Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

NÓNG, PHẲNG, CHẬT: Nơi chim trời không bay qua - Phần 3
Update Date: 06/08/2009

Nước Mỹ còn phải giành nhiều thắng lợi khác hơn là chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố. Chúng ta phải đóng góp nhiều hơn thế. Nhưng những thay đổi trong nền chính trị và tinh thần đất nước này suốt ba thập kỷ qua chứ không chỉ sau sự kiện 11/9 đã làm rạn nứt trọng tâm hành động và chia rẽ ý chí chung. Với tư cách là một quốc gia, có vẻ người Mỹ ít suy nghĩ về lợi ích của cả đất nước, về không gian chung và về dài hạn. Ý nghĩ “đến đâu hay đến đó” hiện vẫn đang phổ biến.

Để thấy rõ nước Mỹ đang thiếu một mục tiêu trọng tâm dài hạn trước một thách thức lớn, tôi thấy không có minh chứng nào hay hơn là cách thức đối phó với khủng hoảng năng lượng của chúng ta. Trước hành vi cắt giảm cung dầu mỏ của các nước Ả Rập năm 1973-1974, các quốc gia châu Âu và Nhật đã hành động bằng cách tăng thuế xăng dầu. Đặc biệt Nhật còn phát động một phong trào rất lớn về sử dụng năng lượng hiệu quả. Pháp đã đầu tư đặc biệt mạnh mẽ vào năng lượng hạt nhân với một dự án cấp nhà nước, kết quả là ngày nay 78% nguồn cung cấp điện của nước này là từ các nhà máy điện hạt nhân, và phần lớn rác thải được tái xử lý và chuyển thành năng lượng. Ngay cả Brazil, một quốc gia đang phát triển, cũng có một chương trình quốc gia để sản xuất ethanol từ mía, qua đó nền kinh tế của họ ngày càng ít phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu. Hiện tại, với sản lượng dầu trong nước và ngành công nghiệp ethanol, Brazil không còn phải nhập dầu thô nữa.

Phản ứng đầu tiên của nước Mỹ cũng khá mạnh mẽ. Nhờ sự thúc đẩy của các tổng thống Gerald Ford và Jimmy Carter, Mỹ đã áp dụng tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu cao hơn cho xe hơi và xe tải. Năm 1975, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Chính sách và Bảo tồn Năng lượng, trong đó quy định tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu trung bình chung (CAFE) và đề ra lộ trình tăng dần mức tiêu chuẩn này lên gấp đôi cho xe sản xuất mới trong vòng 10 năm tiếp theo, lên 11,69 km/lít.

Đương nhiên, chính sách này đã có hiệu quả. Từ năm 1975 đến 1985, mức tiêu thụ nhiên liệu của các loại xe chở khách Mỹ tăng từ 5,74 km/lít lên 11,69 km/lít, còn đối với xe tải nhẹ, con số này tăng từ 4,93 km/lít lên 8,29 km/lít – nhờ đó đã góp phần tạo nên tình trạng dư thừa dầu mỏ trên toàn cầu suốt từ giữa thập kỷ 80 đến giữa thập kỷ 90, kết quả là không chỉ các quốc gia OPEC bị suy yếu mà còn là một phần nguyên nhân khiến cho Liên Xô, sau này là nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, bị tan rã.

Cái gì xảy ra tiếp đó? Nước Mỹ có giữ được trọng tâm hành động trong dài hạn không? Không hề. Sau khi quy định bắt buộc tiêu chuẩn 11,69 km/lít có hiệu lực năm 1985, thay vì tiếp tục nâng cao tiêu chuẩn để giảm bớt phụ thuộc vào dầu nhập khẩu, Tổng thống Reagan lại hạ nó xuống mức 11,05 km/lít vào năm 1986. Reagan còn cắt giảm ngân sách của hầu hết các chương trình năng lượng thay thế của Tổng thống Carter, đặc biệt là Viện Nghiên cứu Năng lượng mặt trời và bốn trung tâm vùng trực thuộc lúc đó vừa bắt đầu đi vào hoạt động tốt. Nhà Trắng dưới thời Reagan và Quốc hội do đảng Dân chủ kiểm soát cũng hợp tác với nhau, bãi bỏ chính sách ưu đãi thuế cho các công ty mới thành lập trong lĩnh vực năng lượng gió và mặt trời. Kết quả là một vài công ty trong số này cùng với công nghệ do người dân Mỹ đóng thuế để thành lập, cuối cùng lại bị các công ty Nhật Bản và châu Âu mua lại để đẩy mạnh nền công nghiệp tái tạo của họ. Thậm chí Reagan còn cho dỡ bỏ thiết bị pin năng lượng mặt trời mà Carter đã lắp đặt trên mái Nhà Trắng. Sau này bộ pin mặt trời được chuyển về một trường đại học ở Maine và cuối cùng bị đem bán trong một phiên đấu giá trên mạng cho những người thích sưu tầm kỷ vật lịch sử. Bản tin của hãng thông tấn AP (ngày 28/10/2004) về phiên đấu giá này cho biết: “Bộ pin mặt trời 32 tấm này đã từng được đặt trên mái phủ tổng thống suốt thời kỳ đất nước quay cuồng trong cuộc chiến tiết kiệm năng lượng. Theo Hội Lịch sử Nhà Trắng, sau khi kêu gọi một chiến dịch quốc gia về tiết kiệm năng lượng, Tổng thống Jimmy Carter đã cho lắp bộ pin này vào năm 1979 để làm gương cho cả nước. Hệ thống pin mặt trời được lắp trên mái khu phòng phía Tây, nhưng đến năm 1986, dưới thời Ronald Reagan, chúng đã bị tháo dỡ sau khi cuộc khủng hoảng năng lượng và mối quan ngại về sự phụ thuộc vào dầu mỏ nhập khẩu lắng xuống”.

