Một hồi chuông cảnh tỉnh mọi người. Không chỉ vậy, qua những lời tâm sự về sự cô đơn, thiếu thốn sự chia sẻ của gia đình Nancy, hé mở một vấn đề xã hội và hệ quả tất yếu của nó: tình trạng gia đình đổ vỡ khiến con cái rơi vào tình cảnh thiếu thốn tình thương, mất chỗ dựa tin cậy để tâm tình và được hướng dẫn kịp thời, dẫn đến nhiều chuyện xảy ra đáng tiếc. Như chính hoàn cảnh của Nancy, cha mẹ ly dị và ở cách xa nhau, người mẹ ít quan tâm do chuyện làm ăn và hay để con gái ở nhà một mình. Và chuyện không may đã xảy đến khi em không làm chủ bản thân sớm biết đến chuyện yêu đương.
Tưởng đâu, những khủng hoảng mà Nancy trải qua ở lứa tuổi ấy đã quá sức chịu đựng. Nhưng sau đó, sức khoẻ của Nancy sa sút dần, bác sĩ đã xác định cô bé bị nhiễm HIV. Nancy phải đối mặt với thực tại của sự xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh. Nhưng ngay cả lúc tưởng chừng như tuyệt vọng, Nancy vẫn bộc lộ bản chất tốt đẹp: thể hiện trách nhiệm với cộng đồng bằng việc tìm hiểu và thực hiện những biện pháp phòng vệ và tránh lây nhiễm cho người khác. Dần dần, em đã được bạn bè, thầy cô hiểu và yêu thương, chia sẻ nỗi đau mà em gánh chịu. Trong những tháng ngày đen tối đó, sự an ủi, động viên của mọi người vẫn không thể mang tới cho Nancy sự bình an về tinh thần. Mà chính quyển nhật ký mới là người bạn im lặng nghe cô bé giải bày tất cả những gì thầm kín nhất, những khát khao được sống bên những người mình yêu thương … Chính vì thế mà bạn đọc khắp nơi có thể hiểu và chia sẻ, cảm thông trước những suy nghĩ vô tư, non nớt nhưng cũng đầy bản lĩnh khi chống chọi với căn bệnh thế kỷ.
Trong cuốn nhật ký, tâm lý sợ hãi, bệnh tật ít xuất hiện. Còn lại là những buổi cùng bạn bè nô đùa vô tư, những kỷ niệm về gia đình đã chiếm gần hết thời gian. Chính Nancy cũng mong ước thời gian của cô không còn trống để nghĩ đến bệnh tật. Và, thời gian thật nhất của cô chính là những lúc dành cho ngừơi bạn thân thương nhất – cuốn nhật ký.
Nancy chỉ là một trong số hơn 10 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm HIV. Dù nhân vật Nancy ở xa xôi, có ngôn ngữ, phong tục tập quán, lối sống khác xa với Việt Nam, nhưng sự trong trắng, vô tư của một cô bé mới lớn, chịu nhiều bất hạnh đã làm lay động tâm tư, tình cảm con người. Nancy mất khi vừa mới bước qua tuổi 16. Trên nấm mồ của cô khắc dòng chữ “Sẽ không bao giờ có một Nancy khác”. Đó là lời tiếc thương dành cho cô bé chưa kịp sống đến tuổi trưởng thành, nhưng cũng chính là thông điệp nhắc nhở nhân loại cần chung tay góp sức để ngăn chặn thảm họa AIDS, sao cho thế giới không còn có những cái chết tức tưởi như Nancy.
VĨNH TRÀ
(Theo Báo Hậu Giang)