Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

'Hồi ký 50 mê hát'
Update Date: 05/29/2007

 
Nửa thế kỷ say mê nghệ thuật cải lương Nam Bộ với tất cả tấm lòng và trái tim, học giả Vương Hồng Sển dành trọn tâm huyết viết nên cuốn sách này.  
 
Học giả Vương Hồng Sển vốn là một công chức, nhưng sau ông về hưu sớm để chuyên tâm về văn nghệ. Ông thích khảo cứu về hát bội, cải lương, nghệ thuật chơi cổ ngoạn. Quyển hồi ký 50 năm mê hát của Vương Hồng Sển in lần thứ nhất vào năm 1968 (cơ sở Phạm Quang Khai). Cuốn hồi ký đặc biệt ở chỗ: tác giả không nói nhiều về đời tư mà đề cập đến lịch sử cải lương Nam Bộ từ ngày sơ khai đến thời hoàng kim, cực thịnh qua cái nhìn, cách sống của một con người yêu môn nghệ thuật này với tất cả sự mê đắm.  

Tác giả tự nhận là mê cải lương, tuồng tích, đào kép với sự bồng bột năm 12 tuổi lẫn cái xao động năm 16 tuổi và sự say mê của cả một đời người. Tuy vậy, cái sự "mê" của cụ Vương rất có bài bản và ý thức rõ ràng trong việc phải lưu giữ trên trang viết những gì ông trải qua, được chứng kiến về một giai đoạn phát triển đặc biệt của cải lương. Một giai đoạn đã trôi qua và không bao giờ trở lại trong lịch sử văn hóa của dân tộc.

Ông giữ cả từng tấm vé, thiệp mời đi xem hát, tấm quảng cáo lịch trình giờ diễn, thiệp mời. Ông chọn lọc tư liệu, sưu tầm báo chí, truyện kể, giai thoại nói về gốc tích hát bội, cải lương ở miền Nam. Hàng trăm nhân vật nổi tiếng của ngành nghệ thuật này như: Năm Phỉ, Tư Út, cô Bảy Phùng Há, Năm Châu, Thành Được, Út Bạch Lan...qua sự giáo tiếp, quan sát, cảm nhận của Vương Hồng Sển mở ra nhiều điều khá thú vị.

Những đêm đàn ca hát xướng, các câu chuyện về những người của một thời như: Hắc công tử, Bạch công tử, cô Ba Trà sắc nước hương trời.... cũng được nhắc đến, gợi nhớ về một giai đoạn "vó xưa xe ngựa hồn thu thảo", khi mà cải lương ăn sâu vào đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân miền Nam.

Qua từng trang sách còn hiện lên một Sài Gòn xưa với lối ứng xử, cách sinh hoạt, văn hóa đặc trưng. Đây quả thực là một kho tư liệu sinh động, tập hợp được một số hình ảnh, nhiều bài hát cổ, và nhiều tư liệu về rất nhiều ban hát, gánh hát kiếm sống nổi danh trên đất Sài Gòn, Nam kỳ lục tỉnh.

Vương Hồng Sển cho rằng 50 năm mê hát chỉ là cuốn sách để "Mình nói mình nghe" và "biết bao nhiêu, nói bấy nhiêu". Nhưng những gì ông kể lại đã giúp người đọc hôm nay nhớ và hiểu về một thời vàng son của nghệ thuật cải lương.

Thất Sơn
(Theo VNexpress.net, 29/5/2007)
Other News