Khi rút lại tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu, rõ ràng Reagan nghĩ rằng ông đã đem lại cho ngành dầu mỏ và chế tạo ô tô trong nước một thời kỳ phát triển vượt bậc (nhưng thật ra sau đó đã rơi vào suy thoái). Kết quả: Chúng ta nhanh chóng quay lại phụ thuộc nặng nề vào dầu nhập khẩu. Chính phủ của Reagan đã góp phần làm Liên Xô tan rã, nhưng họ cũng đồng thời góp phần làm nước Mỹ ngày nay phụ thuộc vào Saudi Arabia.

Chính quyền của Reagan thực sự là một bước ngoặt lịch sử về môi trường. Chúng ta đã quên, vì nó xảy ra khá lâu rồi, rằng từng có thời ở Washington hai đảng khá hòa thuận với nhau khi nói đến vấn đề môi trường. Chính một tổng thống Cộng hòa, Richard Nixon, đã đặt bút ký ban hành những đạo luật môi trường quan trọng đầu tiên cho nước Mỹ để giải quyết những vấn đề môi trường đầu tiên – ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước và rác thải độc hại. Nhưng Reagan đã thay đổi chúng. Reagan không chỉ đi ngược lại chính phủ nói chung mà còn làm trái với các quy định môi trường nói riêng. Chính ông và bộ trưởng nội vụ1 của ông, James Watt, đã đưa các quy định môi trường đi theo hướng thiên lệch đảng phái hơn, trở thành một vấn đề có quan điểm chia rẽ hơn bao giờ hết. Và cho đến hiện tại vẫn như vậy. Chỉ có duy nhất một ngoại lệ đáng chú ý: Chính nhóm công tác của Bộ trưởng Ngoại giao George P. Shultz đã nhiệt tình đàm phán Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ozone2 – một thỏa thuận quốc tế mang tính bước ngoặt nhằm bảo vệ tầng ozone nằm ở tầng bình lưu, lớp bảo vệ trái đất khỏi tia cực tím UV-B.

Đến năm 1989, chính phủ của Bush cha ít nhất cũng đã đưa mức tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu về mức ngang với năm 1985 là 11,69 km/lít. Họ cũng đã thông qua những cải cách quan trọng trong việc xây dựng tiêu chuẩn nhiên liệu và tiêu chuẩn mới cho đồ dùng và thiết bị, đề xuất chính sách ưu đãi thuế sản xuất cho ngành năng lượng tái tạo, nâng cấp Viện Nghiên cứu năng lượng mặt trời lên cấp quốc gia, thành Trung tâm Thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo. Nhưng ngay khi Bush đuổi Saddam Hussein khỏi Kuwait và giá dầu giảm xuống, ông ta không có chiến lược gì hơn để giải phóng nước Mỹ khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ ở Trung Đông.

Khi chính phủ Clinton lên nắm quyền, họ đã xem xét nâng tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu lên cao hơn nữa, nhưng chỉ áp dụng cho xe tải nhẹ. Nhưng để ngăn chuyện đó xảy ra, Quốc hội, với sự thúc giục của đoàn nghị sỹ bang Michigan – một nhóm hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của ba công ty sản xuất ô tô hàng đầu1 và Công đoàn công nhân ngành ô tô – đã thực sự lừa dối, bịt mắt chính phủ khi chính phủ định nâng cao tiêu chuẩn. Cụ thể là Quốc hội đã đưa thêm điều khoản bổ sung chi tiêu vào ngân sách chi tiêu dành cho Bộ Giao thông Vận tải suốt từ 1996 đến 2001, qua đó cấm Ủy ban quốc gia về An toàn giao thông đường cao tốc (NHTSA) được sử dụng các quỹ này để đưa ra các quy định nâng cao tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu cho xe tải và ô tô – kết quả là quá trình xây dựng quy định hoàn toàn bị đình lại. Quốc hội đã thành công khi cấm NHTSA có bất cứ động thái nào nhằm nâng cao tiêu chuẩn cho ô tô sản xuất tại Mỹ!

Do đó, tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu vẫn giữ nguyên cho đến năm 2003, sau đó chính phủ Bush con có tăng chút ít tiêu chuẩn áp dụng cho xe tải nhẹ. Năm 2003, ngay cả Trung Quốc cũng đi trước Mỹ trong vấn đề này khi họ tuyên bố tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu “của các loại xe sản xuất vào năm 2005, gồm ô tô, xe tải và xe thể thao [Trung Quốc] phải cao hơn tiêu chuẩn của Mỹ ít nhất 0,85 km/lít nhiên liệu, còn với các xe sản xuất năm 2008 thì sẽ cao hơn khoảng 2,13 km/lít nhiên liệu” (báo New York Times ngày 18/11/2003). Mãi tận đến cuối năm 2007, 32 năm sau khi Quốc hội nâng mức tiêu chuẩn lên 11,69 km/lít, nước Mỹ mới có hành động tiếp theo. Lần này tiêu chuẩn của Mỹ được nâng lên 14,88 km/lít vào năm 2020, xấp xỉ tiêu chuẩn đang được châu Âu và Nhật áp dụng hiện nay. Còn những mười hai năm nữa.

