Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Trò chơi tiên đoán: Kỳ 2: Bạn muốn trở thành một CEO?
Update Date: 07/06/2010

Như tất cả chúng ta đều biết, ngày càng khó kiếm được việc làm tốt, và để đạt được vị trí cao nhất thì phải cạnh tranh hơn bao giờ hết. Tài năng là cần thiết, nhưng rất nhiều người trong số chúng ta đều hiểu rằng chừng đó có vẻ như chưa đủ. Nói cho cùng, số người giỏi giang bao giờ cũng nhiều hơn số ghế ở vị trí cao cấp.

Điều đó có nghĩa là ngay cả khi bạn cố gắng che giấu hoặc vượt qua được những nhược điểm của bản thân, đủ may mắn để xuất hiện đúng thời điểm và có mặt trong phòng họp đầy kiêu hãnh của ban giám đốc thì bạn phải biết rằng có một thứ vẫn có thể không quan tâm đến bạn, có thể cản trở bạn đạt được vị trí cao nhất đáng mong muốn: đó là quy trình bỏ phiếu.
Đúng thế, nếu bạn hiểu và tạo ra được quy trình lựa chọn một tổng giám đốc điều hành (CEO) hay các lãnh đạo khác, bạn có thể làm cho thế cạnh tranh nghiêng về phía có lợi cho bạn. Điều buồn cười là một số người lại quá quan tâm, theo nghĩa như một hành vi chiến lược, đến những thứ chán ngắt như cách đếm phiếu – bất kể trong phòng họp ban giám đốc hay trong cuộc bầu cử cấp quốc gia. Và cho đến hiện tại thì phương pháp đang được áp dụng để biến mong muốn của con người thành sự thật có thể làm cho một ứng cử viên thua cuộc giành được chiến thắng1. Khi tôi nói rằng có thể tạo ra kết quả nhờ quy trình bỏ phiếu, ý tôi không phải là tìm cách đếm sai hay gian lận. Tôi cũng không định dựa vào lá phiếu chưa bấm lỗ hết1 hay cái gì đó tương tự. Tôi chỉ nghĩ đến những cách phổ biến, thông thường nhất để đi đến một lựa chọn dựa vào điều mà các cử tri, cổ đông hay thành viên ban giám đốc công ty mong muốn.
Một vài thành viên ban giám đốc hoặc cổ đông sẽ nghĩ khi họ bỏ phiếu bầu CEO mới thì những lá phiếu sẽ được đếm như thế nào. Rất ít khi có ai đó đặt câu hỏi liệu có gì khác nhau không nếu một ứng cử viên phải nhận được trên 50% số phiếu hay chỉ cần nhiều phiếu hơn người khác; nên tính theo lựa chọn đầu tiên của người bỏ phiếu hay cho phép họ đưa ra thêm lựa chọn thứ hai (hoặc thậm chí nhiều hơn); nên bỏ phiếu tất cả các ứng viên cùng một lúc hay chia họ thành từng cặp để đấu tay đôi. Tuy nhiên bạn có thể đánh cược đến đồng xu cuối cùng là cách bầu sẽ chi phối kết quả.
Bạn chỉ cần nhớ lại cuộc chạy đua căng thẳng hồi năm 2008 trong các đợt bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ tính cho mỗi ứng cử viên một số lượng phiếu đại cử tri của từng bang dựa trên số phiếu phổ thông mà họ thu được trong mỗi kỳ bầu cử sơ bộ. Barack Obama đã giành được đa số phiếu đại cử tri nhờ cách tính đó, và sau đó được bầu làm tổng thống. Nếu đảng Dân chủ áp dụng nguyên tắc “người chiến thắng được tất cả” cho mỗi kỳ bầu cử sơ bộ giống như đảng Cộng hòa thì Hillary Clinton đã có đủ số phiếu đại cử tri và trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ, và cũng có thể bà đã chiến thắng được John McCain. Rõ ràng một quy tắc có vẻ nhỏ nhưng cũng dẫn đến kết quả rất khác biệt.
