Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Tôi đã dịch Trịnh Xuân Thuận như thế nào?
Update Date: 05/03/2006

Tôi làm quen với anh Thuận lần đầu tiên (qua email) vào cuối năm 1999, khi tôi bắt tay dịch cuốn Giai điệu bí ẩn, tác phẩm đầu tay và cũng là một trong số những cuốn sách hay nhất của anh.
 
 

Qua thư, ngoài chuyện về bản quyền, tôi có nói với anh rằng tôi nhận thấy cuốn sách rất giàu chất văn học và tôi hiểu đó là dụng công của anh nhằm làm cho cuốn sách phổ biến khoa học rất dễ khô khan trở nên hấp dẫn và dễ đọc đối với cả bạn đọc bình thường. Tôi cũng hứa sẽ làm hết sức mình để chuyển tải được chất văn học đó trong bản dịch. Anh Thuận rất mừng vì tôi đã hiểu rõ ý đồ của anh và, như sau này gặp nhau ở Hà Nội, anh tâm sự, sau bức thư của tôi anh mới tin rằng cuốn sách của anh chắc chắn sẽ ra mắt bạn đọc Việt Nam đúng lúc anh trở về Hà Nội, vì trước đó đã có đôi ba người xin phép anh dịch, nhưng đã không thành.
Cái duyên với Trịnh Xuân Thuận

Tháng 8-2000, anh Thuận về nước lần thứ hai để tham gia chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” (lần thứ nhất anh về nước với tư cách là thành viên trong phái đoàn của Chính phủ Pháp do Tổng thống Mitterrand dẫn đầu sang thăm nước ta) cũng đúng lúc cuốn Giai điệu bí ẩn ra mắt bạn đọc. Chúng tôi gặp nhau như những người bạn cũ. Một lần tôi đưa anh vào thăm Văn Miếu, lúc quay ra, anh dừng lại khá lâu, trầm ngâm bên hàng bia tiến sĩ, rồi

bỗng nói anh có một cuốn sách nhỏ, hơi có tính chất tiểu sử với tựa đề Một nhà vật lý thiên văn và hỏi liệu tôi có muốn dịch không. Tôi nói anh cứ gửi cho tôi một bản. Một năm sau, cuốn sách đã ra mắt bạn đọc với tựa đề Trò chuyện với Trịnh Xuân Thuận và sau này tái bản được sửa thành Trò chuyện với nhà vật lý thiên văn Trịnh Xuân Thuận. Cũng tại Văn Miếu hôm đó, anh đã bày tỏ ý muốn trao cho tôi quyền được dịch tất cả các tác phẩm của anh. Rồi sau đó, bản dịch các tác phẩm Hỗn độn và Hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay lần lượt ra đời. Dịch Trịnh Xuân Thuận với tôi có một điều thuận lợi: Mặc dù ở phương Tây đã lâu và viết bằng tiếng Pháp, nhưng lối tư duy và cách diễn đạt vẫn gần gũi với người Việt Nam, lại cộng thêm cách hành văn sáng sủa, khúc chiết vốn có của nhà khoa học và đặc biệt là tài năng văn học bẩm sinh của anh, đã dễ tạo ra sự cộng hưởng trong tôi, khiến tôi làm việc đầy cảm hứng và sáng tạo.

Năm 2002, trong chương trình trao đổi văn hóa Việt - Pháp, tôi được Bộ Văn hóa Pháp mời sang tham quan và tìm hiểu nước Pháp trong thời gian 3 tháng. Tôi có hẹn trước anh Thuận và vào một buổi chiều nắng đẹp tháng 7 - 2002, vợ chồng tôi đã đến thăm anh tại căn hộ xinh xắn trong một phố nhỏ yên tĩnh ở Paris. Đây là căn hộ anh mua cho mẹ và em gái anh bằng tiền nhuận bút của cuốn Giai điệu bí ẩn. Thi thoảng, anh mới bay từ Mỹ sang để thăm 2 người. Trong câu chuyện thân mật, anh tiết lộ với tôi rằng anh đang mượn nhà một người bạn ở nông thôn để bình tâm ngồi viết cuốn sách mới có tựa đề là Nguồn gốc. Lần này anh về Paris gặp tôi và đồng thời cũng để bàn bạc với Nhà Xuất bản (NXB) Fayard về việc lựa chọn và thiết kế kênh hình, một phần theo anh là rất quan trọng, cho cuốn sách mới này.