Theo một nghiên cứu của Quỹ Pew thì kết quả của chuỗi hành động vô lý này là ở Mỹ “một xe ô tô hoặc xe tải loại trung bình bán ra vào cuối thập kỷ [1990] chạy được ít hơn 0,43 km/lít nhiên liệu so với 10 năm trước”.

Và tất cả mọi hành động đó đều có ảnh hưởng trực tiếp lên mức tiêu thụ dầu và lên chính sách đối ngoại của Mỹ. Theo Amory Lovins, nhà vật lý thí nghiệm đứng đầu Viện Rocky Mountain, nếu trong thập kỷ 1990, Mỹ tiếp tục duy trì tiết kiệm dầu mỏ như giai đoạn 1976-1985, chủ yếu nhờ áp dụng tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu cao thì đến sau năm 1985 Mỹ đã không cần đến dầu mỏ từ Vùng Vịnh nữa. Theo Lovins, “Reagan thay đổi hoàn toàn tiêu chuẩn CAFE là do có trữ lượng dầu ‘chưa tìm thấy’ trong Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia vùng Bắc cực1. Lượng xăng bị bỏ phí sẽ tương đương với đúng trữ lượng dự tính có ở đó”.

Trong khi đó, một sự cố ở nhà máy điện nguyên tử Three Mile Island năm 1979 đã chấm dứt mọi hy vọng mở rộng ngành năng lượng nguyên tử trong nước. Sau đó ở Detroit người ta tung ra mẫu xe thể thao đa dụng (SUV), đồng thời thành công khi vận động chính phủ xếp nó vào loại xe tải nhẹ để chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn 8,8 km/lít của xe tải thay vì 11,69 km/lít của ô tô. Vì thế cơn nghiện dầu mỏ của chúng ta càng nặng hơn. Khi tôi hỏi Rick Wagoner, chủ tịch kiêm CEO hãng General Motors tại sao công ty không chế tạo những loại xe tiết kiệm nhiên liệu hơn, câu trả lời của ông này rất chuẩn mực: GM chưa bao giờ thuyết phục được người Mỹ nên mua xe gì. “Chúng tôi làm ra những gì thị trường muốn”, ông ta bảo vậy. Nếu mọi người thích xe SUV và xe Hummers thì bạn phải cho họ cái họ muốn.

Nhưng các vị giám đốc ở Detroit chưa bao giờ giải thích với bạn rằng lý do chính khiến người tiêu dùng luôn thích xe SUV và Hummers trong suốt mấy năm đó là vì Detroit và ngành công nghiệp xăng dầu đã vận động Quốc hội không tăng thuế xăng, vì thế thị trường luôn có nhu cầu với những loại xe đặc biệt. Trái lại, chính phủ các nước châu Âu áp thuế xăng rất cao, đánh thuế dựa trên dung tích động cơ, và liên tục duy trì các thuế này. Bạn có thể đoán điều gì xảy ra? Người châu Âu cần loại xe nhỏ và ngày càng nhỏ hơn. Mỹ không đặt mức thuế xăng cao và thuế động cơ, nên người tiêu dùng Mỹ thích loại xe to và ngày càng to hơn. Các tập đoàn dầu lửa và tập đoàn ô tô hàng đầu đã tận dụng khả năng vận động hành lang của họ ở Washington để định hướng nhu cầu thị trường sao cho mọi người thích những loại xe sử dụng nhiều xăng hơn, nhờ đó họ thu được nhiều lợi nhuận hơn. Và Quốc hội không bao giờ ngăn cản họ làm việc đó. Quốc hội đã bị mua đứt rồi.

Đó là những năm tháng tệ hại. Trạm xăng gần nhà bạn bị hai đảng liên minh với nhau vì lợi ích đặc biệt của một số nhóm người chi phối – đảng Dân chủ ủng hộ các công ty ô tô và các công đoàn ngành ô tô, còn đảng Cộng hòa thì hỗ trợ các công ty dầu lửa – trong khi đó những nhóm đại diện cho lợi ích chung của cả quốc gia bị đẩy ra ngoài và bị chế giễu là những kẻ bảo vệ môi trường cực đoan. Đó chính là kiểu “cố tình ngớ ngẩn”. Khi hậu quả lan rộng trong cả xã hội như sau năm 1973, mọi người phải xếp hàng dài để mua xăng thì các nhóm lợi ích đặc biệt ngành ô tô và dầu lửa sẽ buộc phải đứng sang một bên. Nhưng chỉ cần một giây – đúng theo nghĩa đen – khi công luận lơ là, những kẻ vận động hành lang lập tức quay lại phòng chờ của Quốc hội, tiếp tục góp tiền cho các nhóm chính trị và đòi quyền lợi cho mình thay vì quyền lợi cho đất nước. Những thứ tốt cho General Motors không phải lúc nào cũng tốt cho nước Mỹ, nhưng không có nhiều thành viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa nắm giữ vị trí cao lại sẵn lòng lãnh đạo đất nước đi theo một con đường năng lượng khác.