Hiển nhiên là không có cách đếm phiếu bầu nào là hoàn toàn đúng. Mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm riêng. Vì vậy, chúng ta có thể sử dụng các quy tắc bỏ phiếu khác nhau khi có thể để tạo thuận lợi cho ứng viên mà chúng ta ủng hộ. Nói chung, chúng ta không có cơ hội thay đổi cách thức tính phiếu bầu trong những cuộc bầu cử của chính phủ, nhưng ở cấp độ doanh nghiệp thì chúng ta có thể làm điều đó.
Thực tế là tôi đã hai lần sử dụng quy trình bỏ phiếu để tác động lên kết quả chọn CEO cho các công ty. Một lần tôi rất thành công, còn lần thứ hai thì người mà tôi và đối tác ủng hộ đã vượt qua được rất nhiều chướng ngại và trở thành một ứng viên đầy tiềm năng. Cuối cùng ông ta thất bại, nhưng ông đã thành công hơn rất nhiều so với tưởng tượng của mọi người vì ông vừa rời một công ty để ứng cử vào vị trí CEO của một công ty khác – và ông thực sự rất thành công.
Quá trình bầu CEO được mô hình hóa như thế nào? Chúng ta hãy cùng xem xét kinh nghiệm ở công ty đầu tiên tôi tham gia lĩnh vực này (vụ bầu cử đó có một điểm rất thú vị mà ngay cả người được bầu làm CEO cũng không biết – và có thể cho đến giờ ông ta vẫn không biết – tại sao mình lại giành chiến thắng). Mọi chuyện diễn ra như sau:
Vị CEO già của công ty này sẽ nghỉ hưu – tất nhiên tôi sẽ không nêu tên – và ông không biết rõ muốn đưa ai lên thay. Tuy nhiên, ông lại biết rất rõ ai là người ông không thích, và oái oăm thay người đó lại là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí kế nhiệm ông. Vị CEO già thực sự khinh miệt nhân vật này, người luôn đối địch với ông trong rất nhiều năm. Vì thế ông bí mật thuê tôi để thay đổi kết quả lựa chọn CEO. Nhiệm vụ: tìm cách đánh bại nhân vật đáng ghét nhưng đầy triển vọng kia.
Cũng như với mọi nhiệm vụ phân tích khác, bước đầu tiên là phải tìm xem vấn đề thực sự cần giải quyết là gì. Trong tình huống này, mọi chuyện khá đơn giản. Chỉ cần tìm xem những ứng cử viên tiềm năng là ai và họ khác biệt nhau như thế nào. Giả sử các ứng cử viên có tên là Larry, Moe, Curly, Mutt và Jeff – trong đó Mutt là người tôi cần đánh bại.
Cách phân tích hay nhất là làm như những cuộc thi sắc đẹp. Trong mỗi cuộc thi, cần hỏi những nhân vật liên quan có tiếng nói trong quá trình chọn CEO xem họ nghĩ gì khi so Larry với Moe, Larry với Curly, Larry với Mutt, Larry với Jeff, Moe với Curly, v.v.
Khi đã hoàn thành bước đi giống như cuộc thi sắc đẹp, chúng ta cần biết quan điểm của mỗi nhân vật có liên quan đó, họ ủng hộ ai khi so từng cặp ứng viên như vậy và ủng hộ đến mức nào. (Tôi sẽ đi vào chi tiết trong những chương tiếp theo khi đề cập được phương pháp cụ thể trong bước đánh giá này).
May là trong tình huống này, tôi có một nguồn thông tin rất tốt: đó là vị CEO sắp nghỉ hưu. Ông biết từng ứng cử viên và biết họ nghĩ gì về nhau. Và bạn có thể chắc chắn rằng nếu ông không biết ai là người có ảnh hưởng thực sự và ai chỉ làm theo lệnh của người khác thì ông không thể trở thành CEO được.
