Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Dịch giả Trần Hữu Kham:"Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy..."
Update Date: 03/13/2006

 

Những ngón tay đánh đều trên bàn phím máy tính, đôi mắt giấu sau cặp kính đen dù không nhìn thấy gì nhưng dán chặt lên màn hình, tai đeo headphone, người đàn ông tóc chớm bạc ngồi miệt mài với những con chữ trước bàn làm việc bề bộn máy móc. Hơn mười năm nay, dịch giả Trần Hữu Kham đã đồng nhất ngày và đêm, tất cả với ông chỉ là bóng tối. Nhưng ông vẫn là cầu nối bền bỉ đưa những đứa trẻ đến với những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn khắp thế giới.

Đôi mắt mù của ông là di chứng của chiến tranh. Hồi còn thanh niên, Trần Hữu Kham tham gia kháng chiến, rồi bị tù đày tra tấn. Sau ba lần vào khám, bị đày ra Côn Đảo ở chuồng cọp, nếm đủ các đòn tra tấn của giặc, ông nhận được một tờ giấy giám định y khoa "tuyên bố" ông bị suy nhược thần kinh và viêm đa khớp. Rồi bệnh ảnh hưởng dần đến mắt. Tháng 11.1985, ông bắt đầu có dấu hiệu đau mắt, dù được đưa ra nước ngoài chữa trị nhưng vẫn không khỏi. Mắt ông tối dần. Năm 1994 thì ông mù hẳn. Như kết thúc của một ngày. Mặt trời lặn và vĩnh viễn mất hút sau lưng núi. Nhưng dẫu mặt trời không mọc, ông vẫn có những buổi bình minh thức dậy, bắt đầu sống, làm việc như những ngày bình thường của một con người bình thường.

Khi có dấu hiệu bị đau mắt, Trần Hữu Kham đã chuyển sang dạy ngoại ngữ tại Trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu. Lúc bệnh đổ nặng, ông quyết định ngồi nhà dịch truyện cổ thế giới với vốn ngoại ngữ Anh và Pháp. Chọn truyện cổ để dịch một phần vì ông mê loại truyện này, thêm nữa, đối với ông, nó là loại sách gần gũi, dễ dịch. Truyện cổ nước Anh (NXB Măng Non - 1986) là tác phẩm xuất bản đầu tiên của ông. Cuốn sách nhỏ vậy mà nặng biết bao nỗi nhiêu khê của người dịch sách. Mắt ông lúc này nhìn đâu cũng thấy một màu sương trắng mờ mờ, muốn đọc chữ phải soi kính lúp. Cặm cụi dịch xong gửi bản thảo đến các nhà xuất bản nhưng tất cả đều từ chối và... mất tích! Sau này mắt tối hẳn, ông không thể xoay xở một mình với chiếc kính lúp nữa mà phải "thành lập" một ê-kíp... dịch sách trên tinh thần tự nguyện giúp đỡ của người nhà và bạn bè. Ông nhờ người đọc nguyên bản truyện, thu âm vào băng cassette để ông nghe và dịch trực tiếp. Gặp từ mới, ông phải "cầu cứu" người nhà tra từ điển hộ. Ông tự đánh máy bản dịch. Cứ thế, những tác phẩm lần lượt ra đời: Hoàng tử Chim Bồ Câu trắng (NXB Quảng Nam - Đà Nẵng 1990), Tuyển tập truyện cổ và ngụ ngôn Vương quốc Anh (NXB Trẻ 1992), Vua Nấm - Truyện cổ Estonia (NXB Trẻ 2001), Cung Mèo - Truyện cổ Latvia (NXB Trẻ 2001), Truyện cổ Hàn Quốc (cùng viết với Ahn Kyung Hwan - NXB Trẻ 2002), Truyện cổ Ái Nhĩ Lan (NXB Trẻ 2003)...

Năm 2003, Trần Hữu Kham bắt tay làm một "cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật": làm quen với vi tính. Ban đầu ông cũng không tự tin lắm vì thấy mình đã lớn tuổi mà ôm cặp đến lớp mỗi ngày. Nhưng được một người bạn động viên và cho người con đến chỉ ông sử dụng máy tính. Thêm vào đó, những người học trò ngày xưa của ông ở Trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu đã quay trở lại... "bày" cho thầy giáo cũ những chương trình tự điển tiếng Anh cho người mù trên máy vi tính, ông tiếp thu bài học một cách nhanh nhẹn. Vì vậy, bây giờ công việc đã khá suôn sẻ và nhẹ nhàng hơn... Ông chỉ còn gặp một chút khó khăn vì chưa có chương trình tự điển tiếng Pháp nào dành cho người khiếm thị nên chỉ dịch được những câu chuyện có bản gốc tiếng Anh.

Từ mùa xuân rồi, hạnh phúc dù muộn nhưng đã kịp thời gõ cửa ngôi nhà của người đàn ông qua tuổi năm mươi - theo lời hóm hỉnh của dịch giả Trần Hữu Kham - có gương mặt một nửa xấu "giai", nửa bên kia đẹp "giai" (bên phải ông mang con mắt giả, nửa bên mắt còn lại bị che khuất bởi mi mắt). Đó là người phụ nữ ít nói, dịu dàng, có cùng sở thích đọc truyện cổ. Hỏi bà lấy người đàn ông khiếm thị làm chồng có phải là sự hy sinh, bà lắc đầu. Chưa bao giờ bà xem ông là người mù. Bà trở thành cánh tay đắc lực cho ông. Cuốn Truyện cổ Nhật Bản của ông xuất bản năm 2005 do chính tay bà thiết kế bìa và vẽ minh họa. Nhưng bữa cơm hằng ngày ông vẫn phải tự lực ngồi vào bàn ăn cầm đũa như mọi người trong nhà chứ không "được phép" bưng... tô như trước đây. Những bước đi của ông cũng phải tự thân ông vận động chứ bà không... nhúng tay vào giúp sức cho ông bởi lẽ đối với bà, ông vẫn là một người đàn-ông-bình-thường.

Thử thách cuộc đời đã thất bại trước ý định gieo rắc bất hạnh vào số phận người đàn ông này. Niềm lạc quan và tin yêu cuộc đời đã cho ông "cơ may thấy được "hoa hồng" giữa cuộc đời "đầy gai góc" của ông (*). Mặt trời ở rất xa ông, nhưng mỗi sớm thức dậy, ông đều gửi thầm lời cám ơn cuộc đời qua tiếng cười đầy tin yêu: "Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta được thêm ngày nữa để yêu thương" (*).

(*) Thơ Tagore và Kahlil Gibran, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dịch.

(Theo Thanh Niên, 9/3/2006)

Other News