Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Trích đọc TRẦN BẠCH ĐẰNG DU KÝ - Kỳ 2: Ghi chép về một cảm giác
Update Date: 04/16/2008

 
 

Đây là lần đầu tôi đặt chân đến Varsawa, thủ đô nước Cộng hòa nhân dân Ba Lan. Đương nhiên, tôi không phải là người Việt Nam đầu tiên đến đất nước này và cũng không phải tôi vừa mới nghe tên tuổi của đất nước Ba Lan.

Rất lâu rồi, khi còn là học sinh, tôi đọc một quyển sách của một tác giả Việt Nam sưu tầm các tài liệu của phương Tây viết về một nước Ba Lan mà lúc ấy, tôi cảm thấy vừa xa xôi vừa gần gũi. Xa xôi vì dòng sông Vistule nào đó có mùa đóng băng rất khó hình dung đối với miền nhiệt đới chúng ta. Gần gũi vì số phận đau thương bị xâu xé liên miên của các thế lực hung bạo bên ngoài mà tôi tìm được mẫu số chung hình như tương ứng với chính đất nước chúng ta. Tác giả quyển sách – bây giờ thì tôi quên tên rồi – ví Ba Lan như một thiếu nữ đẹp mê hồn, ngon như quả táo vừa chín, đứng giữa bầy sói… Những nhà cách mạng Việt Nam có xu hướng dân tộc đã lấy cuộc đấu tranh giành độc lập của Ba Lan trong hơn 120 năm chống ách Áo, Phổ và Sa hoàng làm tấm gương lớn và coi năm 1918 của Ba Lan là một mục tiêu có sức hấp dẫn hiện thực.

Và, giống mọi học sinh phổ thông trên trái đất, tôi nghe nói đến thiên tài Kopecnic và Chopin. Lúc đó, tôi chưa biết Ta-đơi Kócxiukô, Ađam Mickiêvich…

Vốn liếng tri thức của tôi về Ba Lan tích lũy thêm đôi chút khi sự kiện tranh chấp cảng Danzig – nay là Gờ đan – xảy ra và Hitler tấn công Ba Lan…

Nước Ba Lan bận những việc sống còn của mình, riêng tôi phải lao vào cuộc chiến đấu giành tự do của cả dân tộc chúng ta, cho nên tôi chỉ gặp lại Ba Lan trong chiến khu khi các bạn đã trở thành nước cộng hòa nhân dân. Lần gặp lại, đối với chúng tôi, Ba Lan đã là một sức mạnh tinh thần mới trong dây chuyền hệ thống các quốc gia xã hội chủ nghĩa mà cuộc kháng chiến Việt Nam tự hào và tin cậy.

Năm 1954, chiếc Kilinski cùng với chiếc Arkhagelsk của Liên Xô đến vùng biển Việt Nam giúp chúng ta chuyển quân từ miền Nam ra miền Bắc. Hẳn là đồng chí thuyền trưởng cùng thủy thủ chiếc tàu mang tên một nhân vật Ba Lan nổi tiếng ấy không thể nhớ mặt hết những người từng ở mấy ngày trên tàu giữa sóng gió Thái Bình Dương càng không thể biết rằng ai trong đó, sáu năm sau, trở lại chiến trường đánh Mỹ, mang ba lô lội bộ vượt những chóp núi của dãy Trường Sơn với thời gian dài gấp trăm lần của chiếc Kilinski từ mũi Cà Mau ra bãi Sầm Sơn. Chưa ai tìm tôi, nhưng chắc chắn có những người nhờ chuyến tập kết trên tàu Kilinski mà chịu đựng được sóng gió của hai mươi năm đánh Mỹ và, nếu còn sống, huân chương đỏ ngực. Cũng có thể có một em bé Việt Nam ra đời ngay trên sàn tàu Kilinski và biết đâu hiện nay đang học một môn khoa học nào đó ngay trên đất nước Ba Lan này.

Về phần tôi, tôi gắn bó với Ba Lan chắc chắn nhất vào thời gian mà đất nước chúng ta sống trong nỗi đau thương cùng cực. Từ chiến khu, tôi trở lại thành phố Sài Gòn, nơi Đảng bố trí tôi làm việc sau Hiệp nghị Genève giữa bốn bề là Mỹ và tay sai, tôi tìm đôi phần an ủi mỗi khi đi lại trên mấy con đường đóng trụ sở và nơi ăn nghỉ của đoàn đại biểu Ba Lan trong Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát đình chiến theo Hiệp nghị Genève về Đông Dương. Ngọn cờ Ba Lan – trên những ngôi nhà và trên những chiếc xe ít ỏi trong thành phố Sài Gòn khá rộng – bỗng nhiên là chỗ dựa mà chúng tôi đinh ninh có thể chia sẻ với mình trong mọi gian nan. Cho nên, khi phái đoàn Ba Lan bị hành hung – một nhúm lưu manh, do bọn mật vụ điều khiển tấn công vào nơi ở của các đồng chí – chúng tôi hồi hộp theo dõi và cảm giác chính cái gì của chúng tôi đang bị ngược đãi.

 

 
 
(Trích "Trần Bạch Đằng du ký'')
 
Kỳ 2: Ghi chép ở Nicaragua
 
Other News