Tôi ngụp lặn thật lâu, không muốn chia tay với dòng sông vừa đi yên ả bên tôi một ngày đường. Một ngày nằm võng tầu đò tới đây, thong thả ngắm vườn tược xanh mướt hai bờ sông Cửu Long, chiêm ngưỡng bức tranh thiên nhiên đất nước đang lần lần đổi mới từ hai hàng cửa sổ hai bên hông tàu. Sự thay đổi diễn ra lần lần như một cuốn phim, không hề bị giật cục bởi những cú dừng lãng nhách của các trạm ngăn sông cấm chợ hồi nào, để mấy anh phòng thuế quá mẫn cán nhảy xuống săn lùng samit, katê Thái Lan nơi chân, nơi bụng các chị con buôn.
Tôi ngụp lặn cho đã, tham lam như muốn tích trữ cái mát mẻ cho ngày làm việc hôm sau, một công việc sẽ rất nóng bức, giám sát kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa. Thật vậy, hôm sau, sự mát mẻ chưa hết. Ngay tại phòng thi nơi tôi được giữ chân giám thị số một, tôi lại gặp dòng kỷ niệm của mình, gặp lại người mười năm trước...
Anh ta ngồi kia, số báo danh 36. Anh du kích mười năm trước, chưa từng được tới trường, chưa biết đọc biết viết, chỉ biết dùng cán muỗng vạch xuống đất ven sông những vạch thiệt thà mỗi khi đếm cá tra bột bán cho cánh bạn hàng mang ghe đục tới mua hàng thiên, hàng muôn... thì bây giờ đang cầm cây viết Thống Nhất, kéo dài bài luận văn bàn về sự đổi mới tư duy.
Anh bạn cũ dừng bút nhìn lên, gặp ánh mắt cười cười của tôi, lại vội vàng cúi xuống. Anh không nhớ chuyến đổi tiền mười năm trước sao? Hồi đó, anh chẳng đã khổ về sự ì ạch của tôi, mỗi lần bàn đổi tiền phải rời điểm để làm mù con mắt pháo kích của bọn Pôn Pốt luôn luôn mhòm ngó vào cái xã biên giới nhỏ bé ấy. Tiếng đại bác làm ai nấy đi như chạy, riêng tôi không chạy được vì trên vai tôi nặng trịch một bao vải xanh tiền cũ, cái nặng ì ra của những đồng tiền không còn được xài. Tội nghiệp, với trách nhiệm của người bảo vệ, bao giờ anh cũng đi sau tôi. Tôi còn nhớ, mỗi lần đeo khẩu carbin vào cổ, ghé vai đỡ bao tiền giúp tôi một đoạn, bao giờ anh cũng chọc tôi:
- Tại thầy tình nghĩa quá đó! Thầy sợ đau đồng tiền. Nào đưa em tiếp một đoạn!
Anh cũng nói chuyện tình nghĩa đấy chứ. Còn bây giờ... Ánh mắt của anh ta gặp ánh mắt vồn vã của tôi một lần nữa và lần này anh quay ngoắt đầu, ngó mông ra ngoài cửa sổ.
Hay là tôi nhầm??? Để kiểm tra trí nhớ của mình, tôi coi lại tờ ghi tên, ghi điểm thí sinh. Tôi không nhầm, số báo danh 36 là Võ Bửu Việt, bí thư xã T.
Thôi tôi biết rồi, người ta làm lớn, người ta cần gì phải nhớ tới một tay thủ quĩ của những đồng tiền bị cắt góc từ mười năm trước. Người ta sợ nhận nhau có khi tốn vài điếu Hêrô đút căng nơi túi ngực kia, tốn một chầu La-ve uống bằng thau đêm chia tay, tốn thời gian đưa ông bạn cũ lên huyện xin mua đồng hồ Citizen bắt được của bọn buôn lậu biên giới. Tránh mặt là hơn, đấy, xin thêm tờ giấy thi thứ hai, anh ta cũng chờ xin người giám thị số hai.
Rồi giờ thi cũng hết, tôi cầm tập bài uể oải bước xuống phòng hội đồng. Trong lúc chờ tới lượt mình nộp bài, tôi nhếch mép đọc lướt bài của Việt. Văn chương của ông bí thư xã cũng bay bướm lắm.
“Chính trái tim tình nghĩa nuôi sống khối óc sáng tạo nhưng đừng như nàng Mỵ Châu, trái tim lầm chỗ để lên đầu, hãy đổi mới tư duy bằng khối óc Cộng sản chân chính.”
Lập luận chặt chẽ đến thế còn ai chen chân vào đâu được. Nhưng tôi cũng còn đủ tự trọng để rút chân mình ra khỏi sự lập luận lạnh lùng ấy...
Nộp bài xong tôi bước khỏi phòng hội đồng. Ai đó ôm lấy lưng tôi, nhấc bổng lên rồi quay tới mấy vòng. Tôi nhỏ con nhưng cũng nặng tới năm chục ký, phải một người khỏe lắm mới quay tôi được như vậy. Tôi lảo đảo rồi đứng vững lại trong tay của Việt, chính là Việt.
Việt cười thật khác với khuôn mặt già bí xị của tôi. Rồi Việt nói, giọng vang vang của một người quen chỉ huy:
- Gặp thầy mừng muốn chết mà đâu dám nhận! Sợ anh em trong phòng ỉ i người nhà, có gì quá trớn trong thi cử lại phiền tới thầy. Thôi xong rồi, ngồi vấn với em điếu thuốc!
Chúng tôi ngồi xếp bằng ngay ngoài hành lang phòng thi lát gạch bông. Việt đưa ra bao Hêrô bên trong chất đầy thuốc rê trồng tại xã biên giới quê anh, thứ thuốc sợi vàng nổi tiếng mà từ năm nảo năm nào tới giờ, hãng Basto trên Sài Gòn vẫn xuống đây mua về làm thuốc có cán. Thứ thuốc quý tới mức có khi vào giữa vườn thuốc, người nông dân phải bò giữa các liếp, giữ cho lá thuốc khỏi rách.
Tôi dạy văn mà nông nổi quá, chút nữa tôi đã mãi mãi nghĩ xấu về một người muốn điều tốt cho mình, đã tính khen chê một điếu thuốc bằng cách đo chiều dài, độ tròn của nó mà không đợi được tới lúc nuốt thử vài hơi thuốc.
Thuốc ngon thật, tôi chờ tan khói thuốc để ngắm kỹ hơn khuôn mặt tươi rói của người thí sinh vừa gặp được đề thi ruột. Vẫn là Việt mà không còn là Việt. Vẫn là anh du kích mù chữ năm nào nhưng lại đã là đồng chí bí thư sắp có bằng tú tài.
Nhanh thế đấy, dòng đời như dòng sông vật, nó không chịu được sự tù túng, nó luôn luôn băng lên để đổi mới. Và Việt của tôi đã bước kịp với dòng đời để trưa hôm nay có thể ngồi lại, thanh thản phả một hơi thuốc vào thời điểm dòng đổi mới ào qua huyện biên Hồng Ngự.
Hồng Ngự 1987
(Trích trong “Nét chữ nét thầy”- tác giả Trần Quốc Toàn)