“Vâng, nhất định Giáng sinh con sẽ về nhà. Con sẽ về để làm món gà tây nhồi cho bữa tối ngày mai,” tôi đáp.
Đã bao ngày nay, đây là lần thứ tư cha tôi hỏi liệu Giáng sinh này tôi có về không, và tôi đã có phần đâm chán với những câu hỏi dai dẳng của cha.
Cha tôi năm nay đã bảy mươi chín tuổi nhưng vẫn còn khỏe lắm. Ông sống một mình một căn hộ - dù chỉ cách nhà tôi một đoạn phố - và tự lái xe lấy. Ông có những chứng bệnh vặt điển hình của người già, và từ khi mẹ tôi mất cách đây bốn năm, ông có phần nào yếu đi. Tuy nhiên, cha tôi còn minh mẫn và trí nhớ còn tốt lắm, nên tôi không thể hiểu vì sao cha quan tâm đến thế tới việc Giáng sinh này tôi ở đâu.
Tôi là con một nên rất gắn bó với cha mẹ trong những năm trưởng thành. Sau khi sinh tôi, mẹ tôi thôi dạy học để ở nhà chăm sóc gia đình. Từ đó mẹ và tôi luôn ở bên nhau, nên tôi có một mối liên hệ khắng khít với mẹ âu cũng là lẽ tự nhiên. Trong khi đó cha tôi làm thợ điện, thường xuyên phải làm việc cả ngày lẫn đêm để chu cấp cho gia đình nên không thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của tôi.
Bởi cha con tôi thường phải khó khăn lắm mới dành được ít thời gian cho nhau, nên cha tôi luôn coi những lúc ít ỏi cha con ở bên nhau là hết sức đặc biệt. Tôi còn nhớ có lần khi còn bé, cha đi làm về và se sẽ đánh thức tôi dậy khi tôi đang ngủ say. Mắt long lanh, cha bảo tôi mở hộp đựng cơm trưa của ông ra để tìm một báu vật giấu trong đó. Hãy hình dung tôi sung sướng đến chừng nào khi cặp mắt ngái ngủ của tôi nhận ra trong cái hộp có một con mèo con lông trắng đen. Khi một con mèo hoang chọn nơi làm việc của cha làm chốn nương thân và đẻ một lứa mèo con, cha tôi đã quyết định rằng con bé nhất trong số đó sẽ trở thành bạn của con gái cha.
Lớn lên, tôi như một đứa con trai, theo cha đi khắp nơi, nào đi săn, câu cá hay dạo chơi trong rừng. Nhiều buổi sáng trời se lạnh, tôi thức dậy lúc tờ mờ sáng để cùng cha đi săn vịt trời. Chúng tôi ngồi im trong chỗ nấp cùng với con chó săn lông vàng óng. Trong khi chờ mặt trời mọc trên hồ, chúng tôi lắng nghe những tốp vịt trời đầu tiên hạ cánh để kiếm ăn buổi sáng. Tôi không bao giờ nề hà dù trời lạnh đến mấy, chừng nào tôi còn được ngồi bên cha, cùng cha đón bình minh của một ngày mới.
Mùa hè, tôi hay ngồi hàng giờ trên chiếc cầu ở gần nhà cùng với cha, đợi con cá đầu tiên cắn vào miếng mồi nơi sợi dây câu của chúng tôi. Mặc dù kiên nhẫn không phải là tính cách điển hình ở một đứa trẻ lên chín tuổi, nhưng tôi vẫn ngồi đợi, ngồi đợi mãi... đơn giản vì tôi đang ở bên cạnh cha tôi.
Trong những chuyến dã ngoại đó, cha cũng dạy tôi cách nhận ra cử động nhỏ nhất của một con thú trong bụi cây, phân biệt những loài chim khác nhau dựa vào màu sắc của chúng khi lướt qua bầu trời, dạy tôi biết yêu thương và tôn trọng muôn loài sinh vật trong trời đất.
Ngoài tình yêu loài vật, cha tôi còn là một thiên tài thực thụ trong việc làm vườn. Ông có thể chỉ cần nhìn là nhận ra hầu hết các loài cây, ông luôn biết rõ những loài cây một năm hoặc lâu năm nào có thể mọc trong khu vườn bất kỳ nào. Với người lớn, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi khám phá rằng chỉ sau một đêm, một chậu păng-xê hay một giò phong lan đã nở trước hiên nhà.
