Tiếng chim hót trong nắng sớm. Những vòm tre nghiêng mình lả lơi trong gió. Ngôi trường ở cạnh đầm thôn Cung Hoàng đã đông đủ học trò. Những tiếng học bài vang lên. Thầy Chu Văn An âu yếm nhìn các môn sinh, cặp mắt của thầy dừng lại ở cậu học trò lúc nào cũng có mặt sớm nhất. (trích "Danh nhân sư phạm Việt Nam" - Lê Minh Quốc)
Cậu ấy, gương mặt phương phi, trắng trẻo, môi đỏ như son. Lạ thật, mặc dù siêng năng, học giỏi, nhưng dường như cậu học trò này không thân với ai cả. Cậu ấy không phải người làng này chăng? Có lần, thầy cho người ngầm theo dõi lúc tan trường, nhưng cứ thấy cậu ta hễ đi đến đầm Cung Hoàng thì biến mất. Hôm nay, thầy An không vui. Dù mới sớm mai nhưng khí trời đã oi bức. Chao ôi! Hạn hán kéo dài như thế này thì dân tình làm sao sống nổi? Thầy khẽ thở dài. Thời gian chậm rãi trôi qua. Sau khi các môn sinh đã ra về, nhưng thầy vẫn ngồi yên, nét mặt đăm chiêu, tư lự. Thấy thầy hôm nay kém vui, cậu học trò đã bước đến gần thầy, vòng tay và cúi đầu thưa:
- Thưa thầy, thầy đang có điều gì lo lắng? Con có thể giúp được gì cho thầy?
Thầy An giật mình:
- A! Sao giờ này con chưa về? Thầy còn nhiều điều phải suy nghĩ.
- Xin thầy cứ nói. Con sẽ tìm cách giúp thầy.
Thầy An không nhìn cậu học trò mà như đang nói với chính mình:
- Thiên tai khi nắng, khi lụt, số trời không biết đâu mà nói. Nhưng mắt ta trông thấy dân tình tiều tụy, người có lòng nhân há nào không đau xót?
Cậu học trò cung kính đáp:
-Bẩm thầy, con từng nghe nói rằng nắng mưa là chuyện của Trời, làm sao có thể hiểu ý Trời như thế nào được. Nhưng vì ơn thầy, con xin giúp thầy.
Nói xong, cậu học trò cúi đầu chào thầy và ra về. Đêm ấy, trời tối đen, cậu học trò bước ra sân mài mực. Sau đó, cậu hòa với nước rồi hất tung nghiên mực lên trời. Một lát sau, mây đen kéo đến, sấm sét dữ dội. Từ trên trời cao, nước đổ xuống như thác. Bao nhiêu ngày ngóng đợi, được cơn mưa như trút nước xuống, dân tình lấy làm hả hê lắm.
Sáng mai, ngôi trường của thầy An đông đủ và nhộn nhịp hơn. Cây cỏ mơn mởn. Ai bước vào lớp học cũng thấy tâm hồn mình thư thái. Thầy An quan sát các môn sinh thì không thấy cậu học trò hôm qua. Thầy bèn cho người chạy đến đầm Cung Hoàng để dò hỏi. Lát sau, người đó quay về thưa với thầy là thấy con thuồng luồng to lớn khác thường nằm chết trong đầm. Lúc đó, thầy An mới biết cậu học trò kia chính là con trai của Long Vương, vì làm mưa mà bị tội phải chết. Thầy khóc thảm thiết, cho vớt xác và chôn bên bờ sông Nhuệ... Đó là huyền thoại lưu truyền trong dân gian về một bậc thầy nổi tiếng trong lịch sử nước ta: thầy Chu Văn An. Nếu tước bỏ đi những chi tiết huyền hoặc thì ta thấy được cốt lõi của truyền thuyết này: thầy Chu Văn An bằng đức độ của mình đã cảm hóa được mọi người.
Thầy Chu Văn An sinh ngày 25 tháng 8 năm Nhâm Thìn (1292) dưới thời vua Trần Anh Tôn, tại xã Quang Liệt (nay là xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Thuở nhỏ, thầy sống với mẹ, được mẹ chăm nom cho ăn học và nổi tiếng thần đồng. Sức học của thầy thì không ai theo kịp, người đương thời nhận xét: “Chu Văn An, hiệu Tiều Ẩn, tính liêm khiết, cứng cỏi, ở nhà thường ham thích đọc sách, học vấn tinh thông, tiếng tăm lừng lẫy xa gần”. Dù vậy, thầy không tiến thân bằng con đường khoa cử mà ở nhà mở trường dạy học. Thầy không phân biệt học trò giàu, nghèo mà đều áp dụng một quy chế học tập như nhau. Theo chương trình thi cử dưới triều nhà Trần từ đời vua Trần Anh Tông thì thí sinh đều phải trải qua bốn kỳ - đỗ kỳ trước mới được vào thi kỳ sau. Đỗ cả bốn kỳ thì mới đạt danh hiệu Thái học sinh - tức Tiến sĩ sau này. Thứ tự của bốn kỳ với các thể loại bài thi: kỳ thứ 1 thi ám tả, kỳ thứ 2 thi kinh nghĩa, thơ, phú, kỳ thứ 3 thi chiếu, chế, biểu, kỳ thứ 4 thi văn sách(1). Thầy An không chỉ dạy cho học trò đúng với chương trình thi cử mà còn mở rộng nghĩa sách. Do đó, học trò các nơi kéo về học rất đông. Khoa thi năm 1314, hai học trò của thầy là Phạm Sư Mạnh và Lê Quát đã đỗ Thái học sinh gây tiếng vang lớn trong giới sĩ tử. Cùng với các trường Quốc lập thì trường Cung Hoàng của thầy An đã góp phần không nhỏ trong việc
(1) Ám tả: là bài thí sinh nghe đọc rồi viết đúng chữ.
