Đường đến thành công: Đừng bao giờ nghĩ đến sự mệt mỏi.
Update Date:
09/03/2008
Trên một chuyến bay, tôi tình cờ nghe hai người thanh niên nói chuyện với nhau về một đề tài ngu ngốc nhất trên đời. Câu chuyện của họ kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ xoay quanh chuyện ngày mai, rồi tuần sau, họ sẽ mệt mỏi thế nào.
Họ hai người, người này cố thuyết phục người kia sắp tới mình sẽ phải làm việc vất vả bao nhiêu giờ một ngày, sẽ thiếu ngủ và mệt mỏi đến kiệt sức ra sao. Tôi không xác định đựơc họ thật sự đang phàn nàn hay “khoe”. Nhưng có một điều: cả hai đều có vẻ càng ngày càng mệt mỏi hơn. Giọng nói của họ trở nên nặng nề như thể kể từ lúc đó, họ đã bắt đầu phải hứng chịu sự vất vả và thiếu ngủ. Bản thân tôi, dù chỉ nghe họ nói cũng bắt đầu thấy mệt.
Vấn đề là khi bạn tưởng tượng về sự mệt mỏi, bạn sẽ càng làm nó phát triển hơn. Tâm trí bạn bị cuốn vào những giờ thiếu ngủ, vào cảm giác kiệt quệ, để rồi buổi sáng khi vừa thức dậy, bạn sẽ lập tức tự nhắc nhở rằng mình đã ngủ chỉ mấy tiếng đồng hồ. Điều này là một thông điệp ngầm gửi đến bộ nhớ của bạn, nhắc bạn phải cảm thấy mệt, phải hành động một cách mệt mỏi như thể đã được lập trình từ trước.
Dĩ nhiên tôi không phủ nhận mọi người đều cần được nghỉ ngơi đầy đủ. Tôi đọc một số bài báo viết đa phần chúng ta đều thiếu ngủ. Giải pháp tốt nhất cho bạn dĩ nhiên là được ngủ cho đầy đủ. Thế nhưng, trong trường hợp không thể thực hiện điều ấy, nếu bạn tiếp tục nghĩ tới nó, thậm chí tưởng tượng trước trong đầu mình sẽ mệt mỏi vì nó thì quả là điều không đáng làm nhất. Theo tôi, hãy trân trọng từng giờ phút mình đã đựơc ngủ dù ngắn ngủi thế nào đi nữa.
Tôi là người thường xuyên phải đi công tác xa. Có những khi, tôi chỉ ngủ 3 đến 4 tiếng, thậm chí ít hơn. Tôi nhận thấy nếu mình có thể quên, tạm thời không để ý đến nó, thì vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi đó trở nên hiệu quả hơn nhiều. Ngoài ra, bất cứ khi nào có thể, tôi tranh thủ chợp mắt trong giây lát. Đặc biệt tôi không nói với ai về sự thiếu ngủ của mình. Bởi nói đến nó chỉ làm tôi thấy mệt mỏi hơn mà thôi.
Tôi nhận thấy, kiểu tưởng tượng này đã trở thành thói quen của khá nhiều người. Nếu bạn cũng mắc vào xu hướng này hay cố điều chỉnh, bạn sẽ càng ít phản bận tâm vì những chuyện nhỏ trong công việc.
(Trích trong quyển "Chỉ là chuyện nhỏ"
- Tác giả Richard Carlson)