Đã từ lâu, người ta quen với những cuộc tranh cãi bất tận về toàn cầu hóa, những cuộc biểu tình chống toàn cầu hóa cũng xảy ra "như cơm bữa" và trở thành nỗi lo lắng thường trực mỗi khi nhóm G7, WTO...vv... tổ chức hội họp.
Đơn giản bởi toàn cầu hóa mang trong nó quá nhiều những mặt tốt xấu. Người ta vừa đón nhận nó như một quá trình tất yếu đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện, cùng lúc đó không ít nơi lại phản ứng, chống đối nó như một thứ "ác quỷ xấu xa".
Toàn cầu hóa và những mặt trái của nhà kinh tế học Joseph Stiglitz cũng góp một cái nhìn rất nghiêm khắc về quá trình này, đúng như những gì ông bộc bạch ở phần Lời nói đầu:
Tôi viết cuốn sách này từ khi tôi còn đang làm việc ở Ngân hàng Thế giới và đã trực tiếp chứng kiến những tác động tàn phá của toàn cầu hóa lên các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước nghèo trong số này.
Tôi tin rằng toàn cầu hóa - sự dỡ bỏ các hàng rào dẫn đến tự do thương mại và sự hội nhập mạnh mẽ hơn của các nền kinh tế quốc gia -có thể là một sức mạnh thúc đẩy có khả năng nâng cao mức sống của mọi người trên thế giới, đặc biệt là người nghèo.
Nhưng tôi cũng tin rằng, để được như thế, cách thức tiến hành toàn cầu hóa, bao gồm cả các hiệp định thương mại quốc tế đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc dỡ bỏ những hàng rào thương mại và những chính sách đã được áp đặt lên các nước đang phát triển trong quá trình toàn cầu hóa cần phải được suy xét lại một cách triệt để.
Trong cuốn sách của mình, Stiglitz đã kịch liệt lên án những tổ chức "có vai trò, trọng trách to lớn trong quá trình toàn cầu hóa" như IMF (Quỹ tiền tệ quốc tế), WB (Ngân hàng thế giới), WTO (Tổ chức thương mại thế giới), đặc biệt là IMF.
Tác giả nhắc lại những lời cam kết hỗ trợ các quốc gia yếu thế, "vực dậy những nền kinh tế suy thoái" hay can thiệp đúng mức nhằm bình ổn tình hình kinh tế thế giới (Chương 1: Lời hứa của các tổ chức toàn cầu).
Tiếp đó, Stiglitz phân tích những động thái "sai lầm và tàn nhẫn" của WB, IMF để rồi rút ra những kết luận chán nản như: hoạt động của các tổ chức ngày càng chồng chéo và phụ thuộc lẫn nhau, "IMF đã không thể thực hiện được những ý tưởng tốt đẹp mà cha đẻ nó - Keynes đã trao gửi cho nó khi mới sáng lập".
Có thể hiểu Stiglitz muốn nói gì: Chính những hoạt động không mấy hiệu quả của IMF, WB hay WTO đã làm tình hình tồi tệ hơn và khiến toàn cầu hóa mang một khuôn mặt xấu xí, gớm ghiếc.
Cái nhìn có phần u ám của Stiglitz khiến người ta dễ dàng liên hệ tới cây bút kỳ cựu tờ New York Times - Thomas L. Friedman, tác giả của hai cuốn sách Chiếc Lexus và Cây Oliu và Thế giới phẳng.
Khác với Stiglitz, Friedman đem lại cảm giác lạc quan và hồ hởi về toàn cầu hóa, như một "làn gió của sự đổi mới", đem lại diện mạo và sinh khí cho những nước kém phát triển và đang phát triển (ví như đưa Ấn Độ, Trung Quốc vào sân chơi chung, bình đẳng, đầy thách thức và cơ hội).
Đến mức rất nhiều ý kiến chỉ trích Thế giới phẳng đã phủ một lớp vỏ bọc màu hồng (hào nhoáng và giả tạo) lên toàn cầu hóa, ru ngủ với lý thuyết "Chủ nghĩa phẳng nhân từ". Thậm chí nhiều người đã đưa ra những lập luận đanh thép (và rất hình tượng) "Thế giới vẫn cứ tròn", "Thế giới thẳng đứng" để bác bỏ lập luận "Thế giới phẳng" của Friedman.
Tất nhiên, những đánh giá cực đoan của Stiglitz cũng gây ra rất nhiều phản ứng khác nhau. Có không ít ý kiến ủng hộ ông nồng nhiệt, như Mark Malloch Brown - Nhà quản lý Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) - "Một phân tích sâu sắc về lý do tại sao toàn cầu hóa lại thất bại với quá nhiều trong số những người nghèo nhất thế giới và làm thế nào để xây dựng và quản lý một nền kinh tế có tính toàn cầu hơn. Đúng lúc và hấp dẫn!"
Hay tờ Business Week "Niềm đam mê và tính thẳng thắn của ông là làn gió mới giữa sự quanh co thường thấy của các nhà kinh tế".
Nhưng cũng có những người lên án hùng hồn những luận điểm của ông, ví như bức "Thư ngỏ" (Open Letter) của Kenneth S. Rogoff - Cố vấn kinh tế kiêm Giám đốc Nghiên cứu của IMF đưa ra vào tháng 7/ 2002 (tức là chỉ một tháng sau khi cuốn sách của Stiglitz được phát hành).
Trong bức thư rất dài này (với giọng điệu điềm tĩnh, nhũn nhặn nhưng không giấu giếm sự mỉa mai), Rogoff đưa ra rất nhiều lý lẽ bảo vệ IMF và cho rằng Stiglitz đã không hiểu hoặc cố tình không hiểu những nỗ lực và quy trình làm việc (cách cư xử đối với các chính phủ gặp phải các vấn đề về kinh tế, đối mặt với tình trạng suy thoái, thất nghiệp, lạm phát, mất lòng tin của nhà đầu tư...vv...) của IMF.
Và rằng Stiglitz đã quá tự phụ khi cho là chỉ có mình ông lo lắng mất ăn mất ngủ cho những quốc gia kém phát triển, hay những dẫn chứng mà Stiglitz đưa ra không đủ sức thuyết phục...vv...
Đối với một cuốn sách như Toàn cầu hóa và những mặt trái, có nhiều lời khen chê, đồng tình, phản đối... cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng có một điều buộc phải thừa nhận, đó là cuốn sách của Stiglitz khiến những tổ chức như IMF, WB, WTO phải nhìn lại mình và thừa nhận trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn với một thế giới đang biến động không ngừng, với quá trình toàn cầu hóa không khoan nhượng, đang len lỏi vào mỗi ngõ ngách nhỏ bé nhất của thế giới này.
Những phân tích sắc sảo của Stiglitz về những xu hướng tất yếu: Tư nhân hóa, Tự do hóa...vv... cùng những thách thức của quá trình này (ông đưa ra ví dụ ở Indonesia, Bostwana, Ethiopia) cũng là cảnh báo mà những nước đang phát triển phải chú ý (đặc biệt là về khả năng độc lập trong hoạch định chính sách, giảm thiểu việc phụ thuộc thái quá vào các tổ chức quốc tế để rồi buộc chân mình vào những điều khoản bất lợi, càng cải cách càng rối rắm, trường hợp xấu còn có thể dẫn đến suy thoái kinh tế nặng nề hơn).