Kinh nghĩa: bao gồm sách Tứ thư, Ngũ kinh. Thí sinh làm một bài văm giải thích ý nghĩa một câu trích trong kinh truyện, phải làm theo lối biền văn.
Chiếu: lời vua ban bố hiệu lệnh cho toàn dân.
Chế: lời vua ban thưởng cho công thần.
Biểu: bài văn của thần dân dâng lên vua để chúc mừng, tạ ơn hay bày tỏ điều gì.
Văn sách: là bài văn làm để trả lời những câu hỏi của đầu bài để tỏ kiến thức và mưu hoạch của mình.
đào tạo nhân tài. Nói như vậy, vì lúc bấy giờ ở nước ta trường học chưa nhiều. Từ năm 1070, vua Lý Thánh Tôn mới dựng Văn Miếu - thờ Chu Công, Khổng Tử, Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử và 72 vị tiên hiền là học trò giỏi của Khổng Tử. Rồi sáu năm sau (1076) vua Lý Nhân Tôn mới cho xây dựng Quốc Tử Giám và 166 năm sau (1236) nhà Trần mới đổi lại là Quốc tử viện. Năm 1281 nhà Trần mới mở thêm nhà học ở phủ Thiên Trường. Các trường này chủ yếu dành cho con em quan văn vào học. Ngoài ra ở Yên Tử (Quảng Ninh), Hương Sơn (Hà Tây)... cũng có trường nhưng chủ yếu dành cho các sư sãi. Có lẽ, thấy được điều này nên thầy Chu Văn An đã mở trường để dạy cho con em nhân dân lao động. Điều này thật đáng quý biết bao. Thời gian này, thầy đã hết lòng dạy dỗ học trò mình. Thầy từng dạy: Phàm học hành thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới đâu, ân huệ để lại cho đời sau, đấy đều là phận sự của nhà Nho. Từ đời nhà Lý đến đời Trần, đạo Phật chiếm vị trí độc tôn, sử cũ còn ghi: “Những người thông minh tài giỏi đều do phái Thích giáo lựa chọn và cất nhắc”. Nhưng cuối đời Trần, Phật giáo bắt đầu suy và Nho giáo bắt đầu thịnh. Năm 1304, vua Trần Anh Tông ra lệnh bỏ thi Phật giáo, Đạo giáo thì trường Cung Hoàng của thầy An càng có ý nghĩa tích cực. Nhờ vậy, tiếng tăm của thầy ngày càng lan truyền sâu rộng trong cả nước. Sau này khi biên soạn Lịch triều hiến chương loại chi, Phan Huy Chú viết: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt, trước sau chỉ có một Chu Văn An, các ông khác không thể nào sánh được!”.
Tiếng tăm và uy tín của thầy vang dội đến tận kinh đô, do đó, năm 1325 vua Trần Minh Tông đã vời thầy vào cung dạy cho Thái tử (sau này là vua Trần Hiến Tông). Trong thời gian giữ chức Tư nghiệp trường Quốc tử giám và dạy học, thầy đã soạn tác phẩm Tứ thư thuyết ước, gồm mười quyển, đời sau ghi nhận đây là sách giáo khoa giảng dạy Nho giáo do người Việt Nam biên soạn. Trong đó, thầy nêu bật chân lý “sùng chính tịch tà” là tôn trọng điều ngay thẳng và xua đuổi những điều sai lầm - bằng cách tóm lược tinh túy của bốn tập sách Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung dung để sử dụng vào việc giảng dạy. Năm 1329 vua Trần Minh Tông nhường ngôi cho Trần Hiến Tông. Tiếc rằng thầy mất bao công lao dạy dỗ mà ông vua này mất sớm, chỉ mới 23 tuổi, nên Trần Dụ Tông lên ngôi. Triều nhà Trần bắt đầu suy thoái, chính sự bắt đầu nhiễu nhương. Là một thầy giáo tiết tháo, không cúi đầu trước bọn gian thần lộng quyền làm những điều phi pháp hại dân hại nước, thầy An đã dâng lên vua “Thất trảm sớ” đề nghị chém đầu 7 gian thần sâu mọt! Ý kiến của thầy về sau sử sách đánh giá là “làm rung động cả quỷ thần”. Thái độ dũng cảm này được các trung thần ủng hộ và khâm phục. Rất tiếc, vua Trần Dụ Tông vì mê muội trong tửu sắc và những lời nịnh hót nên không nghe theo những lời chính đạo. Không còn cách nào khác, thầy cởi mũ áo, từ quan để lui về ở ẩn.
