Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Nguyễn Ngọc Tư của những cơn "gió lẻ"
Update Date: 09/29/2008

Người ta thường nhắc tới Nguyễn Ngọc Tư như một ngọn gió bất tận, bay đến tận cùng nỗi buồn đau hay vui sướng của tất thảy mọi người trên cõi đời này, để nhắc nhớ, để con người không quên, yêu thương là mãi mãi...
 
Họ không nhớ màu của nắng, hay phía của mặt trời rơi, vào buổi chiều chiếc xe tải rời một cái quan ăn bên ngã ba đường đi chợ Cỏ” - những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư lúc nào cũng như khoác lên mình một màu gì đấy bàng bạc, lẩn khuất bên trong cái vỏ ngoài khô xác ấy là những mảnh đời hoặc là trái ngang hoặc là mang một nỗi ám ảnh nào đó ghê gớm lắm.

Gió lẻ được lấy làm tên tập sách mới nhất, nhưng lại là câu chuyện đặt cuối cùng, tưởng như tác giả muốn xoáy sâu vào đó nỗi đau của một cô bé quên mất tiếng nói loài người, hoặc là em bị nỗi đau của quá khứ ép quên, hoặc là em trở nên dị ứng với tiếng của loài người, cứ khi lời nói dối cất lên em lại nôn thốc tháo.

Ngọc Tư lấp vào em bé một vùng của quên lãng, một vùng trắng xoá của tiếng những con Cò, con Chó, con Chim, tiếng của động vật nuôi sống em từng ngày, cũng có thể em tồn tại vật vờ, như một mảnh đời chưa được đến thời hạn hoá kiếp, giải thoát.

Mẹ em không trả lời, lẳng lặng vào phòng, khoá cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ em treo mình đung đưa trên xà nhà”. Cô bé phải chứng kiến cái chết của người mẹ khi mới 6 tuổi, một bí mật về câu nói của người cha và lý do ông đưa ra để tránh khỏi trách nhiệm của mình về cái chết ấy. Kể từ khi ấy có lẽ cô bé đã không thể chấp nhận những lời nói dối của người đời.

Cơn gió lẻ chính là em, chính là sự nhức nhối khi em cứ tha phương, lay lắt như cọng cỏ dại giữa trời. Dằm dặn cuốn vào đời của những mảnh cong số phận khác, những anh Tìm Nội, hay chủ xe tải em đặt tên Buồn, họ cũng đâu ngờ cuốn theo cơn gió lẻ lạnh rát tái tê kia lại tìm thấy sức sống rực cháy ở em.

Có phải không khi đi đến tận cùng nỗi đau, người ta sẽ gặp nhau? Ở cái cõi đời ai gặp ai cũng thấy quay quắt những quá khứ, những mất mát vô bờ bến này. Đọc Gió lẻ để thấy sự “lẻ” mà chị Tư quay quắt thay nhân vật, để chỉ như kể lại một giấc mơ, mà khi tỉnh dậy thấy ướt dầm chiếc gối mình nằm.

Khi được hỏi vì sao lại lấy Gió lẻ làm nền cho câu truyện này, chị Tư tâm sự: “À, tôi thích gió. Nó thơ mộng, bảng lảng, khó nắm bắt. Tôi lớn từ xứ gió, mà gió Nam gió chướng gì cũng đẹp, nên bị ám, viết gì cũng cho gió thổi. Thật ra tôi có thể viết Nắng lẻ, hay Mây lẻ, nhưng những thứ này không… lạnh, khi tôi đang nói tới cái cô độc hiu hắt của cuộc đời.”

Ngoài Gió lẻ ra thì tập truyện còn 9 câu chuyện khác, mỗi truyện lại là một góc cạnh của cuộc sống, một cuộc sống chất chứa những đau đớn tột cùng trong nó - cái mà chị Tư gọi là sự cô độc hiu hắt của cuộc đời, nghe có vị ứ đắng nghèn nghẹn dâng lên trong mỗi số phận buồn ấy.

Cánh đồng bất tận, cô gái nhỏ khi bị hãm hại ngay trước đôi mắt bất lực đau đớn của người cha vẫn ngước nhìn lên phía trời cao, vẫn khẽ cười nghĩ về ngày mai của một mầm sống nhỏ nhoi có lẽ đang hoài thai dần dần trong cơ thể.

Hay Ngày mai của những ngày mai nhân vật trong truyện vẫn chấp chới với tới một ngày mai, không thật gần nhưng cũng không quá mờ mịt.
Thế nhưng 9 câu chuyện mà Nguyễn Ngọc Tư đem đến dường mang một nỗi đau khác lạ. Lần này, chị để mặc nỗi buồn dù mang vẻ mặt nào cũng tự nó chắp cánh và bay về một vùng mơ xa, một nơi mà tưởng như không còn những bất hạnh và nỗi ám ảnh của đời.

