Thật là một ý định táo bạo khi tác giả Cynthia S Brown kể lại cho chúng ta toàn bộ lịch sử thế giới từ khi vũ trụ hình thành tới nay! Và bà đã làm được điều đó chỉ trong một cuốn sách hơn 300 trang.
Lâu nay trên thế giới, vẫn có một dòng sách tóm lược kiến thức của những môn khoa học phức tạp theo hướng đơn giản, dễ hiểu để quần chúng có thể tiếp thu một cách nhanh chóng nhất. Nhiều cuốn đã trở thành best-seller, thành sách kinh điển, như Economics in One Lesson của Henry Hazlitt (đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, Hiểu kinh tế qua một bài học), hay A Brief History of Time (lược sử thời gian) của Stephen Hawking.
Nhưng kể lại toàn bộ lịch sử thế giới - hay nói chính xác hơn, của vũ trụ và trong đó có hành tinh của chúng ta - trong một cuốn sách “quần chúng” thì thật là tham vọng.
Tuy nhiên, cũng như vũ trụ đã bùng phát từ một điểm nhỏ như nguyên tử, “trong đó tất cả vật chất, năng lượng, không gian và thời gian được dồn nén đậm đặc ngoài sức tưởng tượng”, lịch sử của từ vụ nổ lớn tới hiện tại (mà tác giả gọi là “đại sử” - big history) cũng được Cynthia S.Brown dồn nén lại trong một cuốn sách mỏng.
Vũ trụ thích những điều “cực đoan”, và có lẽ vị giáo sư của ĐH Dominican,
Dễ hiểu đến bất ngờ
Cuốn sách tổng hợp, “thâu tóm” kiến thức của nhiều ngành khác nhau, từ thiên văn học cho tới vật lý lượng tử, từ sinh học cho tới địa chất học, khảo cổ học, nhân chủng học, và dĩ nhiên là cả địa lý, lịch sử chính trị - xã hội và lịch sử văn minh nữa.
Thế nhưng bạn đọc không phải sợ nhức đầu hay cần “nạp” trước một lượng kiến thức cơ bản nào đó để có thể đọc Đại Sử. Bởi vì cuốn sách được viết với một thứ ngôn ngữ mà chúng ta chỉ có thể đánh giá rằng: Không thể dễ hiểu hơn. Không thể rõ ràng hơn.
Chẳng hạn, phần nội dung có thể nói là khó hiểu nhất của cuốn sách, tức phần mô tả về sự khởi đầu của vũ trụ, đã được tác giả “dồn nén” lại trong một đoạn văn đơn giản sau đây:
“Vũ trụ bùng phát từ một điểm duy nhất, có lẽ bằng kích thước của một nguyên tử, trong đó tất cả vật chất, năng lượng, không gian và thời gian được dồn nén đậm đặc ngoài sức tưởng tượng. Không gian đang bị nén lan ra như sóng thủy triều, trải rộng về mọi phía và nguội dần, mang theo vật chất và năng lượng cho tới tận ngày nay…
Sự bùng phát này diễn ra ở đâu? Mọi nơi, kể cả nơi mỗi chúng ta đang tồn tại. Lúc ban đầu, mọi điểm mà chúng ta thấy phân cách hiện nay đều khởi nguồn từ một nơi”.
Không thể dễ hiểu hơn, và ngôn ngữ của cuốn sách ở nhiều đoạn còn đẹp nữa. Viết về vũ trụ nhưng chương sách không đầy ắp những con số với dài dằng dặc số 0, hoặc số mũ li ti, chằng chịt đủ làm người đọc “bình thường” khiếp vía. Ngược lại, bạn đọc sẽ bắt gặp ở đây những dòng văn đẹp như thơ:
“Không gian giãn nở và nhiệt độ tiếp tục giảm xuống. Vũ trụ là một điệu nhảy lấp lánh của cái chết và sự tái sinh, đổ nát và thanh lịch, bạo lực và tàn phá khủng khiếp song hành với cái đẹp và sự sáng tạo mê hồn”.
Bạn có thể sẽ phải thốt lên: Giá như mọi cuốn sách khoa học, lịch sử, đều được viết rõ ràng, dễ hiểu và đẹp như vậy.
Đại Sử có những chương đầy hình ảnh, đến mức tạo cho độc giả cảm tưởng như đang được thưởng thức một bộ phim tài liệu hết sức sống động - thật sự là một phong cách kể chuyện như chiếu phim, “24 hình/giây”:
“Trong vùng rừng nóng ẩm nhiệt đới và đồng cỏ savan ẩm ướt hạ Sahara, người ta phải đội mọi loại hàng hóa đem đi trao đổi trên đầu. Không loại súc vật thồ nào sống sót được ở đây. Trước thực tế này, những loại hàng nhẹ nhất, quý nhất, đặc biệt là vàng, là phù hợp nhất. Ghana ở Tây Phi và Zimbabwe ở Đông Phi là hai vương quốc nổi lên trước năm 1000, sống dựa vào kinh doanh vàng”.