Quy trình bầu CEO kế nhiệm của công ty lúc đó không có vòng đấu tay đôi giữa từng cặp ứng viên, xếp hạng ứng viên, bầu cử lại hay có người đưa ra quy tắc bỏ phiếu. Họ thường chỉ bỏ phiếu cho tất cả các ứng viên một lần, giống như bầu cử tổng thống Mỹ. Ai có nhiều phiếu nhất sẽ giành chiến thắng. Đây là tin buồn cho vị CEO sắp về hưu – khách hàng của tôi. Rõ ràng là quy trình đó, một quy trình chính xác, rõ ràng, hợp pháp, sẽ đem lại thắng lợi cho Mutt, người ông không ưa. Phải làm gì bây giờ?
Việc đầu tiên là tìm xem ai có khả năng giành chiến thắng trong vòng thi từng cặp. Những nhân vật liên quan ở đây bao gồm các thành viên trong ủy ban bầu CEO của công ty. Giả sử ủy ban này có 15 người, mỗi người có một phiếu bầu. Thông tin của vị CEO già khi so sánh từng cặp ứng viên cho phép tôi rút ra được thứ tự ứng viên ưa thích của các nhân vật liên quan. Tôi thấy 15 thành viên trong ủy ban chia đều thành năm nhóm, mỗi nhóm có ba người. Và đây là danh sách thứ tự các ứng viên ưa thích của họ, xếp từ người được ưu ái nhiều nhất đến người được ưu ái ít nhất:
1.Mutt, Jeff, Larry, Curly, Moe
2.Mutt, Moe, Curly, Larry, Jeff
3.Moe, Mutt, Curly, Larry, Jeff
4.Jeff, Moe, Curly, Larry, Mutt
5.Larry, Jeff, Curly, Moe, Mutt
Trong một cuộc thi mà tất cả mọi người chỉ có một lần bỏ phiếu, giống như bầu cử tổng thống Mỹ, thì Mutt sẽ có 6 phiếu (có hai nhóm xếp anh ta ở đầu danh sách và mỗi nhóm có ba người), Moe 3 phiếu, Jeff 3 phiếu, Larry 3 phiếu và Curly tội nghiệp không được phiếu nào. Mutt sẽ giành chiến thắng. Đó chính là kết quả mà tôi phải ngăn chặn.
Tuy nhiên, khi áp dụng hệ thống bỏ phiếu kiểu khác, nếu mỗi thành viên ủy ban cho ứng viên họ ưa thích nhất 4 điểm, người thứ hai 3 điểm, người thứ ba 2 điểm, người thứ tư 1 điểm và người cuối cùng 0 điểm (gọi là phương pháp Borda) thì Mutt và Moe sẽ có 33 điểm, Jeff có 30 điểm, còn Larry và Curly sẽ đứng chót, mỗi người 27 điểm. Nếu tiếp đó họ quyết định bỏ phiếu vòng quyết định giữa Mutt và Moe thì Moe sẽ nhận được phiếu bầu của ba nhóm cuối trong danh sách trên, vì các nhóm này đều ưa thích Moe hơn Mutt. Và khi đó Moe sẽ trở thành vị CEO mới.
Như vậy, chúng ta đều thấy có một cách giúp chúng ta đánh bại Mutt. Nhưng rõ ràng là quy trình bỏ phiếu này cũng khó mà được ủy ban thông qua. Việc hỏi từng thành viên về thứ tự ứng viên họ ưa thích rồi tổ chức bỏ phiếu lại khi có hai người bằng phiếu nhau là quá phức tạp. Quá trình bầu cử lằng nhằng này sẽ dễ dàng khiến các thành viên trong ủy ban nghi ngờ. Họ sẽ đặt câu hỏi tại sao vị CEO sắp về hưu lại muốn họ làm một việc phức tạp đến thế, trong khi bình thường họ chỉ cần bỏ phiếu trực tiếp bầu cho người mà họ muốn.