Hãy so sánh với những gì một quốc gia nhỏ ở châu Âu là Đan Mạch đã làm sau năm 1973. “Chúng tôi quyết định phải giảm phụ thuộc vào dầu mỏ”, Connie Hedegaard, bộ trưởng khí hậu và năng lượng Đan Mạch nói với tôi như vậy. “Chúng tôi đã có một cuộc tranh luận lớn về năng lượng hạt nhân, nhưng đến năm 1985 thì chúng tôi quyết định bỏ qua nguồn năng lượng này. Chúng tôi quyết định đi theo hướng sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và tập trung vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi dùng hệ thống thuế để làm giá nhiên liệu tăng lên tương đối cao, [vì thế] mọi người có động lực để hạn chế tiêu dùng và thay đổi cuộc sống theo hướng sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn... Kết quả đạt được đó là nhờ quyết tâm chính trị”.

Giá xăng ở Đan Mạch năm 2008 là khoảng 2,37 dollar/lít. Hơn nữa, Đan Mạch còn có thuế CO2, thuế này được đưa vào thực hiện từ giữa thập niên 1990 để đẩy mạnh hơn nữa việc sử dụng hiệu quả nhiên liệu mặc dù sau đó quốc gia này phát hiện có dầu dưới đáy biển. “Khi bạn nhận được hóa đơn tiền điện, bạn sẽ thấy trong đó có khoản thuế CO­2 [bạn phải nộp]”, bà bộ trưởng giải thích. Bạn đoán chắc những chính sách này sẽ kết liễu nền kinh tế Đan Mạch đúng không? Cho bạn đoán lại lần nữa. “Kể từ năm 1981 đến nay, [quy mô] nền kinh tế của chúng tôi đã tăng lên 70%, trong khi đó mức tiêu thụ nhiên liệu gần như không thay đổi trong suốt những năm đó”, bà bộ trưởng cho biết. Tỷ lệ thất nghiệp khoảng dưới 2% một chút. Và Đan Mạch đã sớm chú trọng vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió, hiện tại hai nguồn này đáp ứng được 16% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong nước và sinh ra cả một ngành xuất khẩu mới.

Bà Hedegaard nói: “Điều này đã tác động tích cực đến công ăn việc làm. Ví dụ, ngành năng lượng gió. Hồi thập niên 1970 nó chưa là gì cả, còn bây giờ, một phần ba số turbine gió trên thế giới là do Đan Mạch sản xuất. Ngành công nghiệp này đã trỗi dậy và đem lại lợi ích cho đất nước. Có được lợi thế đi đầu, [trong khi chúng tôi biết] cả thế giới sẽ phải đi theo hướng đó, sẽ rất có lợi cho chúng tôi”. Hai trong số các nhà sản xuất enzyme chuyển sinh khối thành nhiên liệu có kỹ thuật tiên tiến nhất thế giới, Danisco và Novozymes, cũng của Đan Mạch. “Năm 1973, 99% nhiên liệu chúng tôi sử dụng được nhập từ Trung Đông. Ngày nay tỷ lệ này bằng không”. Vẫn biết Đan Mạch là một đất nước nhỏ, vì thế thay đổi dễ dàng hơn nhiều so với một nền kinh tế khổng lồ như nước Mỹ. Nhưng khó mà lờ đi được con đường Đan Mạch đã theo đuổi khi nhìn vào đất nước này.

Thái độ “cố tình ngớ ngẩn, đến đâu hay đến đó” tiếp tục được khẳng định khi các nhà lãnh đạo của Mỹ nghi ngờ chính chính phủ của họ. Reagan là vị tổng thống đầu tiên trong lịch sử hiện đại đã thực sự đối đầu với chính phủ. Trong những năm Jimmy Carter làm tổng thống, nước Mỹ thất bại trong chiến tranh Việt Nam, chương trình Xã hội vĩ đại không đạt được mục tiêu chấm dứt nghèo đói, sự kiện Watergate bị chỉ trích, nền kinh tế gặp phải siêu lạm phát và đất nước không có mục tiêu địa chính trị. Trước tất cả những vấn đề đó, Reagan lập luận rằng việc chính phủ đặt ra quá nhiều quy định và thuế đã đe dọa lối sống Mỹ, và cần phải giải phóng năng lực kinh tế của đất nước. Rất nhiều chính sách kinh tế của Reagan đã có hiệu quả khi mới đưa ra. Lúc đó chúng ta cần tháo gỡ rào cản cho tài năng, năng lượng và doanh nghiệp vốn đang bị bó hẹp trong nền kinh tế. Nhưng cũng giống mọi thứ tốt đẹp khác trong chính trị, cái gì cũng phải có thời điểm và có giới hạn. Chủ nghĩa Reagan, ra đời trùng với sự sụp đổ của Liên Xô – đối thủ sống còn của Mỹ – đã mở ra một thời kỳ lịch sử, trong đó ngày càng có nhiều quan chức cao cấp lên tiếng chê bai chính phủ và đưa ra những lời hứa hẹn sáo rỗng về sự thịnh vượng. Thị trường luôn luôn đúng. Còn chính phủ thì luôn luôn sai lầm. Và mọi đề xuất chính sách trong đó người dân Mỹ phải thực hiện những việc khó khăn như tiết kiệm hơn, đi loại xe sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn, học tập chăm chỉ hơn hay hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ làm cha làm mẹ đều bị “loại khỏi bàn” nghị sự. Bạn không thể nói lên những cụm từ đó (họ khẳng định như vậy) mà hy vọng có đủ phiếu để ngồi vào những vị trí cao trong chính quyền.

