Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Trích đọc truyện ngắn "Một kiểu làm ăn" trong tập sách "Hương quê, Tây đầu đỏ và một số truyện ngắn khác"
Update Date: 12/14/2006

MỘT KIỂU LÀM ĂN
(Trong tập truyện ngắn Người bạn triệu phú
- NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1971)
 
Hồi Tết năm ngoái, tôi được may mắn ra nghỉ mát ở Vũng Tàu trong 24 tiếng đồng hồ. Phút vui quá ngắn ngủi, bởi vậy tôi tìm mọi cách để tận hưởng thời gian đổi gió.

Đến 2 giờ trưa, tôi còn ngồi ở Bãi Sau, gần cái chỗ gọi là Eo Quắn. Buồn lắm. Buổi trưa ít gió, hơi cát bốc lên ngùn ngụt. Mấy chiếc ghe lưới đã về bến, tự bao giờ. Trong quán giải khát, tôi ngồi trơ trẽn. Ông chủ quán tắt máy radio cho đỡ tốn điện rồi nằm lim dim. Mặt biển xanh chàm, lấp lóe ánh nắng. Tôi ngả lưng xuống chiếc ghế, tìm cách giết thời giờ. Khi hết tiền bạc, thì con người chỉ còn một cách để giải trí: đó là đùa giỡn với bộ óc, với ký ức của mình.

Tôi mỉm cười, đưa tâm tư hướng về miền Thất Sơn xa xôi. Với vô số “ô”. Nào ô Lâm, ô Đùng, ô Chát.

Ô là con suối nhỏ, theo tiếng Khơme. Ở đây, đúng ra đồng bào nên mạnh dạn xác nhận, nói Ô Quắn thay vì Eo Quắn. Mình về Sài Gòn, viết một bài nho nhỏ đăng trên nhật báo, giải thích tiếng “Ô” cho độc giả nghe chơi.

Phía sau lưng, có tiếng ngáp dài. Đó là ông chủ quán. Tôi gợi chuyện:

- Trưa nay buồn. Chắc là ít khách.

Ông ta trả lời:

- Lai rai vài người, buổi trưa.

- Ủa! Nãy giờ chỉ một mình tôi. Còn ai đâu nữa?

- Kìa! Thí dụ như hai người đó. Họ vô đây, lát nữa.

Tôi chụp cặp kiếng, mang lên để nhìn ra xa. Đúng như lời ông chủ quán, đằng kia, dưới nắng chang chang, một người bụng bự và một cô gái “đợt sóng mới” đang ngồi kề nhau, rồi cô gái ngả đầu vào ngực người bụng bự. Mắt tôi sáng lên. Anh chàng bụng bự đó dường như quen thuộc, đã gặp mặt, bắt tay và mời tôi uống cà phê, hút thuốc nhiều lần ở Sài Gòn. Anh ta là Xìn Phóc. Vì tò mò, tôi hỏi Xìn Phóc chữ viết ra sao, nghĩa gì? Anh ta viết lên giấy hai chữ Thần Phước.

Kìa kìa! Cô gái xinh đẹp, tuổi độ trăng tròn đang vuốt ve Xìn Phóc. Gương mặt cô trông cũng khá thông minh. Xìn Phóc chỉ là gã chuyên nghề bán a-dao, mài dao cắt giấy, hằng ngày, đạp chiếc xe cũ, chạy khắp các nhà in để tìm mối. Hắn đem lưỡi dao lụt và a-dao cũ về phía Chợ Lớn để rồi vài ngày sau, trao lại cho nhà in mớ a-dao sạch sẽ hơn, cái lưỡi dao bén hơn. Để độc giả hiểu rõ, tôi xin mạn phép giải thích: a-dao dùng để làm ống lăn mực in, lưỡi dao cắt giấy khá to giống như dao của máy chém, phải mài bằng máy mới đều đặn. Tóm lại, mỗi ngày Xìn Phóc chỉ kiếm được 100 đồng tiền huê hồng mà thôi.

Một chiếc xe hơi kiểu mới đậu từ lúc nào bên lề đường cái. Phải chăng xe của Xìn Phóc? Hay là anh chàng bụng bự đang làm công việc mùi mẫn ấy là anh hoặc em ruột của Xìn Phóc? Tôi không dám vẫy tay chào. Giữa tôi và Xìn Phóc đâu cần xã giao vớ vẩn. Là bạn thân, từng uống cà phê bình dân với nhau, tôi có đủ tư cách để cười reo và khuấy rối giờ phút nô đùa của anh ta mà.

