Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Hè này, bạn đọc gì? (số 8)
Update Date: 07/19/2006

 
NHÀ VĂN NÀY LÀ AI?

NXB Trẻ vừa cho ra mắt một tiểu thuyết văn học Nga nổi tiếng của một tác giả cũng rất nổi tiếng. Chuyên mục Hè này bạn đọc gì kỳ này, xin mời bạn thử đoán xem tác giả của tiểu thuyết văn học nổi tiếng nói trên là ai? Đáp án sẽ có ngay ngày mai, trên mục Tiêu điểm.

Nhắn thêm, thứ bảy này, trong chuyên mục Mỗi tuần một cuốn sách, chúng ta cũng sẽ có dịp tiếp tục trổ tài qua việc đọc một đoạn văn, đoán được tác giả, bạn nhớ đừng bỏ qua. Chuyên mục "Hè này bạn đọc gì" kỳ sau sẽ công bố đáp án Kakuro và danh sách trúng giải.

Bây giờ, xin mời bạn bắt đầu cuộc chơi.

X là ai?

 

Tác phẩm của X thuộc vào hiện tượng văn hóa tinh thần đỉnh cao của loài người. Theo nhận xét của M.Gorky, thì Tolstoi và X đã “làm rung chuyển cả thế giới” và khiến cho “toàn bộ châu Âu phải hướng cái nhìn kinh ngạc sang nước Nga”.

Ngày nay, khi ảnh hưởng mạnh mẽ của X tới văn học nghệ thuật của thế giới đương đại là quá hiển nhiên, ta chợt nhớ đến lời tâm sự u buồn của X, – giữa lúc ông hết sức túng thiếu và lao động sáng tác cật lực, trong thư gửi cho cô cháu gái S.A.Ivanova tháng 8 năm 1870, ông đã nói: “Cháu biết không, cậu đoan chắc rằng giá như cậu được no đủ vài ba năm cho cuốn tiểu thuyết này, như Turgenev, Goncharov hay Tolstoi, thì cậu sẽ viết một cuốn sách mà hàng trăm năm sau người ta phải bàn về nó!”

Một trăm ba mươi tư năm đã trôi qua từ ngày mấy dòng trên được viết ra, ý nghĩa toàn nhân loại của các tác phẩm do X sáng tạo nên đang được nhận thức mỗi lúc một sâu thêm không riêng ở nước Nga.

Thế giới nghệ thuật của X rất buồn, thoạt tiên có cảm giác thậm chí là u ám, song đấy chỉ là ấn tượng ban đầu, hời hợt. Khi miêu tả những nỗi đau thể xác và tinh thần vô hạn trên Trái đất “thấm đẫm nước mắt từ ngoài vỏ đến giữa ruột” này, X với niềm tin không gì lay chuyển của một nhà nhân đạo chủ nghĩa, đã cố tìm con đường khắc phục cái ác, và ông cho rằng con người đủ sức tiến hành cuộc đấu tranh ấy. X để cho một nhân vật nói lên tư tưởng của ông: “Tôi không muốn tin và không thể tin rằng cái ác lại là tài sản bình thường của mọi người”, “Người ta có thể hạnh phúc mà không mất năng lực sống trên trái đất”. Nếu đọc kỹ X, không thể không nhận thấy cảm hứng chủ đạo đó của ông.

Độc giả của X không thể hững hờ và thụ động, mà trăn trở, dằn vặt, đau với nỗi đau của loài người: những nỗi đau không của riêng ai cứ ngày một chồng chất; mỗi người phải tham gia giải quyết những vấn đề phổ quát và muôn thuở, như xóa bỏ bất công xã hội, tự do cá nhân và giới hạn của nó, con đường phát triển lịch sử của các dân tộc, tôn giáo, vô thần và đạo đức, việc ngăn chặn nguy cơ hủy diệt thế giới, thực hiện ước mơ thế giới đại đồng. X tư duy ở tầm thế giới, vì ông hiểu rằng cái thời các dân tộc có thể tồn tại riêng rẽ đã vĩnh viễn qua rồi, rằng số phận của Trái đất phụ thuộc vào việc mọi người giải quyết các vấn đề cơ bản của mình như thế nào.