Thế hệ cha mẹ chúng ta hẳn là Thế hệ Vĩ đại1, “vì họ phải đối mặt với những nguy cơ có thật, khủng khiếp, ngay tức thời và không thể trốn tránh – đó là cuộc Đại Khủng hoảng, là chủ nghĩa phát xít, là nguy cơ chiến tranh hạt nhân”, như chuyên gia chính sách đối ngoại Micheal Mandelbaum của trường đại học Johns Hopkins đã nói. “Thế hệ đó sẵn lòng tham gia Chiến tranh Triều Tiên và Chiến tranh Lạnh, chính là vì họ đã trải qua cuộc Đại Khủng hoảng và Thế chiến thứ hai. Họ hiểu mọi việc có thể tồi tệ đến mức nào”.

Robert Hormats, phó chủ tịch Goldman Sachs (International), trong cuốn sách Cái giá của tự do (The Price of Liberty) của ông viết về những gì nước Mỹ đã phải bỏ ra cho chiến tranh kể từ năm 1776 đến nay, đã lưu ý rằng George Washington khi phát biểu kết thúc nhiệm kỳ đã phản đối hành động “đẩy gánh nặng mà lẽ ra chúng ta phải gánh vác sang thế hệ con cháu ”. Nhưng chính chúng ta lại đang làm điều đó và những dấu hiệu xấu bắt đầu xuất hiện. Tôi rất buồn khi cây cầu trên đường cao tốc liên bang I-35W ở Minessota, quê hương tôi, đột nhiên đổ sụp – tôi đã đi qua cây cầu đó hàng trăm lần suốt thời thanh niên. Nhưng mọi chuyện không chỉ có thế. Tháng 3/2008, tôi cùng vợ bay đi Singapore từ sân bay JFK New York. Trong phòng chờ sân bay JFK, chúng tôi gần như không kiếm được chỗ ngồi. Mười tám giờ đồng hồ sau chúng tôi hạ cánh xuống sân bay rộng lớn, cực kỳ hiện đại của Singapore. Ở đây có Internet miễn phí và khu vực chơi cho trẻ em nằm rải rác mọi nơi. Chúng tôi cảm thấy như vừa bay từ thời đồ đá đến thời viễn tưởng1 vậy. Nếu người Mỹ nào cũng có cơ hội so sánh nhà ga trung tâm sang trọng ở Berlin với ga Penn bẩn thỉu, đông đúc khủng khiếp ở New York thì hẳn tất cả đều cam đoan rằng nước Mỹ mới chính là kẻ thua trận trong Thế chiến thứ hai.

Khi nhìn lại Chiến tranh Lạnh, bây giờ chúng ta mới thấy mặc dù có rất nhiều vấn đề, nhưng nó cũng có một ưu điểm lớn: Nó khiến tất cả người Mỹ gắn kết với nhau thành một quốc gia. Nó là một cơ chế chặt chẽ. Người Mỹ biết rằng họ không thể cố tình ngớ ngẩn khi đối mặt với Liên Xô. Nhưng khi mối đe dọa có vẻ lớn lao đó biến mất, “chúng ta không còn bị cạnh tranh nhiều nữa”, và điều đó khiến người Mỹ trở nên lười biếng và tự mãn – Fareed Zakaria, tác giả cuốn Thế giới hậu Mỹ (The Post-American World) đã nói như vậy. Ông ta bổ sung thêm: “Trừ khối kinh tế tư nhân, trong đó các công ty đa quốc gia Mỹ phải cạnh tranh trên toàn cầu, và họ biết cách làm điều đó. Các công ty đa quốc gia đã bước chân vào thế giới mới, họ sống hay chết là do thế giới đó quyết định”. Mối nguy ở đây không phải là nước Mỹ sẽ rơi vào khủng hoảng ngay ngày mai. Nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Mỹ mạnh và có sức cạnh tranh không kém gì bất cứ nền kinh tế nào khác trên thế giới. Sự nguy hiểm là ở chỗ hệ thống chính trị Mỹ đã mất khả năng điều hành, nó không thể giải quyết được bất cứ vấn đề nào mang tính xuyên thế hệ, và điều đó sẽ từ từ, chậm rãi ăn mòn sức mạnh và tài sản của cả xã hội. Mỹ sẽ dần dần hạn chế nhập cư, dần dần chấm dứt cam kết tự do thương mại, dần dần cho phép cắt giảm ngân sách nghiên cứu, dần dần để chất lượng trường công trở nên tầm thường, và chỉ dần dần ra mặt đối phó với thách thức năng lượng. Mọi thứ sẽ tiếp tục diễn ra như thế, như thế, cho đến khi dừng lại, cho đến một ngày chúng ta sực tỉnh, nhìn quanh và phát hiện ra đất nước mình đã thực sự tụt lại phía sau.

Một người bạn của tôi là Rob Watson, làm tư vấn môi trường, rất thích nói thế này: “Anh biết không, nếu anh nhảy xuống từ tầng thượng một tòa nhà 80 tầng thì cảm giác thực tế không khác gì nhảy từ tầng 79 đâu. Anh chỉ biết cái cảm giác khi anh đột ngột chạm đất thôi”. Nếu chúng ta không thức tỉnh, thì chúng ta sẽ đến đúng chỗ đó, cuối cùng đột ngột chạm đất.

