Nourishing soul, Broadening mind

Góp Ý

CẨM NANG NHÀ TỰ NHIÊN KINH TẾ - KỲ 1
Update Date: 12/20/2010

Mời bạn đọc trích đoạn trong quyển sách CẨM NANG NHÀ TỰ NHIÊN KINH TẾ với kỳ 1: Những gì ta dạy có quyết định việc ta làm hay không?

Tranh biếm họa của tờ New Yorker vẽ hình một quý ông đứng tuổi, giàu có đang trò chuyện với cháu trai khi đi dạo trong rừng. Ông nói với cậu bé: “Biết về cây cối cũng tốt đấy. Nhưng cháu cần nhớ rằng không ai kiếm được nhiều tiền nhờ kiến thức ấy cả”.

Lời khuyên ấy rất giống với lối lập luận của mô hình Nhân tố lý trí (rational actor) trong kinh tế. Mô hình này giả định rằng mọi người đều có tính tư lợi theo nghĩa hẹp. Hiểu biết về cây cối hẳn nhiên là tốt, nhưng trong thế giới cạnh tranh khốc liệt này, những người không liên tục theo đuổi lợi ích riêng có thể sẽ bị gạt ra ngoài lề cuộc đua.

Tư lợi chắc chắn là một động cơ quan trọng của con người và thuyết tư lợi từ lâu đã có giá trị giải thích vững chắc. Ví dụ, khi giá xăng dầu tăng thì người ta mua xe hơi động cơ lai (hybrid) nhiều hơn và lắp thêm tấm cách nhiệt trên mái nhà.

Một số nhà kinh tế học còn khẳng định rằng tính tư lợi có thể dùng để giải thích hầu hết mọi hành vi. Như tác giả Gordon Tullock thuộc Đại học George Mason đã viết: “95% con người có tính vị kỷ theo nghĩa hẹp của từ này”. Điều đó có đúng không? Hay chúng ta thường quan tâm đến những quy tắc xã hội và văn hóa buộc ta phải gạt tính tư lợi qua một bên nhân danh những điều tốt đẹp lớn lao hơn?

Khi tìm những ví dụ thực tế trái với dự báo của mô hình kinh tế tiêu chuẩn, tốt hơn nên bắt đầu ở Pháp. Trong kỳ nghỉ mới đây tại Paris, tôi đã thấy rất nhiều ví dụ như vậy, nhưng đặc biệt có một trường hợp đáng chú ý hơn cả. Vào một buổi tối giữa tháng 11, tôi nhờ người hàng xóm vốn làm nghề kinh doanh rượu vang chỉ giúp loại champagne ngon. Đó là tuần lễ trước lễ Tạ ơn, vợ chồng tôi đã mời vài người bạn Mỹ đến nhà dùng bữa tối với món gà tây.

Ông hàng xóm tình cờ lại đang có chai champagne rất ngon bán giảm giá, chỉ 18 euro một chai (giá gốc là 24 euro). “Tuyệt vời”, tôi đáp và hỏi xem ông ấy có chai rượu mùi nào không, vì vài vị khách thích món rượu pha Hoàng gia – loại cocktail trộn lẫn champagne và rượu mùi. Ông bảo, để làm món ấy thì không cần dùng champagne cao cấp vì không ai phân biệt được chất lượng của nó khi trộn với rượu mùi. Vậy thì tôi nên mua thứ gì? Ông mang ra một chai rượu mà theo ông là hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của tôi.

Nhưng loại champagne này lại không giảm giá. Khi ông cho biết loại rượu này có giá 20 euro một chai – nghĩa là đắt hơn loại cao cấp 2 euro – chúng tôi cùng bối rối im lặng một lúc. Rồi tôi hỏi ông nếu dùng champagne cao cấp pha cocktail thì hương vị của nó có kém ngon không, tuy đã đoán biết câu trả lời. Ông cam đoan là không. Thế rồi tôi mua vài chai champagne loại ngon vì biết vài khách khác cũng muốn uống champagne không pha. Ông không phản đối gì nhưng tôi cảm thấy từ lúc đó ông bắt đầu xem tôi là một gã người Mỹ thô lỗ kém tinh tế.

