Hơn 20 năm, sau khi đã trả xong nghiệp văn với đời rồi buông câu bất hủ “đi chỗ khác chơi”, ông về ở ẩn nơi quê nhà Bến Tre nhưng với độc giả thì ông vẫn luôn ở lại trong lòng họ.
Sáng 12-11, tại Nhà xuất bản Trẻ TP.HCM đã diễn ra buổi tọa đàm “Nhà văn Trang Thế Hy - người hiền của văn học Nam Bộ”.
Một trường hợp văn chương hiếm thấy
nhà phê bình văn học - GS Huỳnh Như Phương đã nhấn mạnh: “Trang Thế Hy là một hiện tượng rất hiếm hoi trong văn học Việt Nam. Khó có nhà văn nào viết rất ít tác phẩm, đã từ lâu không có tác phẩm mới mà khi tổ chức tọa đàm vẫn thu hút được đông đảo giới văn chương lẫn độc giả nhiều thế hệ đến tham dự như thế. Tôi thấy thế giới có nhà văn Marquez (tác giả Trăm năm cô đơn - NV) được đông đảo người đọc từ giới sinh viên, tổng thống Mỹ đến Fidel Castros… đều yêu mến. Còn ở Việt Nam, nhà văn Trang Thế Hy là một trường hợp tương tự, độc giả nhiều thế hệ trước và sau năm 1975, trong nước hay ở hải ngoại dù có khác nhau chính kiến, quan điểm xã hội thế nào cũng đều thích Trang Thế Hy”.
GS Huỳnh Như Phương cho biết năm nào nhà văn Trang Thế Hy cũng có sinh viên chọn để làm luận văn tốt nghiệp về văn chương. Nhà thơ Phan Hoàng nhận định có những tác phẩm Trang Thế Hy viết đã rất lâu nhưng người đọc hôm nay vẫn tìm thấy những điều rất mới. Ông là một nhà văn hiếm hoi được độc giả tìm đọc lại nhiều lần.
Trước nay, đã có rất nhiều nhận định, đánh giá phổ biến trong văn giới lẫn độc giả cho rằng Trang Thế Hy là một nhà văn tiêu biểu cho giọng văn chương Nam Bộ bên cạnh Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc… Riêng nhà văn Ngô Thị Kim Cúc đưa ra nhận định khác biệt nhưng lại nhận được nhiều sự đồng tình: “Văn chương của Trang Thế Hy không thuần chất Nam Bộ mà là lối văn chương viết kỹ càng câu chữ, là một giọng văn của một trí thức - nghệ sĩ, mang tính đại diện chung cho văn chương Việt Nam. Truyện của ông không làm người đọc quằn quại, đau đớn mà thúc vào tình cảm của họ câu hỏi “mình đã sống như thế nào?””…
Đời văn như đời người
Nhà văn Lê Quang Trang - Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM kể rằng Trang Thế Hy từng rất khiêm tốn tự trào về mình: “Tôi tự đánh giá mình có được tạo hóa nhểu cho vài giọt năng khiếu bẩm sinh về văn chương nhưng bản thân kém ý chí và thiếu đam mê nghề nghiệp nên không có thành đạt đáng kể”. Vậy nhưng thật khó kể hết những lời ngưỡng mộ nhà văn Trang Thế Hy tại buổi tọa đàm về ông. Sự ngưỡng mộ ấy không chỉ đến từ văn chương của ông mà còn vì thái độ sống đầy nhân cách, tự trọng như các nhân vật của mình.
Nhà văn - đạo diễn Lê Văn Duy cho biết: “Năm 1977, truyện Nợ nước mắt của Trang Thế Hy đã miêu tả thái độ bội bạc của một cán bộ có cỡ với một phụ nữ đã từng cưu mang anh ta trong chiến tranh… Nhiều năm sau đó xảy ra cuộc tranh luận sôi nổi về văn học minh họa, về cái phải đạo, cái nói được và cái nói chưa được thì anh Trang Thế Hy lại im tiếng không tham gia bàn cãi. Anh chỉ nói những điều cần nói trong trang sách. Rồi khi tôi hỏi tại sao anh chưa có những sáng tác cập nhật, kịp thời, anh Trang Thế Hy mỉm cười nói: “Cái gì mình chưa kịp yêu mến nó thì không nên giả bộ yêu mến nó””.
Trong cuộc tọa đàm, câu nói nổi tiếng “đi chỗ khác chơi” của Trang Thế Hy với tinh thần y hệt tuyên ngôn của một nhân vật trong truyện ngắn của ông đã được nhiều nhà văn tên tuổi nhắc tới một cách kính trọng: “Khi nào biết mình viết hết được rồi thì phải đi chỗ khác chơi, đừng bẹo hình bẹo dạng ở chỗ trường văn trận bút và tuyệt đối đừng để những người hâm mộ mình đọc những câu lếu láo, nhớ chưa?”. Ông đã vận dụng đúng tinh thần của câu nói này vào cuộc sống của mình. Năm 1992, khi vừa nghỉ hưu tại Hội Nhà văn TP.HCM, ông tuyên bố “đi chỗ khác chơi” rồi về ở ẩn ở quê nhà Bến Tre cho tới nay, tuyệt không bon chen chốn văn trường. Nhưng dù ông có “đi chỗ khác chơi” thì trong lòng độc giả lẫn làng văn Việt Nam ông vẫn luôn ở lại với tài hoa văn chương và nhân cách.
Văn của Trang Thế Hy là hành trang cả cuộc đời của tôi
Tại buổi tọa đàm, độc giả Đường Thị Ái Hoa (60 tuổi) cho biết bà đã đọc truyện của Trang Thế Hy từ năm 1968, trên tạp chíNhân Loại. Lúc đó bà còn ở tuổi mẫu giáo, được cha là giáo viên dạy cho biết chữ sớm. Từ đó đến nay bà luôn đọc và tìm đọc các tác phẩm của nhà văn này với một tình cảm yêu mến đặc biệt. Bà bảo có những câu văn của nhà văn đã đi vào tâm trí của bà từ nhỏ, nâng đỡ tinh thần bà vượt qua bao sóng gió cuộc đời vào những lúc khó khăn, vất vả nhất như câu: “Cái gì cũng có thể bán được, trừ niềm tin tưởng trong lòng mình”… Khi đọc báo thấy có buổi tọa đàm, bà đã tự tìm đến.
Trang Thế Hy tên thật là Võ Trọng Cảnh, sinh năm 1924, tại Bến Tre, là một trong những nhà văn đương đại hàng đầu của văn chương Nam Bộ từ thập niên 1950 đến nay. Thế nhưng có khá ít tác phẩm, khoảng 65 truyện ngắn, hai tiểu thuyết, một tập thơ và một số tác phẩm đăng trên các báo trước 1975 chưa tìm lại được. Dù vậy, gần như tác phẩm nào của ông cũng được nhớ nhiều như: Nắng đẹp miền quê ngoại, Mưa ấm, Người yêu và mùa thu, Vết thương thứ mười ba, Tiếng khóc và tiếng hát, Nợ nước mắt, Đắng và ngọt… Ông còn dịch thơ Tagore và nhiều tác phẩm văn học nước ngoài.
Theo Hòa Bình - Báo Pháp Luật