Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Sách và câu chuyện mua bán sách
Update Date: 03/22/2010

Khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bước chân lên một chiếc taxi nhãn hiệu tư nhân nào đó mà tôi không nhớ tên trờ tới bến đợi, tôi nói với người lái xe rằng, muốn tìm một cái khách sạn mini gần khu vực công viên Lê Văn Tám.

Chừng như nhìn bộ dạng áo khoác áo len và khăn quàng giữa tiết trời nắng nóng tới 30 độ C của Sài Gòn, anh lái xe cũng biết tôi là khách từ phương Bắc tới. Sau vài câu kiểu chào đón người phương xa, bỗng nhiên anh hỏi tôi có phải từ Hà Nội vào hội sách tìm mua sách không. Anh nói bởi vì ở công viên Lê Văn Tám đang có cái hội sách to lắm, và mấy hôm nay ngoài thời gian lái xe chạy vòng vòng đón khách, anh cũng vào đó coi sách và mua được khá nhiều cuốn.

Có thể tôi là người lạ ở thành phố này, nên đối với tôi, câu chuyện đó vô cùng lạ lẫm.

Khi ở Hà Nội, tôi luôn nghĩ rằng đối với những mặt hàng tiêu dùng, sách là thứ vô cùng xa xỉ và không hề thiết yếu. Nó hoàn toàn không cần thiết trong đời sống thường nhật của đại bộ phận công chúng. Đặc biệt, khi mà rậm rịch nguy cơ lạm phát, giá cả các mặt hàng tăng chóng mặt, thì chi phí cho sách nếu có đối với một gia đình hay cá nhân nào đó (nghĩa là những người có thói quen mua sách) sẽ bị cắt giảm không đắn đo.

Tôi hay kết luận thế, dẫu còn chút e dè, bởi vì trong số những người sống quanh tôi – có người đi ôtô, xài hàng hiệu, có người là công chức, doanh nhân, có địa vị... – nhưng quả thật, họ không có thời gian và tiền bạc dành cho sách.

Nhưng có lẽ tôi phải nghĩ lại khi lần đầu tiên tới hội Sách TP.HCM.

Trong suốt tuần lễ diễn ra hội sách, cả ba phía cổng công viên phía đường Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ và Hai Bà Trưng, vỉa hè chạy bao bọc công viên và khuôn viên phía trong bạt ngàn xe máy. Bất kể thời điểm nào trong ngày, luôn luôn một lượng đông đảo người tới đây để xem sách. Những ngày cuối tuần thì chen chúc. Tôi thấy trong đó đủ các lứa tuổi, và bộ dạng bên ngoài cho thấy phần nào rằng họ thuộc đủ các tầng lớp trong xã hội. Và sự mua sách đối với họ hoàn toàn không có vẻ gì là sự phô diễn hình thức (tôi từng thấy nhiều bạn tôi thỉnh thoảng ghé qua hiệu sách, mua một cuốn về để lên giá làm cảnh) khi sách họ chọn xếp thành từng chồng, số tiền trong mỗi hoá đơn có khi lên tới cả triệu đồng.

Kinh doanh sách, không phải chỉ ở Việt Nam, mà kể cả ở những nước phát triển, xã hội văn minh và nhu cầu đọc sách trở thành phổ biến, vẫn luôn là một ngành kinh doanh nghiệt ngã. Theo số liệu trong một cuộc toạ đàm về xuất bản hồi cuối năm trước tại Hà Nội, GS.GS Brigitte Ouvry – Vial (đại học Maine – Pháp) cho biết, mỗi năm riêng nước Pháp phải tiêu huỷ hàng tấn sách tồn kho.

Nhiều người cho rằng, sở dĩ hội sách hút khách tới xem và mua sách, và con số doanh thu khổng lồ (đối với việc bán sách hàng ngày) là do việc các nhà sách đua nhau giảm giá đồng loạt. Tuy nhiên, cũng như việc trưng bán phần nhiều những tựa sách tồn kho, việc giảm giá sách không hề thể hiện rằng sách giảm giá trị. Nhiều khách hàng cho biết, họ đến hội sách là để tìm mua những cuốn sách hay, sách quý mà họ cần, chỉ mới ấn hành dăm năm, thậm chí vài ba năm trước, nhưng bởi sự xuất bản ồ ạt hiện nay, chúng không còn chỗ nào để bày trên kệ ở các cửa hàng sách.

Và, thế nên những người như anh lái taxi sẽ chờ đến hội sách để tìm đọc và mua sách. Đối với một người từ phương Bắc tới, đó là một câu chuyện nhỏ lạ lẫm và cảm động.

Minh Nhật
(Nguồn: SGTT)
Other News