Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Sách về biển đảo: trước mắt và lâu dài
Update Date: 11/30/2011

Gần đây, đã xuất hiện nhiều tác phẩm cung cấp cho người đọc những tư liệu giá trị về Biển Đông và chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đáp ứng nhanh nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của độc giả.

Nhóm nghiên cứu thương mại châu Á do PGS.TS Nguyễn Văn Kim khởi xướng từ năm 1999 đã xây dựng được một số định hướng có tính trọng tâm trong công trình có tên Người Việt và biển (những tác giả tiêu biểu: Hoàng Anh Tuấn, Phạm Hoàng Quân, Hoàng Khắc Nam, Nguyễn Thanh Minh, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Mạnh Dũng, Đỗ Trường Giang, Lại Văn Tới, Lâm Thị Mỹ Dung...) Các vấn đề được xem là chủ chốt trong công trình này là: tìm hiểu truyền thống khai thác biển của các cộng đồng trong khu vực và người Việt; tâm thức và tư duy hướng biển của người Việt; các nền văn hoá và không gian văn hoá biển; sự hình thành, hoạt động và vai trò của các thương cảng, cảng thị; thể chế biển và mối liên hệ với các thể chế nông nghiệp, lâm nghiệp; mối quan hệ giữa biển với lục địa, sự hình thành các tuyến giao thương, các nguồn thương phẩm; hoạt động giao thương trên biển với các cộng đồng thương nhân châu Á, châu Âu; quá trình tiếp giao, truyền bá và ứng đối tư tưởng, văn hoá; ý thức chủ quyền, quá trình đấu tranh, xác lập và bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc ta qua các thời kỳ lịch sử; xây dựng nguồn tư liệu, cơ sở dữ liệu, thông tin về biển đảo và nghiên cứu phục vụ chiến lược biển Việt Nam.

Qua những bài nghiên cứu học thuật, các tác giả giới thiệu cho người đọc những cơ sở hình thành nên khái niệm quốc gia biển, như cơ tầng văn hoá biển của người Việt, vai trò vị trí của Việt Nam trong hệ thống thương mại Biển Đông, biển trong lịch sử, huyền thoại Việt, Chămpa, Phù Nam cho đến những sử liệu Trung Quốc nói về biển Việt Nam, các cứ liệu phương Tây về Hoàng Sa, Trường Sa, vấn đề an ninh biển… Cuốn sách Người Việt với biển do Nguyễn Văn Kim chủ biên (NXB Thế Giới) vừa ra mắt tháng 11 này là một góc nhìn của giới nghiên cứu trước các vấn đề nóng.

Bên cạnh cuốn sách này, có thể kể đến một tác phẩm tập thể khác, có tên Biển Đông và hải đảo Việt Nam (NXB Tri Thức, 7.2010) do câu lạc bộ Phao lô Nguyễn Văn Bình và NXB Tri Thức tổ chức tại TP.HCM. Cuốn sách là tập hợp bài viết của các tác giả: Thiện Cẩm, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Thái Hợp, Nguyễn Nhã, Nguyên Ngọc, Phan Đăng Thanh, Nguyễn Q. Thắng, Hoàng Việt đã được nhiều trang mạng trích sử dụng, trao đổi.

Trong tháng qua, tủ sách Biển đảo Việt Nam của NXB Trẻ cũng vừa ra mắt bạn đọc bốn quyển có thể góp vào ngăn sách Biển Đông trên tủ sách mỗi gia đình: Biển Đông yêu dấu của PGS.TS Trần Ngọc Toản, tập hợp những bài viết cung cấp kiến thức khoa học cho người đọc trẻ, thông qua một chuyến khảo sát biển từ Bắc vào Nam. Cuốn Hoàng Sa Trường Sa – hỏi và đáp của TS Trần Nam Tiến – phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Biển và đảo cung cấp cho người đọc những tri thức về lịch sử, địa lý, chính trị và pháp lý của hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cuốn bút ký Có một con đường mòn trên biển Đông của nhà văn Nguyên Ngọc, nguyên là kịch bản bộ phim tài liệu nổi tiếng cùng tên cũng được ra mắt bạn đọc, cung cấp những câu chuyện cảm động về những con người vô danh làm nên con đường vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam xuyên Biển Đông trong cuộc chiến chống Mỹ. Cuối cùng là Bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam của các cây bút nghiên cứu: Hoàng Việt, Phạm Hoàng Quân, Nguyễn Đình Đầu, Lưu Văn Lợi, Nguyễn Nhã, Trần Đăng Đại, Trần Doãn Trang & Nam Trân, André Menras Hồ Cương Quyết, Nguyễn Hồng Thao, Hồ Bạch Thảo, Phạm Hân, Hải Biên, Quốc Pháp, Lưu Văn Lợi. Sách gồm bốn phần: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; Hoàng Sa, Trường Sa chưa từng được ghi nhận trong lịch sử Trung Quốc; Đường lưỡi bò của Trung Quốc trên biển Đông – một yêu sách phi lý và Biên niên sự kiện liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đặc biệt, cuốn sách còn có phần tư liệu phụ lục về công ước, tuyên bố chung, cam kết quốc tế về biển để người đọc có thể tham khảo.

Những quốc gia biển lớn mạnh trên thế giới đã ý thức xây dựng một nền hải sử (maritime history), thậm chí, tiền hải sử (pre-maritime history) lâu đời, ở đó lịch sử sinh mệnh thăng trầm của quốc gia đều được nhìn từ biển. Ngay trong khu vực, châu Á thì Nhật, Thái Lan, Trung Quốc, Singapore… đều đã có bề dày nghiên cứu hải sử, để biển luôn sống động trong tâm thức về dân tộc, đất nước của mỗi công dân. Trong khi đó, hải sử là khái niệm còn quá xa lạ với quốc gia biển Việt Nam.

Việc những đầu sách về chủ đề biển đảo đáp ứng nhu cầu thời sự nhất thời là cần thiết, nhưng chưa đủ, mà lâu dài, sâu xa, cần có chiến lược nghiên cứu quy mô hơn. Xây dựng kho tri thức hải sử cho người Việt Nam là việc làm hệ trọng, cần thực hiện trước khi quá muộn.

BÀI VÀ ẢNH NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

(Nguồn: SGTT)
Other News