Trước giờ quan hệ của em và anh em thế nào?
Em nghĩ là bình thường có điều tụi em độc lập với nhau. Lúc trước hai anh em cũng có chơi chung, có một thời em còn xem anh ấy là thần tượng, nhưng chỉ đến khi em học lớp 8 thôi. Càng ngày tụi em càng ít có dịp trò chuyện thân mật. Em không thích cái giọng kẻ cả, lên lớp của anh ấy mỗi lần nói chuyện. Anh ấy học giỏi từ bé, lên cấp ba có chểnh mảng đôi chút nhưng nói chung được thầy cô để ý nhiều. Ba mẹ em luôn hướng cho em vào những trường mà anh ấy đã học qua nên các thầy cô đều quen mặt và hay so sánh hai anh em với nhau. Có vẻ như em không thể nào bằng được anh ấy.
Anh em học giỏi vậy thì em sẽ có người để kèm cặp, hỏi han trong việc học tập. Điều đó không tốt sao?
Có thể với những gia đình khác thì như vậy thật, nhưng với em chưa bao giờ có chuyện đó. Nghĩ cũng buồn cười, anh ấy làm gia sư cho nhiều người, trong đó có những đứa bạn mà em quen biết nhưng em lại không muốn anh ấy dạy mình. Em nghĩ điều đó không cần thiết, hoặc cũng có thể em đã quen với việc tự học từ cấp hai. Bạn bè và thậm chí là cả các thầy cô của em nữa không hiểu được điều đó, lúc em học giỏi, họ cứ nghĩ đó là nhờ anh em kèm cặp, lúc em sa sút lại trách em không chịu cố gắng noi gương anh... Những ý nghĩ ấy làm em khó chịu.
Đó là lúc em bắt đầu có ý thức về việc phải vượt qua “cái bóng” của anh mình?
Có lẽ là vậy. Không phải chỉ ở trường em mới có cảm giác đó. Ngay ở nhà, mọi chuyện lớn nhỏ, ba mẹ đều tham khảo ý kiến của anh, kể cả những chuyện có liên quan đến em. Mẹ cưng em nhưng lúc nào mẹ cũng xem em như một đứa bé. Mỗi khi em tỵ nạnh điều gì với anh mẹ đều “xoa” theo kiểu: Con còn bé, rồi sau này lớn như anh, con cũng được vậy thôi... Nhưng thử hỏi đến bao giờ em mới “lớn như anh” trong mắt mẹ được, vì dù cho có mấy chục tuổi đi nữa thì em vẫn cứ thua anh bốn tuổi cơ mà! Em trở nên tự ti trước vị trí của mình ở nhà cũng như ở trường.
Nói thì thật không phải nhưng những lúc thấy anh gặp chuyện không hay, đôi lần sa sút việc học hoặc bị mẹ trách mắng, em cảm thấy... vui nhiều hơn là lo lắng. Trong em luôn có ý nghĩ mình phải làm một điều gì đó để vượt qua anh. Tất nhiên để tránh mọi người hiểu lầm là “nhờ anh” thì em phải chọn cái gì càng khác anh càng tốt. Em không muốn mình trở thành bản sao của anh ấy.
Việc em chọn một ngành không liên quan đến kinh doanh cũng là một hướng đi để khác với anh của em?
Riêng việc này thì không hẳn là như vậy. Trước đó em toàn học và sống theo những gì đã được ba mẹ vạch sẵn. Có những khi em thấy mình hụt hơi, mất phương hướng và trở nên vô cảm. Em thèm những điều thú vị mà bạn bè quanh mình đang được hưởng. Thế nên em muốn chạy lệch ra khỏi “đường ray” ấy. Hơn nữa, em thấy mình không lanh lẹ như anh, em cũng không thể nào hợp được với thế giới kinh doanh. Em muốn dành lựa chọn duy nhất này cho mình, làm điều mình thích. Không phải chỉ để đi ngược lại điều gia đình em mong muốn mà còn để mọi người thấy em có quyền quyết định chuyện của mình và trên hết để khẳng định em không phải là trẻ con nữa!
Em có nghĩ tại sao những điều đó lại bùng phát vào tuổi 18 chứ không phải là sớm hơn hoặc muộn hơn một chút?