Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Đại tướng họ Võ tên Văn
Update Date: 08/19/2011

Chỉ còn vài ngày nữa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ tròn 100 tuổi (ông sinh ngày 25-8-1911). Nhà xuất bản Trẻ không bỏ qua cơ hội đặc biệt này để kịp cho ra mắt cuốn sách Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm.

Cuốn sách rất đáng đọc để nhớ lại những cột mốc lịch sử hào hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập của đất nước.

Đã có rất nhiều sách viết về đại tướng. Rất nhiều nhân vật lừng danh trên thế giới nói lên lòng ngưỡng mộ và ước vọng được diện kiến vị danh tướng huyền thoại của Việt Nam. Mới đây, một nhà xuất bản nổi tiếng ở Anh đã đưa ra góc nhìn lịch sử chiến tranh thu gọn mà lại rất hấp dẫn, qua 58 vị thống soái từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên đến nay (Great military leaders and their campaigns, NXB Thames & Hudson).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duy nhất còn sống trong danh sách này. Xếp trước ông là nguyên soái Liên Xô G. Zhukov qua đời năm 1974. Cách đây ít lâu, người Nga đã dựng bức tượng đồng vị nguyên soái này trên con tuấn mã oai phong trước bảo tàng lịch sử, ngay cạnh quảng trường đỏ.

Là kết quả nghiên cứu của rất nhiều chuyên gia uy tín khắp năm châu, sự có mặt của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngôi đền thiêng dành cho 58 nhà cầm quân huyền thoại trên thế giới khẳng định vị trí đặc biệt của dân tộc ta trong lịch sử nhân loại.

Khác với Tần Thủy Hoàng, Thành Cát Tư Hãn, Caesar, Napoleon, Pierre đại đế..., họ đều xuất thân từ những đế chế lớn, từng dùng binh đao để chinh phục thiên hạ rồi ngồi chễm chệ trên ngai thiên triều; Võ Nguyên Giáp sinh ra từ một nước thuộc địa vốn luôn bị ngoại bang xâm chiếm và tìm cách thôn tính. Nhưng dân tộc ấy vẫn trường tồn cùng với nền văn hóa đặc sắc của mình nhờ tinh thần yêu nước quật cường truyền hết đời này qua đời khác, từ đó hun đúc nên một Võ Nguyên Giáp làm “chuyển dịch dòng chảy lịch sử của nhân loại trong thế kỷ 20”.

Võ Nguyên Giáp thành công nhờ có phong trào cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo, và đặc biệt là mối quan hệ từ rất sớm với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sách vở viết như vậy, chính đại tướng cũng nói vậy. Nhưng ít thấy ở đâu lý giải rõ ràng tại sao từ một Việt Nam nhược tiểu lạc hậu, từ mái trường thuộc địa lại có thể xuất hiện con người cá nhân Võ Nguyên Giáp đủ tri thức, dũng khí và nhân cách để được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao cầm quân đánh ba đế quốc lớn Nhật, Pháp và Mỹ, và đã đánh thắng.

Ông lại không kinh qua một trường võ bị danh tiếng nào như các tướng lĩnh từng đối mặt với mình. Nhờ có niềm tin mãnh liệt vào dân, ông chính là tác giả của học thuyết chiến tranh nhân dân, trong đó “chiến lược gia tài ba đã kết hợp tài tình chiến tranh du kích với đội quân chính quy để đánh thắng ba cường quốc lớn”.

Vươn lên được tầm cao huyền thoại của thế giới là nhờ đại tướng thấm đẫm chất văn khi dụng võ. Mái trường nào, quyển sách kinh điển nào, thầy giáo nào... đã in lại dấu ấn văn hóa ấy trong ông, để mới 35 tuổi ông đã cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh lèo lái con thuyền chông chênh của cách mạng, 43 tuổi dám đặt cược số phận cuộc kháng chiến trường kỳ khi kéo pháo ra khỏi cánh đồng Mường Thanh để đánh chắc thắng chắc.

Ở độ tuổi 80, ta vẫn thấy ông thuyết trình thoải mái, hóm hỉnh hàng giờ bằng tiếng Pháp tại sa bàn Điện Biên Phủ trước ống kính truyền hình nước ngoài. Hóa ra ông đã tiếp thu văn hóa Pháp để chiến thắng quân đội Pháp.

Không chỉ có Võ Nguyên Giáp (nhiều người vẫn thân mật gọi là anh Văn), mà cả một thế hệ thanh niên trí thức vàng đi theo lãnh tụ Hồ Chí Minh, tuy không ai có bằng giáo sư, tiến sĩ nhưng nhờ thấm đẫm chất văn hóa đã làm cho người Việt chúng ta ngẩng đầu lên sau những đêm dài nô lệ.

Đến lượt mình, chính sức hút mãnh liệt từ bề dày văn hóa đã khiến đại tướng vượt lên trên mọi thăng trầm của thời cuộc và trở thành nơi gửi gắm niềm tin, chẳng những từ những người đã theo ông trong cuộc trường kỳ kháng chiến, mà của mọi tầng lớp xã hội hiện nay.

Triết lý dựa trên chữ nhân


Võ Nguyên Giáp - hào khí trăm năm tái hiện, khái quát cuộc đời đại tướng từ thơ ấu đến ngưỡng tuổi 100. “Triết lý dựa trên chữ nhân (chứ không phải chữ nhẫn) là cơ sở cho ứng xử suốt đời của đại tướng”, đó là lời nhận định của tác giả Trần Thái Bình.

Là hội viên Hội Khoa học lịch sử VN, ông cũng là tác giả của Tìm hiểu lịch sử Việt Nam, Điện Biên Phủ - nhớ lại để suy gẫm, Hồ Chí Minh - sự hình thành một nhân cách lớn, Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh thế kỷ, Dấu tích những người nước ngoài trong lịch sử Việt Nam.

Điểm nổi bật nhất của cuốn sách này chính là cách thể hiện thông tin mang tính chất đối sánh, liên tưởng. Bên cạnh nhân vật trung tâm Võ Nguyên Giáp, người đọc có thể thấy sự đồng hiện của các nhân vật khác (qua hình ảnh và các phần tư liệu bổ sung) như người bạn thủ khoa Nguyễn Thúc Hào, thần tượng đầu đời Phan Bội Châu, một trong những người đồng chí đầu tiên Phùng Chí Kiên, Hoàng Sâm - đội trưởng Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Trần Đại Nghĩa - cha đẻ ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam, Vương Thừa Vũ - người chỉ huy chiến dịch 60 ngày đêm bảo vệ Hà Nội 1946...

Sách có nhiều hình ảnh, thể hiện tập trung ở phần đầu như một biên niên cuộc đời đại tướng bằng hình ảnh. Đặc biệt, ảnh bìa là của Catherine Karnow (con gái nhà báo, sử gia Stanley Karnow, tác giả cuốn Vietnam: a history). Tấm ảnh được in như một tặng phẩm kèm theo trong mỗi cuốn sách gửi tới bạn đọc.

T.N.T


GS PHẠM DUY HIỂN

(Nguồn: Tuổi Trẻ)

Other News