Vết chim trời mở đầu với một buổi trưa đã vĩnh viễn bị tiếng khóc của bà nội đóng đinh vào. Tiếng khóc ấy như xé lòng người cha, người mà bà nội đã vô tình nhấn chìm trong cõi rơi khi hỏi “Sao bây bắn chết Út Hơn của má?”.

Người cha cả đời sống trong nỗi lo âu thấp thỏm, nỗi mặc cảm cháy lòng bởi một quá khứ xa xôi nào đó mà ông và em trai mình ở hai đầu chiến tuyến, mặc dù chưa có ai trước bà nội nhắc nhớ ông về vết quá khứ tật nguyền ấy.

Cũng chính nỗi mặc cảm ấy khiến ông cả đời day dứt, cả đời lo vun vén cho đứa con của em trai mình để lại, thế mà cái ông nhận về lại là câu hỏi rách tim của bà nội, là sự im lặng đầy trách cứ của cháu trai.

Sự chờ đợi ở cuối được tác giả miêu tả với dấu ba chấm đằng đẵng mù khơi, biết đến bao giờ, người cha ấy mới nhận về mình sự thanh thản cuối đời? Trong cuộc đời này, có biết bao sự chờ đợi, và có khi nào đó bạn tự hỏi, chờ đợi có màu gì?

Nguyễn Ngọc Tư đã để người đọc tự mình cầm hộp màu lên và để cảm xúc tô vào những chờ đợi, tô vào những buồn đau. Đều là những đau buồn, nhưng mỗi truyện lại mang trong nó một màu khác lạ, khi thì đặc quánh, khi lại nhờ nhờ loang loáng.

Cũng như vậy với người cha trong Chuồn chuồn đạp nước, sau một câu trợ giúp sai cho con gái trong một gameshow truyền hình, cuộc đời ông đã thay đổi. Sức mạnh của sự dằn vặt thật ghê gớm, nó ăn mòn tâm hồn con người ta “Cha đã đi qua ba bảy hai mốt bình minh, luôn thức dậy với nỗi tuyệt vọng mình còn nhớ.”

Chẳng thể đau đớn hơn khi nghĩ rằng hình ảnh đẹp đẽ của mình đã bị sụp đổ trong mắt vợ con và những người tin yêu mình, thế nhưng người cha nhà văn này đã tự đặt chân mình vào vết nứt của chính những dằn vặt mình vẽ nên. Rối bời và không lối thoát.

Cách mà Ngọc Tư để niềm kiêu hãnh sụp đổ tự dồn người cha vào nỗi tuyệt vọng màu xám ngoét kia cũng chính như bước chân hẫng xuống vực sâu của người đứng trên đỉnh núi cao, sau khi người ta tưởng như đã chạm được vào mong muốn trong Sầu trên đỉnh Puvan.

Ước vọng chiêm ngưỡng bằng được cảnh bông Sầu nở trên đỉnh Puvan đã thôi thúc Vĩnh, một chàng trai đam mê khám phá lên đường, dù nó mang theo mình một lời nguyền rât thiêng, rằng ai một lần nhìn thấy Sầu nở, sẽ vĩnh viễn nằm lại bên vẻ đẹp bất tử ấy.

Cảnh đời trái ngược giữa Vĩnh, một người tưởng như có tất cả, với Dịu, cô gái chẳng có gì ngoài tình yêu thương đứa con tha thiết lại khiến cốt truyện Sầu trên đỉnh Puvan trở nên vô cùng đặc sắc.

Cái chết của Vĩnh cũng chính là nỗi hoang mang của người đời, phải chăng khi lên đến đỉnh cao rồi, chỉ một bước chân nữa sẽ là vực thẳm? Vĩnh ngoài tiền bạc chẳng có lấy nổi một mảnh tình cảm ấm áp, những người thân yêu nhất đã xa rời, bỏ mặc anh trơ trọi trên cõi đời thực tại này, chính bởi thế, nên “khi ở trên đỉnh núi rồi anh chẳng muốn xuống, chẳng có gì chờ đợi anh, ở đó”.

Vĩnh không quay trở lại với cuộc đời, không xuống núi tìm về những ngày đã xa, anh chối bỏ mọi thứ để ngủ yên bên vẻ đẹp bất tử của những bông Sầu nở trên đỉnh Puvan. Còn những người dân Thổ Sầu lại da diết nhìn lại những ngày tháng khi Thổ Sầu còn mang trong nó nguyên hình vẻ đẹp của hoang dã và mộc mạc, dù đó là vẻ đẹp của sự nghèo đói đến xơ xác.

Thổ Sầu lại quất những làn roi xát muối vào lòng người đọc, quất những ánh nhìn hằn học của người dân nơi đây lên sự ngạc nhiên, thích thú ở khách du lịch đến với vùng quê nghèo xơ xác này. Một vùng quê nghèo trở thành điểm du lịch thu hút khách, vẻ hiu hắt, cũ kỹ của những ngôi nhà xiêu vẹo xộc xệch lại cuốn hút ánh mắt khách, sự đói nghèo lam lũ của người dân nơi đây lại được đem ra triển lãm...

