Chúng ta đang sống trong xã hội thông tin. Đã có truyền tin thì thường có yêu cầu bí mật, và khi đó mật mã trở thành vấn đề trung tâm. Có bí mật quốc gia, có bí mật quân sự, có bí mật công nghệ, có bí mật kinh tế, và rất nhiều bí mật cá nhân nữa.
Có thể nói toàn bộ lịch sử tiến hoá của loài người đều liên quan đến mật mã, đến cuộc đấu tranh liên miên giữa người viết ra mật mã và phá khoá mật mã. Cuốn sách “Mật mã- Từ cổ điển đến lượng tử” vừa đề cập đến bề dầy lịch sử của chủ đề này, vừa khai thác những khía cạnh bí hiểm, hấp dẫn của nó.
Trong cách viết, tác giả đã phối hợp tài tình kịch tính của nhiều câu chuyện ly kỳ trong số phận con người, trong các cuộc chiến tranh ... với đặc trưng khoa học cũng như sự tinh tế về mặt kỹ thuật phát triển qua nhiều thời đại. Bạn đọc sẽ thỏa mãn về những lời giải thích toán học và kỹ thuật rõ ràng, đồng thời sẽ bị cuốn theo rất nhiều bí mật được tiết lộ.
Hiện nay, Internet được sự dụng hết sức phổ biến. Tuy nhiên, hình như chúng ta chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề bảo mật trên mạng. Do đó, cuốn sách cũng là một lời cảnh tỉnh chung và có tính thời sự rõ ràng. Chuyện mật mã rất bí hiểm, cao xa, nhưng nhiều khi lại rất cụ thể, đơn giản.
“Singh đã quay chúng ta như chong chóng bằng những câu chuyện đầy âm mưu liên quan đến mật mã trong từng chương sách”
The Wall Street Journal
“Đọc cuốn sách này là cả một niềm vui sướng lớn lao”
|
Simon Singh
Sinh năm 1964 tại Anh. Gia đình ông di cư từ Bang Punjab, ấn Độ đến Anh năm 1950. Ông học vật lý tại trường Imperial College London, trước khi hoàn tất luận án Ph.D về vật lý hạt tại Đại học Cambridge và Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN). Năm 1990 ông công tác tại Ban Khoa học, Đài BBC với tư cách là nhà sản xuất và đạo diễn cho nhiều chương trình như Tomorow’s World và Horizon.
Năm 1996, ông là đạo diễn bộ phim tài liệu nổi tiếng Định lý cuối cùng của Fermat giành được nhiều giải thưởng, đặc biệt là đoạt giải BAFTA (giải thưởng của Viện hàn lâm nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Anh quốc). Dựa trên những tư liệu thu thập được trong quá trình làm phim ông đã viết tác phẩm đầu tay cùng tên đã từng là cuốn sách best-seller số 1 của nước Anh. Tác phẩm này cũng đã được dịch ra tiếng Việt do NXB Trẻ ấn hành và đã được tái bản nhiều lần.
Năm 2006 Simon Singh đã được trường Đại học West of England tặng bằng tiến sĩ danh dự vì những đóng góp xuất sắc về phổ biến khoa học, đặc biệt là về quảng bá cho khoa học, kỹ thuật và toán học trong các trường phổ thông. Năm 2008 Singh đã được Viện Vật lý Anh quốc trao huy chương Kelvin vì những thành tựu của ông trong việc phổ biến kiến thức vật lý cho đại chúng. |