Với nhiều người Pháp, lối tư duy của mô hình tư lợi bị nguyên tắc thẩm mỹ trong cách chọn champagne cho những mục đích cụ thể khác nhau lấn át. Nguyên tắc ấy dẫn đến một kết quả chung tốt đẹp hơn vì loại champagne ngon nhất được dùng cho những dịp chất lượng đóng vai trò quan trọng. Tuy bản thân tôi được lợi khi phớt lờ lời khuyên của người buôn rượu (vì tôi được uống loại champagne ngon hơn với giá rẻ hơn) nhưng đồng thời cũng lãng phí một phần số champagne cao cấp đã mua.

Tất nhiên, Pháp không phải là nơi duy nhất mà những dự báo dựa trên mô hình tư lợi tỏ ra không chính xác. Nhiều người Mỹ cũng để lại tiền boa sau khi ăn tối tại nhà hàng mà họ sẽ không bao giờ ghé lại lần nữa. Họ chịu khó đi bầu tổng thống dù một lá phiếu đơn lẻ không thể xoay chuyển kết quả bầu cử ở bất kỳ bang nào. Họ ẩn danh khi đóng góp từ thiện. Xét từ quan điểm xã hội, họ sẵn lòng bỏ qua tính tư lợi trong trường hợp điều đó đưa lại kết quả tốt hơn là hành động theo lợi ích cá nhân thuần túy.

Vậy niềm tin của chúng ta về động cơ của con người có giá trị gì không? Trong một nghiên cứu thử nghiệm về các đóng góp cá nhân cho một dự án chung, hai nhà xã hội học từ Đại học Wisconsin là Gerald Marwell và Ruth Ames nhận thấy rằng các sinh viên cao học năm thứ nhất ngành kinh tế học đóng góp chưa bằng một nửa so với sinh viên các khoa khác.

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng càng tiếp xúc nhiều với mô hình tư lợi thì người ta càng dễ có hành vi tư lợi. Trong một thí nghiệm khác, mức độ hợp tác giữa những sinh viên chuyên ngành kinh tế thấp hơn so với những sinh viên còn học đại cương, mức độ chênh lệch tăng tỉ lệ thuận với thời gian học chuyên ngành.

Tôi không có ý nói các đồng nghiệp của mình sai khi nhấn mạnh tầm quan trọng của tính tư lợi. Nhưng nếu cho rằng đó là động lực quan trọng duy nhất của con người thì ta đã bỏ sót những yếu tố khác không kém phần quan trọng. Phiền hơn nữa là mô hình tư lợi theo nghĩa hẹp không chỉ khiến chúng ta trông đợi điều tệ nhất ở người khác mà còn khiến chúng ta hành xử theo cách tệ nhất.

Có lẽ những học thuyết về hành vi con người mà các ngành học khác theo đuổi cũng ảnh hưởng đến người học theo cách tương tự. Ví dụ, nguyên tắc cốt lõi của ngành sinh vật học hành vi là giống đực thường có xu hướng “ngoại tình” hơn giống cái. Liệu các nhà sinh vật học dạy kiến thức này suốt cả năm có trở lên dễ lạc lòng hơn không?

Nhiều năm trước đây, tôi dùng cơm tối với một nhóm những nhà sinh vật học, trong đó có một cặp vợ chồng. Sau khi giới thiệu những nghiên cứu cho thấy việc học kinh tế khiến khả năng hợp tác giảm, tôi hỏi có ai từng nghiên cứu xem nam giới trong ngành sinh vật học có khả năng ngoại tình cao hơn các học giả ngành khác hay không. Sự im lặng khó chịu ngay sau câu hỏi đó khiến tôi tự hỏi phải chăng mình đã lỡ chạm trúng điểm dữ liệu của nghiên cứu ấy.

Nhưng cho dù các nhà sinh vật học cũng bị ảnh hưởng bởi học thuyết của họ như giới kinh tế học, thì họ vẫn khác biệt giới kinh tế ở một điểm: giả thuyết phổ biến nhất của họ không mấy sai biệt với giả thuyết của người Pháp như giả thuyết của giới kinh tế hai nước.

New York Times, 17/02/2005

Other News