đại của Internet . Mọi người ở bất cứ ngõ ngách nào trên toàn thế giới , trên nguyên tắc  đều có thể truy cập vào mạng một cách dễ dàng . Điều đó đã đặt nền móng cho một sự cộng tác toàn cầu của các cá nhân trên các lãnh vực công nghệ, thương mại, cung cấp dịch vụ, trao đổi và tiếp cận thông tin , hợp tác sản xuất , kinh doanh với một phí tỗn ngày càng thấp .

Nhân tố thứ ba là sự ra đời và ứng dụng rộng rãi của phần mềm xử lý công việc. Friedman cho rằng đây thực sự là một cuộc cách mạng . Ong nói “ Cuộc cách mạng này cho phép nhiều người hơn từ nhiều nơi hơn tham gia vào thiết kế, trưng bày, quản lý và tiếp cận dữ liệu kinh doanh mà trước đây chỉ có thể xử lý thủ công.Nhờ đó, công việc bắt đầu lưu thông dễ dàng trong các công ty và giữa các công ty với nhau, giữa các lục địa với nhau ở mức độ chưa từng thấy. “
 
Ba nhân tố cơ bản này đã làm nảy sinh  thêm các tác nhân làm phẳng khác mà Friedman gọi là các hình thức cộng tác mới đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu ,  mọi người ở mọi quốc gia đều đang tham gia vào sự cộng tác đó một cách tích cực tuy ở các cấp độ khác nhau . Đó là các hoạt động  tãi lên mạng ( uploading ), , thuê làm bên ngoài ( outsourcing ) , chuyển sản xuất ra nước ngoài ( offshoring  ),  chuỗi cung ( supply-chaining ), thuê bên ngoài làm ( insourcing ) và cung cấp thông tin ( in-forming ) . Những hoạt động này đang góp phần làm phẳng thế giới một cách liên tục và đều đặn.
 
Ông nêu lên những thí dụ điển hình : Những chuyên gia kế toán ở An Độ đang cung cấp dịch vụ khai thuế theo hình thức thuê làm bên ngoài cho các doanh nghiệp Mỹ với giá rẽ hơn và với một khối lượng công việc đang gia tăng theo cấp số nhân. Năm 2003, chỉ có khoảng 25.000 tờ khai thuế ở Mỹ được thực hiện tại An Độ. Đến năm 2005, con số này là 400.000 và đang tiếp tục tăng . Trong khi đó , tại vùng duyên hải phía đông Trung Quốc , một thành phố đang cung cấp hầu hết các gọng kính mắt trên thế giới , gần đó một thành phố đang sản xuất hầu hết các đầu lọc thuốc lá dùng một lần trên thế giới và thành phố kế bên sản xuất hầu hết các màn hình của máy tính cho hãng Dell. Chỉ riêng ở khu vực đồng bằng Chu Giang phía bắc Hồng Kông, đã có đên 50.000 nhà cung cấp phụ tùng điện tử cho thị trường Trung Quốc và thế giới. Đó là một số trong vô số bằng chứng khác cho thấy tác động làm phẳng thế giới của chỉ riêng hai hoạt động thuê làm bên ngoài và chuyển sản xúât ra nước ngoài đang diễn ra tại An Độ và Trung Quốc, hai quốc gia đông dân nhất thế giới . Hai nước này, bằng những chính sách thích nghi đúng đắn của họ với tiến trình làm phẳng thế giới , đang tranh thủ được những lợi ích to lớn . Họ đang lớn mạnh và sẽ trở thành một thách thức cho các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ . Một quan chức ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã không ngần ngại thừa nhận “ Thoạt tiên chúng tôi sợ sói, rồi chúng tôi muốn nhảy múa với sói, và bây giờ chúng tôi muốn trở thành sói”. Friedman cho  rằng : “Trung Quốc và An Độ  trước tiên sẽ tập trung giải quyết các vấn đề của họ bằng cách khai thác lao động giá rẽ, công nghệ cao, sức sáng tạo và tư duy lại về tương lai của chính họ.  Sau đó, họ sẽ tập trung đối phó với chính nước Mỹ. Nước Mỹ phải chuẫn bị về con người, rất nhiều người để làm những việc tương tự.  Đây là hồi chuông báo động cuối cùng đối với nước Mỹ “.
 