Chính tình yêu của cha đối với những loài hoa và tình yêu của cha dành cho tôi đã mang hai cha con lại gần nhau lần cuối.
Buổi sáng hôm trước Giáng sinh, điện thoại reo, tôi cứ ngỡ đấy là cha tôi gọi để hỏi xem ông phải đến dự buổi tiệc Giáng sinh lúc mấy giờ. Nhưng không, đó là người phụ trách khu phố của cha, thảng thốt báo cho tôi biết rằng cha vừa bị ngã và xe cấp cứu đã đưa cha đến bệnh viện. Bà ấy không biết gì thêm, nhưng tỏ vẻ quan tâm và cho rằng tôi phải đến bệnh viện ngay lập tức.
Quãng đường từ nhà đến bệnh viện đối với tôi như một giấc mơ; tôi thấy cuộc đời mình trôi qua trước mắt như một bộ phim quay chậm. Từ khi mẹ mất, tôi và cha bám víu vào nhau như những đứa trẻ lạc cha mẹ, nhận ra rằng mình là những mảnh còn sót lại của cái gia đình đầm ấm ngày xưa. Tôi biết phải làm sao nếu lỡ có chuyện gì xảy ra với cha? Làm sao tôi tiếp tục sống nếu cha không còn hiện diện hàng ngày trong đời tôi, nếu tôi không còn tình thương yêu và sự thông thái của cha?
Khi lao vào phòng cấp cứu, tôi được biết rằng cha bị vỡ động mạch chủ, phải phẫu thuật. Đợi rất lâu mới thấy bác sĩ ra khỏi phòng; ông đặt tay lên vai tôi và nói ông rất tiếc dù đã cố hết sức nhưng vẫn không cứu được cha tôi.
Tôi lặng người đi, đắm mình trong đau buồn và hoang mang, không biết phải làm gì. Tôi lái xe về nhà trong màn sương, đường không xa nhưng tôi cảm thấy như dài dằng dặc và không thật. Trời xám xịt u buồn, báo hiệu tuyết sắp rơi. Tôi cảm thấy cả thế gian như đang nhuốm màu tang.
Đi bộ về nhà, tôi choáng váng khi thấy mọi vật dường như tối tăm, im lìm và lạnh lẽo đến ghê người. Cây thông Giáng sinh đứng trong góc phòng, nhưng không có ánh lấp lánh của những đồ trang trí. Tôi cảm thấy một nỗi thèm khát khó lòng cưỡng lại là trèo ngay lên giường, kéo chăn trùm kín đầu. Nhưng thay vì thế, suốt mấy tiếng đồng hồ tôi gọi điện thoại cho gia đình và bạn bè để báo tin buồn, cố gắng không bật khóc trong khi nói chuyện.
Khi tiếng chuông cửa ngắt ngang dòng suy nghĩ của tôi, tôi cứ nghĩ đó là một trong những người hàng xóm hay tin dữ ghé qua ngỏ lời chia buồn. Nhưng không, tôi ngạc nhiên thấy chiếc xe giao hàng của cửa hiệu hoa gần nhà. Giữa những bông tuyết của ngày lễ, tài xế mang ra khỏi xe rồi đưa cho tôi một hộp các-tông buộc ruy băng xanh đỏ. Tôi cám ơn rồi vào nhà để mở hộp.
Bên trong là một bó hoa tuyệt đẹp - cẩm chướng, hoa cúc, hoa hồng, toàn những loại hoa mà cha tôi ưa thích. Kèm theo là một bưu thiếp trên đó cha tôi tự tay ghi:
Hoa tặng cô con gái tuyệt vời nhất trên đời.
Cha yêu con,
Cha
Tôi hiểu ra ngay rằng cha đã chuẩn bị cho món quà bất ngờ này hàng tuần lễ trước, và cha hỏi đi hỏi lại là để biết chắc liệu tôi sẽ có mặt ở nhà để nhận bó hoa đúng ngày trước lễ Giáng sinh hay không. Làm sao cha có thể biết rằng hoa sẽ được trao cho tôi đúng ba giờ sau khi cha mất?