Hai người từ từ đứng dậy, phủi cát trên quần áo, tiến vào quán. Xìn Phóc reo:

- Thầy Hai! Nãy giờ ngồi đó hả? Sao không kêu tôi?

Tôi đáp nhanh:

- À!... Ông chủ! Ra hồi nào? Chừng nào về?

Xìn Phóc gật đầu:

- Đi xe nhà. Chiếc xe của tôi mới mua. Còn cô nầy là bạn mới quen. Ngoài kia, nắng quá. Tôi muốn vô quán nhưng sợ gặp người quen... Dè đâu... Thôi! Mời thầy Hai uống rượu. Đừng kêu tôi là ông chủ.

Cô gái đưa tay, gọi anh chiêu đãi:

- Cho tôi một chai “bia lây” (nước ngọt).

Rồi cô kéo ghế ra xa, day về phía mặt trời mọc, tức là phía Long Hải, giữ thái độ kẻ xa lạ, ngoại cuộc.

Xìn Phóc cười cười, nói rỉ vào tai tôi:

- Thầy Hai nhớ cô nầy không? Lúc trước đứng bán hàng ở “cu-loa Ê Đen”. Bây giờ thì về làm thơ ký cho hãng xuất nhập cảng của tôi. Học tới bằng cấp Tú Tài đó.

Tôi đáp:

- Anh giỏi quá. Lập hãng hồi nào? Mấy tháng rồi, anh làm ăn ở xứ nào mà mau giàu vậy? Đi Hồng Kông? Đi bên Lào? Đi Nam Vang?

Xìn Phóc lắc đầu:

- Ở Chợ Lớn hoài mà.

- Làm nghề gì? Trúng số độc đắc?

Anh ta im lặng hồi lâu:

- Tôi đâu có mua giấy số.

- Hay là anh buôn lậu?

- Làm ăn đàng hoàng mà! Tôi đố thầy Hai nói trúng cái nghề của tôi. Hay lắm.

Tôi ngả lưng, thở dài, từ lâu rồi, cam phận làm mướn, ăn tiền ngày, ăn tiền tháng. Thỉnh thoảng tôi nghe vài người bạn chạy “áp phe” thuật lại mánh khóe kinh tài của giới Hoa thương. Thôi thì phen này đành chịu dốt để nghe lời giảng dạy của Xìn Phóc.

Cô gái “đợt sóng mới” ngậm cái ống giấy, nút một hơi nước ngọt rồi trợn mắt liếc qua tôi. Tôi chép miệng. Cô ta đẹp, đẹp nẩy lửa. Nhờ có xe hơi, nhờ đóng vai chủ nhân mà Xìn Phóc rinh “cục lửa” ấy quá dễ dàng, chẳng bị phỏng tay. Trong giây phút, tôi buồn rười rượi. Còn lâu lắm - hoặc chẳng bao giờ - tôi mới gặp người tình nhân như vậy. Tôi nhớ đến câu hát “Tiếc thay cây quế giữa rừng” hoặc “Vợ khôn lấy thằng chồng dại”. Phải chi cô là nữ chiêu đãi thì cũng dễ hiểu, đằng này, cô ta đậu Tú Tài, nghĩ thiệt là uổng.

Cô ta phùng mang, thổi mạnh vào cái ống giấy. Mớ nước cam trong ly lại sôi ùng ục. Trông dơ dáy quá. Tôi đã hiểu: Cô ta muốn đùa giỡn, phản đối hiện tại, xem thường vũ trụ. Tôi hơi buồn. Cô ta tự dối lòng. Nếu phản đối hiện tại thì tại sao nhận lãnh tất cả tiện nghi của hiện tại.

Xìn Phóc gọi đem bốn con cua luộc, ăn ngấu nghiến cái càng, mời tôi luôn mồm:

- Ăn mà thầy Hai. Thầy Hai chưa tin tôi à?

- Tôi chịu thua rồi.

- Bây giờ tôi nói thiệt cho thầy Hai biết.

Làm sao Xìn Phóc dám nói thiệt công cuộc làm ăn trong thời gian qua? Với một người viết báo, phải giữ bí mật chớ. Anh rót rượu vào ly cho tôi:

- Làm ăn đàng hoàng mà. Hơi giống công việc làm ăn của người đi ngoại quốc, người buôn lậu, nhưng không có luật lệ nào ngăn cản tôi. Nói ra cho thầy Hai nghe. Tôi không sợ ai cười. Người nào muốn bắt chước thì cũng khó gặp “cái dịp may”.