Cơn ác mộng của Raskolnikov ở phần kết tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt về cái chết của cả thế giới vì một thứ “bệnh dịch chưa từng thấy” giết chết những kẻ mù quáng và khao khát tiêu diệt lẫn nhau, – cơn ác mộng ấy mang ý nghĩa tượng trưng. Và xúc cảm mạnh mẽ của nhân vật trong truyện ngắn Giấc mơ của một kẻ tức cười cũng đầy ngụ ý. Anh ta quyết định tự sát vì tin rằng đối với anh ta, “dù thế giới có tồn tại, hoặc chẳng có cái gì ở bất cứ đâu, thì cũng thế mà thôi”. Nhưng khi bị “đưa” đến một hành tinh khác, anh ta bỗng cảm thấy trào lên một niềm yêu tha thiết Trái đất đang lùi dần đằng xa và chỉ còn là một chấm sáng nhấp nháy, anh ta nghĩ “Liệu nơi ta đến có được như Trái đất chúng ta, cũng bất hạnh, nghèo đói, nhưng mãi mãi đáng yêu như thế hay chăng?” Như vậy, tầm phổ quát của vấn đề, cái nhìn “Trái đất tội lỗi” từ “vũ trụ xa xăm” chẳng những không hề hạ thấp, mà ngược lại, càng nhấn mạnh tầm quan trọng của các vấn đề xã hội, đạo đức, tâm lí trên trái đất đương đại, và điều này làm cho X trở nên đặc biệt gần gũi với thế giới quan của chúng ta.

*
*  *

X đi vào làng văn vào giữa thập niên bốn mươi thế kỷ 19, bằng truyện vừa Những người nghèo khó. Belinsky đã hồ hởi chúc mừng nhà văn trẻ: “... Cuốn truyện mở ra những bí mật và tính cách ở nước Nga mà trước đó chưa một ai phát hiện được... Đây là thử nghiệm đầu tiên về loại tiểu thuyết xã hội ở nước ta... Anh đã chạm tới cái cốt lõi nhất... Anh hãy trân trọng tài năng miêu tả sự thật của mình và nếu được vậy anh sẽ trở thành một văn hào vĩ đại!” Bi kịch tâm hồn của Makar Devushkin, một viên chức quèn ở Peterburg, và cô gái bất hạnh Varenka Dobroselova, được bộc lộ một cách chân thành và cảm động trong các bức thư giữa hai người ấy, đã mở đầu cho đề tài chủ yếu “những người bị lăng mạ và sỉ nhục” trong sáng tác của X.

Thập niên 40, X nồng nhiệt tiếp thu tư tưởng xã hội chủ nghĩa của Belinsky và không lâu sau ông đã tham gia một tổ chức cách mạng. Ngày 23 tháng 4 năm 1849, X bị bắt, bị kết án tử hình. Nhưng vào giây phút cuối cùng trước khi bị hành quyết, án tử hình được thay bằng án lưu đày 4 năm ở Sibir và sau đó phải đi lính. Mười năm sau X mới có thể trở về Peterburg và tiếp tục hoạt động văn chương.

Mười năm ấy đã làm thay đổi đáng kể thế giới quan của X. Không phải cuộc lưu đày đã “bẻ gãy” ông như một lần, trong lúc tuyệt vọng, chính ông đã dùng từ ngữ đó trong thư gửi nữ chiến sĩ “Tháng Chạp” N.D.Fonvizina. X là một người dũng cảm và có tư tưởng độc lập hiếm thấy. Ở nơi lưu đày, X không chỉ chịu đựng những đau khổ nặng nề về thể xác và tinh thần, mà còn lần đầu tiên hòa mình với số phận của nhân dân, hi vọng vào nền tảng tôn giáo-đạo đức của cuộc sống nhân dân, vào đạo Kitô chân chính mà ông tin rằng nhân dân Nga trân trọng gìn giữ.

Tiểu thuyết Chàng thiếu niên xuất hiện trên tạp chí Chuyên san Tổ quốc năm 1875, là cuốn đầu tiên của loạt tiểu thuyết về đề tài rộng lớn mà X gọi là Cha và con đúng như Turgenev biểu thị. Cuốn tiểu thuyết tiếp theo là Anh em nhà Karamazov. Năm 1876, trên tạp chí Nhật ký của nhà văn số tháng 1, X giải thích ý định của ông như sau: “Trước đây tôi đã để ý đến trẻ em, nhưng bây giờ tôi đặc biệt chú ý đến chúng. Từ lâu tôi đã đặt cho mình ý tưởng phải viết một cuốn tiểu thuyết về trẻ em – những đứa con ở nước Nga thời nay, và dĩ nhiên, về những người cha thời nay của chúng, về quan hệ qua lại giữa hai thế hệ. Ý tưởng chung đã sẵn sàng và được tạo nên từ trước, – bao giờ người viết tiểu thuyết cũng phải như vậy... Một năm rưỡi trước đây, khi Nikolai Alekseevich Nekrasov mời tôi viết tiểu thuyết đăng trên Chuyên san Tổ quốc, suýt nữa thì tôi đã bắt đầu tác phẩm Cha và con của mình, nhưng tôi đã không nhận lời và, lạy trời, tôi chưa sẵn sàng. Tôi tạm thời viết thử cuốn Chàng thiếu niên đã”. Bên lề bản thảo Chàng thiếu niên, ngay từ đầu X viết mấy dòng nhắc nhở mình: “Muốn viết được tiểu thuyết, cần có sẵn trước tiên một hoặc một vài ấn tượng mạnh, làm rung động thật sự trái tim của nhà thơ, đó chính là công việc của nhà thơ”.