Tất cả vô hình tạo nên một trò chơi độc ác, trong đó người này làm đồ chơi cho kẻ khác tung hứng, rồi lại trầm trồ ngạc nhiên, trầm trồ lạ lẫm, tất cả kéo lê cảm xúc con người, cả đau khổ lẫn chua chát. Dẫu vậy, vẫn có những ai đó không bỏ Thổ Sầu đi được “Vì sau vườn, cỏ lại đang mon men bò lên mộ má tôi, ông bà tôi...”

Bỗng đâu đó, chợt vẳng lên tiếng oán thán của một tình yêu chưa thành hình, của nỗi buồn khoảng cách, của một gì đó chưa bắt đầu đã vội kết thúc... Của ngày đã mất nghe như một tiếng kêu khan của ông cụ ngót bảy chục mùa mưa nắng, nhói lòng vang lên khi ông nhận ra mình không còn đủ sức để đáp lại tình cảm của cô gái chỉ mới hai mươi hai tuổi đời.

Triết lý “Tuổi tác chỉ là con số trong tình yêu” đã không thể giúp ông và cô gái tìm được nhau. Bởi không ai khác chính ông biết rõ nhất cơ thể mình “như một bộ xương đang khô đi, rơi ra từng lóng một”. Cũng bởi: “May quá, mai kia khi trút hơi thở cuối cùng, tôi chẳng phải nặng lo cho em...”

Còn nữa những Tình thầm, Ấu thơ tươi đẹp, Núi lởMột chuyện hẹn hò cũng da diết như những bản nhạc đều đều những nốt trầm buồn sâu lắng, rồi âm vực nhẹ nhàng rơi xuống một vùng sâu thẳm... lắng đọng và ngân nga.

Thật như ngọn gió bất tận, Ngọc Tư len lỏi lùa mình vào những lát cắt của chuyện đời, khi thì đứng xa xa làm một người quan sát, khi lại hoá thân thành một con cóc biết khóc, hiểu tiếng người, rồi khi lại trở thành cụ già gần bảy chục tuổi đầu chênh chao với tình cảm của một cô gái trẻ bằng tuổi con cháu mình.

Những thay đổi vị trí ấy khiến người đọc tìm thấy nhiều hơn tâm trạng của bản thân mình... Bao giờ chị cũng tìm cho mình một góc khuất để mặc cho câu chuyện chảy trôi về đến đáy vực của cảm xúc, đầy ám ảnh và diệu vợi.

Đọc Gió lẻ chắc hẳn những ai dù tưởng đã quen thuộc với Ngọc Tư cũng sẽ ngỡ ngàng đôi chút, bởi so với Cánh đồng bất tận, Ngày mai của những ngày mai hay Sống chậm thời @ ngòi bút của chị sắc lạnh hơn, góc nhìn của chị cũng mở rộng hơn về hành trình bất tận của những người không tên tuổi, về những dòng chảy trôi của tận cùng nỗi buồn đau, khô cong và nhạt nhoà.

Tất cả khiến dòng liên tưởng của người đọc chạy mải miết, hối hả, rồi vấp ngã khi nhân vật chọn cái chết, cuối cùng dòng liên tưởng vỡ oà, tan ra hoà cùng với nước mắt.

Tập truyện ngắn này hướng về sự giải thoát của cái chết, sự ra đi thanh thản mà nhân vật chính chờ đợi từ lâu, như một đứa trẻ lạc giữa dòng đời đông đúc bon chen mà không có lấy một bàn tay ấm nắm giữ lấy bàn tay nhỏ bé lạnh rát của em.

Cái chết ở miền đất này được tác giả nắm gọn vào tay rồi vo viên, rồi lại nâng niu tô vẽ thành ngọn gió lẻ màu trắng nhợt nhạt, của nụ cười thản nhiên. Dường như ở đây, người ta chờ đợi để được ra đi vậy.

Đọc truyện, chợt giật mình bởi những cái chết kia không gì khác chính là hồi chuông thức tỉnh yêu thương trong mỗi người chúng ta, đâu mất rồi những tình người, những mái ấm gia đình chở che cho những cơn gió lẻ xao xác và mong manh, để không còn đường nào khác, những cơn gió ấy phải chấm dứt cuộc hành trình trong cuộc đời này, đầy uất hận và bi ai.

Và tận cùng nỗi khắc khoải, không ai khác lại chính là chúng ta - đã và đang rơi những giọt máu xót xa khi chứng kiến những vụn vỡ của yêu thương, vẫn ngày ngày, rong ruổi trên khắp nẻo cõi người...
 
 
Tâm An
(Nguồn: tuanvietnam.net)
Other News