Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Triết học nhập môn: dễ đọc và thú vị
Update Date: 09/18/2006

 
 
Ngoài công việc chuyên môn và những lúc có hứng viết nhạc, thời gian này tôi vừa thư giãn vừa tự bổ sung kiến thức cho mình bằng bộ Triết học nhập môn của NXB Trẻ mới xuất bản. Nghe đến sách triết thì nhiều người ngại, nói mình thư giãn bằng sách triết thì cũng sẽ nhiều người bảo mình “tinh vi”, nhưng quả thật bộ Triết học nhập môn này rất dễ đọc.

Không phải cái gì trong đó cũng là mới, có những kiến thức thậm chí mình đã đọc rồi, từ thời sinh viên, nhưng đọc lõm bõm và không có hệ thống, bộ sách nhập môn này - theo tôi - giúp người đọc có một cái nhìn tổng quan về lịch sử triết học, các trường phái và các triết gia. Từ cổ đại như Aristotle, Plato đến biện chứng như Marx, vốn bị “e dè” trong xã hội phương Đông như Freud đến các triết gia hậu hiện đại.
 
Thật ra, với tư cách một người đọc còn trẻ và rất thiếu thời gian, tôi thấy sách triết ở dạng nguyên bản khó mà thuyết phục được bạn đọc trẻ cầm lên và mua ở ngoài hiệu sách. Cuộc sống đã thay đổi, gia tốc nhanh hơn. Tinh thần hậu hiện đại khác xa tinh thần hiện đại, người trẻ không có thời gian suy ngẫm những hệ thống triết học mà trong đó đã có khá nhiều cái lỗi thời.

Vì thế, cách làm sách triết như những tập truyện tranh thế này, theo tôi, sẽ đưa triết học đến với bạn trẻ một cách giản dị và hiệu quả nhất. Trong bộ sách này, ngay cả các sai lầm của các triết gia và các tư tưởng triết học cũng được chỉ ra một cách vắn tắt, hóm hỉnh và đáng yêu.

Trong các tập sách đã ra, tôi thích nhất tập Hậu hiện đại vì cách trình bày mở của nó. Tất cả các biểu hiện của hậu hiện đại đều được trình bày không theo một khung định giá nào, và nó cũng không đóng lại với người đọc như là những giá trị đã hết thời, tất cả đều đang còn được tiếp tục. Điều thú vị hơn, với tôi, một người cũng có sáng tác, đó là những bản dịch tuy bị hạn chế bởi yêu cầu vắn tắt nhưng vẫn rất sáng sủa.

Một chút hài hước, một chút sâu sắc, cộng thêm những chỉ dẫn cụ thể giúp người đọc sau phút “nhập môn” ban đầu có thể thoải mái lựa chọn và đi sâu vào những trường phái hay những triết gia mình thích. Tôi đã đọc được sáu cuốn (*), tất nhiên là tôi sẽ tiếp tục đón đọc bộ sách này.

TH.H. ghi
(Theo Tuổi Trẻ, 15/9/2006)
Other News