Thế rồi Xìn Phóc kể thao thao bất tuyệt công việc làm ăn trong thời gian qua, đại khái như sau:

Một hôm, anh qua Khánh Hội, khu vực thương cảng, nơi có hàng chục cái kho hàng to lớn cất dài theo mé sông Sài Gòn, từ kho 1, kho 2, đến kho 7... vân vân.

Xìn Phóc vừa đi, vừa nhìn vào một kho hàng - mà anh giấu tên. Cửa kho mở rộng. Anh tò mò dừng lại để biết kho hàng là cái gì, bên trong ra sao? Chiếc xe hơi từ ngoài đường cái chạy đến sát cửa kho. Một ông Tây bước xuống, vào kho, theo sự chỉ dẫn của người Chà gác-dan.

Lát sau, ông Tây trở ra đường cái, cầm trên tay một món nhỏ, gói giấy.

Ông Tây hút thuốc phì phèo, ra vẻ suy tư. Hồi nào đến giờ, Xìn Phóc làm ăn ở phía Chợ Lớn, Bình Tây, lăn lóc trong ngành tiểu thương, tiểu công nghệ nên anh muốn tìm hiểu công việc ở thương cảng.

Đôi mắt đục ngầu của ông Tây nhìn thẳng Xìn Phóc. Ông ta nói tiếng Việt khá rành rẽ:

- Ông chủ... ở Chợ Lớn hả?

Xìn Phóc cười hề hề:

- Ông chủ. Ông chủ bán cái gì? Tôi ở Chợ Lớn...

Ông Tây nói dồn:

- Bán cái này! Khổ quá! Thứ này chắc là quăng bỏ.

Nói xong, ông mở miếng giấy gói bên ngoài. Đó là cái hộp sữa bò, có dán nhãn. Nhãn sữa đã tróc hết phân nửa, hoen ố màu sét.

Bàn tay Xìn Phóc từ từ đưa tới phía ông Tây như nói:

- Xin lỗi, ông cho tôi coi thử!

Ông nọ tỏ ra lịch thiệp, trao hộp sữa:

- Biết cái gì không?

Xìn Phóc cười:

- Biết chớ sao không biết! Ông hỏi thiệt hay hỏi chơi?

- Biết cái gì? Nói thử cho tôi nghe.

- Dạ, hộp sữa bò mà. Có dán cái nhãn. Thứ sữa này bán lẻ 10 đồng năm cắc.

Ông Tây lắc đầu:

- Nhưng mà... bán không được. Thử tính coi, một kho như vậy đó, mấy trăm ngàn hộp, cũ mèm, hôi hám quá, tôi tính quăng bỏ.

Thiệt là... ngàn năm một thuở. Xìn Phóc thấy chập chờn trước mắt một khung cảnh náo loạn. Hàng ngàn người chen chúc, giành mua cho kỳ được. Những tiệm cà phê ở Chợ Lớn, ở khắp miền Nam, miền Trung, từ tỉnh lỵ đến quận lỵ. Mùi cà phê bốc lên, tiếng guốc kéo lết nghe lốp cốp. Những chiếc ghế đẩu đen bóng. Và tiếng phổ ky nói có ca có kệ: Tống mạnh! Cà phê tống dách! Bạc tẩy xỉu phé! Dách cô xây cá nại...

Anh ta đưa hộp sữa lên mũi, hửi thử rồi nói với ông Tây:

- Sữa nầy chắc là mua lâu ngày rồi! Uống được không? Đem cho con nít bú...

Ông Tây nọ lãnh nhiệm vụ quản lý kho hàng từ lâu nên tỏ ra dè dặt. Đó là những thùng sữa bò, chồng chất hai năm qua trong kho hàng không ai thèm lãnh. Người nhập cảng sữa đã bị phá sản, lúc sữa vừa cặp bến nên không chạy tiền kịp. Nhưng lý do chánh vẫn là sữa bị hư, biến chất khi cặp bến. Lúc chở chuyên, sữa bị ẩm vì hầm tàu thiếu tiện nghi, sữa chịu đựng sức nóng của hầm máy quá lâu ngày nên đặc lại! Ông Tây giữ kho chẳng thèm trình bày “lý do kỹ thuật” nói trên cho Xìn Phóc biết, vì anh ta là người chưa quen thân. Tạm thời, ông muốn tống khứ số sữa hư hao ấy để kho hàng thêm chỗ trống trải. Theo luật vệ sinh, ông ta phải mướn lao công, vác sữa xuống ghe, chở ra tận phía Nhà Bè, thật xa thương cảng để quăng bỏ xuống sông. Nếu bỏ quá gần, ông ta bị phạt. Ngày lại ngày qua, từ hai tháng rồi, mớ sữa biến chất ấy bốc mùi. Ông đã mở vài thùng, xem kỹ: hộp đã sét, sữa chảy ra sền sệt, vừa chua, vừa dơ bẩn, chẳng ai đủ can đảm sờ vào hoặc đưa lên mũi mà hửi.

