Là một đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn, tôi không có cơ hội tiếp xúc nhiều với sách. Lúc nhỏ tôi cũng chả mấy để ý đến người viết sách là ai. Đối với tôi, sách chỉ đơn thuần là những dòng chữ đẹp đẽ được in ra ngay ngắn trên nhiều trang giấy, thế thôi.
Tôi bắt đầu biết đến cái tên Nguyễn Nhật Ánh vào hè năm
2004, khi ti vi chiếu bộ phim Kính vạn
hoa. Tôi thích thú theo dõi những cuộc phiêu lưu thú vị của Hạnh, Tiểu
Long, Quý ròm. Ngày nào tôi cũng hăm hở chờ đến giờ phát sóng. Có lẽ vào thời
điểm đó, bọn trẻ con chúng tôi đang rất đói những món ăn tinh thần như Kính vạn hoa. Những bộ phim thiếu nhi mà
chúng tôi được xem toàn là Vùng đất của
Thủ lĩnh Rồng, Hiệp sĩ vượt thời gian, Alex Mack… Phim nước ngoài thì nhiều
nhưng phim nước mình thì hiếm, vì vậy Kính
vạn hoa như thỏa mãn cơn thèm khát của tôi từ lâu, không dại gì mà tôi
không ngấu nghiến nó cho đến lúc no căng thì thôi. Nhưng khổ nỗi lần nào xem
xong tôi cũng vẫn còn thòm thèm. Được xem một bộ phim thiếu nhi thuần Việt thật
không còn gì bằng, tuy không được hoành tráng và kịch tính như phim nước ngoài,
nhưng tôi lại thích sự gần gũi và thân thuộc nơi Kính vạn hoa. Mặc dù vậy, lúc này tôi cũng chỉ mới biết Nguyễn Nhật
Ánh là nhà văn đã tạo ra ba nhân vật yêu thích của tôi chứ chưa thật sự là một
fan trung thành của chú.
Tôi bắt đầu đam mê và tìm hiểu những tác phẩm của chú vào
năm tôi học lớp 11. Khi tôi tình cờ nhìn thấy nhỏ bạn ngồi kế bên với một cuốn
truyện trong tay. “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, cái tên nghe khá lạ và gợi
trí tò mò. Tôi hỏi nó hay không, nó gật đầu, thế là tôi liền mượn nó mang về
nhà đọc. Lật giở từng trang truyện tôi không khỏi bất ngờ và thích thú. Cả tuổi
thơ của tôi như nằm hết trong quyển sách bé xíu này, thật kỳ diệu. “Không lẽ
tác giả viết cuốn truyện này dành riêng cho mình?”, không ít lần tôi đã tự hỏi
như thế. Cuốn truyện đã tái hiện lại một cách hết sức chân thật tuổi thơ hồn
nhiên và trong sáng nhưng cũng đầy ngu ngơ của tôi, mỗi một mẩu chuyện nhỏ
trong đó tôi đã trải qua gần hết, không có trò quậy phá nào mà tôi chưa từng
tham gia vào. Kể từ lúc đó, tôi bắt đầu để ý và tìm đọc những tác phẩm khác và
chúng có cùng một đặc điểm chung: đều chứa đựng cái tên Nguyễn Nhật Ánh trên
bìa sách.
Tìm hiểu về sách của chú, tôi lại có cơ hội tiếp cận với những
câu chuyện khác cũng không kém phần thú vị. Từ bộ ba Hạnh, Quý ròm, Tiểu Long,
tôi biết thêm một bộ ba khác cũng nghịch ngợm không kém là Xuyến, Thục, Cúc
Hương trong Nữ sinh, Buổi chiều Windows và
Bồ câu không đưa thư. Là những nữ
sinh cấp ba, Xuyến, Thục, Cúc Hương không có những trò quậy phá ranh mãnh và những
cuộc phiêu lưu mạo hiểm như Hạnh, Quý ròm, Tiểu Long. Tuy nhiên, ba cô nương
này lại có những màn trêu chọc nhau dở khóc dở cười cũng như những rung động đầu
đời hết sức dễ thương và ngây ngô thời áo trắng. Rồi dần dần tôi biết thêm Thằng quỷ nhỏ, Những chàng trai xấu tính, Những
cô em gái, Chú bé rắc rối… Mỗi tác phẩm của chú đều là những câu chuyện đơn
giản xoay quanh trường lớp, bạn bè, nhưng tôi đọc hoài mà không biết chán. Tôi
thích thú với những nhân vật ngộ nghĩnh và đáng yêu trong Ngôi trường mọi khi:
Em về
trưa vắng
Ngôi
trường mọi khi
Nghe
trong bóng nắng
Mùa
xuân thầm thì:
Này
cô tóc ngắn
Ai là
bảnh trai
Để
cho kiếng cận
Tự
nhiên thở dài
Này
cô tóc bím
Mười
sáu ngọt ngào
Con
trai mặt mụn
Con
gái thì sao
…
Chỉ cần nhìn vào tên gọi là ta đã có thể hình dung ra nhân vật
đó như thế nào. Có thể nói chính những cái tên ngộ nghĩnh đó đã góp phần làm
nên nét riêng vô cùng đáng yêu của tác phẩm.
