Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu: Cần phải xem việc xâm phạm bản quyền là một tội nặng!
Update Date: 03/29/2006

Khoảng chục năm trở về trước, bản quyền trong lĩnh vực báo chí xuất bản còn là khái niệm khá mơ hồ. Các ấn phẩm xuất hiện trên thị trường nhiều khi không được xin phép tác giả. Sự nhốn nháo này làm thiệt hại ít nhiều cả về vật chất lẫn tinh thần đối với người sáng tác. Tuy nhiên vài năm trở lại đây tác quyền đã và đang trở thành “ một phần tất yếu của đời sống”. Song không phải dễ dàng mà ngay lập tức thay đổi cách làm cũ đã ăn sâu vào tư duy của nhiều người. Vậy cần phải làm thế nào để thực thi nghiêm luật bản quyền và bảo vệ hữu hiệu lợi ích của người sáng tác?

PV VNT đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Phạm Sỹ Sáu – Trưởng Ban khai thác đề tài và giao dịch tác quyền của NXB Trẻ về vấn đề này. Cũng phải nói thêm rằng NXB TRẻ đang là đơn vị xuất bản đứng đầu trong việc mua tác quyền hiện nay ở Việt Nam. Tính đến ngày 15/3/2006 NXB Trẻ đã mua bản quyền của 155 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực và 20 bộ sách truyện tranh của nhiều quốc gia.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh của anh cách đây chừng hai năm, khi tôi  dự Hội sách tại TPHCM. Anh lúc đó, mô tả thế nào nhỉ: mướt mải mồ hôi, tay áo xắn quá gối, đi đi lại lại giữa những quầy sách bề bộn. Rồi thì lo xếp cuốn nào sang gian giảm giá, cuốn nào xếp mặt tiền... Lâu nay người ta cứ quen thấy nếu là cái anh sáng tác thì cứ lo sáng tác. Việc đưa các sáng tác ấy ra thị trường thì không phải là việc của anh . Nhưng (không may? may? ) là anh lại  ở đúng vào cái thế: vừa  là người sáng tác, nhưng cũng là người lo đưa các tác phẩm đến với công chúng?

PHẠM SỸ SÁU: Là người làm sách ai cũng mong có dịp được đưa sách trực tiếp đến bạn đọc, nên có dịp hội chợ là cơ hội khá tốt để đưa sách đến với công chúng . Xét ở góc độ nầy thì phải xem đó là một dịp may. Ở nước ta đời sống một tác phẩm quả là khó đo đếm được, vì thế người sáng tác cùng tham gia đưa tác phẩm đến với công chúng thông qua hoạt động của người làm sách là chuyện đáng nên làm.

 

Nhưng nghĩ cho cùng: người sáng tác cũng nên cần có sự vận  động của mình (markettinh, tìm thị trường, tìm nhà sản xuất...) chứ không thể chỉ biết có sáng tác. Không biết ý kiến của anh thế nào?

PHẠM SỸ SÁU: Tôi nghĩ trong cơ chế thị trường hiện nay người sáng tác nếu có thêm về kiến thức xuất bản sẽ giúp tác phẩm của mình đến với bạn đọc thuận lợi hơn. Tác giả sẽ xác định được dối tượng khách hàng mục tiêu của mình là ai, nhà sản xuất nào là phù hợp và mức bản quyền có thể thỏa thuận được là bao nhiêu.

Từ đó sẽ rút ngắn được đọan đường mà tác phẩm sẽ đi để đến với bạn đọc, với công chúng của mình.

 

Lâu nay bạn bè vẫn quen nhà thơ, rồi thì nhà quản lý Phạm Sỹ Sáu. Bây giờ hình như lại có thêm nghề mới: nghề thương thuyết?

PHẠM SỸ SÁU: Thật ra cũng chẳng mới mẻ gì cái nghề này. Công việc thường ngày của mình đã là vận động và thuyết phục người khác, kể cả thuyết phục cấp trên. Nay rơi vào công việc giao dịch bản quyền, đành phải vận dụng thêm một ít “chất xám” để đạt hiệu quả trong công việc mà thôi. Mua và bán, mới nhìn tưởng giản đơn, nhìn lâu quả là phức tạp. Làm thế nào để thuận mua vừa bán? Vận dụng ba tấc lưỡi, sáu tấc nhìn, chín tấc nghĩ… là chuyện của người làm nghề khai thác và giao dịch, nhất là giao dịch bản quyền.

 

Có tin đồn anh bỏ thơ theo nghề này. Không phải thế đấy chứ?