Ngay cả khi quy trình bỏ phiếu phức tạp này được thông qua, chúng ta vẫn không hoàn toàn yên tâm. Nó có thể bị phá ngang nếu một người ủng hộ Mutt hiểu ra vấn đề. Ví dụ, nếu chỉ cần một thành viên trong nhóm thứ hai biết trước kết quả thì người đó – vốn ủng hộ Mutt – có thể có một quyết định chiến lược (bằng cách nói dối) là xếp Jeff đứng thứ hai và Moe đứng cuối cùng. Khi đó đương nhiên số phiếu sẽ không phản ánh đúng thực tế, nhưng lợi ích của người bỏ phiếu được thể hiện ở kết quả cuối cùng chứ không phải ở quyết định trung gian. Với hành vi chiến lược là đẩy Jeff lên vị trí cao hơn, thành viên bỏ phiếu kia biết chắc rằng tổng số điểm Moe thu được sẽ là 30 chứ không phải 33, và số điểm của Jeff cũng vậy – nhờ đó ông ta sẽ làm cho quá trình phức tạp hơn bằng cách tạo ra hai người cùng đứng vị trí thứ hai và tăng khả năng giành chiến thắng cho Mutt. Xét cho cùng, trong cuộc đua với Jeff (nhiều khả năng sẽ xảy ra vì nhiều người thích Jeff hơn Moe) thì Mutt sẽ thắng. Như vậy, bằng hành vi chiến lược, một hay nhiều thành viên của nhóm thứ hai có thể đảm bảo người họ ưa thích nhất – nhân vật Mutt đáng ghét – sẽ được bầu. Tôi không thích cơ hội này. Vì thế tôi quyết định Curly mới là người sẽ được chọn.
Curly tội nghiệp, anh ta đang rất bất lợi. Không ai xếp anh ta vào lựa chọn đầu tiên. Thậm chí còn không ai nghĩ đến anh ta với tư cách là ứng cử viên thứ hai. Trong thực tế, anh ta gần như không xuất hiện trong suy nghĩ của mọi người. Tôi biết chắc điều đó vì sau khi tìm cách làm thế nào để anh ta được bầu, tôi đã nói chuyện với một thành viên trong ủy ban bầu cử. Không ai biết vai trò của tôi ngoài tôi và vị CEO đang tại nhiệm. Tôi hỏi thành viên ủy ban kia xem ông ta nghĩ ai sẽ được bầu, ông ta nhắc đến Mutt và có thể là Moe. Tôi làm ra vẻ hờ hững nhắc đến Jeff, Larry... và cả Curly. Ông ta nhìn nhận Jeff và Larry khá nghiêm túc dù ông nghĩ họ sẽ không thể chiến thắng. Và rồi ông ta nói rằng ông cũng như mọi thành viên khác trong ủy ban đều không thể hiểu tại sao Curly lại tự đề cao mình như vậy. Ông bảo Curly chẳng được ai quan tâm, không được ai ủng hộ. Đương nhiên mọi người có quý mến Curly, nhưng không ai nghĩ rằng anh ta có thể là CEO. Khó khăn của Curly, trong trường hợp này lại trở thành một ưu thế lớn. Dường như không ai để ý đến vai trò ứng viên của anh ta để mà có thủ đoạn gì đó nhằm cản trở anh ta thắng cử, vì họ nghĩ bản thân anh ta cũng không có chiến lược nào.
Thế là được, và giờ thì cuộc vui bắt đầu. Vị CEO già rất được mọi người yêu quý và kính trọng. Ông đã làm việc rất tốt. Việc so sánh từng cặp ứng viên đã cho thấy có một cách giúp Curly trúng cử (bạn đã nhận ra cách đó chưa?), nhưng trước hết tôi cần phân tích thêm một vấn đề nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu vị CEO sắp về hưu có đủ uy tín để thuyết phục ủy ban bầu cử thực hiện quy trình bỏ phiếu mới không. Kết quả phân tích cho thấy thực tế là ông có thể tác động để ủy ban đồng ý với quy trình bỏ phiếu mà ông đề xuất, miễn là nó không quá phức tạp. May mắn là quy trình do tôi nghĩ ra lại rất hợp lý. Nó không đặc biệt phức tạp, nó tận dụng được lợi thế là đa số phiếu sẽ không bỏ cho Mutt là ứng cử viên hàng đầu (bạn hãy nhớ lại là Mutt có 6 phiếu cho vị trí số một, 9 phiếu còn lại được chia đều cho ba nhóm).