Chúng ta nhất thiết phải tránh không để xảy ra kịch bản ấy. Kịch bản đó không phải là không tránh được, nhưng việc phải giải quyết vấn đề thì không còn né tránh được nữa. Mỗi ngày, tôi càng cảm thấy rõ ràng rằng chúng ta đang sống dựa trên giá trị thặng dư và cơ sở hạ tầng do Thế hệ Vĩ đại để lại mà không hề bổ sung thêm được gì. Trong khi thế hệ cha mẹ để lại cho chúng ta một nước Mỹ giàu mạnh hơn đất nước mà thế hệ ông bà để lại, thì chúng ta dường như sẽ để lại cho con cháu mình một nước Mỹ đang trên đà đi xuống.

George W. Bush nhậm chức tổng thống và ông ta đã quyết định không đòi hỏi từ người dân Mỹ bất cứ điều gì liên quan đến vấn đề năng lượng. Ngày 7/5/2001, trong một cuộc họp báo ngắn hàng ngày, Ari Fleischer, người phát ngôn Nhà Trắng, gặp phải câu hỏi: “Với lượng nhiên liệu tiêu thụ tính trên đầu người hiện tại của Mỹ lớn hơn nhiều so với mức tiêu thụ của người dân bất cứ nước nào trên thế giới, Tổng thống có tin rằng chúng ta cần thay đổi lối sống để giải quyết vấn đề năng lượng không?”

Fleischer đã trả lời: “Hoàn toàn không. Tổng thống tin rằng đó là lối sống Mỹ, và mục tiêu của những người lập chính sách phải là bảo vệ lối sống Mỹ. Lối sống Mỹ đó đem lại hạnh phúc cho mọi người”.

Fleischer tiếp tục bổ sung rằng dĩ nhiên tổng thống khuyến khích sử dụng nhiên liệu hiệu quả và bảo tồn nguồn năng lượng, nhưng anh ta cũng lặp lại câu trả lời trên, là tổng thống tin rằng “cách người Mỹ sử dụng năng lượng phản ánh sức mạnh của nền kinh tế, phản ánh lối sống mà người Mỹ đã ưa thích”. Và điều đó sẽ không thay đổi.

Sau sự kiện 11/9, tôi và nhiều người khác cho rằng chúng ta cần quy định mức thuế xăng là 26,42 cent/lít – “thuế yêu nước” – để giảm bớt sức mạnh của những kẻ khủng bố và để xây dựng lại cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng cho đất nước. Đáng lẽ George W. Bush, một chủ doanh nghiệp dầu mỏ Texas, có thể làm được điều ngang với việc Richard Nixon đi thăm Trung Quốc1 nếu chấm dứt tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông. Đáng lẽ đó có thể là khoảnh khắc thay đổi. Tổng thống hẳn sẽ dễ dàng giành được đa số phiếu thuận ở Quốc hội; chắc chắn cả nước sẽ ủng hộ ông. Giá xăng có thể tăng lên, nhưng điều đó sẽ khuyến khích nền kinh tế Mỹ sử dụng phương tiện tiết kiệm nhiên liệu và chạy bằng năng lượng tái tạo, qua đó nước Mỹ không bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt giá dầu tăng rất cao năm 2008. Nhưng không, tổng thống lại kêu gọi một đợt cắt giảm thuế khổng lồ, đồng thời làm chúng ta thêm phụ thuộc vào Trung Quốc khi vay nợ họ để bù đắp thâm hụt, cũng như phụ thuộc vào Saudi Arabia khi cần họ mới đổ đầy được bình xăng. Đến cuối nhiệm kỳ, George W. Bush nhận thấy mình buộc phải đến Saudi Arabia với mục đích rõ ràng là xin Vua Abdullah giảm chút ít giá xăng cho chúng ta. Tôi nghĩ, cuộc đời thật công bằng khi ông, ngài tổng thống, sau sự kiện 11/9 đã nói với người dân rằng hãy tiêu xài (thay vì cần thắt lưng buộc bụng để chấm dứt sự phụ thuộc vào dầu mỏ), và cuối cùng chính ông, ngài tổng thống, đã phải đi vòng quanh thế giới để tìm mua dầu giảm giá.

Tóm lại, cách thức hành động thời hậu 11/9 là một trong những cơ hội xây dựng lại đất nước lớn nhất trong lịch sử đã bị chúng ta bỏ qua.

Donald Rumsfeld, lúc đó là bộ trưởng quốc phòng, khi được binh lính hỏi tại sao ông ta và các đồng nghiệp của ông lại bắt họ chiến đấu ở Iraq trong khi không được trang bị thích hợp, đã trả lời: “Các bạn phải chiến đấu với những gì mình có chứ không phải những gì các bạn muốn hay hy vọng sẽ có về sau”. Về nhiều mặt, câu trả lời này đã tóm lược ngắn gọn tình hình nước Mỹ hiện tại. Chúng ta đã quyết định sẽ tiến vào tương lai với chính phủ mà chúng ta đang có chứ không phải chính phủ mà chúng ta muốn, thích hay cần có. Nhưng không thể chỉ tiến vào tương lai với chính phủ này, vì như câu nói nổi tiếng của nhà thơ Pháp Paul Valéry: “Khó khăn của thời hiện tại chính là tương lai sẽ không giống hiện tại”. Thời đại trước mắt vừa gian nguy hơn, nhưng cũng vừa nhiều cơ hội hơn vẻ bề ngoài của nó. Để phát triển trong thời đại đó, nước Mỹ phải ở vị thế tốt nhất của mình.