Ở đây, ta cũng cần lưu ý một đặc điểm quan trọng trong nghệ thuật viết sách kể chuyện lịch sử nói chung, đó là sử không phải là văn học hư cấu. Viết hay và thu hút không có nghĩa là… bịa! Tác giả Cynthia S.Brown đã làm được cái việc khá khó khăn cho các nhà sử học, là kết hợp sự hấp dẫn và sự thật lịch sử, bởi vì bên cạnh tài ngôn ngữ, khả năng hệ thống hóa của bà, ta còn đọc thấy trong cuốn sách sự phân tích hợp lý, logic mà các sử gia tùy tiện không có được hoặc đã vứt bỏ mất.
Hấp dẫn từng centimet!
Tất nhiên đó là cách nói phóng đại. Tuy vậy, đến đây chúng ta lại cần phải tiếp tục thừa nhận với nhau một yêu cầu đặt ra trong khoa học và nghệ thuật viết sử cho phổ thông quần chúng: Có thể hiểu nôm na, sử ghi lại một chuỗi sự kiện, sử là cái tổng thể. Nhưng nếu viết sách lịch sử cho độc giả bình thường đọc mà người viết chỉ liệt kê sự kiện, trình bày cái tổng thể, thì độc giả sẽ rất khó tiếp nhận (một cách hào hứng).
Nói cách khác, điều làm nên cái hay của những cuốn sách sử là các chi tiết, các mẩu chuyện nhỏ, chứ không phải cái tổng thể hay chuỗi sự kiện dài dằng dặc được mô tả đều đều, tỉ mỉ và chán ngắt. Gấp một cuốn sách sử lại, người đọc sẽ nhớ nhất là những chi tiết, những thông tin khiến họ cảm thấy thú vị, thay vì nhớ những mốc thời gian, tên tuổi, địa điểm, biến cố lớn.
Đó có lẽ là điều nhiều cuốn sách sử của chúng ta bỏ quên. Đại Sử của Cynthia S.Brown, ngược lại, đầy ắp những chi tiết thu hút đủ để xui khiến ta nói rằng nó “hấp dẫn từng centimet”. Ví dụ, bạn có bao giờ tự hỏi vàng ở đâu mà ra? Câu trả lời của Cynthia S.Brown thật đơn giản (và đó là một trong vô số thông tin hấp dẫn mà cuốn Đại Sử này cung cấp cho bạn):
“Mỗi mạt vàng trên hành tinh này đều có nguồn gốc từ các ngôi sao khổng lồ bùng nổ trước khi mặt trời xuất hiện. Vàng ở trong chiếc nhẫn trên tay bạn đã trên 4,5 tỉ năm tuổi. Do đó, những vụ sao nổ đã tạo ra những nguyên tố góp phần hình thành cuộc sống trên Trái đất. Trên thực tế, bản thân chúng ta cũng do bụi vũ trụ tạo thành”.
Hoặc một ví dụ khác về sự khác biệt giữa châu Âu và châu Á phong kiến:
“Ở châu Âu [thời Trung cổ], một người bình thường có thể mua súng (quyền lực) lẫn sách (kiến thức). Chính quyền không thể kiểm soát những thay đổi hoặc quá trình thương mại hóa liên tục trong xã hội. Điều này là điểm khác biệt giữa châu Âu Latin và các xã hội khác ở lục địa Á Âu, nơi chính quyền với khả năng kiểm soát mạnh hơn gần như có thể ép buộc người dân hoạt động và cư xử theo các khuôn mẫu truyền thống.
Ví dụ ở Nhật Bản, việc sản xuất súng bị hạn chế và sau năm 1637, các samurai thống trị đã ra lệnh không dùng súng vì coi nó không xứng với một người quân tử”.
Cấu trúc của Đại Sử làm nên sự mạch lạc, tính hệ thống của mạch chuyện lịch sử mà nó kể. Chi tiết làm nên sự hấp dẫn của nó.
Cuốn sách lịch sử này cũng có cả tính thời sự, ở khía cạnh nó cung cấp cho người đọc một phần gọi là “Những câu hỏi còn chưa được giải đáp” ở sau mỗi mục kiến thức. Đó là phần nêu rõ những vấn đề mà khoa học còn chưa có lời giải thích hay câu trả lời hợp lý cuối cùng, ví dụ như trước vụ nổ lớn là cái gì, hay tại sao Trung Quốc không duy trì được vai trò dẫn đầu thế giới sau những giai đoạn phát triển cực thịnh trong thời phong kiến?
Những câu hỏi ấy hiện vẫn còn là đề tài nghiên cứu của giới khoa học, và chúng cũng được bỏ ngỏ để một độc giả nào đó của Đại Sử trả lời. Bởi vì cuốn sách hoàn toàn có thể khuyến khích những độc giả trẻ yêu thích nó trở thành nhà khoa học tiềm năng.
Để kết luận, xin mượn lời David Christian, GS Lịch sử thế giới, ĐH San Diego, nói về Đại Sử: Đó là cuốn sách “liên kết những câu chuyện của vũ trụ, trái đất và loài người với nhau một cách thông minh, đơn giản và thanh thoát”. Trong thời buổi mà ai cũng bận rộn, thiếu thì giờ như hiện nay, Đại Sử là một cuốn sách mà bạn rất nên đọc nếu muốn nhanh chóng có những hiểu biết căn bản về lịch sử vũ trụ và thế giới. Bạn sẽ không cảm thấy phí thời gian.
Hoàng Thư
Nguồn: tuanvietnam.net, 5/12/2009