Việc kiểm soát chương trình nghị sự – tức là xác định trình tự ra quyết định – có thể đóng vai trò quan trọng nhất. Và trong tình huống này thì đúng như vậy. Bằng cách xây dựng một quy trình phù hợp, chúng ta có thể tạo ra một loạt các nhóm liên minh để giành thắng lợi, mỗi nhóm bao gồm nhiều thành viên khác nhau từ các nhóm liệt kê ở trên, và cuối cùng sẽ là một nhóm ủng hộ Curly và không ứng viên nào khác có cơ hội.
Các thành viên ủy ban đều hiểu rằng thực ra cuộc đấu sẽ diễn ra giữa Mutt và Moe – hoặc họ đều nghĩ như vậy. Để khẳng định thêm, vị CEO sắp nghỉ hưu thuyết phục ủy ban sử dụng phương pháp bỏ phiếu theo kiểu một chuỗi lựa chọn – đó là một loạt các cuộc đối đầu liên tiếp để loại bớt các ứng cử viên. Tất nhiên lúc đó có quá nhiều ứng viên nên không thể yêu cầu ủy ban so sánh từng người với nhau được. Nếu làm thế thì cần đến mười lần bỏ phiếu. Thay vào đó, vị CEO già thuyết phục ủy ban bỏ phiếu chọn giữa Mutt và Moe trước, trong đó người thua sẽ bị loại và người thắng sẽ đi tiếp vào vòng bỏ phiếu với Jeff. Người thua sẽ tiếp tục bị loại, còn người thắng (có thể là Mutt, Moe hoặc Jeff) sẽ đi vào vòng bỏ phiếu với Larry, và người thắng ở vòng này cuối cùng sẽ cạnh tranh với Curly. Người trụ lại cuối cùng sau bốn vòng bỏ phiếu sẽ là người chiến thắng.
Đối với ủy ban bầu cử thì đây có lẽ là một ý kiến hay. Họ nghĩ là với vòng bỏ phiếu đầu tiên là giữa những người mạnh nhất – Mutt và Moe, họ sẽ nhanh chóng tìm được người được tin tưởng nhất cho vị trí CEO. Họ đã hoàn toàn sai lầm. Chắc chắn ai theo dõi kỹ năm nhóm quan điểm bỏ phiếu nói trên đều biết kế hoạch của vị CEO già sẽ thành công, nhưng có vẻ như các thành viên ủy ban bầu cử không biết hết thứ tự ưa chuộng của các đồng nhiệm. Nói cho cùng, họ không thể phỏng vấn nhau theo kiểu chuyên gia như mô hình đòi hỏi. Vì không ai yêu cầu họ phải đưa ra bảng xếp hạng thứ tự các ứng viên nên họ cũng không bắt buộc phải tiết lộ thông tin đó cho nhau. Có lẽ chính họ cũng chưa hề thăm dò lẫn nhau xem ngoài lựa chọn thứ nhất và thứ hai ra thì thứ tự ứng viên được ưa thích tiếp theo là gì. Hẳn là vì thế nên họ không chú ý mấy đến Curly. Và sau đây là diễn biến trò chơi:
Moe đánh bại Mutt ngay lập tức với tỷ lệ phiếu là 9-6 (nhóm 1 và nhóm 2 bỏ phiếu cho Mutt, ba nhóm còn lại bỏ phiếu cho Moe, như bạn thấy ở danh sách trên). Mutt thua cuộc nên bị loại khỏi cuộc chơi với lý do có vẻ hợp lý là nhiều người muốn Moe làm CEO hơn là để Mutt làm (ta có thể thấy qua số phiếu 9 so với 6). Thế là công bằng. Mọi chuyện sau đó diễn ra thuận lợi hơn dự kiến, vì mục tiêu chính của khách hàng của tôi là đánh bại Mutt. Nhưng rồi ông cũng thích ý tưởng chọn Curly. Ông nghĩ nó sẽ làm ông vui vẻ hơn khi nhìn lại quá khứ, và hơn nữa, ông cũng quý mến Curly, và trao chức CEO cho anh ta là một cách tốt để anh ta phát triển sự nghiệp.
