Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

Giáo sư Trịnh Xuân Thuận: Vũ trụ là thách thức với các nhà khoa học
Update Date: 07/18/2016

Với chủ đề "Con đường đến vũ trụ", diễn ra sáng 13/7 tại Đại học Bách Khoa TP.HCM, hơn 1000 bạn đọc đã đến tham dự buổi trò chuyện với Giáo sư Trịnh Xuân Thuận và các nhà khoa học, dịch giả nổi tiếng của tủ sách Khoa học - Khám phá

Niềm say mê với vật lý thiên văn

Trao đổi tại chương trình, GS Trịnh Xuân Thuận đã tiết lộ cơ duyên đưa ông đến với vật lý thiên văn. Say mê đọc sách từ khi còn nhỏ, ông đã có cơ hội được tiếp cận với các tác phẩm của nhà vật lý nổi tiếng thế giới Albert Einstein. Từ đó, ông như thấy một chân trời mới của khoa học, mở ra trong ông niềm đam mê lớn lao. Sau này, khi có cơ hội học tập ở nước ngoài, ông đã tiếp xúc với nhà vật lý người Mỹ nổi tiếng Richard Feyman, là thần tượng và đồng thời cũng là thầy giáo của ông.

Chính niềm say mê được khám phá những điều mới lạ, sự cố gắng tìm tòi tri thức đã khiến ông đeo đuổi lĩnh vực này suốt gần 40 năm. Ông chia sẻ: “Cho đến nay, dù đã làm nhà vật lý thiên văn được 40 năm nhưng tôi vẫn không hối hận gì. Vũ trụ là một thách thức lớn đối với các nhà khoa học, vì càng tìm hiểu về nó chúng ta càng thấy nó bí ẩn. Nếu như biết tất cả câu trả lời, thì không còn gì là thú vị nữa”.

Nhà vật lý y học, nhà báo Vũ Công Lập đã đặt ra vấn đề vũ trụ bao la như vậy, kì bí như vậy thì con người có mối liên hệ như thế nào với vũ trụ. Con người nằm ở đâu trong vũ trụ rộng lớn đó. GS Trịnh Xuân Thuận đã có những chia sẻ gần gũi rằng “Con người chính là con cháu, anh em của các ngôi sao”. Vũ trụ và các vì tinh tú được tạo ra từ sự chính xác ngẫu nhiên của các hàm số vật lý và con người cũng vậy. Con người không thể tách khỏi mối quan hệ tổng hòa với vũ trụ.

Truyền tình yêu khoa học đến giới trẻ

GSTrịnh Xuân Thuận cũng bày tỏ mối quan tâm đến việc giáo dục trong lĩnh vực vật lý thiên văn tại Việt Nam. Ông cho rằng, ngành này ở nước ta chưa phát triển và không được đầu tư đúng mức. Giáo sư bày tỏ quan điểm khoa học cơ bản là nền tảng của khoa học hiện đại, vì vậy các trường đại học nên chú trọng vào các môn học này. Ông cũng khuyến khích các bạn trẻ tìm hiểu và tiếp cận các cơ hội để học tập ở nước ngoài để nuôi dưỡng tình yêu thiên văn của bản thân.

Dịch giả, nhà khoa học Phạm Văn Thiều, người đã được ủy quyền dịch toàn bộ sách của GS Trịnh Xuân Thuận cho biết những người trẻ yêu thích vấn đề dịch thuật có thể rèn luyện ngay từ bây giờ. Không chỉ cần có vốn ngoại ngữ, dịch sách khoa học cần nền kiến thức vững chắc để thấu hiểu những gì nhà khoa học gửi gắm trong tác phẩm.

Nhân dịp này dịch giả, nhà khoa học Phạm Văn Thiều và Nguyễn Văn Liễn đã giới thiệu đến các độc giả tủ sách Khoa học – Khám phá của NXB Trẻ. Tủ sách là tâm huyết của các dịch giả, tuyển dịch các sách khoa học nổi tiếng được ưa chuộng ở nước ngoài phổ biến cho bạn đọc Việt Nam.

Những cuốn sách với nhiều chủ đề khác nhau như vật lý, sức khỏe, kỹ thuật,… của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới là nguồn kiến thức quý giá cho những người đam mê tìm hiểu khám phá. Những tựa sách như Cuộc chiến lỗ đen, Định lý cuối cùng của Fermat, Liệu IT đã hết thời?,… đã được tái bản nhiều lần, chứng tỏ sức hút mãnh liệt với độc giả.

Những chia sẻ của các diễn giả trong chương trình đã truyền cảm hứng cho giới trẻ về niềm say mê và sự theo đuổi đến tận cùng đối với khoa học. Một bạn đọc hâm mộ những tác phẩm của giáo sư đã chia sẻ: “Buổi gặp gỡ đã tiếp thêm sức mạnh và ham muốn để tiếp tục ước mơ tìm hiểu thiên văn của mình”. Nhiều bạn trẻ ra về với tâm trạng phấn khởi khi được giao lưu trực tiếp và sở hữu những quyển sách của các nhà khoa học mà mình hằng hân mộ.

                                                                                                TRÚC ANH

Other News