Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

ĐẠO KINH DOANH CỦA NGƯỜI VIỆT
Update Date: 10/13/2008

 
 

Cách đây ngót một thế kỷ, Lương Văn Can khẳng định: nhà buôn cần có đủ thương đức thương tài mới cạnh tranh được với tư bản thế giới. “Thương đức, thương tài” – bốn chữ đó đã gói trọn một triết lý về đạo kinh doanh mà cụ Cử Can muốn cùng chia sẻ với những người trong thương giới. Và có thể nói, Lương Văn Can chính là người đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng Đạo kinh doanh cho người Việt.

Mỗi nghề đều có một cái “Đạo”, hay nói cách khác là một triết lý riêng cho nghề. Làm nghề buôn bán, ấy là nghề làm giàu không chỉ cho bản thân mà cho cả xã hội. Nghề buôn bán trong buổi đầu được cổ súy, cũng rất cần có một cái Đạo. Vào buổi đầu manh nha ấy, thương giới Việt quả là đang mò mẫm để hình thành nên những quy tắc hành xử - cái “Đạo” chung - cho nghề này.
 
Trong dòng chảy của lịch sử, Lương Văn Can được coi như người thầy đầu tiên của giới doanh thương. Cụ không chỉ gắn bó với thương giới trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục khi cùng các chí sĩ soạn sách cổ vũ nghề buôn mà trong thời gian đi đày ở Nam Vang, cụ vẫn sưu tầm, học hỏi thêm về kinh nghiệm buôn bán của các nước tiên tiến, tích lũy những kiến thức về đạo kinh doanh của thế giới để rút ra một cái “đạo” kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh của người Việt. Sự buôn bán thành công của cụ Lương cũng như một dịp để cụ thực hành những gì mà cụ đã chiêm nghiệm về nghề buôn.
 
 

Mặc dù Lương Văn Can chưa từng gọi thẳng những điều mình viết ra cho thương giới bằng ba chữ “đạo kinh doanh” song với những người kinh doanh buôn bán thời thuộc địa, và chúng ta ngày nay nhìn lại có thể hiểu đó chính là cái Đạo, là những triết lý của nghề buôn, nghề kinh doanh. Và cũng có thể nói, Lương Văn Can là một nhà kinh doanh thành công nhờ có “đạo” đồng thời là một trí thức yêu nước, một nhà giáo, nên cụ cảm thấy cần phải có trách nhiệm sẻ chia cái “đạo” này đến với rộng rãi những người làm nghề kinh doanh.

Phải hiểu được ý nghĩa của việc kinh doanh

Không ít người kinh doanh nhưng thực chất vẫn chưa hiểu thấu đáo ý nghĩa của công việc mà mình đang làm, không hiểu thực chất cái “nghề” mình đang “hành”, hoặc hiểu một cách sai lệch. Đó là lý do có nhiều bất cập trong “nghề buôn” ở nước ta. Kinh doanh nhất quyết không phải là việc kiếm lời một cách bất chính, chộp giật, lường gạt như quan niệm xưa. Mà “Hai chữ kinh doanh phải xem xét cho biết nghĩa rộng nhớn, như người nông phu cày ruộng, người đàn bà dệt cửi, người buôn đi, người buôn ngồi, việc gì cũng là kinh doanh cả, cốt phải lòng công đạo công, nhưng của gì có lợi cho mình theo lẽ tự nhiên, thời không có lòng nghĩ càn mà không đến nỗi phải mạo hiểm, đến như người chứa gạo mà mong giá gạo đắt, chứa vải mà mong giá vải cao, thời là cái lòng không bình, như người mua thừa mà bán thiếu, làm của giả để đánh tráo với của thật thời là cái đạo không công, không bình không công đều bởi tại lòng tham quá nặng, xét kỹ ra giàu nghèo có số vị tất đã được như ý ngay. Kìa những người luống sinh bụng dạ khắc bạc dẫu được lợi đến giầu, nhưng mà đạo giời cho phúc người thiện bắt vạ người dâm, mà chắc mình đã được hưởng lợi, đời có người buôn bán khởi gia mà con cháu chẳng được hưởng phúc đầy, thực bởi vì thế vậy.”
 
Như vậy, Lương Văn Can khẳng định buôn bán là một nghề lương thiện và chân chính – đó là một nguyên tắc, một cái đạo cao nhất của nghề kinh doanh. Cụ cử Lương cực lực lên án những kẻ gian dối trong kinh doanh “bán gạo mà đổ thêm nước vào, bán muối mà trộn thêm vôi vào, bán sơn mà trộn thêm dầu vào, bán thuốc mà đổi thứ khác vào” – đó là cách kiếm lời không bền, có hại cho xã hội và sớm muộn sẽ bị loại bỏ khỏi thương trường.
 
Lương Văn Can cũng bày tỏ quan điểm không được coi đồng tiền làm mục đích duy nhất trong kinh doanh: vì nếu tham lợi sẽ nảy sinh những mánh trá, gây thiệt hại tới người tiêu dùng và lâu dài thì đó là hành động hủy diệt chính mình. Trong việc buôn bán, không phải bao giờ cũng chăm chắm vào mối lợi cho mình mà phải biết nghĩ đến cái lợi cho người.
 
Cụ viết: “Việc gì có ích cho người mà không tổn đến mình thời nên vui lòng mà làm, việc gì có ích cho người dẫu hơi tổn đến mình cũng nên miễn cưỡng mà làm, việc gì có tổn đến mình mà không ích cho người thì quyết không nên làm, việc gì không ích cho mình mà có tổn đến người lại không nên làm lắm.” Cũng từ quan điểm này, Lương Văn Can khái quát nên những “điều cấm” đối với người làm kinh doanh: “Việc gì trái cái bụng lương tâm mình thì không nên làm, việc gì trái công lý thì không nên làm, việc gì hại người thì không nên làm, việc gây nên ác nghiệp thì không nên làm.”
 

Như vậy, kinh doanh không chỉ là thu về nguồn lợi cho cá nhân mà còn là đem lại những lợi ích cho cộng đồng, xã hội. Những quan điểm về nghề kinh doanh của cụ có thể khái quát thành một cái Đạo: Kinh doanh chính là phụng sự xã hội.”

 
(Trích trong quyển: LƯƠNG VĂN CAN
- XÂY DỰNG ĐẠO KINH DOANH CHO NGƯỜI VIỆT
- Tác giả: Nguyễn Hồng Dung và các chuyên gia của PACE, NXB Trẻ, 2007)
Other News