Ủy ban bầu cử tiếp tục xem xét Moe và Jeff như kế hoạch đã định. Jeff dễ dàng đánh bại Moe giống như Moe đã đánh bại Mutt. Nhóm thứ nhất muốn Mutt làm CEO nhất, nhưng giờ đây, khi phải lựa chọn giữa Moe và Jeff, họ chọn Jeff. Jeff là lựa chọn thứ hai của họ, trong khi với nhóm 1 thì Moe là lựa chọn cuối cùng. Nhóm bốn và nhóm năm cũng nghĩ Jeff là CEO tương lai tốt hơn Moe. Chỉ có nhóm 2 và nhóm 3 thích Moe hơn Jeff. Như vậy Jeff có 9 phiếu, còn Moe có 6 phiếu. Mutt đã bị loại, và không thành viên nào trong ủy ban nhìn lại và đặt câu hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu họ có cơ hội được chọn giữa Jeff và Mutt trước. Như bạn thấy từ danh sách trên kia, còn có một liên minh khác nữa (nhóm 1, 2 và 3) có thể giúp Mutt đánh bại Jeff, nhưng nhắc lại một lần nữa, Mutt đã bị Moe loại khỏi bức tranh chung dựa trên quy tắc đã được thống nhất trước đó.
Mutt và Moe – hai người có triển vọng nhất – đã bị loại. Moe đánh bại Mutt, rồi Jeff lại đánh bại Moe. Jeff, Larry và Curly là những người còn lại. Jeff và Larry, mỗi người đều có một nhóm ủng hộ với vị trí ưu tiên hàng đầu, do đó họ sẽ phải đối mặt với nhau ở vòng tiếp theo. Nhóm 2, 3 và 5 thích Larry hơn Jeff. Jeff bị loại, và cuối cùng mọi người phải lựa chọn giữa Larry và Curly. Dĩ nhiên bạn có thể dễ dàng nhận thấy Curly sẽ đánh bại Larry. Nhóm 2, 3 và 4 hình thành một nhóm liên minh mới ủng hộ Curly hơn so với Larry. Và Curly là người cuối cùng trụ lại, trở thành CEO mới trước sự ngạc nhiên của (hầu hết) mọi người. Nhưng họ vẫn cảm thấy quy trình bỏ phiếu là công bằng, đúng đắn, theo đúng trình tự của nó.
Có vẻ không ai nhận thấy rằng chính quy trình bỏ phiếu đã quyết định kết quả. Thực tế là Curly chỉ đánh bại được mỗi Larry. Nếu quy trình bỏ phiếu khác đi thì Curly sẽ bị loại. Giống như Curly không thể đánh bại được ai khác ngoài Larry, Larry cũng không thể thắng ai khác ngoài Jeff. Nếu đưa Larry vào sớm một vòng bỏ phiếu thì Larry sẽ bị loại và Curly cũng sẽ đi theo anh ta. Trong thực tế, vì các ứng viên được ưa thích theo thứ tự quay vòng khép kín (nói theo từ chuyên môn là không có tính bắc cầu) nên ứng cử viên nào cũng có thể chiến thắng một cách công bằng, chính đáng bằng cách dịch chuyển thứ tự các vòng trong quy trình bỏ phiếu.
Khi bỏ phiếu xong, thành viên ủy ban mà tôi đã nói chuyện trước cuộc bầu cử có mời tôi đi ăn trưa. Ông hỏi tôi: Anh có vai trò gì trong vụ chọn CEO của công ty tôi không? Tôi chỉ mỉm cười và nói sang chuyện khác. Ông ta biết là tôi đã làm gì đó, và tôi biết là ông ta biết, nhưng tôi đã thề sẽ giữ bí mật. Bữa ăn hôm đó rất tuyệt.
(Còn tiếp)
 
Kỳ 3: Sự sụp đổ nhanh chóng của Sparta
Other News