Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

CHỈ CẦN HỎI TÊN CON TÔI LÀ BIẾT TÔI HÂM MỘ CHÚ ÁNH CỠ NÀO!
Update Date: 06/20/2013

Một hôm, chị Hải hàng xóm đi ngang qua cửa hàng nhà tôi, trông thấy tôi đang ngồi trông hàng cho mẹ liền hỏi: Châu có biết “chị hai nhỏ Châu” không? Trong khi tôi còn đang không hiểu chị Hải hỏi gì vì tự dưng chị ấy dùng từ miền Nam, trong khi chúng tôi sống ở Hà Tây. Rồi chị bắt đầu kể về nhân vật “chị hai nhỏ Châu” trong truyện Trại hoa vàng cho tôi nghe… Tôi đã biết đến chú Nguyễn Nhật Ánh và truyện của chú như thế đấy. Sự trùng hợp ngẫu nhiên từ cái tên

Lúc đầu, tôi mượn chị Hải truyện, đọc và thấy rất thú vị. Thú vị nhất là cách chú viết, cách miêu tả nhân vật. Rất thật và gần gũi. Dù nơi diễn ra những câu chuyện của chú cách xa nơi tôi ở về mặt địa lý nhưng sao tôi vẫn thấy một phần của mình trong đó. Sau thời gian đi mượn truyện là lúc tôi biết được nơi thuê truyện của chị Hải, chị cũng chả có nhiều tiền vào thời đó nên mấy chị em rủ nhau thuê chung. Chính vì vậy chúng tôi phải đọc tranh thủ mọi lúc mọi nơi để trả truyện cho kịp trong vòng một ngày. Nếu không, tiền thuê sẽ bị nhân đôi. Tôi nhớ có lúc mải đọc quá, chẳng nghe được mẹ bảo gì. Thế là sau nhiều lần nhắc lại, tôi bị mắng, còn quyển truyện thì bị xé. Đối với một gia đình không dư dả như nhà tôi vào hồi đó thì thuê truyện không nằm trong danh sách được ưu tiên. Thuê truyện đồng nghĩa với việc dễ bị cận, không tốt. Nhưng sau lần đó, biết tôi thích truyện của chú Ánh và biết đó không phải là truyện toàn tranh, ít chữ, toàn là “bùm” “chát” như mẹ tôi vẫn thấy mọi người kể, thế nên mẹ tôi đã đồng ý cho tôi tiền để đền quyển truyện bị mẹ xé và tất nhiên là cả tiền thuê những cuốn sau này nữa.

Khi anh trai của tôi bắt đầu ra thị xã Hà Đông học cấp 3 cũng là lúc tôi có ý định không chỉ dừng lại ở việc thuê truyện, tôi muốn có những quyển truyện Kính vạn hoa, Trại hoa vàng, Nữ sinh, Hạ đỏ hay Mắt biếc… là của riêng mình. Tôi bắt đầu tiết kiệm tiền bằng việc làm thêm vào kì nghỉ hè. Tuy chỉ mua được những quyển truyện cũ nhưng đối với tôi đó là cả một niềm vui. Tôi nhớ mãi, mỗi hôm anh trai đi học về, câu đầu tiên tôi hỏi anh: “Hôm nay anh có mua được thêm quyển nào không ạ?”. Nghĩ cũng buồn cười, đôi khi anh tôi mang về tập 2, tập 3 hoặc tập 4 của truyện Bàn có năm chỗ ngồi, Bong bóng lên trời, Còn chút gì để nhớ, Phòng trọ ba người, Buổi chiều Windows hay Đi qua hoa cúc… (thời đó truyện của chú Ánh in thành nhiều tập nhỏ) nhưng tôi vẫn đọc say sưa. Tôi sẽ đọc tập 1 sau và tôi vẫn hiểu. Dần dần bộ sưu tập của tôi cũng kha khá, tuy rằng mỗi quyển trong một bộ truyện có một hình dáng khác nhau, có tập rách hết trang bìa, không có tấm hình quen thuộc của chú Ánh bên trên và tóm tắt nội dung bên dưới, có quyển tái bản đến lần thứ mấy nằm cạnh quyển vừa được ra mắt…