Trong số nhiều tai họa xã hội ở nước Nga đang thực hiện cải cách, X đặc biệt lo lắng nhấn mạnh việc phá hoại quan hệ gia đình và số phận bi thảm của những đứa con. Ở đây bộc lộ, một cách rõ ràng và không lành mạnh, sự đổ vỡ các mối quan hệ truyền thống đồng thời với khát vọng tự khẳng định chủ nghĩa cá nhân, “biệt lập hóa” cá nhân, kết quả là trật tự mới trong lĩnh vực đạo đức chỉ tổ kế thừa và làm trầm trọng thêm những yếu tố tệ hại của trật tự cũ. X khẳng định: “Những mặt tăm tối của trật tự cũ, như chủ nghĩa vị kỷ, thói nô lệ, sự đớn hèn, sự chia rẽ, sự phản bội, chẳng những không mất đi với sự thủ tiêu chế độ nông nộ, mà dường như còn gia tăng, phát triển và nhân rộng thêm... bây giờ tất cả đều tạm bợ, tất cả đều lung lay. Khi suy nghĩ về cốt truyện cho Chàng thiếu niên, X viết: “Xã hội đang bị phân hủy theo kiểu hóa học. Tất cả đều tách biệt và chẳng có mối quan hệ gắn bó nào hết không chỉ trong gia đình Nga, mà thậm chí ngay giữa mọi người với nhau. Ngay cả những đứa con cũng tách biệt”. Cái “gia đình ngẫu nhiên” không có sự gắn bó bằng sự gần gũi tinh thần của cha mẹ, bằng sự chăm sóc con cái, đối với X, trở thành tượng trưng cho sự kết hợp bề ngoài giữa những người xa lạ với nhau, và cả xã hội cũng đang có nguy cơ lâm vào tình trạng như vậy.

Những ai đọc X đều biết những đứa trẻ chiếm một vị trí như thế nào trong các tác phẩm của ông, nhiều khi chúng trở thành nhân vật trung tâm của ông. Chẳng hạn như Netochka Nezvanova trong cuốn tiểu thuyết cùng tên, hoặc cậu thiếu niên lãng mạn trong truyện ngắn Nhân vật bé nhỏ, (được ông viết trong xà lim nhà tù pháo đài Petropavlov) hoặc Sasha và Iuisha trong truyện vừa Làng Stepanchikov, hoặc tính cách anh hùng của Nelli trong tiểu thuyết Những người bị lăng mạ và sỉ nhục. Ở X, những đứa trẻ không chỉ là nạn nhân vô tội của một thế giới bất công, mà còn là những kẻ nổi loạn tích cực thể hiện các chân lý đạo đức cao cả.

Cuối thập niên sáu mươi, “đề tài thế hệ con” của X vẫn mang nội dung trước đó của mình, bắt đầu có thêm ý nghĩa mới. Những đứa con nổi lên như những con người của tương lai, số phận của nước Nga, theo niềm tin của tác giả, sẽ phụ thuộc vào các phẩm chất đạo đức, các lý tưởng của lớp người đó. Nhà văn chăm chú nghiên cứu ảnh hưởng vô cùng tai hại của xã hội đối với tâm lí của trẻ em; đồng thời phát hiện những mặt tươi sáng, sức mạnh thiện lương của tâm hồn chúng. X cố tái hiện và tìm hiểu cái thế giới mà trẻ em bước vào, đánh giá cái di sản tinh thần mà chúng nhận lấy từ các thế hệ đi trước. Trên bình diện lịch sử xã hội, chính trị, triết lí đạo đức rộng lớn ấy nổi lên một trong những đề tài chủ yếu nhất trong sáng tạo nghệ thuật của X cuối đời – đề tài “cha và con”.

Other News