Tuy nhiên, lúc nào tôi cũng thấy man mác buồn sau khi đọc
xong một tác phẩm của chú. Mắt biếc, Còn chút gì để nhớ, những câu
chuyện tình đẹp nhưng dang dở khiến cho người đọc cảm thấy nuối tiếc và day dứt
trong lòng. Tôi thương Ngạn, anh đã dành cả cuộc đời của mình để yêu Hà Lan, một
tình yêu âm thầm và lặng lẽ, mà không một lần mong được đáp lại. Tôi cũng không
khỏi bồi hồi và xót xa cho Chương, tưởng rằng Chương và Quỳnh đã có thể có một
kết thúc tốt đẹp nhưng cuối cùng rồi thì chuyện tình đó cũng tan vỡ. Truyện
Nguyễn Nhật Ánh hay nhưng luôn có một kết thúc buồn, luôn để lại một chút lặng
cho tôi sau mỗi lần đọc. Ấy thế mà tôi vẫn mê truyện của chú.
Thiên thần nhỏ của tôi là tác phẩm gần đây nhất mà tôi đọc được. Lúc nhỏ tôi cũng
đã từng rất yêu quý khu vườn của mình. Tôi trồng tất cả những gì có thể trồng
và nuôi tất cả những gì có thể nuôi. Đa phần chúng nó đều mọc lên èo uột hoặc
là chết yểu, tuy vậy ngày nào tôi cũng ra vườn say mê và thích thú ngắm thành
quả của mình.Vì thế tôi yêu khu vườn của Kha và Hồng Hoa, và không khỏi đau
lòng khi biết họ không giữ được nó, khu vườn tuổi thơ, nơi là cả một thế giới
riêng của đôi bạn nhỏ. Là một sinh viên sống xa nhà, tôi cũng muốn sở hữu cho
mình một khu vườn như vậy ở chỗ trọ, một nơi có thể giúp tôi tìm cảm giác yên
bình và thư thả. Thế là tôi cũng trồng cây, cũng nuôi cá trong cái khuôn viên
chật hẹp mà tôi đang ở, nhưng cái làm tôi vui nhất là được sống như những nhân
vật trong truyện của chú Ánh.
Đề tài viết cho lứa tuổi học sinh, sinh viên không phải là mới,
nhưng số tác giả có được thành công như Nguyễn Nhật Ánh thì phải nói là khá hiếm
hoi. Như tác giả đã từng chia sẻ trong tạp văn Sương khói quê nhà: “Tôi là nhà văn. Nên tôi thỏa nỗi nhớ quê mình
theo cách hành nghề bằng con chữ. Những kỷ niệm, những vùng đất, những gương mặt
bạn bè ấu thơ thi nhau hiện lên trong hết cuốn sách này đến cuốn sách khác.” Có
lẽ đó là lý do khiến những câu chuyện của chú chân thật và thân thương đến vậy.
Chú đã đặt hết cả tấm lòng, hết cả tuổi thơ của mình vào từng câu chữ để thỏa nỗi
nhớ quê của một người con xa xứ. Chính những tình cảm chân thành đó đã giúp các
tác phẩm của chú dễ đi vào lòng người đọc, những ai cũng mang trong mình nỗi nhớ
xa quê như chú.
Tuổi thơ thì không một ai là không có, nhưng mấy ai có thể
dùng tuổi thơ của mình để nuôi dưỡng và đánh thức tuổi thơ của người khác được
như chú. Tôi cũng từng có một thời trẻ con hồn nhiên rất đẹp, nhưng sau khi vùi
đầu vào đống sách vở và những thú vui giải trí hiện đại, bị nhịp sống hối hả cuốn
đi, có lúc tôi tưởng mình đã quên hết những điều đó, quên đi mình đã từng có những
ngày ấu thơ hồn nhiên vui chơi bên bạn bè như thế nào. Tôi quên bọn trẻ trong
xóm, quên cái nhà chòi mà bọn tôi cất cùng nhau, quên những buổi đi tắm sông, bắt
cá, quên hết mọi thứ cho đến khi bắt gặp lại những hình ảnh đó trong các tác phẩm
của chú, những kỷ niệm đó lại được trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người ta
thường nói những tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh là dành cho trẻ con, cho lứa tuổi
ô mai, nhưng tôi thì lại nghĩ khác. Bất kỳ ai cũng có thể đọc truyện Nguyễn Nhật
Ánh, những ai đang sống trong tuổi thơ tươi đẹp lại càng thêm yêu quý, trân trọng
những khoảnh khắc ngọt ngào đó; và những ai đã từng bước qua thời áo trắng được
một lần hồi tưởng, đắm chìm trong những mơ mộng của dĩ vãng, giống như tôi đây.
Tôi thật sự biết ơn chú, biết ơn rất nhiều, Người đánh thức tuổi thơ trong tôi!
HUỲNH THẢO LI (TPHCM)