PHẠM SỸ SÁU: Thơ là cái nghiệp, dễ nào dứt bỏ vậy ư? Trong khi đi tìm ý mới, tứ mới cho sáng tác mới vô tình rơi vào công việc mới coi bộ cũng hấp dẫn, lôi cuốn bèn tập trung hơn, vậy thôi. Hạnh phúc và đau khổ của người làm thơ là không được yên sống trong cuộc sống yên, cứ băn khoăn, trăn trở, ray rứt, cảm nhận, suy tưởng chuyện đời, chuyện người rồi đâm ra thấy mình hơi bị bất thường trong bình thường. Còn cảm thấy bất thường là còn làm thơ được. Chỉ tiếc là dạo này mình hơi bị “tỉnh táo” quá nên thơ phú vì thế cũng bị hạn chế.

 

Liệu có đến mức “ bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước...” để rồi phải phân vân lựa chọn không anh?

PHẠM SỸ SÁU: Làm khai thác đề tài và giao dịch bản quyền là làm công tác chuẩn bị cho tác phẩm được đến với bạn đọc bằng con đường ngắn nhất có thể được. Thực chất nó là công việc hỗ trợ cho việc sáng tác của tác giả. Và vì vậy chẳng có gì phải bâng khuâng cả. Trong khi mình chưa viết được cái gì mới thì giới thiệu cái mới của người khác cũng là một cách sáng tác đấy chứ.

 

Một cái đầu lạnh (cho việc thương thảo) và một trái tim nóng (cho thơ ca). Anh xử lý như thế nào với những thái cực đối lập ấy?

PHẠM SỸ SÁU: Thật ra, giao dịch tác quyền cũng là “làm thơ” đấy chứ! Đó là bài thơ về tác phẩm, về cuộc đời, về những suy luận, phán đoán cực kỳ chủ quan trong phút chốc để dẫn đến thành công hay thất bại cho một quyển sách, một đời sách ngắn dài. Thương thảo bản quyền là thứ thương thảo cần có trái tim nóng. Có thứ dễ ăn nhưng dứt khoát không mua. Có thứ khó gặm nhưng kiên trì mua cho bằng được. Vấn đề là luôn luôn đặt quyền lợi của bạn đọc Việt Nam lên trên, không vì lợi nhuận của riêng cơ quan, đơn vị mà mua với bất cứ giá nào. Như vậy giao dịch bản quyền và làm thơ làm gì có khoảng cách, làm gì có đối lập. Tất cả là một sự hài hoà. Sự tính toán của nhà buôn, sự lãng mạn của nhà thơ hoà quyện trong việc mua bán một thứ được xem là lớn nhất của con người, của thời đại: ấy là bản quyền, là sở hữu trí tuệ. Đó là thứ tài sản lớn nhất trong mọi loại tài sản. Ở nước ta, dường như chưa cảm nhận hết cái lớn lao của bản quyền, của sở hữu trí tuệ.

 

Tạo lập cho mình một hương hiệu (ví như thương hiệu của nhà thơ, thương hiệu nhà quản lý và thương hiệu của nhà thương thuyết) theo anh khó nhất điều/ yếu tố gì?

PHẠM SỸ SÁU: Thương hiệu là hiệu quả xã hội từ một hoặc nhiều hoạt động mang tính chủ quan. Nó là mối quan hệ, ảnh hưởng vô hình đối với đối tượng (người tiêu dùng, đối tác), như vậy, theo tôi, cần nhất phải có uy tín và phong cách. Uy tín tạo nên niềm tin, phong cách tạo ra sự khác biệt. Uy tín có được do sự tận tâm, sự thật lòng, sự biết mình vì cái chung (cho dù công việc rất riêng). Phong cách tạo nên từ sự quyết đoán, sự rõ ràng, sự nhanh nhạy và đặc điểm “tôi”.

 

Có lúc nào thơ cứu anh một bàn thua trông thấy trong cuộc thương thuyết?

PHẠM SỸ SÁU: Đôi khi cũng có. Nó bàng bạc trong công việc. Sự mơ mộng làm mình tự tin. Nhà thơ hơn con buôn ở chỗ anh ta mang đến cho đời nhiều hoa hơn là xương, nhiều mật hơn vị đắng. Có vài lần cái tên tuổi nhà thơ đã hỗ trợ khá vững chắc công việc giao dịch. Một người làm thơ biết rõ nghề làm sách, với cái máy tính trên tay sẵn sàng đưa ra những con số và vẽ ra một triển vọng sáng sủa của tác phẩm thì sức thuyết phục đối tác sẽ cao hơn nhiều.

 

Lần thứ hai trong cuộc chuyện trò này anh có  nhắc đến hai  chữ “con buôn”. Những ai đã trải qua thời bao cấp , ít nhiều  đều kị những chữ này... Bây giờ anh lại đặt nó để sánh với nhà thơ, nghe chừng có vẻ phản cảm...