Tôi tin rằng xã hội đã sẵn sàng; họ đã đi trước các chính trị gia. Vào tháng 8/2007, tôi đến Iraq với tư cách là phóng viên đi cùng Tư lệnh vùng Trung Đông thời điểm đó, đô đốc William Fallon. Chúng tôi đến thăm một bệnh viện dã chiến của Mỹ ở Balad, miền Trung Iraq. Ở đây có thể thấy toàn cảnh sự điên rồ mang tên Iraq: lính Mỹ bị thương bởi những mảnh bom trong các vụ đánh bom tự sát, phiến quân bị trúng đạn vào bụng, và một bé gái mới hai tháng tuổi quấn đầy băng vì bị thương do bom tự chế của phiến quân.

Có một lúc đô đốc Fallon nói chuyện với các nhân viên bệnh viện, những người làm việc theo những nhiệm kỳ luân phiên 30 ngày, 60 ngày, 180 ngày. Ông hỏi họ làm thế nào để phối hợp giữa những người đến rồi lại đi. Một giọng nói của một nữ y tá từ phía sau cất lên: “Thưa đô đốc, vì tất cả chúng tôi là một đội thống nhất”.

Tôi nhìn quanh phòng. Tôi thấy những công dân Mỹ gốc Phi, gốc Latin, gốc Á, gốc Trung Á – đủ các nhóm cư dân hỗn hợp tạo thành nước Mỹ – đang làm việc chung với nhau. Một nửa trong số họ là phụ nữ, trong đó có những người đã sống xa gia đình và con cái sáu tháng hoặc một năm để phục vụ ở đây.

Tôi bước ra ngoài, lắc đầu, thầm nghĩ: “Chúng ta đã làm được gì để xứng đáng với những con người tuyệt vời này?”.

Tôi không biết câu trả lời là gì, nhưng tôi biết chắc một điều: Họ xứng đáng có một chính phủ và một chương trình hành động quốc gia tương xứng với sự cống hiến, với lý tưởng của họ. Nếu có từng này người sẵn lòng đăng ký tham gia làm việc vì đất nước ở Iraq thì hãy tưởng tượng liệu có bao nhiêu người sẵn lòng phục vụ tổ quốc ngay tại quê hương khi họ có cơ hội giúp phục hồi, tiếp thêm sinh lực cho nước Mỹ để đất nước thể hiện được tất cả tiềm năng của mình? Họ xứng đáng có cơ hội đó. Họ xứng đáng với nhiều thứ hơn là máy dò kim loại. Họ xứng đáng với một nước Mỹ thống nhất và có mục tiêu chung, chứ không phải kẻ thù chung.

Và tất cả đưa tôi trở về với Mã xanh. “Dấu hiệu cho thấy các công ty và các quốc gia liên tục phát triển là họ liên tục tự khám phá ra năng lực của bản thân mình”, David Rothkopf, một chuyên gia năng lượng và là học giả của Quỹ Carnegie Endowment đã nói như vậy. “Chúng ta đã khám phá ra mình có sức mạnh công nghiệp tầm lục địa vào thế kỷ 19, sức mạnh công nghiệp toàn cầu vào thế kỷ 20 và là một xã hội thông tin toàn cầu vào thế kỷ 21”. Bây giờ, chúng ta phải tự khám phá bản thân một lần nữa, vì chính chúng ta và vì cả thế giới. Biến nước Mỹ thành quốc gia xanh sạch nhất không phải là một hành động ích kỷ, từ thiện hay mang tính đạo đức ngây thơ. Giờ đây đó là vì sự an toàn của cả quốc gia và vì lợi ích kinh tế.

“Xanh không đơn giản chỉ là tạo ra nguồn điện mới”, Rothkopf nói thêm. “Đó còn là tạo ra thời kỳ sức mạnh quốc gia mới”. Tôi muốn nhắc lại câu nói này. Xanh không đơn giản chỉ là tạo ra nguồn điện mới. Đó còn là tạo ra thời kỳ sức mạnh quốc gia mới. Xanh không chỉ là thắp sáng nhà bạn, đó còn là thắp sáng tương lai đất nước. Hãy làm thử bài trắc nghiệm tư tưởng sau: Bạn muốn một nước Mỹ như thế nào? Một nước Mỹ phụ thuộc vào dầu mỏ nên sẽ tiếp tục bơm tiền cho những chế độ độc tài nhất thế giới, hay một nước Mỹ xanh đang tìm ra nhiều nguồn nhiên liệu thay thế cho dầu thô, qua đó giải phóng bản thân khỏi sự kiềm chế của các quốc gia khác, những kẻ đã tấn công sau lưng hoặc đi theo hệ giá trị mà nước Mỹ phản đối?

