Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Lý trong dân ca người Việt
Update Date: 07/31/2006

 
Rất nhiều người trong chúng ta đã ít nhất một lần trong đời được nghe ca dao qua lời ru của mẹ, của bà, qua những khúc hát dân ca ngọt ngào… và cũng không ít người đã từng ngân nga những điệu lý, câu hò để gửi gắm nỗi niềm tâm tư buồn vui trong cuộc sống thường ngày.

Lý là một trong những thể loại âm nhạc dân gian, được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Việt khác từ Bắc vô Nam. Nội dung của lý rất đa dạng, bình dị: từ các loại cây, trái, bông hoa, các loại bánh, thú rừng, chim trời, cá biển, các đồ vật gia dụng, các nhân vật, hoạt động thường ngày đến các phong tục, lễ nghi, hội hè… đều được dùng đặt tên cho điệu lý: Lý cây khế, lý cây bưởi, lý cây mù u, lý cây tre, lý bông lê, lý bông sen, lý bánh bò, bánh ít, lý xôi vò, lý con rồng, lý con thằn lằn, lý chim quyên, lý cái ao, lý bình vôi, lý trống cơm, lý tiều phu, lý chú cai, lý qua đèo… và còn rất nhiều điệu lý có tên lạ đến bất ngờ…

thủ tục quy định. Người ta không hát lý để thi thố tài năng như hát thi, hò thi. Bà con thích “Lý với nhau” khi lao động sản xuất, khi nghỉ ngơi, giải trí, hát lý để giãi bày tâm sự, nói lên mơ ước. Vui hát lý, buồn hát lý, bận bịu hát lý mà nhàn rỗi cũng …hát lý. Làn điệu lý được cất lên, người nghe cảm nhận được vị ngọt đậm đà của đất, của sông nước, của cây trái quê nhà.

Như những khúc hát dân ca khác, tác giả của điệu lý thường là người dân quê chân chất, mộc mạc. Điệu lý được truyền khẩu từ đời này sang đời khác, bởi vậy không ít điệu lý có những dị bản khi truyền qua những địa phương khác nhau. Chẳng hạn, chỉ với một câu ca dao “Ai đem con sáo sang sông. Để cho con sáo xổ lồng bay xa”, con sáo thân quen của dân quê Việt Nam bay qua bao nhiêu dòng sông suốt từ miền Trung vô Nam đã đúc kết thành một chuỗi 42 bài “Lý con sáo” chỉ khác nhau chữ đệm và âm đệm, nói lên niềm khao khát tự do bất khuất của người dân từng địa phương. Bài “Lý ngựa ô” rất quen thuộc cũng có đến 30 dị bản, được hát lên từ câu ca dao “ngựa ô anh khớp kiều (yên ngựa) vàng. Anh tra khớp bạc đưa nàng về dinh”. Lý ngựa ô ra đời từ đất Thuận Hoá (Huế) đã theo bước chân người đi mở cõi về phương Nam tìm đến vùng đất có cỏ non và nước ngọt. Lời ca dao được thay đổi qua từng vùng nhưng nội dung vẫn là tâm tình của chàng trai phương Bắc xa quê nhớ nhà, ước mong ngày sắm đủ lễ bộ đưa người yêu về thăm quê nhà…

Từ nhiều năm qua, đoàn “sưu tầm dân ca” của ông bà Lê Giang – Lư Nhất Vũ đã không ngại vất vả, lặn lội đến các vùng quê xa xôi khắp ba miền đất nước, tìm gặp các cụ già (có người hơn 100 tuổi) để nghe hát và ghi âm lại những bài dân ca được truyền khẩu qua nhiều thế hệ… về ký âm, nghiên cứu, biên soạn lại và nhiều quyển sách về dân ca, ca dao của nhiều địa phương đã được in ấn, phổ biến khắp đất nước. Cuối cùng, “Lý trong dân ca người Việt” của Lư Nhất Vũ – Lê Giang – Lê Anh Trung đã ra đời, do NXB Trẻ ấn hành tháng 07/2006. Sách dày hơn 700 trang gồm 2 phần: phần I tiểu luận, phần II: Các làn điệu lý với tổng cộng 469 điệu lý. Đây là một công trình dày dặn và công phu, là một viên ngọc quý mà tác giả đã góp vào kho tàng văn hoá dân gian Việt Nam.

Huỳnh Thanh Vân
(Theo Doanh Nhân cuối tuần, 28/7/2006)
Other News