Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Tập truyện Sơn Nam - lần đầu công bố
Update Date: 01/02/2007

 
Tập truyện mới mẻ đối với đa số bạn đọc. Đây là một tập hợp tương đối hoàn chỉnh các truyện ngắn của ông đã in rải rác trên báo chí miền Nam từ thập niên 1950-1970. Những truyện ngắn này trước đây chưa được in thành sách và bản thân nhà văn cũng không lưu giữ được.

May mắn, nhà thơ Lê Minh Quốc và độc giả Đinh Công Tâm đã sưu tập và gìn giữ được. Nhờ đó, nay ta được đọc lại truyện ký Tây đầu đỏ (1952) và 29 truyện ngắn khác đã từng in trên tạp chí khuyến nông Hương Quê và trong sách của nhà sách Khai Trí. Vẫn là những truyện ngắn mang đậm phong cách của Sơn Nam thời trai trẻ, sung sức với Hương rừng Cà Mau. Vì thế tập sách có sức hấp dẫn đặc biệt.

Hấp dẫn ở chỗ hầu hết truyện ngắn này đều lấy bối cảnh từ đồng bằng sông Cửu Long. Từ tính cách nhân vật cho đến ngôn ngữ đối thoại cũng đậm đặc bản sắc của con người miền Nam nước Việt. Những địa danh lạ lẫm như sông Trèm Trẹm, kinh xáng Xà No, rạch Xẻo Quao... dần dần trở nên thân thuộc với người đọc. Đó là thế mạnh của Sơn Nam.

Những truyện ngắn này còn có ý nghĩa ở chỗ nó được viết trong thời điểm các nhà văn “thời danh” của Sài Gòn khai thác cảnh “phồn hoa đô hội” trong vùng tạm chiếm, thì ông quay về với sinh hoạt, phong tục, cảnh vật của vùng đất xa xôi như Rạch Giá, Cà Mau, Gò Quao, Hòn Tre... để đem lại cho bạn đọc một cái nhìn thân thiện của nơi “khỉ ho cò gáy”. Thì ra ở đó vẫn còn có những tay anh hùng, giang hồ mã thượng, những tài trí linh loạt, những mối tình đẹp như trong tiểu thuyết thời Tự lực văn đoàn...

Nhưng tại sao trong thời điểm đó, ngoài Sơn Nam viết về phong tục miền Nam còn có những nhà văn khác bám sát đề tài này, tại sao nay không còn “đứng” được, thậm chí ta đọc lại thấy lỗi thời? Có một kinh nghiệm đáng giá cần nhắc lại, có lần Sơn Nam cho biết khi viết loạt truyện này ông phải cân nhắc nhằm đạt đến hai điều.

Thứ nhất, sau khi in, anh em “trong khu” nếu có đọc được thì cũng không buồn Sơn Nam, vẫn thấy Sơn Nam là người của thời “chín năm”; thứ hai, những truyện ngắn này không chỉ phù hợp với “khẩu vị” của người đọc đương thời mà qua đó phải ngụ ý rằng thiên nhiên và con người ở mảnh đất cực Nam của Tổ quốc là một phần không thể tách rời của non sông nước Việt. Truyện Sơn Nam thú vị mãi cũng là nhờ vậy, để nay đọc lại ta còn tìm lại được sinh hoạt của bà con mình thuở ấy thể hiện qua các truyện ngắn như Ngày bổ tróc, Ông Thổ chủ, Súng bắn không chết, Tâm sự chú lái nồi, Thầy bắt rắn...

Tập sách này vẫn chưa thật sự “gom góp” đầy đủ các truyện ngắn của Sơn Nam. Vẫn còn tản mát nhiều lắm. Chẳng hạn, truyện ngắn Bên rừng cù lao Dung của Sơn Nam - giải nhất cuộc thi sáng tác văn học do Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam bộ tổ chức năm 1952 - vẫn chưa tìm được. Không rõ có ai còn giữ được không?

TÂM NGUYỄN
(Theo Tuổi Trẻ, 2/1/2006)
Other News