Hai năm sau, anh yêu cầu NXB Fayard gửi theo đường bưu điện cho tôi cuốn Nguồn gốc, một cuốn sách khổ lớn, trình bày rất đẹp và sang trọng, nặng tới 5 kg - 6 kg, với rất nhiều hình ảnh màu được lựa chọn rất công phu. Khác với những cuốn sách khác, trong cuốn Nguồn gốc, anh Thuận rất chú trọng tới kênh hình, coi nó là một bộ phận quan trọng của cuốn sách, với hy vọng ngoài chức năng thông tin, nó sẽ mang đến cho bạn đọc những phút dừng thư giãn đầy hứng thú. Cầm cuốn sách trong tay, tôi thầm nghĩ có lẽ còn lâu cuốn sách này mới có thể ra mắt bạn đọc Việt Nam, vì nếu in và trình bày theo đúng bản gốc thì giá thành sẽ đẩy lên rất cao, còn nếu bỏ các hình màu đi hoặc in đen trắng thì giá trị của cuốn sách sẽ giảm đi rất nhiều. Nhưng rồi sau đó, biết tôi có quyển sách gốc, NXB Trẻ đã kiên trì thuyết phục tôi chuyển ngữ sang tiếng Việt và hứa sẽ cố gắng giữ nguyên các bức ảnh màu tới mức tối đa cho phép. Và trong tháng 3 vừa qua, chỉ vẻn vẹn có 3 tháng kể từ khi nhận được bản thảo của tôi, cuốn Nguồn gốc đã ra mắt bạn đọc và tôi được biết đó là một trong số những cuốn sách in sang trọng và đẹp nhất tại Hội chợ Sách quốc tế vừa tổ chức tại TPHCM. Thật là một nỗ lực rất đáng khâm phục của NXB Trẻ.

Một tác phẩm hệ thống và hấp dẫn

Có thể nói, Nguồn gốc là một trong số những cuốn sách hiếm hoi trình bày một cách hệ thống và hấp dẫn, nhưng lại không đi quá sâu vào các chi tiết kỹ thuật, về các nguồn gốc: nguồn gốc của vũ trụ, nguồn gốc của các thiên hà, các sao và các hành tinh, nguồn gốc của sự sống và của ý thức, được cập nhật các thành tựu mới nhất của khoa học. Thú vị hơn nữa là thấp thoáng đây đó lấp lánh những suy tư triết học khá sâu sắc của tác giả. Theo cảm nhận của tôi, cái thông điệp tối hậu mà tác giả muốn chia sẻ với bạn đọc, đó là để có sự hiện hữu của chúng ta hôm nay để bàn về các nguồn gốc, vũ trụ đã phải trải qua một chặng đường dài dằng dặc, đầy những bất trắc, bắt đầu từ vụ nổ lớn Big Bang cực nóng, cực đặc và cực nhỏ xảy ra vào khoảng 14 tỉ năm trước và kết thúc ở sự xuất hiện con người có trí tuệ, biết chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vũ trụ, biết đặt câu hỏi và tìm câu trả lời về nguồn gốc của mình và mang lại cho vũ trụ một ý nghĩa. Thực ra, phải nói đó là một sự thần diệu, bởi lẽ để xuất hiện sự sống mà đỉnh cao của nó là con người thì phải hội đủ nhiều điều kiện ngặt nghèo, với xác suất cực kỳ nhỏ bé.

Cảm nghĩ từ một bức ảnh

Ấn tượng mạnh nhất của tôi là trước khi khép lại cuốn sách, tác giả đã dụng ý đặt bức ảnh lớn về một nhà sư ngồi thiền trước một vườn cát mênh mông Daisen-in, xây dựng đầu thế kỷ XVI, trong quần thể các đền Daitoku-ji ở Kyoto, Nhật Bản. Khu vườn dành cho nhà sư thiền định nhìn vào một khoảng trống ngang dọc những chuyển động sâu xa, mà chỉ những gợn sóng trên bề mặt của cát gợi ra. Cát trắng được cào hằng ngày và được vun thành 3 đống, trong đó một đống không bao giờ nhìn thấy được, bất kể vị trí của người ngồi chiêm nghiệm.

