Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

"Bằng chứng và lý giải" - Một cuốn sách hay
Update Date: 04/06/2007

 

Một cuốn sách gồm ba chục bài báo của Phạm Duy Hiển, nay thành cả một tập tiểu luận xinh xinh. Xinh nhưng mạnh mẽ, mạnh mẽ và đẹp như ngọn lửa xanh lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Điều quan trọng là nó làm lộ ra một cách viết sách hay và qua đó cho thấy một nhân cách người viết

Sách hay, trước hết vì tác giả viết về những điều có thực. Viết về những điều có thực là rất khó. Mà cái khó nhất lại nằm ở động cơ viết sách. Viết về những điều có thực khác với viết cốt để có tên đứng trên mặt báo hoặc trên giá sách. Và khi nói đến động cơ viết sách của Phạm Duy Hiển, ta cũng vừa nói đến khía cạnh đạo đức song cũng lại thấy cái động cơ mang tính đạo đức ấy gắn bó chặt chẽ với năng lực nắm bắt cái thực. Qua nội dung cuốn sách, ta thấy tác giả “gặp may”: là nhà vật lý hạt nhân, từng là nhà giáo, gần đây lại nghiên cứu chôn sâu về môi trường và có tên trong hội đồng biên tập một tạp chí quốc tế, cái thực mà ông bắt gặp hàng ngày cũng là cái thực của thời hiện đại hóa mà dân tộc ta phải đương đầu. Song có nhiều người đi ngang qua cái thực mà không thể nhìn thấy, cũng chẳng nói lên được cái thực, hòn đá lăn qua không bám rêu, như người Tây họ chê.

Vậy mà qua cuốn sách, ta thấy ông vừa gặp may lại vừa có cái đạo lý của người biết chìa tay ra đúng lúc nắm lấy cái thực cần phơi bày cho bạn bè và người đương đại, cho cả dân tộc. Ông nghĩ và nói đến những chuyện tầy đình của cả dân tộc trong thời đại này, cho hôm nay và cho con cháu muôn đời về sau: Mấy ý kiến về điện hạt nhân – Điện hạt nhân, tại sao phải vội? – 200 tỉ KWh điện vào năn 2020 là quá lãng phí – Cần có tư duy mới về năng lượng – Tăng GDP nhưng phải giữ cho môi trường không tồi tệ hơn – Đất, nước, không khí và người tài – Khoa học Việt Nam đang ở đâu?...

Cuốn sách của ông có 30 bài thể hiện rõ mối quan tâm chuyên sâu của ông, cũng là cái đạo lý trước cái thực của ông: sử dụng năng lượng hạt nhân, GDP và điện môi trường, Giáo dục đại học, đời sống tâm lý – tâm linh của con người.

Điều kiện tiên quyết của một cuốn sách hay là nó nói đến chuyện thực của con người, của nhân dân, của dân tộc, của nhân loại, nhưng còn phải có một điều kiện nữa thì sách mới thành sách hay: cách sử lý vần đề. Trong cuốn sách Bằng chứng và lý giải, ta có được một tấm gương về tính thực chứng trong cách xem xét một vấn đề dù là “nhỏ” nhất. Phạm Duy Hiển không nói hồ đồ, làm hồ đồ, hô khẩu hiệu suông, mà sau mỗi lập luận của ông là những con số đứng trụ đỡ.

Có lúc đó là những “con số” mang tính tư liệu lịch sử: Phạm Duy Hiển đồng thời tôn vinh những người nổi tiếng hơn, vẫn không ngừng kể ra được cái mặt bằng đã làm cho những gò đất kia cao lên. Einstein, trong quan hệ với trường phái cơ học lượng tử Đan Mạch của Niels Bohr; bom nguyên tử Mỹ, và những nhà báo học lưu vong; cuộc chạy đua vũ trang và những nhà  vật lý học Nga kiệt xuất Landau và Kurchatov … Tư chất của nhà giáo Phạm Duy Hiển trong những tư liệu thực chứng đó cho thấy ông rất quan tâm đến khoa học nhận thức –  cái khoa học về episteme của con người chứ không chỉ là những thành tựu cuối cùng - vì cuộc vật lộn với nhận thức, sự thừa kế nhận thức mới làm nên nhận thức đích thực, thay cho những câu trả lời đúng ( hoặc không sai) của Trạng Lợn.

Trong rất nhiều trường hợp những tư liệu của ông là con số. Cực kỳ hấp dẫn là con số về tiêu thụ điện năng để bắt bẻ lời đe dọa nước ta thiếu điện vào năm 2020; lời bắt bẻ khó cãi. Đặc biệt lý thú là những “con số” liên quan đến “ý tưởng” xây dựng nhà máy điện hạt nhân, ông buộc mọi người nào hễ có tấm lòng ắt phải tự vấn: vì sao Philiphine làm gần xong nhà máy điện hạt nhân rồi thì lại quyết định vứt cả tỉ đôla đi còn hơn là phải gánh chịu hậu quả. Ông bày tỏ mối lo về việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tập trung vào ba điều bất cập này: chưa làm đủ được kỹ thuật, kỷ luật lao động cực kỳ kém cỏi, và cái tệ tham nhũng chắc chắn sẽ làm rò rỉ ngay từ khi sắp xây dựng nhà máy. Nhưng ông cũng vẫn chỉ ra lối thoát để những người nóng vội nhưng vẫn có cái Tâm được yên lòng: hãy biết chờ đợi thế hệ nhà máy điện hạt nhân an toàn “tuyệt đối” hơn.

Cho phép tôi được nói lên một suy nghĩ tiếp về điều kiện thứ ba của một cuốn sách này hay, có lẽ đó là tính uyển chuyển trong tư duy và trong hành văn mà ta thấy rất rõ ở mấy trăng trang sách Phạm Duy Hiển chăng? Gần như trong mỗi bài viết ông đều nói ra được ít nhất là một nghịch lý. Nghịch lý trong nhận thức, nghịch lý trong sản xuất và kinh doanh, nghịch lý trong những khẩu hiệu tưởng chừng như không có thể sai, “kinh tế tri thức” và “đi tắt đón đầu” chẳng hạn.  Có một giọng diễu cợt khi kể về  cái công ty Nhật Bản vào chào hàng, biểu diễn về điện hạt nhân, cũng chính là nơi đã để xảy ra nhiều sự cố chết người nổi tiếng nhất về điện hạt nhân trong những năm gần đây!

Cái diễu cợt mang tính đấu tranh ấy không chiếm toàn bộ cuốn sách. Mà trên từng trang là cái giọng văn du dương, ngay cả những con số tác giả đem trình bày cũng nhiều khi du dương, xoàng ra là không khô khan và rất đúng chỗ. Và nếu không sợ phạm phải tội vội vàng, xin nói có lẽ Phạm Duy Hiển là nhà vật lý duy nhất ở Việt Nam vận dụng được những kiến thức tâm lý học cực kỳ cập nhật, khác hẳn với dùi đục chấm mắm cáy của nhiều nhà tâm lý học được đào tạo bài bản. Riêng về quan hệ giữa khoa học và tôn giáo, có lẽ lời trích dẫn này của Phạm Duy Hiển là vừa đủ để ta thấy bụng dạ ông: “Khoa học muốn biết cơ chế phát triển của vạn vật, còn tôn giáo muốn bàn đến ý nghĩa của chúng, tại sao lại đối kháng với nhau?”
Phạm Hoàn
(Theo Tạp chí Tia Sáng, 5/4/2007)
 
Other News