Trước khi vào đại học, tôi đã có gần đủ các truyện của chú Ánh dành cho tuổi thanh thiếu niên. Tôi không biết những fan hâm mộ chú có giống tôi không nhưng riêng bản thân tôi thấy: Ở mỗi một độ tuổi khác nhau, đọc truyện chú Ánh sẽ có cái nhìn và suy nghĩ khác nhau. Nếu như hồi tôi còn học cấp 2, khi đọc truyện của chú tôi thấy một phần của đứa học sinh nghịch ngợm trong đó, một phần của một đứa trẻ chưa biết đến những rung động đầu đời như thế nào nhưng cũng thấy buồn buồn khi Quỳnh phản bội, khi Hà Lan cứ mãi hững hờ và không hiểu vì sao một anh chàng học lớp 10 lại cứ cố gắng làm chị Ngà vui... Khi vào cấp 3 tôi đã thấy một phần tình cảm của mình trong các nhân vật, có khi là loạn nhịp tim khi nhận được quà tặng mặc dù trong lòng thì chẳng có tình cảm gì, có khi là thầm thích một thầy giáo trẻ để rồi nghĩ vu vơ kiểu như mình cũng giống Thục. Một kỉ niệm khá “ngọt ngào” theo đúng nghĩa đen của nó: Tôi thấy tôi trong bóng dáng Xuyến, Thục, Cúc Hương khi nhận được mẩu giấy làm quen của một bạn trai lớp buổi sáng. Điều đặc biệt là người đó viết thư làm quen và chủ động gọi tôi là Muội Muội. Mới nghe thôi đã thấy mình giống nhân vật của chú Ánh rồi

Lên đại học và ra trường, với cái nhìn của một người trưởng thành ngoảnh lại thời đã qua, với những kinh nghiệm từ truyện của chú Ánh, tôi sẽ cố gắng không la rầy khi con tôi muốn đặt tên lại thế giới hoặc tưởng tượng một cái gì đó khác đi so với cái chậu rửa mặt hằng ngày hoặc khi con tôi muốn ăn bằng đĩa thay vì bằng bát...

Dù đi làm nhưng tôi vẫn giữ thói quen thỉnh thoảng lôi tất cả truyện chú Ánh ra đọc lại. Tôi thuộc tên tất cả các nhân vật: “Liên móm”, “Phú ghẻ”, “Bà La Sát”… và những những câu nói “bất hủ” kiểu “Tam giác Béc – mu – đa”,  “Tiểu Ly tức là đi tiểu vào trong ly”, “Có gì thì ngồi xuống uống miếng nước ăn miếng bánh rồi từ từ...”... Thấy tôi đọc đi đọc lại nhiều lần mẹ tôi hỏi: Thế vẫn chưa chán hả con? Thậm chí mẹ tôi còn bó tay khi thấy tôi lôi truyện về bên nhà chồng để đọc lại vì thời gian đó tôi mới phát hiện ra là mình có bầu. Mọi người thường nghe nhạc Mozart hay nhạc không lời gì gì đó chứ riêng tôi, chỉ cần tôi đọc lại Tôi là Bêtô, Cô gái đến từ hôm qua, Trại hoa vàng, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Đảo mộng mơ, Nữ sinh... là tôi thấy tâm trạng vui rồi. Và tôi nghĩ điều đó cũng tốt cho Tí sún của chúng tôi. Nếu ai là fan ruột của chú Ánh chỉ cần hỏi tên con trai tôi sẽ biết tôi hâm mộ chú đến chừng nào. Sự hâm mộ của tôi còn lan sang cả chồng, anh không thích tự đọc mà lại thích nghe người khác đọc hoặc kể lại, và biết đâu sau này khi biết nguồn gốc tên của mình, Tí sún của chúng tôi cũng sẽ hâm mộ ông Ánh như mẹ cháu.

TRNH TH CHÂU
(Hà Ni)

Other News