Cuộc sống hiện đại với rất nhiều sức ép của nó đã khiến đa số chúng ta mải mê theo đuổi những tham vọng trần tục, chẳng còn thì giờ đâu để suy ngẫm về chính bản thân mình cũng như nguồn gốc của mình. Bức ảnh đó dường như nhắc nhở chúng ta nên nhớ rằng con người là báu vật mà tự nhiên đã biết bao khó nhọc mới tạo được ra nhưng cũng rất nhỏ nhoi trong khoảng mênh mông vô tận của vũ trụ. Hãy dành thời gian để suy ngẫm, để sống nhân ái và bao dung với đồng loại để xứng đáng với ân huệ to lớn mà tự nhiên đã ban tặng chúng ta.

Bắc Ninh, ngày Ngâu, 2006
 
Sự phụ thuộc lẫn nhau và lòng trắc ẩn

(Trích đoạn cuối của tác phẩm Nguồn gốc)

“Hiểu biết khoa học không nói với chúng ta cách làm thế nào để xoa dịu các nỗi đau của chúng ta và nỗi đau của người khác. Nó không thể chỉ dẫn cho chúng ta sống cuộc sống của chúng ta như thế nào. Nó cũng không giúp chúng ta đưa ra các quyết định luân lý và đạo đức. Khoa học không trực tiếp sinh ra sự thông thái. Nhưng tôi nghĩ rằng nó có thể là nguồn gốc của cảm hứng để chúng ta có thể nhìn thế giới khác đi và hành động công bằng hơn. Câu chuyện dài về các khoa học, như đã được kể lại ở đây, nếu có thể được phổ biến đến những người có thiện ý trên toàn thế giới, chắc chắn sẽ góp phần làm họ xích lại gần nhau hơn, sau đó thống nhất với nhau.

“Biết rằng tất cả chúng ta chỉ là những hạt bụi, rằng chúng ta chia sẻ cùng một lịch sử vũ trụ với loài linh dương của các trảng cỏ và các đóa hồng ngát hương, rằng tất cả chúng ta được gắn kết với nhau qua không gian và thời gian, sẽ giúp chúng ta ý thức được sự phụ thuộc vào những người khác. Ý thức này, đến lượt nó, sẽ sinh ra ý thức về lòng trắc ẩn, vì chúng ta sẽ nhận thấy rằng bức tường mà đầu óc chúng ta đã dựng lên giữa “tôi” và “người khác” là ảo ảnh, và rằng hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào hạnh phúc của những người khác. Viễn cảnh vũ trụ và hành tinh mà bức tranh tuyệt đẹp về nó được tái tạo trong cuốn sách này cũng nhấn mạnh đến tính dễ bị tổn thương của hành tinh của chúng ta và sự cô đơn của chúng ta giữa các vì sao. Nó bắt chúng ta phải ý thức được các vấn đề về môi trường đang đe dọa chỗ nương thân của chúng ta, trong mênh mông vũ trụ, vượt lên trên các hàng rào chủng tộc, văn hóa và tôn giáo. Các chất độc công nghiệp, các chất thải phóng xạ, các khí gây hiệu ứng nhà kính không hề biết đến các đường biên giới quốc gia.

Sự truyền bá cái “gốc chung” tuyệt vời này của tri thức sẽ tạo ra một quá trình toàn cầu hóa không phải là hung hãn - toàn cầu hóa của một dân tộc hùng mạnh bóc lột về kinh tế và quân sự các dân tộc khác yếu hơn - mà là một quá trình toàn cầu hóa hòa bình. Toàn cầu hóa kinh tế làm cho toàn thế giới gắn kết với nhau qua một mạng thông tin ngày càng mạnh sẽ kích thích sự toàn cầu hóa tri thức khoa học. Quá trình hòa bình này sẽ phải cho phép các công dân của toàn thế giới chia sẻ một chân trời chung. Nó sẽ vạch ra một đường kết nối và thắt chặt sự đối thoại giữa những người của các nền văn hóa khác nhau nhất. Nó sẽ phát triển trong chúng ta cảm thức về một trách nhiệm toàn nhân loại, và cổ vũ chúng ta kết hợp những nỗ lực để giải quyết các vấn đề về đói nghèo, bệnh tật, và các thảm họa khác đe dọa nhân loại. Nó sẽ dẫn đến một chủ nghĩa nhân văn phổ quát, tạo điều kiện phát triển nền hòa bình trên toàn thế giới”
                                                                       Phạm Văn Thiều
                                                                    (Theo NLD, 30/4/2006)
Other News