Xìn Phóc nói khẽ:

- Ông bán cho tôi vài hộp... đem về xài thử!

Ông Tây trố mắt:

- Giỡn sao chớ! Anh đem về uống sao? Coi chừng đi cầu sáng đêm. Con nít uống chết...

Xìn Phóc đáp:

- Tôi đem bán.

- Điều đó, tôi chẳng dám bảo đảm. Anh ở tù chừng 10 năm về tội bán sữa bò hư. Nghe chưa!

Gương mặt Xìn Phóc vẫn lạnh lùng:

- Tôi muốn mua. Chẳng hay ông chủ muốn để lại cho tôi với giá nào? Bao nhiêu một hộp?

Sau một thoáng suy nghĩ, ông Tây quản lý kho hàng tỏ vẻ bằng lòng. Nếu người Hoa kiều chịu mua, ông ta được thêm một số tiền bỏ túi, thay vì xuất tiền ra mướn nhân công dọn dẹp số hàng mất vệ sinh tồn trữ trong kho chật chội.

- Một đồng một hộp! Tôi bán tất cả sữa trong kho, mỗi thùng 48 hộp, tất cả hơn 10.000 thùng.

Xìn Phóc gật đầu:

- Tất cả 480.000 hộp! Mỗi hộp 1 đồng, gần nửa triệu đồng. Nhiều quá. Ông chủ bớt vài cắc một hộp. Tôi hứa...

Vốn là một tay cáo già, ông Tây giữ kho thừa hiểu: người Hoa kiều này đã làm bài toán xong. Và đây là cái “áp phe” lớn. Nhưng ông Tây đoán chừng:

- Anh mua về... nuôi heo hả? Coi chừng heo mang bịnh.

Xìn Phóc lắc đầu:

- Đâu có nuôi heo. Đem về xài mà.

- Mua về tháo cái lon ra để bán sắt vụn hả? Lon hư rồi. Bộ anh khùng hả? Tôi không bảo đảm lon còn nguyên.

Xìn Phóc cười:

- Ông chủ... chưa hiểu tôi. Bây giờ thì xin ông chủ cho biết giá cả rõ ràng, cách thức chở chuyên.

Rốt cuộc, ông Tây giữ kho lên giá, và đưa ra vài điều kiện khó khăn. Linh tính như báo trước cho ông ta biết rằng với 10.000 thùng sữa kia, anh Huê kiều sẽ làm giàu to. Theo sự thỏa thuận chung, đúng 4 giờ chiều hôm ấy, Xìn Phóc phải trả tất cả số tiền, mỗi hộp sữa là một đồng một cắc, thay vì một đồng chẵn. Xìn Phóc phải đem xe cam-nhông tới trước cửa kho và xuất tiền túi ra để mướn phu khuân vác...

*
*   *

Kể chuyện tới đó, Xìn Phóc liếc nhìn cái đồng hồ tay:

- Chiều nay về Sài Gòn.

Tôi luyến tiếc câu chuyện của anh ta:

- Mua sữa về làm gì? Nhờ đâu mà anh sắm chiếc xe hơi và... cưới vợ?

- Tôi đố thầy Hai biết! Thí dụ như gặp “áp phe” sữa bò trong kho của Tây, thầy Hai dám mua không?

Tôi lắc đầu. Làm sao mà “chế biến” loại sữa hộp ấy trở thành xe hơi và gái đẹp cho được. Bấy lâu, tôi nghe nhiều thủ đoạn đầu cơ, buôn lậu nhưng trước bài toán sữa hư này, tôi đành chịu thua.

Anh ta rút điếu thuốc Lucky, hút phì phà:

- Tôi vô Chợ Lớn kiếm anh em bạn. Lúc đó, làm gì tôi có nửa triệu đồng bạc vốn. Anh em bạn trong Chợ Lớn mê tôi quá, sau khi nghe tôi làm bài toán.