PHẠM SỸ SÁU: Chúng ta thường nghĩ đến con buôn với ý nghĩa không được tốt cho mấy . Điều nầy có lý do của nó. Chúng ta sống trong xã hội bao cấp khá lâu, ý thức xài chùa vì thế cũng tiêm nhiễm không ít, nên bây giờ nói chuyện kinh doanh văn hóa nghe nó khó chịu thế nào đó. Thực ra doanh nhân bây giờ người ta cũng lãng mạn đâu kém người sáng tác. Đặc biệt là kinh doanh trong môi trường như ở nước ta. Lành ít rủi nhiều. Họ phải chấp nhận rủi ro rất nhiều để có cơ hội tồn tại. Còn kinh doanh theo kiểu con buôn thì thời nào cũng có. Con buôn luôn đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của người khác, bất kể thiệt hại cho xã hội.

 

Thương thảo bản quyền -  xét  ở một khía cạnh nào đó là việc đi mua bán trí tuệ. Mục tiêu hàng đầu của chuyện mua bán này liệu có phải  luôn lợi ích về  vật chất, thưa anh?

PHẠM SỸ SÁU: Đúng là mua bán bản quyền là kinh doanh phần tài sản vật chất của sở hữu trí tuệ. Đó là chuyện thuận mua vừa bán chứ không thể áp đặt được. Ta không thể vì quyền lợi của người nầy mà ép uổng người khác được. Còn mua bán dĩ nhiên phải tính đến lợi ích vật chất mà nó mang lại, nhưng không vì thế mà bỏ quên quyền lợi của chủ sở hữu được. Đôi khi mua bán bản quỵền cũng là việc góp phần gìn giữ cái cần gìn giữ cho đời sau.

 

Từng nghe anh kể nhiều chuyện thú vị của việc đi thương thuyết mua bản quyền, không biết anh có định viết hồi ký để ghi lại những kỷ niệm và cũng đồng thời là những bài học đắt giá của cái nghề mới mẻ và gian nan này?

PHẠM SỸ SÁU: Hồi ký thì chưa nghĩ tới nhưng truyền đạt và trao đổi kinh nghiệm thì tôi vẫn làm thường xuyên. Tôi không bao giờ giấu nghề với đồng nghiệp vì tôi nghĩ đến người đọc Việt Nam. Mọi sự thiếu  thông tin trong nghề này sẽ dẫn đến những bất lợi cho người mua bản quyền và cả cho người mua sách. Giao dịch bản quyền cần phải nóng lạnh đúng lúc. Nóng quá hoặc lạnh quá, chậm quá hoặc nhanh quá đều có thể dẫn đến những sai lầm không đáng có. Bài học thì nhiều. Gian nan cũng lắm. Hy vọng sẽ có dịp trò chuyện thú vị hơn về vấn đề này.

 

Là người thay mặt NXB Trẻ đi mua bản quyền các tác phẩm có giá trị, anh bình luận thế nào về hiện tượng vi phạm bản quyền hiện nay ở Việt Nam.

PHẠM SỸ SÁU: Chúng ta đi ra từ một xã hội cái gì cũng là của chung. Ý thức tôn trọng về cái riêng, cái tài sản của người khác dường như không được cao lắm trong không ít người Việt Nam mình. “Xài chùa” là hiện tượng phổ biến trong xã hội. Tiền chùa xài không đắn đo, của chùa ăn không biết mệt, tài sản chùa tội gì không ăn cắp. Vi phạm bản quyền hiện nay ở Việt Nam xin được gọi đích danh là ăn cắp, ăn trộm. Nhà nước chưa xem ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác là một tội nặng, là xâm phạm đến quyền cơ bản của con người thì tình trạng ăn cắp bản quyền vẫn còn tiếp diễn.

 

Tạm thời việc xử lý chuyện vi phạm bản quyền ở nước ta chưa thật nghiêm và triệt để nên tất yếu sẽ làm thiệt hại những ai/ đơn vị nào thực thi nghiêm túc. Theo anh chúng ta có cách nào thắt chặt vấn đề này một cách hữu hiệu nhất, nhanh nhất?

PHẠM SỸ SÁU: Thắt chặt việc bảo vệ bản quyền thật ra không khó. Cái khó chính là ý thức công dân của mỗi người. Ngày nào chuyện vượt đèn đỏ còn là chuyện không đáng ray rứt của số đông người tham gia giao thông thì chuyện ăn cắp bản quyền còn diễn ra. Tình trạng ăn cắp không chỉ diễn ra trong số sách được phát hành mà tác giả chẳng hề biết. Lấy 1.000.000 đồng có thể là tội lớn, nhưng phát hành chui 1.000 quyển sách giá 100.000 đồng/ quyển thì lại là chuyện nhỏ, chuyện không đáng quan tâm!