Thầy Chu Văn An về núi Phượng Hoàng (Chí Linh, Hải Dương) để xa lánh những nhiễu nhương của thời cuộc. Thầy lấy hiệu là Tiều Ẩn. Thời gian này thầy làm nhiều thơ để nói lên tâm sự của mình, tựa là Tiều Ẩn thi tập và Quốc ngữ thi tập. Với hai tác phẩm này, Phan Huy Chú nhận xét: “Thi cực thanh sảng u dật, nhàn nhã tự tại”. Dù ở ẩn, nhưng tấm lòng của thầy vẫn không nguôi ngoai trước thế sự, không nhắm mắt làm ngơ trước đảo điên của thời cuộc. Để đào tạo nhân tài cho đất nước, thầy lại mở trường dạy nhân dân quanh vùng và lấy đó làm niềm vui:
Nhấp nhô sen nước xa mùi tục,
Ngay thẳng măng đồng át giậu tre.
Lặng dựa cành ngô người tựa biếng,
Gió đâu giở sách, ý khôn dè.
(Đầu mùa hạ - Đinh Văn Chấp dịch)
Khi thầy ở ẩn, vua Trần Dụ Tông có lúc tỉnh ngộ và lấy làm nuối tiếc, nhiều lần ép thầy trở lại làm quan nhưng thầy đã khéo léo từ chối. Biết quyền lực và danh vọng không thể khuất phục được thầy, bà Hiếu từ thái hậu khuyên vua:
- Người ấy là bậc cao hiền, thái tử không bắt làm bầy tôi được, nữa là chực đem chính sự ép người ta sao được!
Vua không nghe, sai đem áo mũ ban cho thầy, thầy nhận lấy nhưng đem cho người khác. Ai cũng khen thầy là người cương trực thanh cao. Sau khi vua Trần Dụ Tông băng hà, vua Trần Nghệ Tông dẹp được Nhật Lễ và lên ngôi. Dù tuổi đã cao, thầy vẫn chống gậy về kinh chúc mừng vua mới. Trần Nghệ Tông lại vời thầy ra làm quan nhưng thầy vẫn từ chối.
Dù thầy ở ẩn, vui với “Gió trăng nửa gối, việc đời nhẹ tênh”, nhưng các học trò cũ vẫn không quên tìm về thăm thầy. Những quan chức cao trọng như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... khi đến với thầy vẫn cúi đầu lạy dưới giường và không dám ngồi chung chiếu trò chuyện với thầy. Những người này khi đến thăm thầy thường kín đáo để lại lụa vóc, thời trân... ngầm tặng thầy. Khi biết được, thầy thường sai tiểu đồng đem tặng lại cho những người thiếu thốn, chứ không giữ lại một thứ gì cả.
Ngày 26.11 năm Canh tuất (1370) thầy Chu Văn An trút hơi thở cuối cùng - thọ 79 xuân. Vua Trần Nghệ Tông thương tiếc ban cho tên thụy là Văn Trinh Công, hiệu Khang Tiết tiên sinh và đưa thờ ở Văn Miếu ngang hàng với các bậc tiên nho. Đánh giá về công đức của thầy, sử thần Ngô Sĩ Liên viết: “Đấy là bậc tôn sư của Nho gia nước Việt Nam ta”. Nhà bác học Lê Quý Đôn viết: “Chu Văn An dâng sớ chém bọn nịnh thần, làm rung chuyển cả trong triều, ngoài quận, rồi cáo quan, trả mũ áo về nhà, không nhận tước lộc bó buộc, vua phải tôn trọng, công khanh phải kính phục. Đấy là bậc thanh cao nhất”. Nhà thơ Cao Bá Quát có thơ Vịnh Chu An (bản dịch Vũ Mộng Hùng):
Tiết cứng, lòng trong khí phách hùng,
Một tay muốn kéo lại vầng hồng.
Cô trung sấm sét không chồn chí,
Thất trảm yêu ma phải rợn lòng.
Trời đất soi chung vầng hạo khí,
Nước non còn mãi nếp cao phong.
Suối rừng ở ẩn nay đâu tá?
Văn Miếu còn tên, hương khói nồng!
Hiện nay, tại quê nhà vẫn còn đền thờ thầy, trong đó có câu đối nôm nêu bật công đức:
Thất trảm sớ còn thơm, gương sử thẹn cho tuồng mại quốc;
Lục kinh tro chửa nguội, biển hoành treo mãi chốn danh hương.