Tôi hỏi gắt:

- Mua sữa về làm gì?

Xìn Phóc thích chí, nói to, cố ý khoe tài cho người đẹp nghe:

- Tôi đố thầy Hai!

- Thì tôi chịu thua rồi.

- Nè, sữa hư đó đem vô Chợ Lớn, bán cho mấy người làm bánh sữa, bánh ngọt trong tiệm nước, hấp chín là ăn không đau bụng. Mê chưa! Từ trước mấy ông chủ tiệm mua sữa thứ rẻ, chừng 8 đồng một hộp, đem về trộn với đường, với bột mì. Bây giờ, tôi bán cho họ sữa hư, với giá 4 đồng một hộp. Nghĩa là một hộp tôi lời chừng 2 đồng tám cắc, trừ mọi sở phí, nhơn cho nửa triệu hộp... Cũng vậy thôi! Sữa hư đem hấp chín làm nhưn bánh, ăn cũng ngon, cũng béo.

- Hay quá!

Xìn Phóc đứng dậy, tiếp lời:

- Vui lắm. Đem sữa về tới Chợ Lớn là tôi bán lẹ như cái máy! Mấy ông chủ tiệm bánh ngọt tới bao vây tôi, đòi mua cho thiệt nhiều. Mấy ổng lời 4 đồng một hộp mà. Vài ngày sau, bạn bè ở Chợ Lớn rủ tôi lập “công xi”. Tôi lắc đầu vì đâu còn “áp phe” thứ nhì giống hệt như vậy được. Rồi hai ba tháng sau, mấy người bạn ở Sóc Trăng, ở Đà Lạt, ở ngoài Huế vô Chợ Lớn kiếm tôi, nài nỉ mua thứ sữa hư đó. Dám mua tới giá 5 đồng một hộp, họ năn nỉ để đặt tiền cọc. Tôi từ chối.

Xìn Phóc và cô gái lên xe. Tôi ngồi một mình trong quán. Bãi biển chiều hôm bắt đầu rộn rịp. Tôi nghĩ đến những “áp phe” luôn luôn xảy ra trong xã hội. Tôi thất bại trên trường đời vì thiếu “nhãn quang thương mãi”.

*
*   *

Năm sau, tôi lại gặp Xìn Phóc tại tòa soạn báo Con Vịt. Anh ta chúc mừng, khuyên tôi cố gắng... về mặt văn nghệ, rồi mời tôi lại quán uống la-ve. Xìn Phóc cho biết công việc làm ăn của anh dạo này... khá lắm.

Tôi hỏi:

- Còn cô hồi năm ngoái?

Xìn Phóc đáp:

- Đi rồi. Mình kiếm cô khác chớ. Bữa nào thầy Hai rảnh, đi Cấp với tôi một chuyến.

Vừa nâng ly rượu. Xìn Phóc vừa liếc mắt vào tòa soạn báo Con Vịt. Ông quản lý nhà báo mang kiếng lên ghi chép. Vài người lao công vác hì hục những chồng báo cũ bán ế, chất lên cái cân.

Xìn Phóc nói:

- Báo nhiều quá ha?

Tôi giật mình nói chua chát:

- Bán ế... còn dư nhiều. Bởi vậy, ông chủ mới bán “ve chai” nhiều như vậy. Ủa, Xìn Phóc mua giấy báo ế?

- Làm ăn mà. Gặp đâu làm đó.

- Giống như mua sữa hộp!... Cái chuyện sữa hộp mà Xìn Phóc nói cho tôi nghe hồi ở ngoài Cấp?

Xìn Phóc gật đầu. Tôi hỏi:

- Mua về bán cho thiên hạ gói đồ?

- Ừ. Nhưng bán như vậy mất giá. Tôi lập cái lò nấu giấy súc. Giấy súc bán chạy lắm. Bình dân xài nhiều, xài đủ chuyện.

Tôi đưa tay làm dấu hiệu để hỏi riêng. Xìn Phóc cho biết: Loại giấy súc được chế tạo bằng giấy báo cũ và bông gòn (gòn ta, gòn dồn gối). Các cô các bà thuộc “đợt sóng cũ” dùng giấy ấy mỗi tháng vài ngày, thay cho loại “khăn vệ sinh” đắt tiền. Và mấy người chết, nằm trong hòm, thường được tấn, được ém bằng giấy súc... để khỏi trở mình dưới ba tấc đất.

Tôi nốc cạn ly:

- Vài tháng nữa. Xìn Phóc thành tỷ phú rồi!

Other News