Hữu hiệu nhất theo tôi là sự trở bộ đúng mức của nhân viên nhà nước và sự ý thức đúng tầm vấn đề của mỗi công dân khi mua sách luộc, sách lậu mà thấy áy náy thì lúc đó chắc chắn đám ăn cắp bản quyền sẽ khó mà có đất sống tốt.

 

Nhưng nếu  thử nghĩ ở khía cạnh người tiêu dùng: cùng một số tiền họ mua sách lậu thì rẻ và nhiều hơn,  vả lại  chẳng có gì phiền hà cả. Ý thức công dân cũng thật khó để dẫn họ vào hiệu sách mua những quyển giống thế mà lại đắt hơn 30- 40%. Nếu là anh, anh có muốn mua sách giá  rẻ không?

PHẠM SỸ SÁU: Mua sách giá rẻ ai mà không ham. Nhưng tôi không chấp nhận cái kiểu giá rẻ như hiện nay. Rẻ cho mình mà thiệt hại cho người khác thì có nên không? Vấn đề là ý thức tôn trọng tài sản của người khác như của chính mình. Nhà văn chúng ta sống không được bằng tác phẩm đôi khi cũng khởi nguồn từ chuyện sách giá rẻ như hiện nay.

 

Bàn qua bàn lại, vậy theo anh,  để chấm dứt nạn vi phạm tác quyền tràn lan như hiện nay, gốc vấn đề là ở đâu?

PHẠM SỸ SÁU: Ở nhà nước và ở phía công dân. Nhà nươc cần phải có những biện pháp xử lý một cách mạnh mẽ hơn, thậm chí phải phạt đến mức không thể tái phạm được. Cán bộ nhân viên thừa hành vịệc nầy phải làm đúng chức năng của mình. Còn công dân thì phải thật sự thấy mua sách lậu là ăn cắp tài sản của người khác, phải áy náy về việc nầy.

 

NXB Trẻ hiện nay là đã thành một thương hiệu có uy tín trong lĩnh vực xuất bản. Tôi được biết anh cũng là người gắn bó lâu năm với NXB, từng trải qua những thăng trầm cùng NXB. Theo anh, có đựơc thành công này, khó khăn nào lớn nhất mà NXB đã vượt qua để xác lập và khẳng định vị thế của mình?

PHẠM SỸ SÁU: Tôi ở NXB Trẻ mới gần 10 năm. Mười năm với bao buồn vui làm sao nói hết. Cái chính là đội ngũ Nhà xuất bản Trẻ đã tạo cho mình một phong thái làm việc “máu lửa” và kiên trì con đường tự làm sách là chủ yếu. Sách kế hoạch A (sách do NXB tự đầu tư) đã dần trở thành số lượng chủ đạo hàng năm của NXB, tạo ra nhiều mảng miếng đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng, người giàu, kẻ nghèo đều có thể đến với sách Trẻ. Đấy là đặc điểm nổi bật. Phải sống chết với sách A, từ đó đội ngũ NXB Trẻ lớn dần lên theo nghề, lớn cả số lượng và chất lượng. Thật ra làm xuất bản không thể thoả mãn với cái đã làm được mà phải xem cái chưa làm được mới là mục tiêu, là đích phấn đấu của mình. Nói như thế không biết có mơ mộng và lãng mạn quá không? Bởi tôi thấy một điều làm xuất bản ở nước mình so với thế giới còn lẹt đẹt, lạch đạch lắm. Phải xem việc có số lượng in lần đầu 50 ngàn, 100 ngàn bản sách là mục tiêu phấn đấu nay mai của Việt Nam mình thôi.

 

Mục tiêu mà anh vừa  nói là sẽ phấn đấu nay mai ấy - nếu được dự đoán, anh sẽ cho vào khoảng bao lâu: 5 năm? 10 năm?

PHẠM SỸ SÁU: 5 năm thì sớm quá, 10 năm thì có thể được. Lúc đó mức sống của dân ta nói chung đã cao, trình độ văn hóa đã phát triển và nhu cầu hưởng thụ món ăn tinh thần là sách sẽ lớn hơn bây giờ gấp nhiều lần.

 

Và những yếu tố tạm gọi là cần và đủ cho một thị trường mà số lượng in ban đầu của các đầu sách luôn ở mức  50 ngàn bản  là gì, theo anh?
PHẠM SỸ SÁU: Tôi biết nước ta đã có thời sách in hàng chục vạn bản, trong khi dân só chưa tới 50 triệu người. 10 năm nữa nước ta có trăm triệu dân, nhu cầu đời sống lớn khi vật chất , đặc biệt giá cả không còn là chuyện đáng quan tâm nữa đọc và học sách sẽ là chuyện không còn phải trao đổi nhiều như từ nãy đến giờ. Bạn có tin điều đó không?
 
                                                            (Theo nguồn Văn nghệ Trẻ)
Other News