Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

'Muốn dịch giỏi phải sành tiếng Việt'
Update Date: 09/22/2006

 
 
Tên tuổi nhà văn, dịch giả Lê Khánh Trường đã rất quen thuộc trong làng dịch thuật VN, ông gắn bó với tiếng Nga cũng như văn học Nga Xô viết hơn 40 năm nay. Ngày 10/9, Trung tâm Sách Kỷ lục VN đã công nhận Lê Khánh Trường là người dịch nhiều và nhanh nhất các loại sách Nga văn. Bên trong con người tương đối lặng lẽ này còn nhiều điều bí mật.

Kỷ lục tự học ngoại ngữ

Ông bắt đầu sự nghiệp dịch thuật vào năm 1970 với tác phẩm đầu tay Đôi mắt trẻ thơ của Nga viết về cách giáo dục trẻ em. Năm 1973, tác phẩm Người kỹ sư tâm hồn qua bản dịch của Lê Khánh Trường ra mắt độc giả VN và đã được tái bản nhiều lần cho đến hôm nay. Người kỹ sư tâm hồn viết về người thày và nghề giáo, tác phẩm này sau khi in, dịch giả Lê Khánh Trường đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục, giáo sư Nguyễn Văn Huyên viết thư khen ngợi. Và từ đó, danh mục sách do Lê Khánh Trường dịch ngày một dài thêm, bao quát tất cả các lĩnh vực: văn học, triết học, kinh tế học, lịch sử, xã hội học, khảo cổ học, giáo dục học...

Nhưng trước hết, dịch giả Lê Khánh Trường là một nhà giáo tận tâm có thâm niên công tác trong ngành. Ông từng kinh qua thời gian dài giảng dạy ở ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội và Khoa Ngoại ngữ ĐH Sư phạm TP HCM. Ông luôn khuyến khích sinh viên nên tự học thêm để hoàn thiện kiến thức. Dịch giả Lê Khánh Trường quan niệm: “Nhà trường chỉ mang đến cho người học kiến thức tối thiểu, muốn giỏi phải tự học”. Quan niệm đó đã được ông biến thành hành động bằng ý chí tự học hiếm thấy. Là con nhà nông, tiếp cận với ngoại ngữ khá muộn nên ông phải nỗ lực và tự định hướng phương pháp học tập phù hợp với bản thân. Để có cơ hội vào đại học và học cao hơn, cách duy nhất mà cậu học sinh Lê Khánh Trường thực hiện vào những năm 60 thế kỷ trước là luôn phải đứng hạng nhất. Thời đó, sinh viên Lê Khánh Trường vừa làm, vừa học Nga văn, vậy mà chỉ hết năm nhất đã đứng đầu khối 8 lớp. Có người nói ông học giỏi như vậy phần lớn là nhờ năng khiếu. Ông cười: “Năng khiếu sẽ không có ý nghĩa nếu thiếu quyết tâm và phương pháp”.
 
Chính nhờ quyết tâm và có phương pháp học, đến nay độc giả cả nước đã được đọc những bản dịch Trung văn của ông trên nhiều đầu sách văn học. Có lẽ nên đề xuất thêm một kỷ lục VN nữa dành cho dịch giả Lê Khánh Trường: Người học tiếng Trung Quốc nhanh và ứng dụng nhanh nhất. Bắt đầu từ mốc thời gian ngày 2/9/1995, ở nhà buồn, dịch giả Lê Khánh Trường đã tự mày mò học tiếng Trung và chỉ 3 tháng sau ông đã dịch được các tác phẩm Trung Quốc sang tiếng Việt hoàn chỉnh. Kỷ lục học nhanh một ngoại ngữ nào đó không thể cân, đo, đong, đếm như các kỷ lục khác, song tên Lê Khánh Trường in trên các tác phẩm của Kim Dung và hai quyển từ điển thuộc loại rất khó soạn như: Từ điển thành ngữ - tục ngữ Hán Việt (in năm 1998); Từ điển tục ngữ Hán Việt (in năm 2001) phần nào bảo chứng cho ông. Bởi theo các chuyên gia nhận định: “Tục ngữ là tinh hoa của ngôn ngữ” thì việc soạn Từ điển tục ngữ Hán Việt là cực kỳ khó ngay cả với các nhà ngôn ngữ học chuyên sâu. Đến nay, ông tự học được nhiều ngôn ngữ của các nước như: Anh, Pháp, Nga, Trung, Bulgary...

Vượt qua bệnh tật

Mặc dù rất giỏi ngoại ngữ và sống được cũng như nổi danh nhờ ngoại ngữ nhưng dịch giả Lê Khánh Trường vẫn luôn canh cánh nỗi lòng cùng tiếng Việt. Đúc kết một đời, dịch giả Lê Khánh Trường nhận định: “Muốn giỏi ngoại ngữ, trước hết người Việt phải giỏi tiếng Việt, nhất là đối với một người làm công việc dịch thuật như tôi. Giỏi tiếng Việt đồng nghĩa với am hiểu văn hóa, tinh thần, cốt cách Việt. Nếu không sành sỏi tiếng Việt thì dù giỏi ngoại ngữ đến mấy cũng không thể dịch tốt tác phẩm ngoại ngữ sang tiếng nước mình”. Trong tiến trình dân tộc ta đang hội nhập với thế giới, việc giỏi ngôn ngữ của các dân tộc khác là rất cần thiết và bức bách.

Đi qua gần một đời người với nhiều niềm vui nỗi buồn, dịch giả Lê Khánh Trường hiện đang đối mặt với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối. Chữa bệnh bằng xạ trị đã làm màu da và mái tóc của ông mất đi nhiều sức sống, nhưng trông vào nụ cười tươi rói của ông khi nói về công việc đang làm (một ngày ông viết hai bài báo), chúng tôi tin ông là một kỷ lục gia thực thụ đang xác lập kỷ lục của đời ông - sự vươn lên không ngừng!

(Nguồn: Người Lao Động)
 
Bài cùng chủ đề:
 
Other News