Bạn muốn một nước Mỹ như thế nào? Một nước Mỹ tiếp tục đẩy ngày càng nhiều việc làm ngành chế tạo giản đơn, sử dụng nhiều sức lao động cho Trung Quốc, hay một nước Mỹ xanh ngày càng tạo ra nhiều việc làm trong ngành công nghệ xanh hàm lượng tri thức cao, có công trình xây dựng xanh, phương tiện xanh, nguồn điện xanh – những lĩnh vực khó thuê nước ngoài làm hơn và phải là ngành công nghiệp chính trong tương lai khi nguồn cung nhiên liệu hóa thạch thu hẹp còn dân số tiếp tục tăng lên?

Bạn muốn một nước Mỹ như thế nào? Một nước Mỹ với ngày càng nhiều khu đô thị lộn xộn lấn át các khu đất đai, hay một nước Mỹ xanh với các thành phố phát triển về chất lượng thay vì quy mô, với hệ thống mạng lưới đường sá rộng lớn thay vì tắc nghẽn khắp nơi, với mọi tòa nhà mới dựng lên đều là những tòa nhà xanh?

Bạn muốn một nước Mỹ như thế nào? Một nước Mỹ có chính phủ nới lỏng các tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu của ô tô, công trình xây dựng, trang thiết bị, khiến cho các ngành công nghiệp ngày càng chậm cải tiến, hay một nước Mỹ xanh với chính phủ áp dụng tiêu chuẩn sử dụng nhiên liệu ngày càng cao, buộc xã hội phải thường xuyên có những ý tưởng mới xung quanh vấn đề nguyên liệu, nguồn điện, phần mềm năng lượng, nhờ đó trở thành quốc gia có hiệu quả năng lượng nhất thế giới?

Bạn muốn một nước Mỹ như thế nào? Một nước Mỹ không có mục tiêu quốc gia nào quan trọng, hay một nước Mỹ xanh, trong đó việc tìm ra nguồn điện dồi dào, sạch, ổn định và rẻ tiền để cả hành tinh này có thể phát triển mà không phá hủy sinh cảnh tự nhiên là mục tiêu chính của thế hệ hiện tại, qua đó tạo cảm hứng cho giới trẻ đi vào nghiên cứu toán học, khoa học, sinh học, vật lý và công nghệ nano?

Bạn muốn một nước Mỹ như thế nào? Một nước Mỹ bị cả thế giới để ý khi là nước cuối cùng còn chưa tham gia hiệp định môi trường trong các hội nghị toàn cầu, khiến cho các nước khác coi thường, hay một nước Mỹ xanh được nhìn nhận là quốc gia quan tâm nhất đến vấn đề bảo vệ môi trường và các loài sinh vật, và được các nước khác tôn trọng?

Người Trung Quốc có câu tục ngữ: “Khi gió đổi chiều, có kẻ xây tường ngăn và có người làm cối xay gió”. Người Mỹ sẽ làm gì? Xây tường bao quanh đại sứ quán và trụ sở các công ty Mỹ, dựng hàng rào thuế quan bảo hộ sản phẩm trong nước, hàng rào thương mại cho nền kinh tế, tạo hàng rào pháp lý vì quyền lợi các nhà sản xuất ô tô, lắp hàng rào điện tử bảo vệ đường biên giới, đặt hàng rào quân đội tách biệt mình khỏi bạn bè và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho kẻ thù, và nghĩ ra hàng rào thị thực để cản trở khách khứa đến thăm, sống cùng giấc mơ Mỹ, hòa nhập với cộng đồng chúng ta và làm phong phú thêm nền văn hóa Mỹ? Hay chúng ta sẽ sản xuất ra cối xay gió, với đủ hình dạng, màu sắc, mùi vị và kiểu cách, để sử dụng và xuất sang các nước khác?

Phải, gió đã đổi chiều. Trước mắt nước Mỹ sẽ là một kỷ nguyên mà chúng ta sẽ bị hạn chế cả về cuộc sống, hệ sinh thái, nền kinh tế và lựa chọn chính trị nếu không tìm ra nguồn năng lượng sạch hơn cho tương lai cũng như cách tốt hơn để bảo vệ thế giới tự nhiên. Vì thế, tôi khẳng định rằng người Mỹ phải làm ra cối xay gió. Tôi khẳng định rằng nước Mỹ phải đi đầu.

Ở nước Mỹ ấy, chim trời sẽ lại bay qua, với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của cụm từ này: Không khí sạch hơn, môi trường trong lành hơn, thế hệ trẻ sẽ thấy lý tưởng của họ được chính phủ thực hiện, và nền công nghiệp có nhiều công cụ hơn để đem lại lợi ích cho bản thân mình và cho cả hành tinh. Nước Mỹ ấy cũng sẽ lấy lại được bản sắc của mình chứ không chỉ sự tự tin vốn có, bởi lại một lần nữa nước Mỹ sẽ đi đầu thế giới trong nhiệm vụ chiến lược quan trọng nhất, giá trị nhất của thời đại.

Cho đến giờ người Mỹ đã sống quá lâu bằng thời gian và tiền bạc vay mượn. Chúng ta phải quay lại làm việc vì đất nước, vì Trái đất. Thời điểm để bắt đầu đã muộn, rủi ro không thể lớn hơn, nhiệm vụ không thể khó khăn hơn, và lợi ích thu được không thể nhiều hơn được nữa.

Toàn bộ nội dung phần tiếp theo của cuốn sách này sẽ xoay quanh vấn đề làm cách nào để thực hiện được điều đó.
 
(Còn tiếp)
Other News