Một thế giới phẳng có vẻ là cơ hội phát triển cho bất cứ một quốc gia nào, một xã hội nào, một doanh nghiệp nào và một cá nhân nào thích nghi được với môi trường phẳng của thế giới và biết cách ứng xử hợp lý , tức là tranh thủ vươn lên trên các ngọn sóng làm phẳng của nó bằng cách sử dụng tốt nhất các công cụ mà nó đã tạo ra . Bằng những luận cứ của mình , Friedman mong muốn trình hiện một thế giới phẳng theo cách nhìn của ông , trong đó sự hợp tác giữa các cá nhân trên toàn thế giới trong việc sử dụng một cách công bằng và với hiệu quả tối ưu  mọi nguồn lực của  hành tinh sẽ là động lực từ nay về sau cho sự tiến bộ của toàn nhân loại mà không cần đến sự can thiệp , định hướng của các tôn giáo , các học thuyết chính trị, các chính phủ hay thậm chí các công ty , dù đó là công ty siêu quốc gia. Các công ty trong tương lai sẽ là một tập hợp phẳng của những cá nhân có năng lực sáng tạo riêng , hành xử một cách đúng đắn và có trách nhiệm các công việc thuộc chức năng được phân công cho mình với một hiệu quả hơn hẳn.
 
 Thế giới là phẳng trong ý nghĩa sự bùng nổ công nghệ ở bất cứ nơi nào trên hành tinh cũng được nhanh chóng tiếp thu và ứng dụng tại một nơi  xa xăm, và sự cung ứng các sản phẩm tốt hơn với giá thành rẻ hơn phát xuất từ công nghệ mới đó có thể được  thực hiện tại bất cứ đâu để phục vụ nhu cầu ở những nơi xa xăm khác. Khái niệm khoảng cách  không còn ý nghĩa, thế giới sẽ trở nên siêu nhỏ theo cách nhìn của Friedman.
 
Tuy nhiên, đó là một thế giới phẳng có điều kiện .Thế giới của Friedman phẳng nhờ những tiến bộ công nghệ , đặc biệt là công nghệ thông tin và , một mặt nào đó , về sự phân công lao động rộng rãi xuyên quốc gia đang xảy ra trên toàn cầu . Điều kiện của nó là sự tự do chuyển giao , tiếp thu và ứng dụng công nghệ mới cũng như sự công bằng cần thiết trong phân công lao động toàn cầu . Tuy nhiên, đây không phải là những điều kiện dễ dàng có được trong một thế giới không phẳng về các giá trị triết học, đạo đức , văn hoá và thẩm mỹ , về lợi ích của quốc gia và của các nhóm quyền lợi siêu quốc gia và trên hết về cách nhìn của mỗi chúng ta về chính thế giới mà chúng ta đang sống. Điều hiển nhiên là  mỗi người chỉ thấy thế giới theo cách nhìn của riêng mình .Thế giới chỉ là một sự trình hiện chủ quan dưới mắt của một chủ thể , nó không có tính khách quan, vì cả chủ thể và thế giới đều không có tự tính , như nhận thức của đại sư Long Thọ trong Trung Quán luận . Thế giới dưới mắt của Friedman là phẳng, nhưng dưới mắt của nhiều người khác, thế giới là không phẳng , tuy rằng những người này cũng tiếp cận được tất cả những công cụ mới, những công nghệ mới đang làm phẳng thế giới như Friedman đã nêu . Với Bin Laden và những học trò cuồng tín của ông ta, thế giới này không thể được làm phẳng . Ong ta thà cho nổ tung thế giới hơn là thấy nó bị san phẳng theo ý đồ của người Mỹ. Đối với những ai khác có tầm nhìn thực tế hơn , điều quan trọng không phải là tìm xem thế giới này phẳng hay không phẳng. Điều quan trọng là quan điểm và lập luận của Friedman về một thế giới phẳng có thể cung cấp một “ cẩm nang “ hành động thích hợp giúp cho những quốc gia, những doanh nghiệp , những cá nhân biết vận dụng tốt lời khuyên của ông đạt đến thành công trong kỷ nguyên toàn cầu hoá đầy khó khăn thách thức hiện nay , và từ nay về sau , trên con đường đi đến thịnh vượng của họ.
 
Huỳnh Bửu Sơn
(Theo Doanh nhân Sài Gòn cuối tuần)
Other News